Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănCon Zero Và Những Cảm Nghĩ Rời

Con Zero Và Những Cảm Nghĩ Rời

Cách đây 30 năm, tôi may mắn được định cư ở nước Mỹ sau những ngày lênh đênh trên biển cả và những tháng lăn lộn ở trại tỵ nạn. Đó là một hành trình tôi gọi là hành trình không mong đợi. Trước 75 là những khó khăn, đau khổ mà cuộc chiến mang đến, sau 75 là những thống khổ của chế độ mang về. Chiến tranh bằng súng đạn không còn nữa nhưng thay vào đó là chiến tranh bằng lòng thù hận lại leo thang. Giống như hàng triệu người, tôi cũng đã bỏ nước ra đi. Dù đó là nơi không chấp nhận tôi sống như một con người, nhưng những nuối tiếc, ngậm ngùi thương nhớ luôn dày vò tôi trong bước đường lưu lạc.

Tôi đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống từ lau chùi nhà cửa đến phụ bếp và phụ bàn trong những nhà hàng. Không hiểu động cơ nào thúc đẩy tôi quyết định đi học trở lại và tôi đã thực hiện được. Bước đầu là học tiếng Mỹ và sau đó tôi học tiếp hệ đại học 4 năm. Tôi muốn chia sẻ chút cảm nhận về cách dạy học ở đây khi lần đầu tôi cảm nhận được.

Có thể mỗi tiểu bang mỗi khác, mỗi cá nhân mỗi khác, nhưng nhìn chung thầy cô giáo ở đây cho học sinh những lựa chọn và tự do trong phát biểu. Những ý kiến có thể đối lập mà không sợ thầy cô giáo để ý làm khó khăn mình. Họ cố gắng rất nhiều để học sinh không cảm thấy ngại ngùng khi đưa ra những câu hỏi, đôi khi quá ngây ngô. Họ quan niệm rằng “dễ với anh vì anh biết; khó với tôi vì tôi chưa biết.”

Lần đầu tiên tôi nhận được bài làm từ thấy cô giáo sau khi tên tôi được gọi. Họ đi xuống tận chỗ tôi ngồi, úp bài làm trên mặt bàn. Tôi ngạc nhiên bởi cử chỉ này và cử chỉ này làm tôi nhớ lại thời đi học ở quê nhà, cũng được gọi tên nhưng kèm theo số điểm. Tôi nhớ có lần tôi được 1 điểm, phải đi từ dưới chỗ ngồi lên đến bục giảng để nhận bài làm. Đó là lần tôi đau khổ nhất và nhớ mãi đến giờ này. Nỗi xấu hổ và mắc cở này không giúp tôi tiến bộ hơn mà trái lại làm tôi rụt rè, nhút nhát hơn. Tôi thắc mắc vì sao thấy cô làm như thế, nhưng ở cái tuổi làm học trò, mấy ai biết phải làm gì, phản ứng ra sao? Không những thế, thầy cô giáo giao cho trưởng lớp hay những người học trò giỏi quyển sổ điểm để cọng điểm. Đó là những riêng tư của mỗi học trò mà! Tôi lại cũng thắc mắc, vì sao? Rồi còn dò bài kêu từng học trò lên bảng đứng trước lớp trả bài. Tôi không thích cách tra hỏi kiến thức kiểu này, vì sao?

Năm tôi học lớp đệ lục, có một chuyện xảy ra ám ảnh tôi cho đến bây giờ tôi vẫn còn buồn lòng. Lúc ấy, tôi ngồi cạnh KC bạn tôi. Cô có dáng người nhỏ, gầy với mái tóc dài hay buộc sợi dây thun phía sau gáy. Bạn học không giỏi về môn toán nhưng không có nghĩa là bạn không thuộc bài ở những môn khác. Mỗi lần được gọi tên lên trả bài là bạn chỉ biết đứng run, lấp ba lấp bấp và khóc ròng dù rằng trước giờ vào lớp tôi đã giúp dò bài cho bạn . Bạn thuộc ro ro với tôi mà với áp lực đứng trên bục giảng trước mấy chục học sinh khác, trông bạn thật tội nghiệp. Ngồi phía dưới, quan sát gương mặt bạn, trái tim của tôi đập liên hồi vì bạn. Có thể nào nỗi sợ hãi thầy cô trong bạn quá lớn hay tinh thần bạn có điều gì không đúng đã làm bạn không còn nhớ gì cả. Lần nào bạn cũng lãnh con zero đi xuống, nước mắt chảy ròng ròng với những lời răn đe của thầy cô giáo. Những lúc như thế, lòng tôi đau đớn vô cùng nhưng làm sao tôi có thể giúp gì cho cô bạn nhỏ của tôi được đây! Lúc đó, tôi cũng bé xíu như bạn, tôi chỉ biết cầm tay an ủi bạn và giận thầy cô chứ không biết làm gì hơn! Và đêm về là những trăn trở suy tư. Tôi luôn nghĩ với một tinh thần yếu đuối và dễ vỡ như thế, bạn cần sự giúp đỡ của thấy cô giáo. Tháng nào bạn cũng lo lắng sợ sệt ba mẹ la mắng là lười biếng, là học dở. Hồi đó, ba mẹ cũng như thầy cô giáo không thể hiểu được con em mình đang đau khổ như thế nào! Chắc ba mẹ lo bươn chải kiếm cơm ngày ba bữa, còn thầy cô giáo cũng không đủ về kiến thức tâm lý hay cách giáo dục đã bị đóng khuôn? Với tôi, dù bạn KC có đứng đội sổ tôi vẫn luôn yêu thương và quí mến bạn. Vị trí thứ hạng này không nói lên được mức độ kiến thức bạn tiếp thu được, lòng ham học cũng như tinh thần trách nhiệm của bạn.

Thời đó, thứ hạng từ 1 trở lên chót lớp. Nếu trong lớp có bao nhiêu học sinh là có bấy nhiệu vị thứ, nên cứ nhìn con số là thấy sợ rồi, sợ cha mẹ la, sợ cha mẹ đánh…Lỡ lọt vào trong lớp có quá nhiều học sinh giỏi, dù điểm mình khá hay trung bình mình vẫn có thể đứng thứ hạng xa. Nên vì thế, tôi cũng không thích kiểu này. Tôi thích hệ thống thứ hạng A,B,C,D hơn. Hệ thống này giúp học sinh biết khả năng của mình tương đối chính xác hơn cho từng môn để kịp thời quan tâm nhiều. Thời đó, người lớn không muốn nghe những suy tư vớ vẩn của tôi và tất cả chìm vào quên lãng. Cũng giống như nhiều học sinh khác, tôi chỉ biết chấp nhận và phục tùng. Nói đến đây, tôi lại nghĩ đến hai từ dân chủ mà con người khắp nơi đang đeo đuổi.

Gia đình là đơn vị của xã hội. Nếu muốn có một xã hội sinh hoạt với tinh thần dân chủ thì trước tiên gia đình phải sinh hoạt với tinh thần dân chủ. Thật khó phải không? Với nền giáo dục của chúng ta, để có một nền dân chủ phát xuất từ gốc thật không dễ chút nào mà nếu nó được hình thành từ ngọn thì một cơn gió nhẹ thổi qua, nền dân chủ ngọn này sẽ bị thổi bay. Chúng ta đã, đang và sẽ không thể ngồi lại bàn cải và tìm đến sự thoả thuận chung. Nếu ý kiến trái chiều, một là anh theo tôi còn không thì tôi rút lui và đạp đổ. Chúng ta ít có những trưng cầu dân ý mà chỉ toàn là áp đặt nên rất khó lòng tạo nên một sức mạnh chung và những tài năng trẻ và nhiệt tình không có cơ hội để cống hiến.

Trở lại câu chuyện với cô bạn KC của tôi, tôi hay nhớ về bạn, hay nghĩ về bạn dù đã hơn 40 năm qua. Tôi không biết bạn có còn nhớ đến chuyện này, đến tôi không, nhưng tôi thì không bao giờ quên được bạn và quên câu chuyện này. Người ta hay bảo hãy quên đi quá khứ, hãy sống với hiện tại và nghĩ đến tương lại, nhưng tôi lại tin rằng, chính những điều xảy ra trong quá khứ, chính những trăn trở ấy làm thành tôi ngày hôm nay. Nó đã hun đúc tôi, dẫn dắt tôi đi trên con đường mà hai bên là những bông hoa thơm ngát hương đời.

Tôi hay nghĩ đến bạn và mong trong bước đường đời bạn luôn gặp nhiều may mắn và hy vọng rằng dù bạn đã nhận rất nhiều con zero nhưng những kiến thức bạn có được đã, đang và sẽ giúp bạn thành công. Biết đâu đó, giờ này, bạn đang là một cô giáo biết thông cảm với những khó khăn riêng của học trò mình! Mỗi con zero mà bạn cho học trò mình là những đắn đo với nhiều suy tư trong ấy!

Bên trên, như một lời chia sẻ và tâm tình những cảm nghĩ của riêng tôi về đoạn đời học sinh thuở nhỏ mà thôi chứ thật lòng tôi luôn biết ơn những điều hay và tốt khác mà thầy cô giáo của tôi đã tận tình vun xới tâm hồn tôi. Có thể, mỗi giai đoạn, mỗi suy nghĩ, mỗi cá nhân, mỗi cách dạy có khác nhau nhưng tận đáy lòng thầy cô nào cũng muốn đem hết những hiểu biết của mình truyền đạt lại cho học sinh. Nhiều khi tôi cứ tự hỏi, có bao giờ thầy cô ngồi nhớ lại cái thời đứng trên bục giảng của mình để nhìn lại, có khi là những nụ cười mãn nguyện, có khi là những “phải chi”…Và tôi nghĩ đó là cuộc đời với nhiều trách nhiệm và bổn phận. Một cuộc đời có cả thành công và thất bại của riêng mình! Nhưng đẹp thay! thầy cô giáo luôn xứng đáng được gọi là “kỹ sư tâm hồn”. Tôi luôn tin thế! Một nhiệm vụ rất cao cả mà Thượng Đế đã chọn lựạ và giao phó!

Tôi xin nói lời cảm ơn đến thầy cô của tôi. Hôm nay, trời đang nắng và lòng tôi như nắng mới lên. Dịu dàng và biết ơn!

Nguyễn Kim Tiến
13 tháng 5 năm 2011

16 BÌNH LUẬN

  1. RE: Con Zero Và Những Cảm Nghĩ Rời
    Con Zero! Tiến ơi, học trò nào mà không sợ con Zero! Nó ám ảnh đến không ăn không ngủ được. Lúc chị ra trường đi dạy, chị luôn ngần ngại khi cho học trò điểm Zero. Và cũng luôn thận trọng khi viết lời phê. Sợ học trò buồn, nản thì không còn tinh thần học nữa. Chị tin rằng nhiều thầy cô giáo khác cũng vậy, rất buồn khi viết con số Zero to như cái hột vịt trong bài làm của học trò, nhưng có khi phải cho vì bài làm tệ quá, không học bài, thì làm thế nào bây giờ?
    Chị còn nhớ ngày đó, mỗi lần đi thi, chị và các bạn không dám ăn trứng vịt, không dám ăn chuối, sợ xui xẻo lãnh trúng! Mà chỉ ăn … chè đậu đỏ ( cũng hổng dám ăn chè đậu đen )! Sau này đến lúc con chị đi thi, cháu cũng .. bắt chước 🙁
    Ôi con số Zero… mà cũng nhờ sợ nó chị đã luôn cố gắng học bài. Nhờ sợ nó mà chị phải cố để không được thầy cô tặng cho một con tổ bố trong vở mình… Không biết con Zero đó là tốt hay xấu, nhưng có bị “đe dọa” thì mới cố gắng. Chị cũng e rằng tuổi nhỏ mà không sợ con Zero thì … chưa biết ra sao đây!
    Đó là con Zero trong lớp học. Còn con Zero của cuộc đời mới đáng sợ. Làm cắc củm suốt đời, cực khổ suốt đời, cuối cùng mở hai bàn tay ra, chỉ có con Zero … Buồn không?
    Cảm ơn Tiến đã làm cho chị nhớ đến con Zero …

    • RE: RE: Con Zero Và Những Cảm Nghĩ Rời
      Chị Diệu Tâm ơi, Tiến cũng bị ám ảnh với những con zero lắm đó! Và ra đời, Tiến cũng đã từng mở bàn tay ra chỉ thấy con Zero nên đọc lời tâm tình của chị ở đoạn cuối thật thấm thía chị ạ. Cảm ơn chị đã chia sẻ thật nhiều những cảm nhận của chị với Tiến và bạn bè nơi đây. KT

  2. RE: Con Zero Và Những Cảm Nghĩ Rời
    Khi trở lại College ở xứ nguoi mình cũng đã có cảm nhận như Tiến: thầy cô giáo thật sự tôn trọng và khuyến khích SV phát biểu,cách cho điểm và phát bài rất tế nhị và chính xác.
    Tiên ơi, chị đã từng ngồi dưới ghế và đứng trên bục, nên rất thông cảm tâm trạng của cô bạn KC của Tiến, thật tội nghiệp. Có phải chúng ta đã có một sai sót nào đó?

    • RE: RE: Con Zero Và Những Cảm Nghĩ Rời
      Phương pháp dạy thay đổi không ngừng để theo kịp với phát triển của chúng ta phải không chị Hà Xưa? Nên khi nhìn lại bao giờ cũng có điều gì đấy không như ý! Và nếu mà chúng ta thấy được để thay đổi thì còn gì bằng chị nhỉ? KT

  3. Gởi Kim Tiến
    Ta gởi cho em một con zero
    Mai kia mốt nọ chốn giang hồ
    Đến khi em hiểu ta xa khuất
    Nhìn về chỉ thấy cõi hư vô.
    Chúc Kim Tiến vui khỏe….

  4. RE: Con Zero Và Những Cảm Nghĩ Rời
    [QUOTE] … kêu từng học trò lên bảng đứng trước lớp trả bài … [/QUOTE]

    … không phải tại cách dạy đâu mà những học trò “đặc biệt” này cần một chương trình “đặc biệt” … hồi học trường Nữ hà cũng ngồi gần một người bạn như vậy … lúc chờ ngoài sân hà dò bài thì bạn đọc ro ro nhưng càng gần tới giờ học là càng quên lần … tới giờ học một cái là nghe bạn rên: chết rồi! … hà thì vô lớp rồi mới lôi tập ra cắm cổ học vì cô kêu theo thứ tự từ đầu tới cuối sổ, tới phiên hà thì cũng đủ để coi như có học bài … bạn thì lắp ba lắp bắp được đôi câu rồi tắc tị … cô tội nghiệp cho vài điểm vớt vát … sau 75 thì bạn thành Thị Rong mày đẹp như vẽ mắt dài mi rậm mướt ôm rổ bán bầu bí … khi qua Mỹ đi học lại hà cũng gặp một anh chàng như vậy … tối tăm về đến nhà là hà ngủ quên ăn … sáng phải dậy sớm đi mấy chuyến xe “đò” mới tới trường … vô lab thì anh bạn ôn lý thuyết cho hà để làm bài vậy mà tới lúc test thì anh lại nervous đến độ gần như không làm được chút gì … cái này chắc là liên quan đến hồi nhỏ được nuôi ra sao hay là bẩm sinh gì đó …

    [QUOTE] … những tài năng trẻ và nhiệt tình không có cơ hội … [/QUOTE]

    … chuyện này dường như phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình nhiều … cô giáo dạy toán của hà từ vùng quê nên cô kể chuyện cho nghe chẳng khác gì tình cảnh của học trò VN, cô nói hầu như cô học suốt với một thầy chứ không phải có nhiều choices như trường cô đang dạy … dạo đó computer cũng còn mới cho nên cô vô mấy lớp computer để học thêm … có một học trò người Mỹ mới từ high school lên sạch sẽ tươm tất như hướng đạo sinh đi xe đạp tới trường … chuyên môn nghỉ học và cuối cùng dropped lớp với hà … mùa hè lấy lớp lại với ông thầy khác … ông này rất nghiêm khắc vì cuộc đời ông êm xuôi theo mẫu mực … nhằm ngày hà nghỉ học thì ông té quị trong lớp phải kêu cấp cứu … sau đó cô giáo dạy thế … thằng nhỏ Mỹ vô lớp mới đọc sách vừa cắn móng tay vừa ngẫm nghĩ bài tập … có lần nó hỏi một bài mà cô giảng hết giờ luôn không còn giờ dạy bài mới … cô cười hìhì nói cô phải đánh dấu bài này mai mốt ai hỏi thì đưa bài giải thôi chứ giảng trong lớp thì không có thì giờ giảng bài học … nó nói sorry vì nó không biết bài giải phải dài như vậy … chẳng biết nhà nó có chuyện gì mà nó cứ phải nghỉ học lắt nhắt … đến lúc cô giáo nhắc nếu nó nghỉ thêm một lần nữa thì cô buộc lòng phải drop nó … nó đành nghỉ luôn … hà tiếc quá chừng … hà cũng gặp một học trò VN nói chỉ ráng học AS để việc làm đỡ chút thôi chứ không tính học luôn … khi test hà làm đến gần chót mới thấy không tiếp tục được thì bỏ qua câu khác … còn người này lên nói chuyện với cô gần 15 phút để cô thấy ra là “đề” sai … cô viết lên bảng là bỏ câu hỏi đó thì mấy câu khác sẽ nâng điểm lên … mấy người như vậy thì đáng lẽ phải được đi học cho tới nơi tới chốn chứ hả …

    • RE: RE: Con Zero Và Những Cảm Nghĩ Rời
      Chị Diệp Hà ơi, một lời bàn thật thích thú! Những chia sẻ của chị thật đầy và dày từ những kinh nghiệm của chị cũng cho Tiến thêm nhiều suy nghĩ. Ở Việt Nam mình ít có những trường dành cho học sinh đặc biệt chị ạ, ngày xưa cũng ít nghe đến không biết bây giờ có không? Tiến có bảo lãnh một đứa cháu phát triển chậm qua đây và cháu đã có tất cả những phúc lợi học tập mà Tiến không ngờ được. Có cháu Tiến mới làm việc chung với thầy cô giáo nơi trường đặc biệt và biết thêm nhiều điều. Cảm ơn chị đã đọc và chia sẻ.
      Chị Tâm ơi, phải bắt trẻ đi lạc bỏ tù mới được 😉 Lời bàn của chị thật hay đó… và như chị đã từng viết ở một bài thơ đó là số phận, phải không? Và Con Zero ở cuối đời ai cũng nhận đuợc không trừ ai!KT

  5. RE: Con Zero Và Những Cảm Nghĩ Rời
    Lâu quá mới gặp lại “trẻ đi lạc” Diệp Hà ở đây! rất vui khi đọc những lời tâm sự của Diệp Hà qua chủ đề con số Zero mà Kim Tiến đưa ra. Đúng là không phải học sinh nào cũng giống nhau, mà có nhiều con người “đặc biệt”, theo nhiều nghĩa. Nhưng rất tiếc không phải thầy cô nào cũng có điều kiện để hướng dẫn riêng các trẻ đặc biệt đó, và không phải trẻ đặc biệt nào cũng có cơ hội để phát huy cá tính đặc biệt của mình. Có những tỷ phú lúc nhỏ học rất dốt, vở toàn là Zero, hoặc có anh không được đi học, lớn lên chỉ biết tính rợ: 1 đồng vốn + 1 đồng lời = Giá bán. Vậy mà thành tỷ phú. Còn chưa chắc anh học giỏi lớn lên sẽ giàu có và cuộc đời sung sướng hơn. Tất nhiên còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố điều kiện khác, hoàn cảnh sống, gia đình, may mắn, số phận v.v… nhưng người ta thường chỉ nhìn vào hiện tại để cân đo sự thành công trong cuộc đời.
    Cuối cùng, con Zero lớn nhất mà ai cũng phải có và chấp nhận trong đời là lúc ta nhắm mắt xuôi tay…

  6. Gửi Kim Tiến
    Những con zero trong thời điểm mà Kim Tiến nói ở đây(trước 1975)thật là đáng sợ, đáng cho bọn học trò chúng mình ngày ấy phải băn khoăn lo nghĩ làm sao để bù lại ĐTBình vì chúng nằm “chình ình” rõ ràng trong quyển sổ điểm hồi ấy, không sao tẩy xóa được. Bây giờ, người ta không gọi là zero nữa mà gọi là điểm 0 và những điểm 0 ấy cũng chẳng làm cho HS bây giờ lo sợ nữa. Vì sao? Vì chúng không bao giờ tồn tại trong sổ điểm cá nhân của GV và sổ điểm của lớp, có chăng là trong lời thầy cô “phán” khi dò bài hoặc “phê”trong bài làm để dọa HS lo học thôi, còn thực chất thì trong sổ điểm,chúng được thay thế bởi điểm số cao hơn(4/10 hoặc 5/10 trở lên).Taị sao có tình trạng này? Tất cả là do “chỉ tiêu” mà ra! Lớp nào mà “số lượng” học tập của HS

    • Viết lại đoạn bị sự cố
      …dưới 85% trên TB thì GV dạy lớp đó sẽ bị nhà trường phê bình hoặc chuyển sang làm công tác khác.Vì vậy mà GV nào( trong đó có TT) cũng phải chạy đua với số lượng để đạt chỉ tiêu ở trên đề ra, còn”chất lượng” thực chất như thế nào thì…mặc kệ. Học trò bây giờ mà bị điểm 0 thì cũng… như không, chẳng hề run sợ, mặc cảm như cô bạn KC trong bài của KT đâu mà chúng còn bất cần, vô tư cười giỡn nữa vì chúng biết rằng thế nào thầy cô cũng “vớt” nó lên để đảm bảo “chỉ tiêu, thành tích” của trường, của phòng GD, của Sở GD, của v…v…Rồi thì thế hệ này truyền lại thế hệ khác kinh nghiệm ấy.Thế là cuối cùng kết quả là số lượng thì rất cao mà chất lượng chẳng có là bao( ngay cả thi tốt nghiệp cũng vậy). Đó là thực trạng đáng buồn của nghành GD nước nhà hiện nay mà TT muốn chia sẻ cùng Kim Tiến qua bài viết này. Chúc KT luôn vui, khỏe! Chào thân ái!

      • RE: Viết lại đoạn bị sự cố
        Cảm ơn những chia sẻ kinh nghiệm cuộc đời làm thấy giáo của anh. Nhân đây Tiến ghi lại lá thư của ông bố gửi thầy giáo của con mình. Đây là lá thư Tiến nhận được từ email của bạn bè nên độ chính xác Tiến không biết được, nhưng đọc thấy hay nên Tiến muốn chia sẻ với anh và bạn bè. Anh và bạn bè đọc nhé!

        [i]Bức thư của cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865) gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học.

        Được viết ra từ gần 200 năm trước, lại là ở nước Mỹ, nhưng bức thư vẫn giữ nguyên tính “thời sự” và gợi nhiều suy nghĩ cho chúng ta.

        Kính gửi thầy…

        Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này. Rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết: cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó, sẽ có một con người chính trực; bên cạnh một chính trị gia ích kỷ, sẽ xuất hiện một nhà lãnh đạo tận tâm.

        Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết; nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với nǎm đô la nhặt được trên hè phố…

        Xin hãy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ. Xin dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác là những kẻ dễ bị đánh bại nhất…

        Xin dạy cho cháu biết đến thế giới kỳ diệu của sách… nhưng cũng để cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.

        Ở trường, xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.

        Xin hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là không đúng…

        Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hoà nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chạy theo thời thế.

        Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới Chân Lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp mà thôi.

        Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã… Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

        Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.

        Xin hãy dạy cho cháu biết ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét… và đứng thẳng người bảo vệ lẽ phải.

        Xin hãy đối xử với cháu dịu dàng nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên những thanh sắt cứng rắn. Hãy giúp cháu có can đảm biểu lộ sự thiếu kiên nhẫn và có đủ kiên nhẫn để biểu lộ sự can đảm.

        Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

        Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình… con trai tôi là một cậu bé tuyệt vời

        [/i]

  7. GỬI NGUYỄN KIM TIẾN
    Lâu quá mới đọc bài tự sự này của em.Sẻ chia cùng em và cũng rất vui khi thấy
    em vẫn khỏe để viết.Cảm ơn Tiến.

    • RE: RE: Con Zero Và Những Cảm Nghĩ Rời
      Cảm ơn bạn già saigon đã đọc. Không biết hồi nhỏ bạn già có lãnh con zero nào không chứ Tiến ăn hột vịt hoài nên ngán lắm và sợ nữa! KT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả