Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănHội Chợ Ở Minnesota Và Những Cảm Nghĩ Rời

Hội Chợ Ở Minnesota Và Những Cảm Nghĩ Rời

Mùa hè năm nay thời tiết lạ lùng. Nóng và ẩm. Những cơn giông vào buổi chiều cứ thế mà kéo về vần vũ trên bầu trời. Nhiệt độ ở mức 38, 39 độ C và có hôm đến 41, 42 độ. Nóng! Nóng! Nóng!

Thế nhưng những sinh hoạt vui chơi hằng năm cố định ngày giờ vẫn được tổ chức. Nó như là một điều kiện cần thiết trong đời sống của người dân nơi đây. Họ chia nhau quanh năm suốt tháng là những hội hè. Không tổ chức ở thành phố này thì tổ chức ở thành phố khác. Ngay cả mùa đông giá rét cũng có những đoàn xe diễn hành vào mùa lễ Giáng sinh và những tranh tài khắc tượng trên những cục đá đông cứng. Họ không để những khó khăn của thiên nhiên làm trái tim họ ngừng đập! Họ vui chơi, ca hát, nhảy múa khắp đường phố như một ân sủng mà Thượng Đế đã ban cho họ. Và họ đã sống hết mình, sống như chưa từng được sống!

Và tôi, trong dòng đời ấy, cũng hoà nhập theo đón nhận những niềm vui lan toả trong không gian, nhiều khi tưởng như mình không thuộc về! Biết đâu chẳng vì thế mà tôi có thể đứng xa xa ngắm nhìn để có thể cảm nhận trọn vẹn bầu không khí vui nhộn mà lại quá bình yên này!


Nơi tôi ở, hằng năm cứ vào 3 ngày cuối tuần của đầu tháng 8, hội chợ Nghệ Thuật (Art Fair) được tổ chức ở khu phố gọi là Up Town, nằm tại thành phố Minneapolis. Cả một khu phố, gồm mấy con đường đã được vòng lại, cấm xe qua lại trong ba ngày. Người ta chỉ đi bộ vào khu vực hội chợ mà thôi. Người ta có thể ghé từng gian hàng để ngắm nhìn, nếu thích thì mua. Vì là những món hàng đặc biết nên thường rất đắt tiền. Họ có thể triễn lãm giới thiệu bất cứ sản phẩm hàng hoá nào liên quan đến nghệ thuật, từ tranh ảnh, điêu khắc, đồ gốm, quần áo, thêu, đan với đủ loại hình nghệ thuật. Rồi ở góc đường này, hay ở khúc đường kia là những ban nhạc chơi ngoài trời, hát nhiều loại nhạc khác nhau làm tăng sự nhộn nhịp. Người ta có thể dừng lại, tìm một chỗ thích hợp, ngồi nghỉ chân trong khi thưởng thức âm nhạc. Tôi tin rằng âm nhạc đã làm cho con người trổi dậy những tình cảm yêu thương mà đôi khi chúng ta bỏ quên đằng sau những bôn ba bộn bề suy nghĩ. Và một nghệ thuật không thể nào thiếu trong mọi sinh hoạt của chúng ta là ẩm thực. Những quày hàng ăn uống đủ loại mùi vị từ đông sang tây khắp nơi lúc nào cũng đông đúc kẻ mua người bán!

Nhưng phải nói đến hội chợ ở mức tiểu bang là hội chợ “Minnesota State Fair”.

