Tôi định ngừng viết một thời gian vì bận quá. Viết chẳng ra làm sao mà nó cũng lấy của tôi bộn giờ! Vậy mà mấy hôm nay đọc tin tức ở đâu cũng thấy LỤT! LỤT! báo động khắp nơi. Tôi cầm lòng không đậu viết vài hàng chia sẻ với các bạn.
Gọi điện thoại về Sài Gòn nghe chị Đông Oanh nói triều cường đang dâng lên Tiến ơi! Tôi hỏi chị ở vùng nào mà bị nước vô nhà vậy, chị nói ở Bình Thạnh. Mấy ngày nay, kê giuờng, kê bàn, kê tủ lên, dọn dẹp mệt đừ, chị than thở. Sáng giờ nước bắt đầu rút, nhưng nghe đâu, ngày mai triều cường sẽ lên trở lại. Chị làm tôi nhớ đến thời tôi còn ở Sài Gòn, mỗi khi trời mưa lớn, con đường từ Trương Minh Giảng rẻ vào Huỳnh Quang Tiên nước chảy như suối và lòng đường đã biến thành sông. Tôi muốn ghé thăm nhà bạn là phải xăn quần cao hơn đầu gối, lội bì bà bì bạch. Đã vậy mà còn dắt theo chiếc xe đạp quèn nữa chứ. Đôi khi nhớ lại thấy mà thương!
Mới đây đọc bài của anh Hạnh thấy anh nhắc đến cái gi đông xe đạp của chị bạn ảnh bị méo, ảnh dặn chị nhớ về sửa cái gi đông chớ không thôi bị ẹo lưng làm tôi nhớ đến chiếc xe đạp của tôi. Phải chi hồi đó tôi quen với anh Hạnh là lỗ mũi tôi khỏi ăn trầu rồi! Cái gi đông của tôi không méo mà sét quá ở cái cổ gi đông. Một hôm đi học về, vừa quẹo phải ở ngã tư Trần Quốc Toãn với Nguyễn Văn Thoại, đi được một khúc vừa đến trước trường đại học Phú Thọ, bất ngờ cái gi đông gãy, tôi chúi mũi nằm chỏng gọng trên đường. Vừa đau mà vừa quê quá. Không thấy thương thì thôi, mấy anh học trường Phú Thọ còn có một trận cười nữa chứ. Phản ứng tự nhiên thôi đó mà. Người ta chẳng bảo dân An Nam ta cái gì cũng cười đó sao! Hèn nào cả năm nay tôi thấy anh Hạnh quen quen, hình như đã gặp đâu đó rồi mà không biết gặp ở đâu! Bị thương mà chưa chảy máu là vui rồi! May quá hôm đó chỉ bị thương sơ sài thôi, may hơn nữa là hồi đó ít xe gắn máy, rất ít xe hơi, toàn là xe đạp chứ như bây giờ là tôi toi mạng rồi lấy đâu mà ngồi đây kể lể cho các bạn nghe cái ngày xưa thân ái của tôi.
Tự nhiên đang nói chuyện lụt lội, tôi chuyển đề tài qua chiếc xe đạp hồi nào không hay. Thôi tôi nói chuyện lũ lụt tiếp đây!
Gọi về anh Xuân Phong, anh nói mới đi nhậu về thấy mấy con chó chạy ra mừng vẩy đuôi, chó hết ngồi chò hỏ nhìn nước lụt rồi nên biết là nước đã rút ra khỏi nhà! Anh nói, mấy hổm rày, tội nghiệp mấy con chó, nó không chạy nhảy được. Anh có thấy tội anh đâu, thấy chưa? Tôi mà được một phần mười lạc quan yêu đời như ảnh là thấy đời đở khổ rồi! Anh nhắc đến quỹ 1$, nhỏ chút xíu mà anh thì vui như hội! Không biết lần lụt này Quỹ 1 $ có tìm ra ai để giúp đỡ không? Nhỏ với mình mà lớn với người ta đó mà! Cảm ơn quỹ 1 $ nhiều lắm.
Gọi về Huế thăm viếng ông bà nội Bi Bo, ông bà cũng nói ba mẹ đang dọn lụt con ơi, nhưng may quá, cái nhà ba mẹ mới đổ thêm đất làm cái nền nhà cao lên nên lụt vô chưa tới đầu gối, năm nay hên quá! Hên quá là Hên! Bi Bo của tôi bảo ông bà nói gì mà vui quá vậy mẹ. Nước lụt vô nhà mà hên, con như ông bà là con khóc hu hu rồi. Có ai dọn cho ông bà không vậy mẹ? Tôi trả lời, dọn mỗi năm vài lần, dọn hơn 50 năm rồi, ông bà trở thành người dọn lụt chuyện nghiệp rồi con ạ. Nước vô ra như ăn cơm bửa vậy mà. Bao nhiêu lần năn nỉ ông bà bán nhà dọn lên vùng cao hơn cho đở lụt lội nhưng ông bà không chịu đi chắc vì ở đâu quen đó, có tình bà con hàng xóm láng giềng! Ông bà nói có còn sống thêm bao lăm nữa đâu mà dọn lui dọn tới cho mắc công. Nhiều lúc tôi không hiểu nổi cái tình này nó lớn như thế nào mà ông bà thà dọn lụt vài lần mỗi năm còn hơn là phải xa cái nơi mà ông bà đã cùng nhau gầy dựng từ cái chòi tranh, lên đến cái chòi gỗ nền đất, lên được nền xi măng, rồi bây giờ lên được nền gạch bông? Ông bà còn nói là từ ngày có nền xi măng ba mạ dọn lụt khỏe hơn nhiều, vậy là tốt rồi con ạ! Ôi cái tình láng giềng nó đậm như mật ong, nó dẽo như keo là thế!
Nhà ông bà nội Bi Bo nằm sát bên giòng sông, vì thế không năm nào là nước không vào. Nước mang bùn vào đắp cái sân sau vườn ông bà cao lên cả thước trong vòng mười mấy năm. Hôm tôi về nhìn thấy cái sân sau cao bằng sàn nhà trên, tôi ngạc nhiên hỏi mới biết là mỗi năm lụt lội đắp thêm một lớp bùn, nên tự động cao! Ông bà lại cũng bảo hên quá, hồi trước cũng tính mướn người đổ đất cho cao thêm cho đỡ lụt mà bây giờ chắc không cần nữa. Hèn chi năm nay lụt vào chưa tới đầu gối. Lại hên! Sẳn dịp tôi phân tích thêm chút đỉnh cho Bi Bo hiểu thêm. Tôi nói người Việt mình lúc nào cũng thấy may mắn với hên nên mới sống vui, sống khỏe con ạ. Tôi nghĩ vậy mà không biết có đúng không? Các bạn có thấy khác thì phân tích giải thích thêm nhé!
Còn nếu bạn nào không tin, các bạn vào đọc bài viết “Bút ký mùa lụt” của anh Xuân Phong, sẽ thấy dân mình có thấy khổ đau gì đâu. Lụt cũng vui mà! Nước vào nhà thì đúc bánh xèo rỉ rả, thơm cả một góc phố! Còn đi ra ngoài đường thì lội bì bõm như đang tập thể dục dưới nước vậy đó. Chắc vậy mà vui chăng?
Tôi không nhớ năm nào, nhưng tôi nhớ có một lần mưa to gió lớn, nước lênh láng vào nhà, tôi thích thú lén xé vở lấy giấy xếp thành những chiếc thuyền thả trôi rồi cười sung sướng. Cây gãy, đổ khắp nơi, nhất là mấy cây ổi. Thế là leo trèo hái ổi ăn muốn sình bụng. Còn mấy cây chuối thì xắt phần non ra muối chua ngọt ăn cả mùa đông, còn phần già thì cho heo ăn. Mấy con heo nhà tôi được dịp mập mạp quá chừng. Tôi nhớ năm đó nhà tôi trúng heo, con nào con nấy cân cả tạ. Không biết hồi rày heo nhà ai có được may mắn như heo của nhà tôi dạo đó không?
Tôi hơi ngạc nhiên là làm sao dân mình giỏi quá vậy, cái gì cũng vui vẻ cười được. Tôi ngưỡng mộ và phục vô cùng. Có phải sức chịu đựng của mình càng ngày càng leo đến đỉnh cao trí tuệ. Bao nhiêu công trình giúp đỡ mà sao đã mấy mươi năm rồi mà mình chưa khắc phục được phần nào cái khó của thiên nhiên.
Lụt lội mỗi năm mỗi nhiều thêm vào mùa mưa, chiều dài lâm đa hình sin càng ngày càng ngắn lại trong mùa hạn hán.
Tôi như đang nhìn thấy bầu trời càng lúc càng xám xịt. Và những cơn lũ của nước, của người như đang ào ào tuôn chảy cuốn trôi đi những phận đời!
Mong rằng dù dân mình có sức chịu đựng dẽo dai, có tình thần lạc quan cao độ đến thế nào đi nữa mà nếu khả năng phòng chóng và khắc phục lụt lội mỗi ngày mỗi tốt hơn, chắc hẳn chúng ta sẽ vui sướng hơn, phải không các bạn?
Những cánh đồng sẽ trổ bông lúa chín vàng thơm tho cả một góc trời, những luống rau sẽ xanh um và lòng của bác nông dân không còn phải lo ngay ngáy thất bát vụ mùa!
Nguyễn Kim Tiến
9 tháng 11 năm 2010