Những cụm mây đen bỗng chốc kéo đến như những ông không lồ với áo choàng rộng tay ôm lấy cậu bé tí hon trong một chuyện thần thoại. Trời đất bỗng nhiên tối sầm. Một màu xám đen bao trùm lên biển cả. Bất ngờ, biển như một bãi tha ma. Từng cơn gió thổi qua càng lúc càng mạnh. Những đợt sóng nhấp nhô mỗi lúc mỗi cao như nhấc bổng lòng thuyền. Khoa nhoài người lên khỏi khoang thuyền và lắng nghe những tiếng động chung quanh, cùng lúc ấy ai nấy cũng đều nhận ra là cơn bão đang đến. Cả lòng thuyền bắt đầu nhốn nháo. Những tiếng khóc của trẻ con, tiếng cầu xin của những bà mẹ, những tiếng hò hét bàn cãi của đàn ông hoà quyện lại thành một âm thanh hỗn độn đủ sức làm Khoa tỉnh người. Cậu ta leo lên boong tàu và nhìn mông lung. Chẳng thấy gì ngoài những con sóng. Và một màu đen. Đêm đậm đặc.
Biển vào đêm ba mươi tối đen như mực. Mưa bắt đầu nhỏ giọt và trong tích tắc rơi như trút. Đàn ông thanh niên được chia thành từng nhóm thay phiên nhau tát nước. Người lái tàu cố gắng hết sức để chẻ sóng mà đi. Kinh nghiệm cho họ biết rằng nếu không chẻ sóng mà đi thì trong chốc lát cả chiếc thuyền với bốn mươi hai mạng người sẽ nằm sâu trong lòng biển cả. Những đợt sóng cao ngất trời như muốn phủ chụp chiếc thuyền nhỏ bé giữa đại dương mênh mông. Thuyền trồi lên, thụp xuống trong lòng những ngọn sóng khổng lồ đang trườn tới như những cái vòi bạch tuột. Mưa trên đầu và sóng đánh vào mạng thuyền mang theo những ngọn nước làm đầy lòng thuyền. Thế là cả tàu cùng tát. Lòng thuyền sau vài giờ vật lộn với những con sóng đã rạn nứt. Và những chiếc áo được cởi ra, từng chiếc, từng chiếc một nhét vào những kẻ hở. Một cảnh tượng quá hãi hùng mà Khoa chưa từng bao giờ tưỏng tượng ra khi đặt chân bước xuống thuyền. Một chuyến đi thật bất ngờ mà Khoa không dự tính. Đi trong bí mật, đi trong lo sợ, đi trong nỗi đau!
Cả gia đình Khoa có tất cả là bảy người, cha mẹ Khoa, một đứa em trai nhỏ hơn Khoa 2 tuổi và ba đưá em gái tuổi từ 10 trở xuống. Đây là một chuyến đi chết sống. Không ai biết rồi mình sẽ đi về đâu. Vậy mà động lực nào đã làm cả nhà Khoa cũng như ba mươi lăm người trên chiếc thuyền nhỏ xíu xiu này đã liều chết ra đi. Khoa đã tự hỏi mình nhiều lần như thế, nhưng chẳng có câu trả lời nào thích hợp. Đi tìm tự do ư? Đi tìm sự sống ư? Ôi! Với cái đâù của cậu bé mười lăm tuổi có lẽ vẫn còn quá ngây thơ để biết vì sao, để biết tất cả những hiểm nguy đang chờ phía trước.
Biển đang gào thét. Biển đang giận dữ. Gió vẫn cứ rít từng cơn. Mưa vẫn ào aò như thác đổ. Sóng vẫn đánh vào mạn thuyền không ngừng nghỉ. Nước vẫn từ từ làm đầy lòng thuyền. Khoa bước xuống lòng thuyền nơi cả nhà Khoa đang chắp tay nguyện câù trời phật độ trì. Cậu em ngây thơ nói: “Em muốn nhắm mắt ngủ để có chết em không biết, cho đỡ sợ”, rồi chui vào một góc nhắm mắt lại. Khoa nhìn mẹ rồi nhìn đàn em. Khoa thấy mình bất lực. Khoa không biết trấn an mẹ và em như thế nào mà chỉ hỏi trong hoảng hốt: “Ba đâu hở mẹ?”. “Ba leo lên boong tàu rồi, nghe đâu phải giúp bác tài công một tay vì ba có biết chút ít về lái tàu. Còn nữa, con phải phụ với anh em khác mà tác nước, con thấy không nước bên ngoài và bên trong xấp xỉ rồi”, mẹ Khoa nói với cái giọng đứt quãng; vẽ mặt của bà làm Khoa sợ hãi, dù bà đã cố gắng giữ bình tĩnh trước mặt đàn con.
“Rầm! Rầm! Rầm!”, chiếc thuyền càng lúc càng chao lượn mạnh, đu đưa qua lại. Bốn mươi hai mạng người đang giằng co với tử thần. Sấm sét vang trời, một cảnh tượng vô cùng ai oán. Tiếng la thất thanh của bốn mươi hai con người trong niềm tuyệt vọng nghe càng lúc càng rợn lòng. Kẻ kêu Trời Phật, kẻ cầu xin Chúa rủ lòng thương, như xé không gian vô cùng tận mà con người như hạt cát giữa sóng dữ bạt ngàn. Trời Phật không nghe tiếng kêu than. Chúa cũng ở nơi nào! Mẹ Khoa ra lệnh đàn con: “Cả nhà phải nắm chặt tay lại với nhau”. Khoa đoán, chắc mẹ nghĩ nếu có chết thì chết chung chăng, sao mẹ bắt cả nhà nắm chặt tay nhau, mà không dám hỏi. Chỉ có ba Khoa là vẫn còn ở trên boong tàu. Sau vài giờ cầm cự, chiếc thuyền mỏng manh nhỏ bé chìm dần trước con sóng cao ngất trời. Mẹ đâu? Em đâu? Cha đâu?
Khoa bắt đầu nhớ lại cảnh tượng hãi hùng trong đêm vừa qua. Mà sao Khoa được nằm trong căn phòng này? Cái đầu của Khoa như vỡ tung ra từng mảnh.
Khoa và cậu em trai được tàu Nhật cứu sống và đưa về Nhật. Ba của Khoa được tàu Brasil cứu sống đưa về Brasil. Mẹ và ba đưá em gái của Khoa ở lại trong lòng biển cả.
Sau một thời gian lưu lại ở Nhật, Khoa và cậu em được chính phủ Hoa Kỳ nhận cho định cư ở Mỹ và được một gia đình người Mỹ bảo trợ nuôi nấng. Họ đã dang đôi cánh tay ra ôm lấy hai anh em Khoa. Họ đã cố gắng rất nhiều trong khi giúp đỡ hai anh em Khoa. Tiếng Mỹ một chữ cũng không biết. Tập quán mới và với nỗi niềm mất cha mất mẹ, mất em làm hai anh em Khoa rất khó chan hòa với cuộc sống mới. Hai anh em cứ thui thủi với nhau. Đêm nào cậu em cũng ngủ với những cơn ác mộng. Cậu cứ thấy mẹ, thấy em nắm tay cậu kéo cậu đi theo. Cậu giật mình khóc thét. Đời sống mà, thời gian rồi cũng chữa dần những vết thương lòng. Hai anh em từ từ bước vào đời sống mới nhờ vào những bận rộn trường, lớp mỗi ngày. Và với lòng nhiệt tình và một tấm lòng vĩ đại của gia đình người bảo trợ, hai anh em Khoa có một cơ hội nhập cuộc tương đối thuận lợi. Một hôm Khoa bàn với cậu em: “Anh phải nhờ ông bà bảo trợ tìm kiếm xem biết đâu ba mẹ và ba đứa em mình còn sống và trôi dạt ở đâu đó, rồi được cứu giống mình vậy đó em”. Việc tìm kiếm tiến hành và chẳng bao lâu hai anh em liên lạc được với ba đang ở Brasil và đã lập gia đình với một người phụ nữ Việt nam. Họ có với nhau một đứa con gái. Người Phụ nữ này cùng đi một chuyến với gia đình Khoa; có chồng và con chết trên biển cả, còn ba Khoa, vợ con cũng không còn nữa. Họ đã đến với nhau và xoa dịu nỗi đau chung!
Sau mấy tháng làm giấy tờ bảo lãnh, cả nhà đoàn tụ ở Mỹ. Tất cả lại được sum vầy nhưng thiếu vắng mẹ và em của Khoa. Không ai dám nhắc đến nỗi đau mất mát lớn này. Hình như ai cũng muốn chôn kín trong lòng, chôn thật chặt, chôn thật kín. Và gia đình ngấm ngầm chọn ngày chiếc thuyền chìm vào lòng biển cả là ngày giỗ để tưởng nhớ mẹ và em; cả nhà thắp nhang và nguyện cầu cho những người thân yêu được bình an ở cõi vĩnh hằng.
Rồi lần lượt Khoa có thêm hai đứa em gái nữa từ bà mẹ sau. Và như một xếp đặt của ông trời. Khoa lại có được ba đứa em gái. Hai anh em Khoa thương ba đứa em gái này như em ruột mình. Để kiếm sống, gia đình Khoa mở một tiệm phở nho nhỏ. Bước đầu có những khó khăn không thể tránh khỏi. Khi mà mọi chuyện như thuận chèo xuôi mái, làm ăn nên nổi thì đùng một cái ba Khoa ra đi với một cơn đau tim bất ngờ, trong khi hai anh em đang học đại học. Một lần nữa trái tim của Khoa rướm máu.
Rồi Khoa và cậu em cũng ra trường. Công ăn việc làm đâu vào đó. Ba cô em gái cũng lớn dần, xinh xắn và ngoan hiền. Khoa rất tự hào về em mình. Khoa lập gia đình và có một cô con gái. Cậu em cũng lập gia đình sau đó và có một cậu con trai. Tưởng cuộc đời lại ưu đãi mình trở lại thì Khao phát giác ra hai trái thận của cậu không làm việc được nữa. Trời đất như sụp đổ. Khoa không biết lần này cậu có còn sức để vượt qua hay không? Khoa bắt đầu nghi ngại cuộc đời mình. Khoa bắt đầu đi tìm hiểu cái mà người ta gọi là định mệnh. Cái mà người ta dùng để buộc chặt con người vào đó để dễ dàng sai khiến. Định mệnh! Mà định mệnh là gì? Khoa tìm hiểu. Càng tìm hiểu càng như bơi lội trong bể kiến thức dày đặc.
Và cũng chính từ đó, căn nhà Khoa không còn yên bình nữa. Những mâu thuẫn bắt đầu xảy ra và càng ngày càng nặng nề hơn. Cuộc chia tay không mong đợi đã phải xảy ra. Khoa quyết định vào chùa ở để vợ con đỡ gánh nặng. Khoa đến tu ở một ngôi chùa thuộc thành phố khác, cách chỗ Khoa ở chừng ba giờ bay. Ngày chia tay với người thân, Khoa cũng đau đớn vô cùng, nhưng biết sao? Sống là sự lựa chọn mà.
Sống trong chùa được một thời gian, Khoa quyết định trở về lại thành phố cũ. Một phần vì bệnh tình của Khoa càng lúc càng nặng. Một phần Khoa nhớ vợ con quá. Khoa quay về ở với người em trai và gần nhà với vợ con, cũng gần với bà mẹ sau cùng những đứa em gái để đỡ cảm thấy cô đơn và ít ra cũng được người thân chăm sóc những lúc quá mệt mỏi. Sau một thời gian chờ đợi quả thận nào hợp với cơ thể mình, Khoa may mắn được thay thận trong thời gian đợi khoảng một năm. Nhờ vậy, Khoa không phải đi lọc máu ba lần mỗi tuần nữa. Nhưng điều này không có nghĩa là đời sống Khoa được trở lại như môt người bình thường. Mỗi ngày Khoa phải uống không biết bao nhiêu là thuốc. Đời sống như một chiến trường mà mỗi ngày Khoa phải đấu tranh để sống còn. Khoa cảm thấy mình thừa thải trong đời sống này. Khoa thấy mình làm phiền quá nhiều người. Nên nhiều lần Khoa muốn ra đi, nhưng bằng cách nào đây? Khoa cứ tự vấn mình mỗi đêm. Sống mà như chết thế này thì sống làm gì? Sống khó quá. Sống khổ quá. Sống vật vờ như một thây ma. Có hôm Khoa ôm mặt khóc và xin được ra đi trong nỗi đau một mình, mình chịu. Bây giờ thì Khoa hiểu được rằng không ai sống giùm mình được. Người bạn đồng hành suốt đời với mình, đó là mình mà thôi. “Đi sớm chừng nào đỡ chừng nấy” Khoa cứ lảm nhảm như thế mỗi khi ngồi một mình. Khoa hết chịu nỗi nữa rồi. Nhưng nghĩ đến đứa con gái mười hai tuổi lúc nào cũng quấn quít bên cạnh khi có dịp, nên ý nghĩ muốn ra đi lại biến mất. Mỗi lần con hỏi thăm, Khoa không bao giờ dám nói với con là mình quá tuyệt vọng vì sợ cái đầu non nớt của con không chịu đựng nỗi. Mỗi lần cô vợ có hỏi thì Khoa trả lời là cũng tàm tạm mà thật ra Khoa muốn chết cho xong một đời nợ áo cơm. Mỗi lần bạn bè vấn an, Khoa muốn né tránh sự thật vì Khoa quan niệm rằng niềm vui thì chia bớt càng nhiều càng tốt mà nỗi buồn thì ngược lại. Nên chẳng ai hay ruột gan Khoa đau đớn đứt từng đoạn khi nghĩ đến thân phận mình.
Hằng tuần Khoa muốn dành lấy nhiệm vụ đưa con đi học tiếng Việt để được gần con và nhất là được cái cảm giác có ích với người thân, để Khoa được vui hơn. Khoa nhận ra đó là một trong những hạnh phúc nhất đời mà Khoa còn nắm bắt được. Vậy mà đã hơn mấy tháng rồi, cái hạnh phúc nhỏ nhoi này đang từ từ rời khỏi vòng tay của Khoa. Quả thận được thay cách đây bảy năm cũng đã hư hao. Và Khoa bắt đầu phải đi lọc máu 3 lần mỗi tuần trở lại. Hình hài Khoa thay đổi; mặt Khoa những cục u nổi lên, tay chân phù nước. Khoa không còn muốn nhìn mình trong gương. Mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần đã làm Khoa kiệt sức và muốn chết.
Khoa cứ lẩn quẩn với những suy tư về đời sống này. Khoa than thân trách phận với chỉ riêng Khoa “Đã cho tôi hình hài sao nở đày đoạ tôi sống không ra sống, chết không ra chết như thế này! Sao vậy? Sao vậy”. Khoa chưa đủ kinh nghiệm và lòng dũng cảm để chấp nhận những gì đã xảy ra trong cuộc đời Khoa. Khoa vật lộn với nó. Khoa rã rời cơn mê. Khoa chìm trong nỗi đau. Khoa nghe đời tan vữa theo từng suy nghĩ. Khoa nhìn những bạn bè chung quanh và so sánh mà thấy sao mình quá bất hạnh. Có nhiều lúc Khoa thù hằn đời sống này, một đời sống mà trong đó anh chưa bao giờ làm chủ được chính mình.
Một hôm anh mệt quá, nằm mê mang một mình. Cơn sốt 41oC đã làm anh mê sảng và trong cơn mê anh như nằm lơ lững bên ngoài thân thể anh và anh nhìn ngắm thân xác anh. Thân xác anh đang ngủ không hay biết là anh đang nhìn ngắm nó. Nó bình yên lạ thường. Mắt nó thì nhắm nghiền mà miệng thì như đang mỉm cười với anh và mời gọi anh trở lại với nó. Nó thân thiện với anh hơn. Nó hưá hẹn sẽ là tri kỷ với anh. Và anh tự vấn anh với nhiều câu hỏi là có nên bỏ nó mà đi hay là chìu lòng nó mà về lại với nó. Càng nhìn thân thể của mình anh càng thấy thương yêu nó; nó đã cưu mang linh hồn anh đã bốn mươi năm rồi còn gì. Thế là anh không muốn phụ lòng nó. Anh quyết định ở lại với nó. Anh sà xuống trên thân thể mình. Một cảm giác mát rượi lận vào da thịt làm anh giật mình tỉnh giấc và anh bật khóc một mình trong căn phòng nhỏ của anh. Mắt anh khép hờ từ từ mở. Bỗng anh nhận ra có chút ánh sáng bên ngoài phòng khách dọi vào. Ai đã vào nhà bật đèn? Ai?
Mở mắt thêm một lần nữa. Anh định hình và không biết mình vưà trải qua một cơn ác mộng hay là từ cõi chết mới về? Bất ngờ Khoa nghe văng vẳng bên tai: “Ôi! Ba đã tỉnh lại rồi, ba đã tỉnh lại rồi”, tiếng khóc nức nở vỡ oà cùng với lời thì thầm của cô con gái. Hai hàng nước mắt của cô con gái cưng rơi lả chả trên gương mặt Khoa. Khoa ôm con vào lòng và cùng nức nở với con như chưa bao giờ anh khóc như thế. Đây là lần đầu tiên Khoa khóc với cô con gái của Khoa và cũng là lần đầu tiên anh khóc với một người không phải là mình. Thượng đế đã tạo ra những giọt nước mắt thật kỳ diệu. Hạnh phúc quá cũng khóc mà đau khổ quá cũng khóc. Và anh nhận ra rằng đời sống này cũng còn đáng sống. Anh phải thay đổi cách nhìn. Anh phải mạnh dạn nhìn vào sự thật vì cô con gái của anh. Vì cô và vì cô!
Sau lần chết đi sống lại ấy, anh quyết định sống hoà bình với bệnh tật anh, làm bạn tri kỷ với thân xác anh. Khoa chấp nhận sự thật của số phận mình và thấy dễ chịu hơn với những tháng ngày kế tiếp. Anh đi tìm hiểu đời sống qua sách vở, qua niềm tin vào đấng tối cao để dọn mình chờ ngày ra đi mà không còn sợ hãi hay buồn phiền nữa.
“Hành trình của một đời người có khác nhau ở những chỗ dừng chân nghỉ mệt, hay khác nhau ở những sân ga nhưng trạm chót thì chắc ai cũng phải đến một nơi nhất định? Chúng ta sẽ gặp nhau ở cõi nghìn trùng, có phải?” Khoa hỏi anh hay hỏi ai? Làm sao mà biết câu trả lời đây!
Mùa xuân hình như đang về. Nắng reo vui ngoài ngõ. Bầu trời xanh thẳm. Tuyết bắt đầu tan. Và một cái nhìn mới đang rộn rã trong Khoa. Anh mỉm cười và nhìn mình trong gương. Hai giọt lệ đọng ở vành mi như hai hạt kim cương lấp lánh. Ôi! đời sống muôn màu!
Nguyễn Kim Tiến
02 tháng 03 năm 2010
Cám ơn Kim Tiến , đúng là không phải sống cho mình , mà là sống vì ai ???
Tuyet voi!
Cam on KT!
nmh
Cảm ơn Kim Tiến! Một bài viết thật xúc động về thân phận con người. Đúng là hành trình của mỗi chúng ta ai cũng sẽ đến một nơi nhất định, phải không Kim Tiến?
Thân mến. Đông Oanh.
Chi TD ơi, Sống vì ai? Vi ai? Tiến nghĩ chắc vì ai đó con người mới đủ sức mà đi tới đích chứ nhiều lúc cũng thấy trần ai, phải thế không?
Cảm ơn bạn nmh và chị Đông Oanh nghe, hành trinh của mỗi đời người chẳng ai giống ai ĐO hỉ? Có người may mắn có người không. Biết sao! Nhiều lúc mình thấy sao mà Thượng Đế không công bằng chị ạ. Tình thân.