Minnesota State Fair (Hôi chợ tiểu bang Minnesota), đã bắt đầu vào ngày 23 tháng 8. Đây là hội chợ cấp tiểu bang lớn nhất nước Mỹ nếu dựa trên số lượt người tham dự trong hai tuần lễ. Hội chợ này được tổ chức hằng năm trong vòng hai tuần cuối tháng 8, luôn chấm dứt vào ngày thứ hai, ngày lễ Lao Động hằng năm. Lượng người đi trong hai tuần, có năm lên đến gấn hai triệu lượt người tham dự. Năm 2009, có ngày lên đến gần 250,000 người, thật là một ngày đông không ngờ được, các đường phố trong khuôn viên chợ chen chúc như nêm, nhiều ngày với cái nóng cuối tháng 8. Lượng người đông đúc như thế này đã làm tôi suy nghĩ, làm cách nào để ban tổ chức có thể chu đáo đến từng nhu cầu đòi hỏi của người tiêu dùng từ chuyện ăn uống, vệ sinh đến cấp cứu. Và tôi nhìn nhận rằng, họ đã có một đội ngũ tinh nhuệ với một tinh thần phục vụ rất chuyên nghiệp. Những trạm cấp cưú, xe cứu thương túc trực ngày đêm. Nhất là chuyện vệ sinh, đó là điều kiện ắt có. Bởi họ biết rõ rằng, có vào thì phải có ra. Họ đặt điều kiện này lên hàng đầu trong mọi tụ điểm vui chơi. Rõ ràng là tinh thần phục vụ của họ rất cao. Họ không hề chỉ biết nghĩ đến lợi nhuận mà bỏ quên những điều cơ bản cần thiết của con người, nên thiên hạ cứ tha hồ ăn uống vui chơi mà không sợ những khi có sự việc xảy ra ngoài ý muốn không biết chạy đi đâu! Đó là một trong những cái khác nhau mà tôi nhận thấy giữa đông và tây dù sư khác nhau này hình như không đáng được nhắc tới, nhưng với tôi, đó là sự bình yên!

Và đặc biệt của hội chợ này là vị trí. Hội chợ đã chiếm một vị trí rất rộng lớn và cố định giữa lòng thành phố, nối kết với trường Đại Học Minnesota, nơi mà ngành học nông nghiệp chăn nuôi và thực phẩm với những thửa ruộng lúa mì, vườn trái cây bạt ngàn để sinh viên thực tập nghiên cứu. Và cũng tại trường Nông nghiệp này, vào năm 1970, giải Nobel đã được trao tặng cho giáo sư Norman Borlaug khi ông thành công về việc nghiên cứu lúa mì, một loại lúa mà chúng ta có thể làm nhiều vụ mùa trong một năm. Thành công này đã giúp nhân loại, nhất là những nước đang phát triển giải quyết được nạn đói trong vòng chỉ vài năm. Hội đồng giải Nobel đã viết “Ông là người đã cứu rất nhiều người hơn bất cứ ai trong lịc sử nhân loại”. Một khám phá thành công vượt khỏi biên giới cá nhân đã được phổ biến giúp đỡ hơn hai mươi quốc gia trên toàn thế giới vượt qua đói khát. Mà sao đang nói về hội chợ mà tôi lại lang man với sự thành công của ông Borlaug? Phải chăng khu vực hội chợ gắn liền với khu vực trồng trọt chăn nuôi của trường hay hội chợ này là hội chợ ngoài những khu giải trí vui chơi, phần hấp dẫn và chính vẫn là những gian hàng triển lãm những sản phẩm, từ những sản phẩm kỷ thuật cao đến những sản phẩm nông nghiệp chăn nuôi. Nếu các bạn đi vào những nơi triễn lãm như thế, các bạn sẽ bịt mũi, nhưng đó lại là nơi nhiều người ghé thăm để tìm những hạt giống lạ, tốt…tìm những giống gà vịt, heo bà, ngựa tốt…..Để các bạn có thể hình dung chút ít về hội chợ này, tôi tả sơ qua nhé! Đó là khu vực với những toà nhà kiên cố, với những con đường có tên đường riêng, với những gian hàng ăn uống và những phòng triển lãm cố định. Nó giống như một khu phố nhỏ với nhiều khu công nghệ khác nhau. Có khu dành riêng thi đua và triễn lãm những sản phẩm của nông dân như ngựa, heo, bò, cừu, gà, vịt và nhiều loại gia cầm khác từ khắp nơi tụ về thi thố tài năng….Có một toà nhà gọi là Creative Activities, nếu năm nào tôi đi, tôi hay ghé toà nhà này đầu tiên, vì nó nằm sát cổng vào. Nơi ấy, tôi có thể hàng giờ ngắm nhìn những sản phẩm thủ công nghệ, từ những chiếc khăn quàng đến những chiếc áo len, những đôi bít tấc, hay những khăn bàn thêu trang trí rất đẹp mắt và nhiều loại hình thủ công nghệ khác nữa đã được lãnh giải qua những kỳ thi trong tiểu bang. Những món hàng này được trưng bày trong những tủ kinh, trang nhã, dưới ánh đèn vàng nhạt, tạo nên nét đẹp lạ kỳ. Bởi nhìn ngắm như thế để thấy rằng sức sáng tạo của con người vô cùng tận. Từ cách pha màu của những sợi len, từ những mẫu áo, từ những đường kim mũi chỉ, chúng cho ta thấy, nếu được tự do tư tưởng, chúng ta sẽ vượt thoát ra ngoài những đóng khung của những mũi đang lên và xuống thuần tuý! Nhưng nhìn tổng thể hội chợ, cũng như các hội chợ lớn nhỏ khác, ẩm thực luôn luôn đứng hàng đầu. Khắp nơi là những quán hàng ăn uống. và tiếp đến là trò chơi cho trẻ nít là chính. Nhưng âm nhạc cũng là một loại giải trí đấy sức sống và hấp dẫn không thể thiếu trong những lễ hội. Một chương trình đặc sắc về loại hình nghệ thuật này được tổ chức hằng đêm. Có nhiều ban nhạc nổi tiếng về có bán vé. Những tài năng âm nhạc của những người trẻ tuổi diễn ra hằng đêm trong không khí tưng bừng lễ hội với nhiều tiết mục đặc sắc từ hát xướng hay chơi những nhạc cụ, từ nhảy múa đến đánh trống đủ loại…Và hội chợ này đặc biệt, bởi sau hai tuần vui chơi, toàn bộ khu vực rộng lớn này đóng cửa và chờ đến cuối tháng 8 năm tới, sự im lặng lại trở về, trả lại cho người dân sống chung quanh khu vực này!

Và đêm qua, đêm đầu tiên để khai màn hội chợ, ban nhạc Staple với ca sĩ chính Bonnie Raid với dòng nhạc có khi là blue có khi như là Country music có khi chút rock xen kẻ làm thành một đêm nghe nhạc thật thú vị với gần 20,000 ngàn người tụ họp về ở sân khấu lộ thiên ngoài trời. Nhạc trỗi lên và mọi người cùng hoà nhập với bầu không khí vui nhộn này. Vé có rất nhiều hạng và tôi chọn giá vé rất khiêm nhường ở tuốt phiá sau và ở trên cao. Nhưng không hề gì, bởi nhạc chơi ngoài trời này, với một giàn loa tốt, tôi có thể nghe rất rõ và thưởng thức cũng thật trọn vẹn buổi nghe nhạc này. Nhưng như người ta nói, trong rủi có may, và trong may có rủi, trước giờ chấm dứt chương trình chừng 15 phút, một cơn giông đã tới, mưa ập xuống xối xả và chỗ tôi ngồi với giá vé khiêm nhường là nơi an toàn nhất, vì có mái che. Nhưng phải nói là người nghe nhạc rất bình tĩnh, kẻ mang theo dù, người mang theo áo mưa, đã tự làm chủ được mưa gió và họ đã ngồi yên nghe cho đến bản nhạc cuối cùng! Đúng 10 giờ, may mắn, mưa chỉ còn nhè nhẹ bay bay trong gió,giờ bắn pháo bông bắt đầu…Những quả pháo bông được bắn lên trong bầu trời đen…và những tiếng nổ vang trời…Sao bỗng dưng tôi lại liên tưởng đến những tiếng nổ ngoài trận mạc với những đóm hoả châu của một thời xa lắc!

Thật ra, điều làm tôi suy nghĩ và nhớ về đêm qua lúc nghe nhạc là cô thông dịch bằng cách ra dấu (sign language) để truyền đạt những lời ca cho những người mất khả năng nghe. Họ ngồi ở một góc và khi vô tình cặp mắt tôi bắt gặp hình ảnh cô thông dịch đang diễn tả những cung bậc âm nhạc – trầm bỗng qua những cử chỉ khi thì trải dài đôi cánh tay ra, vút lên trời cao, khi thì thòng đôi tay xuống ở những khúc nhạc không lời – trái tim tôi bồi hồi và nhớ về lần đầu tiên tôi nhìn thấy cảnh tượng này ở lớp học của tôi gần 30 năm trước.

Đó là giờ học toán đầu tiên ở truờng Đại học Minnesota, có khoảng chừng 150 sinh viên. Khi thầy giáo bắt đầu giảng bài, tôi thấy ở một góc bục giảng, có một người đang dùng tay ra dấu. Thầy giảng đến đâu thì người thông dịch ra dấu theo đến đó. Tôi cứ dán mắt vào mấy ngón tay của người thông dịch mà quên mất là tôi còn phải chú ý để nghe thầy giảng. Mà thiệt tình, có chú ý cũng có hiểu ông thầy nói gì đâu! Tôi không mất khả năng nghe như một vài sinh viên trong lớp học, nhưng những gì tôi nghe được chỉ là những âm thanh xa lạ chứ không phải là những con chữ. Nên tôi nghĩ tôi cũng điếc như họ vậy! Cả suốt mấy năm học, hể khi nào trong lớp có sinh viên nào mất khả năng nghe thì luôn luôn có người thông dịch ngôn ngữ ra dấu đi kèm. Thật là những phúc lợi xã hội đã dành tặng riêng cho những người thiếu may mắn luôn làm tôi thích thú, biết ơn, và ngưỡng mộ!

Trở về với cô thông dịch đêm qua. Cô mặt một bộ quần áo màu đen, hiện rõ dưới ánh đèn (spot light) khoanh vùng cô đứng ở một góc giữa mấy chục ngàn khán thính giả, đã thu hút ánh mắt nhìn của tôi một cách lạ lùng. Tai tôi nghe ca sĩ hát mà mắt tôi lại dán vào đôi cánh tay, đôi bàn tay và cả thân hình cô. Cô đã để hết tâm hồn vào từng động tác khi cô dịch lời ca, không chỉ là nghĩa của ca từ, mà toàn thể cử động đã nói lên sức mạnh, độ cao, thấp của từng nốt nhạc. Thật vậy tôi đã bị cô thu hút tôi thật rồi! Và tôi miên man suy nghĩ. Liệu những người mất khả năng nghe ở quê hương tôi có thể nào hưởng được những phúc lợi đẹp như thế, không phải chỉ những khi đi học, mà ngay cả những khi đi giải trí! (Không chừng sẽ có người thắc mắc, sao điếc mà còn nhiều chuyện đòi đi nghe nhạc). Và đó là bài học về tính nhân văn mà tôi đã học được không phải từ bài vở mà từ một hệ thống phục vụ lợi ích của người dân. Hình như tôi đang sống trong mộng ước! Và mộng ước biết đâu sẽ trở thành sự thật ở một nơi chốn xa lắc xa lơ, nơi mà tôi đã được sinh ra! Thôi nhé! Thôi thì tôi cứ ước mơ! Biết đâu! Rồi! Một hôm nào đó…

Sau cơn mưa, trời dịu lại. Lòng đường ướt át. Khu hội chợ về đêm, im lặng, trầm đục giữa những tiếng còi xe chở rác, cùng tiếng chân của “người phu quét lá bên đường, quét cả nắng vàng quét cả lối đi”, tôi mơ màng nhớ đến những đêm khuya với người phu quét rác bên đường của tôi ở một góc quê nhà!

Văng vẳng trong vài gian hàng ăn uống còn mở cửa về đêm, vọng ra những tiếng nhạc lời ca nhè nhẹ rơi vào trong không gian tĩnh lặng, êm đềm và yên tĩnh quá! Nơi này!

Nguyễn Kim Tiến
24 tháng 8 năm 2012

Hình: nguồn từ internet

10 BÌNH LUẬN

  1. RE: Hội Chợ Ở Minnesota Và Những Cảm Nghĩ Rời
    Tiến thân mến, chị đã đọc một mạch bài viết để biết thêm về hội chợ ở Minnesota. Chị cũng đã từng đi nhiều hội chợ ở Sydney, Las Vegas, San Francisco, Thụy Sỹ, Đức, Hồng Kông … trong vai trò người tham dự hoặc khách mời, khách viếng thăm, từ hội chợ chuyên ngành đến tổng hợp, nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy người thông dịch cho những người mất khả năng nghe ở hội chợ Minnesota như Tiến đã kể. Có lẽ vì chị chưa gặp dịp. Tuy nhiên điều mà chị để ý và rất cảm phục ở những nơi chị đã đi, là người khuyết tật luôn được đặc biệt chú ý ở mọi nơi, mọi lúc. Vì vậy mộng ước của Tiến về “hệ thống phục vụ lợi ích của người dân” cũng là mộng ước của chị từ 20 năm trước, lúc chị đi tham quan Bảo tàng, National Art Gallery ở Melbourne, Sydney … nhìn thấy những người ngồi trong xe lăn được tự vào đến tận bên trong để xem bằng lối đi riêng. Mộng ước đó đeo đuổi chị đến bây giờ… vẫn chưa thành hiện thực!

    • RE: Hội Chợ Ở Minnesota Và Những Cảm Nghĩ Rời
      Chị Tâm ơi,
      Chương trình nhạc này thật đặc biệt đó chị. Tiến ngạc nhiên và chính vì thế bị cuốn hút vào cô thông dịch này.
      Như chị thấy đó, một “hệ thống phục vụ lợi ích của người dân” không bao giờ hoàn chỉnh nhưng nó thay đổi mỗi ngày để hoàn chỉnh hơn. Những luật lệ thay đổi theo điều kiện sống vì nhận thức thay đổi. Chẳng hạn như bây giờ ở những toà nhà hay nhưng nơi công cộng, bắt buộc phải có lối vào ra dành riêng cho người đi xe lăn. Những phòng vệ sinh cũng phải có phòng dành riêng cho người tàn tật, vì cần rộng rãi để họ dễ di chuyển và có thiết kế riêng cho phù hợp….Nhiều nhiều lợi ích của người kém may mắn khác nữa mà Tiến không thể kể hết ra ở đây đã được chính phủ quan tâm càng lúc càng nhiều về nhiều phương diện…Thật là những lợi ích mà Tiến cứ mãi mong ước chị ạ. Hãy cứ ước mơ chị nhé. Biết đâu! Sau này! KT

  2. RE: Hội Chợ Ở Minnesota Và Những Cảm Nghĩ Rời
    Không chỉ là những ưu tiên trong mọi phương tiện xã hội đâu, mà trong giáo dục trẻ con từ bé người ta đã dạy sự tôn trọng và yêu thương cho những người kém may mắn: trong lớp học mẫu giáo, bên chạnh những con búp bê xinh đẹp, trẻ con đã được chơi cả với những con búp bê đen thui, búp bê ngồi xe lăn, búp nguoi già…
    nên không ngạc nhiên khi thấy tổng thống Mỹ là một nguoi da đen (chọn nguoi vì tài không vì màu da, phe phái) không ngạc nhiên khi đi đâu cũng thấy những lối đi, nhà vệ sinh riêng cho nguoi tàn tật, cho dù đó là một rạp hát lộng lẫy nhất (đó chính là tính xã hội thực sự không lý thuyết suông)
    Cám ơn Tiến về một bài viết rất hay và đã mang đến cho người đọc nhiều suy nghĩ

    • RE: Hội Chợ Ở Minnesota Và Những Cảm Nghĩ Rời
      Chị Hà xưa mến,
      Có nhiều lãnh vực mình không để ý đến cho đến khi mình chạm vào. Số là cách đây 10 năm, tụi Tiến bảo lãnh cô em. Cô có một đưá con lúc đó 2 tuổi. Trước khi qua đây, khám sức khoẻ mới biết là đứa nhỏ phát triển không bình thường. Qua đây, ở với Tiến, và từ đó Tiến mới có cơ hội biết đến những cơ quan chính phủ lo cho những đứa trẻ không bình thường. Xe bus đến nhà chở đi học ở trường đặc biệt, và qua bao nhiêu là xét nghiệm, mới đây BS xác nhận là khi sinh, bác sĩ bên VN đã để cháu trong bụng mẹ lâu quá, không lấy ra kịp thời nên một phần não bị hư hại…Thế đấy nên 10 năm qua, là 10 năm Tiến tìm hiểu và làm quen với hệ thống phúc lợi của người dân ở đây nhiều hơn và cũng là 10 năm Tiến học hỏi nhiều điều khi hằng ngày lo và nhìn cháu lớn lên…Nó như một nhắc nhở cho mình nhìn thấy cuộc đời không công bằng và chúng ta luôn tìm cách để bù đắp…Chút chia sẻ với chị. KT

    • RE: GỬi NGUYỄN KIM TIẾN
      Anh Lữ mến,
      Hình như suy nghĩ làm chúng ta trưởng thành hơn! Phải thế không? Cảm ơn anh đã suy nghĩ cùng Tiến. KT

  3. RE: Hội Chợ Ở Minnesota Và Những Cảm Nghĩ Rời
    Gia đình mình ở đây cũng thuộc loại ham vui, hể có chương trình hội chợ, lễ hội là cả nhà cùng tham dự với mọi người. Như Tiến đã so sánh, nhiều lúc dẫn cháu theo, vui chơi đã đời đến lúc cháu mắc tè chẳng biết chen đâu, cuối cùng đành cho cháu “gây mưa” tại chỗ. Mọi người cũng chẳng phiền trách gì vì ai cũng vậy cả hi hi..Còn chuyện có người ra dấu bằng tay hổ trợ cho người khiếm thính khi cần thiết thì ở mình mới chỉ có trên truyền hình. Nhưng mình nghe con Út mình nó phàn nàn là vài bạn khiếm thính của nó cho rằng họ chả hiểu gì bao nhiêu.
    Còn ưu tiên cho người tàn tật thì cũng thấy có hô hào dữ lắm nhưng thực hiện không biết tới đâu . Mình biết ở Sài gòn nhiều xe buýt thấy người tàn tật( vé miễn giảm) là nó vọt chạy luôn.Vậy đó.
    Cảm ơn Tiến đã dẫn mình đi lễ hội Minetsota thật sống động và đầy đủ. Phải chi có vài tấm ảnh thêm vào thì hay biết mấy!

  4. RE: Hội Chợ Ở Minnesota Và Những Cảm Nghĩ Rời
    Hoà ơi,
    Cảm ơn chia sẻ của Hoà nghen. Em bé thì như thế còn người lớn thì sao hả Hoà? Mình nghĩ là ban tổ chức nên đặt vấn đề này lên hàng đầu trong mọi hội họp đông người.
    Còn hình thì mình không mang theo máy hình Hoà ơi. Để xem có mượn đỡ vài tấm trên internet được không nghen.
    Năm nay ngày đông nhất là 226,863 và tổng cộng là 1,788,512 lượt người tham gia vui chơi. KT

  5. RE: Hội Chợ Ở Minnesota Và Những Cảm Nghĩ Rời
    Cảm ơn nhỏ về mấy tấm hình minh họa cho lễ hội …Kim Tiến đang núp ở đâu vậy ta?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả