Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănBa Mươi Năm Nhìn Lại

Ba Mươi Năm Nhìn Lại

1977-2007. Thời gian 30 năm sao mà nhanh qúa! Mới ngày nào mình chỉ là đưá trẻ ở cái tuổi mười mấy, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Cái tuổi hồn nhiên, trong trắng thơ ngây chưa vướng bụi đường, bước chân đi còn ngập ngừng như thấy con đường trước mắt sao hun hút và dẫy đầy chông gai .Vậy mà giờ đây ngoảnh mặt lại thấy mắt mờ, tóc bạc, da nhăn.

Hè năm 1977,sau khi vừa hoàn tất xong kỳ thi tuyển vào đại học, chưa có kết qủa, nhưng biết chắc rằng rồi số phận của mình cũng sẽ như bao nhiêu số phận của nhiều người khác là cái cơ hội để tiếp tục được đi học sẽ không dành cho mình, vì thời cuộc đã thay đổi dưới chế độ mới.

Vượt biển để mong tìm cho mình một cơ hội vươn lên, mong đạt những ước nguyện chỉ thật đơn sơ nhất là được tiếp tục đi học, được làm những việc mình thích mà không bị ràng buột bởi những đạo luật “bất thành văn”.

Tháng 4/1978 định cư tại Australia (Úc đại lợi), một đất nước rộng lớn, thịnh vượng, thanh bình với những cánh đồng cỏ phì nhiêu, bát ngát chạy dài đến cuối chân trời. Và dân số cho đến hôm nay chỉ mới vượt qua con số hai mươi triệu (20.000.000).

Đi học, đi làm, lập gia đình, ổn định cuộc sống , đã cướp đi của mình hết một phần ba cuộc đời. Nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, với những thăng trầm của cuộc sống, những thành công, thất bại, những vui, buồn, được, mất như những qui luật phải có trong cuộc đời.

Năm 2004, sau 27 năm làm việc không ngừng nghỉ, đóng góp công sức, trả ơn đất nước đã cưu mang mình, đã cho mình 1 cơ hội để xây dựng cuộc sống ở một xứ sở tự do, dân chủ. Mình đã quyết định về hưu non. Ở cái tuổi mới hơn bốn mươi đã tính đến chuyện về hưu thì kể cũng là hơi còn trẻ, nhưng có lẻ do nhân duyên kết hợp, cho nên …..

Bây giờ là lúc để mình nhìn lại mình, tìm lại chính con người mình, và sống cho chính mình. Đức phật có nói ” Quá khứ đã qua, tương lai thì chưa tới, hãy quán chiếu ở hiện tại ” Nói là nói như vậy chứ dễ có mấy ai làm được điều đó. Nếu được thì chắc là những người đó đã trở thành Phật . Riêng mình mặc dù cũng cố quên đi qúa khứ, không nghĩ đến tương lai, chỉ sống với từng phút giây của hiện tại, nhưng sao thấy khó qúa, không dễ thực hiện chút nào. Vì vậy rất nhiều lúc tâm mình vẫn quay trở lại với những gì ở quá khứ, và có những lúc lại mong ước về một tương lai tươi đẹp nào đó còn xa tầm tay với.

Kỷ niệm thì bao giờ cũng đẹp, mà đã gọi là kỷ niệm thì nó đã ở thì qúa khứ, đã là con người , sống mà không nhớ về quá khứ, không ôn lại kỷ niệm, không khát khao hy vọng thì sao gọi là con người đúng nghĩa trần tục của nó nữa. Mình cũng là một con người bình thường với những hỷ, nộ, ái, ố, những tham ,sân ,si không tránh được.

Về! về! về! , về quê hương! Về Qui Nhơn! Về lại nơi chôn nhau cắt rốn, về tìm lại trường xưa, bạn cũ, về tìm lại những con đường thân quen, về tìm lại những kỷ niệm của một thời qúa khứ đã xa.

Năm 2002, trở về Qui Nhơn nhân dịp giỗ 30 năm ngày mẹ tôi mất.Tất cả các bạn mà tôi có thể liên lạc được lúc đó chỉ vào khoảng 10 người. Quay quần bên nhau, kể cho nhau nghe những chuyện vui, buồn của cái thời áo trắng mà có kẻ nhớ người quên. Không khí rộn rả tiếng cười, ồn ào như ong vỡ tổ, vì ai cũng tranh nhau nói, nói thật nhiều , thật to, không cần biết là đối tượng mình nói có nghe được hết không vì qúa ồn trong một không gian chật hẹp . Như sợ không nói kịp sẽ quên đi cái phần ký ức mà đã một thời gian quá lâu cất kỹ trong ngăn kéo kỷ niệm.

Dù đã hơn 40 tuổi, nhưng sao trong caí không khí rộn ràng đó, dường như tất cả bạn bè như quên hết những lo toan cuả cuộc sống hiện tại, chỉ nghe thấy những tiếng cười ríu rít, những mày, tau, mi, tớ, những ánh mắt long lanh rực sáng, mơ màng như đang hướng về khung trời cuả những ngày tháng còn cắp sách đến trường.

Từ đó trở về sau, năm nào tôi cũng về Qui Nhơn, mỗi lần về thì không thế nào thiếu được những buổi họp mặt với bạn cũ, và càng ngày số lượng bạn bè tìm lại được nhau mỗi ngày mỗi đông thêm.

Tháng 11 năm 2004, về Qui Nhơn lần này, tôi được cái may mắn là gặp được một người bạn cũ từ thời tiểu học . Hồ thị Kim Bình, người bạn cuả tuổi thiếu thời, cuả thời trung học. Nhiều lần về Qui Nhơn đều nghe các bạn cũ nói là Kim Bình vừa mới về , bao nhiêu lần rồi mà tôi vẫn chưa được gặp. Lần này cái duyên kỳ ngộ đã đến, chúng tôi gặp nhau tay bắt, mặt mừng, ôm chầm lấy nhau như để biểu lộ sự vui mừng được gặp lại sau gần 30 năm xa cách. Hôm đó chúng tôi kéo nhau đi ăn, rồi rủ nhau xuống biển Qui Nhơn đối diện với trường đại học sư phạm và trường kỷ thuật cũ .

Đường An Dương Vương ( Nguyễn Huệ nối dài) ngày nay là con đường đẹp nhất cuả thành phố Qui Nhơn. Mỗi bên có 2 làn xe chạy , ngăn cách bởi một con lươn rộng, những cây dừa cỏn con, những cây thông đã được cắt tiả để tạo thành hình tháp, hình những con vật được trồng trên những con lươn ấy đã tạo thêm vẻ xanh tươi sống động cho cảnh vật chung quanh. Con đường Gia Long ngày nào không còn là con đường huyết mạch, không còn là trung tâm , là cái nôi cuả thành phố trong mọi giao dịch như ngày nào, nó buồn hiu hắt và tàn tạ như cô gái giang hồ đang ở vào cái tuổi xế chiều. Dọc theo bãi biển một dãy khách sạn như Coserco, Hải Âu, Hoàng anh gia lai với những con đường thật rộng, hai bên đường rợp những hàng cây xanh lá , và những công viên với những bông hoa rực rở đua nhau khoe sác hương, những hàng dừa vút cao, với bãi cát dài trắng mịn chạy dài đến cuối chân trời.

Chúng tôi chia 2 phe để chơi trò co kéo, kéo co, mỗi bên 4 người (1 nam, 3 nữ). Phe bên kia có Kim Bình, Tố Nga, Phước,Thanh Vân. Phe tôi có Võ lan, Tâm, Tạ Hương. Vào cuộc, lần thứ 1 cả hai phe đều ngã qua bên trái, không bên nào thắng bên nào, lần thứ 2 ngã qua bên phải lại huề. Và lần sau cùng để dành phần thắng cho phe mình, tất cả mọi người ai cũng cố gắng hết sức cho nên cuối cùng mệt và đuối sức, không phân thắng bại, mọi người đều buông tay ra, mất thăng bằng tất cả đều ngã ngửa ra phía sau và người này nằm đè lên người kia, thế là những trận cười như xé cả không gian.

Chúng tôi bò lăn, bò càng dưới cát để cười cho thoả thích. Cát dường như cũng muốn chia vui với chúng tôi nên nó cũng theo nhau chui vào quần aó , giày vớ. Mệt quá, ngồi nghỉ một lát rồi bắt đầu nói chuyện phiếm, chuyện tiếu lâm, mà cái đề tài sống động và trường tồn mãi với thời gian là những mẫu chuyện tục mà thanh, thanh mà tục cứ thi nhau nổ rang.

Hình như ở vào cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc, (cái tuổi không còn nghi ngờ gì nữa về cuộc đời), đã làm cho con người cởi mở hơn, sống thực với mình với người, không còn e lệ, không còn giữ kẻ về lời ăn tiếng nói như khi còn ở cái tuổi mười mấy đôi mươi nữa. Dường như cuộc sống nó trần tục quá, nó trơ trẻn quá, nó trắng đen lẫn lộn, nó căng thẳng quá, cho nên con người có khuynh hướng xã xú bắp bằng những chuyện phiếm, chuyện cười, chuyện thanh thanh, tục tục, khi có dịp gặp gỡ, để tìm lại sự thăng bằng nội tâm, mà tiếp tục cuộc hành trình của kiếp người. Gần 12 giờ đêm chúng tôi mới chia tay ai về nhà nấy và hẹn sáng ngày mai gặp nhau để uống cafe, nghe nhạc, hát karaoke (cái mode thời thượng đang thịnh hành nhất ở Việt Nam).

Tháng 11 năm 2006 về Việt Nam lần này tôi gặp thật nhiều bạn cũ, những người bạn mà nhiều lần dù đã cố công tìm vẫn không biết ở đâu, bây giờ gặp lại thật không ngờ!

Tại Qui Nhơn những bạn cũ đã gặp ( Võ Lan, Dương Thanh Lam,Tố Nga, Tạ Hương, Quang Vân, Nguyên, Ngọc, Nguyễn thị Trúc , Xuân Hương ( nữ) . Phước,Tâm, Rỏ, Hoàng Tiến Dũng , Nguyễn Hựu, Trần Quang Sang (mấy anh chàng này gia nhập lớp chúng tôi sau thời hậu chiến 1975 ).Thầy Hùng dạy Toán (người bắc vào Nam sau 75), Cô Nguyễn thị Thanh Kiềm dạy Hoá (sau năm 1975). Bạn gặp lần đầu tiên gồm có Diệu Hạnh,Trần thị Ngọc, Lê thị Thúy Mai, Nguyễn thị Quỳnh Lưu, Aí, Buì thị Ngọc Liên,Thân thị Thùy Hương, Trần thị Kha. Hàn Aí Mai , Minh Tân, Đặng thị Thế Lệ, Kim Lan, Hận Tâm , Lê thị Thanh Tâm, Yên, Huỳnh thị Thanh, Bông,Ngọc Ánh,Thu Thủy, Thầy Nguyễn Đăng Trình (dạy tại trường tiểu học Nguyễn Huệ lớp 5D niên khoá 1970 -1971).

Tại Sài Gòn bạn đã gặp Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Võ Thị Hạ Thu,
Nguyễn thị Mường, Châu Mỹ Dung, Lê Kim Qui, Lê Phùng Qui,
Vân Hoài, Đinh Thị Kim Tân ,Thu Huyền. Gặp lần đầu tiên :Lưu Mộng Tâm, Khánh Linh, Trần Hồng Anh, Hoàng Lan, Hoàng Thúy,
Bích Kiều, Nguyệt , Đỗ Thị Kim Huy, Đoàn thị Lệ Ánh.

Tại Úc bạn mới gặp Hoàng Thanh Tâm (melbourne), Phù Khánh Mỹ (Adelaide)

Tại Mỹ đã nối lại được liên lạc với Trần thị Diệu Lê, Võ Thị Lý,
Hứa Võ Kiệt, Hứa Võ Anh, Lệ Rặc.

Chúng tôi tổ chức một ngày gặp nhau tại nhà Thùy Hương. Đi honda từ Qui Nhơn lên Diêu Trì, cứ hai người một xe chở nhau, chỉ cách QN có 10 cây thì chỉ cần 20 phút là đến vậy mà cũng phải mất gần 1 tiếng chúng tôi mới đến được,vì lạc nhau, dừng lái xe này đợi xe kia. Lung tung hết, đúng là …..

Đi chợ, nấu ăn, hát karaoke, rồi dẫn nhau đi uống cafe, chơi mãi gần đến 4 giờ chiều chúng tôi lại lục đục kéo nhau lên đường đi Tuy Phước để thăm Lê thị Thanh Tâm, một người bạn của tôi thời cấp 2 mà tôi cũng vừa mới tìm được.

Tám chiếc honda nối đuôi nhau lên đường,Tố Nga làm hướng dẫn viên vì đã đi một lần,nhưng do đường khó nhớ nên lạc đường, rồi lại lạc nhau, tìm nhau rồi lại đợi nhau, mất cũng khá nhiều thời gian chúng tôi mới đến được nhà Thanh Tâm. Nhà Tâm có nhiều cây ăn trái như soài, mận,dừa, và cây trứng gà, cây này tôi đã tìm kiếm nhiều lần để ăn thử , để tìm lại cái hương vị ngọt gay gắt và nghèn nghẹn trong cổ họng khi ăn, nhưng bây giờ ở VN người ta không bán nữa vì chẳng ai ăn, bây giờ có quá nhiều thứ trái cây nhập cảng ngon hơn để chọn lựa.

Tôi cảm thấy buồn cho thân phận nó bây giờ đã bị đời ruồng bỏ. Tiếc rằng lúc đó trái chưa chín nên Tâm không hái cho tôi ăn được để tôi tìm lại cảm giác ngày nào. Hẹn lần sau chín Tâm sẽ gửi vào cho tôi, nhưng đến giờ này tôi vẫn chưa được nếm lại cái mùi vị đặc biệt đó. Hôm đi thăm mộ mẹ, trước cổng nghĩa địa Phật giáo tôi nhìn thấy cây trứng cá đầy những quả chín ửng đỏ, mấy chị em tôi dựng xe Honda lên, leo lên trên yên xe rồi níu cành xuống để hái ăn cho thoả thích, tôi vẫn còn thích cái mùi vị thanh thanh dịu dịu khi cắn vào.

Con nít Việt Nam bây giờ cũng không thèm ăn qủa trứng cá nữa, khi tôi về hỏi mấy đứa cháu. Chúng nó trề môi nhún vai và nói ” chẳng ai ăn những thứ ấy nữa”. Một cảm giác buồn buồn như thấy mình vừa bị thất sủng.

Chúng tôi đứng bên nhau chụp những tấm hình làm kỷ niệm, rồi cùng nhau ngồi xuống đất để ăn những món ăn do Tâm làm, dù thật đơn sơ và giản dị nhưng chứa đựng một tấm lòng yêu thương, quí trọng bạn bè của Tâm, chúng tôi ăn uống thật hăng say, ăn sạch sẽ những gì mà Tâm dọn ra dù là vừa ăn xong ở nhà Thuỳ Hương no ứ ự. Trời bắt đầu mờ tối, chia tay Tâm chúng tôi phải đi về, vì đường khó đi và khó nhớ nên con rể của Thanh Tâm phải dẫn đường đưa chúng tôi ra con lộ chính rồi từ đó chúng tôi mới có thể tự đi được. Ra đến đường lớn, lại rủ nhau tấp vào quán café, rồi sau đó mới đường ai nấy về.

Ngày 01/01/2007 tổ chức mừng thượng thọ ba tôi vừa tròn 85 tuổi. Tôi mời tất cả thầy cô, bạn bè mà tôi đã kể trên đến dự. Thanh Lam ở Quảng Ngãi vào và Quỳnh Huơng cũng từ Sài Gòn về tham dự. Nhân dịp này gia đình anh chị San, Lan và Sandra (con gái anh chị San), Chị Thủy và con gái (em anh San) từ Mỹ về. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp lại anh chi San, người đã cùng đi với tôi trong chuyến vượt biển năm 1977. Gặp chị Lan (Tiệm vải Trung Thành đường Gia Long), tôi nhìn không ra vì không ngờ chị vẫn còn trẻ, đẹp so với số tuổi của chị bây giờ, không hổ danh là hoa khôi một thời của trường Nữ trung học.

Bửa tiệc hôm đó thật vui, với sự đóng góp của nhiều bạn bè thân hữu. Võ Lan đại diện nhóm bạn của tôi lên chúc thọ, Thùy Hương lên giúp vui với những bài hát giựt gân và sống động, làm cho không khí bửa tiệc được ấm cúng và thành công.

Nhân dịp đám cưới con gái của Mộng Tâm tại Sài Gòn,Tâm có mời tất cả bạn bè ở Qui Nhơn vào dự, nhưng chỉ có một số người thu xếp được để vào dự. Ngày lên đường chúng tôi mướn một chiếc xe du lịch 16 chỗ ngồi, nhân số tổng cộng là 9 người, chỗ ngồi thật rộng rải, thoái mái, có máy lạnh nên cũng giúp đỡ phần nào cho những phận liễu yếu đào tơ, xương cốt đã bắt đầu lão hóa, sức lực không còn như những năm 17,18 nữa và đang chuẩn bị bước vào cái tuổi 50.

Hẹn 5 giờ chiều khởi hành mà lục đục mãi đến hơn 7 giờ mới depart. Đúng là giờ giây thun! Gì thì gì, chứ nói đến chuyện giờ giấc thun với giãn thì dân Việt chắc là đứng đầu thế giới về chuyện này. Khởi hành có hơi trể nhưng bù lại chúng tôi có thật nhiều thức ăn dự trữ. Nào là hạt dưa, mức gừng, kẹo, bánh, quít, nhãn v.v… và hai nồi cháo gà thơm phưng phức, tỏa hương bay ngào ngạt.

Dù biết vẫn còn đang trong dịch cúm gà ( H5N1), nhưng cái sức quyến rũ cuả nồi cháo làm cho tôi quên hết mọi sự, quên luôn cả cái dịch đang làm thế giới lo sốt vó.Trong cái không khí lành lạnh cuả ban đêm, múc 1 chén cháo gà bốc khói nghi ngút, vừa ăn vừa suýt xoa vì nóng, vừa ăn vừa tán dốc , cảm nhận cái ngọt ngào, cái hương vị quê hương và tình cảm yêu thương của bạn bè chung quanh mình. Nó làm tôi nhớ đến chuyện đi thi trình diễn văn nghệ giữa các trường và các tỉnh khác tại Pleiku năm 1974. Trường Nữ trung Học lúc đó dự thi với hoạt cảnh Đêm Mê Linh. Một kỷ niệm thật đẹp cuả một thời trung hoc.

Lần đầu sau rất nhiều năm xa xứ, được đi xe từ Qui Nhơn vào Sài Gòn với bạn bè như thế này thật là may mắn và hạnh phúc. Có điều tôi cảm thấy buồn buồn và chua xót khi nghĩ đến quê hương, đất nước thân yêu cuả chúng ta biết đến bao giờ mới có được những con đường lát nhựa thẳng tắp, rộng rải, không còn những ổ gà, không còn những công trình chưa hoàn tất mà đã xuống cấp, không còn những cảnh quăng rác trên xe xuống đường v.v… Đầy đũ an toàn với những phương tiện tối thiểu để người đi đường được hưởng trong những chuyến đi xa như thế này. Đất nước chúng ta còn quá nghèo, nghèo ở đây không phải nghèo vì không tiền không bạc, mà nghèo ở đây là cái nghèo nàn trong viễn kiến, trong đầu óc cuả những kẻ lãnh đạo đất nước.Tất cả chỉ vì lòng tham cuả những kẻ nắm quyền lực. Không biết đến bao giờ đất nước Việt Nam mới có được những người lãnh đạo anh minh , sáng suốt để đưa đất nước Việt Nam chúng ta tiến lên , để có thể theo kịp những nước láng giềng xung quanh, mà có một thời ở quá khứ chúng ta đã thường gọi họ là ” Mọi ” như Malaysia, Thái Lan, Singapore. Vậy mà bây giờ không biết phải mất bao nhiêu năm nữa chúng ta mới đuổi theo kịp những nước đó. Nói chi đến những nước ở phương tây xa lắc, xa lơ. Thật chua chát và xót xa!

Xe đến nhà Mộng Tâm ở Phú Nhuận, chúng tôi xuống xe , đem valises vào nhà, tất cả chín em dọn vào chung một phòng lớn, đứa thì thay đồ , đứa soạn đồ, đứa thì trang điểm để chuẩn bị dự bữa cơm trưa do nhà gái khoán đãi ngay tại nhà.

Tối đến chúng tôi lại lên xe đến nhà hàng để dự buổi tiệc cưới. Ngoài những bạn ở Qui Nhơn vào còn có những người bạn ở Sài Gòn đến dự như Phùng Qui, Kim Qui, Vân Hoài. Tất cả chúng tôi ngồi chung một bàn để vừa ăn vừa chuyện trò và cười đùa cho thỏa thích.

Dự định của các bạn là sau khi ăn đám cưới xong sẽ lên xe về lại Qui Nhơn để kịp sáng thứ 2 các bạn đi làm lại, nhưng do ham vui nên cuối cùng tất cả đều quyết định ở lại Sài Gòn một đêm , đến chiều hôm sau mới lên đường về lại Qui Nhơn. Tội nghiệp nhất là Diệu Hạnh, phải về lại QN sáng thứ 2 để làm báo cáo kết quả thi học kỳ 1 của học sinh. Vậy mà cuối cùng vì ham vui cô giáo cũng nhắm mắt , liều mình đưa chân tới luôn , bỏ dạy, bỏ học sinh , bỏ báo cáo để ở lại với tất cả bạn bè. Thật là ! thật là !…..Cám ơn Diệu Hạnh nhiều lắm nghe đã hy sinh vì tập thể, quên luôn cả chính mình.

Còn Phùng Qui, Kim Qui, Vân Hoài ở Sài Gòn , có ai đời đi dự đám cưới rồi đi luôn cho đến sáng hôm sau mới về không? Chắc là hiếm có lắm thì phải ? Không biết hôm sau về đến nhà có bị chồng, bị con đuổi ra khỏi nhà không nữa. Tất cả cũng chỉ vì ham vui, vì bạn bè, vì tự nhiên thấy mình như trẻ lại, như còn ở cái tuổi chưa có một ràng buộc nào với gia đình, với trách nhiệm. Quên ! quên hết, chỉ còn sống với từng phút giây ở hiện tại mà thôi.

Cái đêm ở lại nhà Mộng Tâm chúng tôi thức hầu như suốt đêm, nếu như không sợ hàng xóm sáng mai qua gõ cửa mắng vốn Mộng Tâm thì chắc là chúng tôi còn quậy hơn nữa. Chia làm 2 phe chúng tôi chơi trò vật tay xem phe nào thắng. Tôi và Thanh Vân đại diện cho 2 phe đánh xù xì để chọn người cho phe mình, phe Thanh Vân có Võ Lan, Quang Vân,Vân Hoài, phe tôi có Diệu Hạnh, Kim Lan, To nga.

Võ Lan thắng Diệu Hạnh, Kim Lan thắng Vân Hoài, Tố Nga và Quang Vân huề nhau. Đến giờ phút này cả 2 phe huề nhau chưa phân thắng bại, còn lại cặp cuối là tôi với Thanh Vân.

Tướng Vân này ai yếu bóng vía nhìn thấy cũng sợ lắm vì nó có biệt danh là Vân (ù), nhưng chỉ được cai tướng to con và cái miệng hay hâm dọa người khác chứ thật ra bên trong thì … yểu xìu…Cuối cùng phe Thanh Vân thua. Dù tôi và Vân không thi đấu, nó đã tự động xin hàng . Vì cái tướng của tôi vẫn làm nó sợ. Vân này có mối thù với tôi từ cái thuở còn con nít . Dự định sau này lớn lên có dịp sẽ trả thù, nhưng hơn 30 năm sau gặp lại, thấy Vân không làm nên cơm cháo gì, nên đành ôm hận. Lần này Vân hẹn tới kiếp sau sẽ trả thù…..tiếp.

Hai tuần cuối cùng ở Sài Gòn tôi không có một ngày nào rảnh rỗi, đưa các bạn về QN, tôi lại chuẫn bị để họp mặt những bạn đang ở Sài Gòn. Lần đầu tôi mời các bạn đến nhà ( nhà bạn tôi ở nhờ,chứ không phải của tôi), sau đó đến phiên Quỳnh Hương mời, rồi đến phiên Mỹ Dung, rồi đến Mường, đến Kim Qui mời. Mộng Tâm mời các bạn vào ngày hôm sau đi nghe nhạc, ăn tối, nhưng có lẻ do những ngày gặp nhau liên tiếp như vậy nên ai cũng mệt nhoài, và nhất là tôi , chỉ còn ngày mai nữa là tôi sẽ quay về lại Úc kết thúc 3 tháng trời rong chơi.

Mỗi lần các bạn mời tôi lại được dịp gặp những người bạn mới mà những lần trước đây tôi chưa bao giờ gặp. Không một cuộc gặp gỡ nào mà không có những tiếng cười đùa, người nào có buồn như thế nào đi nữa mà đã vào họp mặt như thế này cũng sẽ hết buồn ngay. Các bạn bè ở Sài Gòn nói chung đa số đều có một cuộc sống ổn định, đời sống có vẻ thoải mái về kinh tế, nhưng bù vào đó không có thời gian nhiều như những người bạn ở Qui Nhơn.

Đó cũng là lẻ tự nhiên thôi vì cuộc sống ngày nay ở những nơi phát triển như Sài Gòn, tất cả mọi người phải chạy đua với thời gian với công việc mới có thể hòa nhập được với tốc độ hiện tại. Còn những nơi khác như Qui Nhơn vẫn còn giữ cái phong cách tà tà, làm việc lè phè , làm cho hết giờ chứ không cần hết việc. Cái môi trường sống khác nhau cũng hình thành phong cách mỗi người mỗi khác. Vì vậy tổ chức gặp được bạn bè ở Sài Gòn là một khó khăn, vì khó có thể gặp tất cả mọi người cùng một lúc được.

Hôm họp mặt ở nhà Mường. Hạ Thu làm đầu bếp nấu một nồi bún riêu cua, nhưng do không lường được có bao nhiêu bạn bè sẽ đến, thiếu bún phải chạy đi mua , may là ở Việt Nam, chứ ở đây mà đi mua bún tươi vào cái giờ giấc tối đen như vậy thì chắc có nước là nhịn thôi. Bún riêu Hạ Thu nấu thật ngon, phải nói là quá ngon theo cái khẩu vị cuả tôi, không biết vì vui, mà cái hương vị nó tăng lên không, chứ phải nói là ai cũng khen Hạ Thu nấu ngon. Giản dị , đơn sơ mà hương vị thật đậm đà.

Chúng tôi đề nghị Hạ Thu đừng buôn bán vải nữa mà hãy mở tiệm bán bún riêu đi, chắc chắn là sẽ phát tài lắm lắm, nếu như bán ế quá vì chưa ai biết tài của mình thì Hạ Thu chỉ cần hú một tiếng chúng tôi sẽ ùa lại ăn một cái là sẽ hết ngay, đừng lo ế nghe Hạ Thu. Quỳnh Hương đề nghị hè năm nay 2007 sẽ tổ chức một cuộc họp mặt 30 năm kể từ năm tốt nghiệp lớp 12 năm 1977. Chúng tôi ai cũng hoan nghênh và ủng hộ đề nghị này. ” Xin lỗi các bạn nam sinh, chỉ có nữ sinh thôi, đừng buồn nhé” nguyên văn lời Quỳnh Hương nói.

Ngày 24-01-2007 tôi lên đường trở về Úc sau 3 tháng rong choi thỏa thích. Hạnh phúc của con người đôi lúc chỉ là những điều thật đơn sơ giản dị, chứ đâu phải là một cái gì quá tầm tay với, hay những gì vĩ đại lắm đâu. Vấn đề là khi sống trong giờ phút hiện tại đó, chúng ta có thực sống, có biết được là chúng ta đang sống, đang hiện hữu hay không, hay là thân xác thì hiện hữu mà tâm hồn thì lại đang phiêu lưu, đang lo nghĩ đến những chuyện ngày mai, chuyện chưa đến như : ” Cha! chiều nay còn phải đi thu tiền hụi, ngày mai phải gặp ông A, bà B, ngày kia phải đóng tiền nhà, tiền cửa v.v…và v.v…

Nếu vậy thì chẳng bao giờ chúng ta có được hạnh phúc, vui sướng cả, vì ngay trong giờ phút đó chúng ta đã không hiện hữu, đã là một cái xác biết cử động mà không có tâm hồn. Vậy thì chúng ta hãy ” Quán chiếu ở hiện tại “, và chỉ ở hiện tại mà thôi chúng ta sẽ có hạnh phúc trong mỗi giây, mỗi khắt cuả đời mình.

Về lại Úc tôi lại được hưởng một hạnh phúc mới là được gặp một người bạn, cùng chung trường , chung khóa. Mà suốt quảng đời ở nơi xứ lạ quê người, tôi vẫn hằng cầu mong được gặp, chỉ cần học ngang lớp với mình thôi cũng đã đủ sướng rồi, vậy mà lời mong cầu của tôi mãi đến hôm nay mới trở thành hiện thực trong một sự gặp gỡ thật bất ngờ, một điều ngoài dự định của mình.

Giữa tháng 10 năm 2006, hôm đó tôi được mời đến nhà anh Thanh, chị Cảnh (người đi cùng tôi trong chuyến vượt biển) để họp mặt cho vui. Tôi được gặp anh Tuấn (đi cùng tàu với tôi, mà cũng là anh của Hoàng Thanh Tâm). Hôm đó cả mấy anh chị em của Tâm đều có mặt, chỉ có Tâm thì lại đang ở Việt Nam. Sau một hồi chuyện trò với chị em Tâm mới biết ra Tâm là bạn học với mình. Biết , và chỉ biết thế thôi mà lại chưa một lần biết mặt, phải một tháng sau nữa Tâm mới về lại Úc, mà lúc đó thì tôi lại đi vế Việt Nam.

Như vậy nếu gặp được Tâm phải đợi đến khi tôi về lại úc, tức là phải đến cuối tháng 1 năm 2007. Thật là kỳ diệu, thật là ngạc nhiên phải không Tâm? Bao nhiêu năm ở cùng một tiểu bang, một thành phố, vậy mà chúng ta lại chưa bao giờ gặp, đúng là , đúng là… ” hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng “. Bây giờ thì cái duyên đã đến, dù muộn vẫn còn hơn là chẳng bao giờ.

Những lần gặp gỡ vừa qua, tuy chỉ đôi ba lần, nhưng sao mình cảm thấy như có một sự cảm thông, một cái gì đó gần gũi nhau như đã thân quen từ bao giờ. Cái may mắn ở đây không chỉ là được gặp Tăm không thôi mà tôi còn được làm quen với chị Tú (chị của Tâm) và Thúy (em gái của Tâm). Như vậy bây giờ tôi có tới những ba người bạn, chứ không phải là một nữa.

Cám ơn chị Tú, cám ơn Tâm, cám ơn Thúy, cám ơn đời, cám ơn tất cả đã cho tôi có được những người bạn ở nơi đây, nơi mà tình người, tình thân thật khó kiếm như những giọt nước hiếm hoi trong sa mạc.

Ngày 16-6-07 này tôi sẽ lên đường qua Houston để dự Đại hội Nữ trung Học & Cường Để. Vẫn thường tổ chức hàng năm vào dịp hè . Đây là lần thứ 10, và là lần sau cuối .Cho nên dù có thế nào đi nữa tôi vẫn muốn đi, vì muốn được hòa nhập, để sống, để gặp , để thấy, để nghe và để cảm nhận được cái cảm giác, cái không khí sôi nổi, ấm áp của tình bạn, tình thầy trò xum họp bên nhau, trong những dịp quí hiếm như thế này.

Sau khi dự đại hội ở Mỹ xong, như đã hẹn với Lệ Rặc, tôi sẽ đi Philadelphia với Rặc rồi đi Newyork thăm Duy Minh và Duy Tâm. Đây là một dịp để tôi vừa có thể thăm bạn bè, vừa có thể viếng thăm một thành phố nổi tiếng của nước Mỹ. Nhất là được đi với bạn thì còn gì vui sướng hon.

Diệu Lê ở San Jose cũng bảo tôi là phải qua bên ấy thăm hắn, mà tôi chỉ đi có 2 tuần , không biết có thể thu xếp để bay qua thăm hắn hay không? Cái con ni nó thật là ích kỷ, và không biết điều một chút nào, hắn không thương tôi (liễu yếu đào tơ Hi ..hi..) phải bay từ nơi này sang nơi kia để đến được nước Mỹ đi dự đại hội, đáng lý hắn phải qua bên Houston trước là dự Đại hội sau là gặp gỡ các bạn chứ, hắn lại cứ nằng nặc bắt tôi phải qua bên hắn, vì hắn đã chuẩn bị cần câu, tàu lớn tàu nhỏ để dẫn tôi đi câu cá như lời hắn đã hứa với tôi.

Tin giờ chót là Hoàng Thanh Tâm và Thanh Tú , hai chị em sẽ đi cùng tôi qua Houston, sau khi đã xem xong cuốn DVD và đặc san Nữ trung Học , thấy lòng bồi hồi nôn nao muốn được gặp lại bạn bè, muốn được hòa nhập vào cái không khí vui nhộn đó nên đã quyết định đi cùng tôi. Đây phải gọi là một thành công của tôi trong cuộc vận động các bạn về dự đại hội.

Ngày 20-7 tôi lại sẽ lên đường về Qui Nhơn, về để dự cuộc họp mặt 30 năm được tổ chức tại sân trường Nữ trung học . Hai ngày 28&29-7 sẽ rơi vào ngày thứ 7 và chủ nhật. Theo dự định chúng tôi sẽ có đêm không ngủ , đốt lửa trại, chơi trò chơi lớn, nhỏ v.v….

Nó làm cho tôi nhớ lại cuộc cắm trại vào năm 1975 , đầu năm lớp 10 ( trước khi miền Nam bị sụp đổ), tại sân trường Nữ trung học. Năm đó tôi học lớp 10A1, do cô Thảo Trang làm chủ nhiệm. Lúc đó cô có bầu sắp sinh nên không dự cuộc cắm trại với chúng tôi. Các lớp khác, lớp nào cũng có thầy, cô chủ nhiệm đi theo để hướng dẫn, cổ động, để nâng đỡ, tạo sức mạnh tinh thần, nhưng lớp tôi thì lại không, vậy mà lớp tôi lại là lớp giật được nhiều giải thưởng nhất, kể cả trò chơi lớn, là trò chơi quan trọng nhất, trong tất cả mọi trò chơi, nhiều đến nỗi không mang về hết được phải kêu xích lô để chở về. Có lẻ đôi lúc sống trong một hoàn cảnh thiếu thốn như vậy lại làm cho con người đoàn kết, nổ lực vươn lên hơn là khi sống trong một điều kiện đầy đủ.

30 năm đã qua, kể thì thật lâu mà sao đôi lúc lại thấy như một chớp mắt. Cuộc sống của một đời người cũng tuần tự đi qua từng giai đoạn “sinh, lão, bệnh, tử “. Cát bụi sẽ trở thành cát bụi.

Cuộc đời là vô thường vì nó không thường, cho nên nó có rồi không, không rồi lại có. Khi buông tay, nhắm mắt , liệu chúng ta sẽ đem được gì về bên kia thế giới. Sao không sống thực với mình, với người , với đời, để mọi phút giây hiện hữu là những phút giây hạnh phúc. Chúc tất cả các bạn thật nhiều sức khỏe, thật nhiều nghị lực, thật nhiều sáng suốt để sống , để hưởng và bằng lòng với những gì các bạn đang có trong tay.

Cuối cùng xin cám ơn chị Lan ( Tiệm vải Trung Thành) là người đã khuyến khích tôi viết bài cho đặc san Nữ trung học, nếu không có chị nhắc nhỡ chắc là tôi chẳng bao giờ hoàn thành được.

Sơ luợc tiểu sử của người viết bài này :
– Tên và họ : Nguyễn Thị Hương
– Sinh ngày : 24/02/1959 cầm tinh con heo . Năm nay vừa tròn 48 cái xuân qua.

– Mẫu giáo học trường cô Lợi ( gần đình Cẩm thượng, có cây Thị thật lớn tỏa hương thơm ngào ngạt ).
-Tiểu học lớp 1&2 học trường Mai Xuân Thưởng.
-Tiểu học Nguyễn Huệ từ lớp 3 đến hết năm lớp 5.
-Trung học niên khoá 1970-1977 trường Nữ trung Học
-1977 vượt biển đến Indonesia( Nam dương quần đảo )
-Tháng 4-1978 định cư tại Australia ( Úc Đại lợi.)
-1984 lập gia đình có 1 chồng , 2 con (1 gái,1 trai.)
– Năm 2004 về hưu.
– Biệt danh vẫn thường được các bạn gọi và nhắc nhỡ từ nhỏ cho đến chết là:
– Hương trai, H đánh trống , H Vovinam, H ba gát,Tomboy ,Hương A (trong lớp có 3 em tên họ giống nhau).
Công chúa Bocasa hi hi…oai quá phải không ? Được làm công chúa dù là công chúa cuả một nước Phi châu (do anh Bình nhà Trung Thành đặt cho, vì lúc đó tôi đen như mọi và xấu như nàng công chuá…..). Kệ ! Đen, xấu gì cũng được, miễn làm công chúa thì cũng oai hơn là làm thường dân chứ lị.

Xin chào tất cả các bạn và hẹn ngày gặp mặt.

Nguyễn Hương
Niên khoá 1970 – 1977

11 BÌNH LUẬN

  1. RE: Ba Mươi Năm Nhìn Lại
    Hi Hương! Chị nghi Hương “trai”, là bạn của Diệu Khanh, em gái chị – đang ở Sydney? Cách đây không lâu Khanh có nhờ chị đăng tìm bạn trên trang web NTH nhưng không thấy ai trả lời nên chị nghĩ chắc Khanh không có “duyên” gặp lại bạn cũ rồi. Cách đây 2 hôm Khanh có gọi khoe Hương là người đầu tiên gọi cho Khanh từ Úc sau mục tin nhắn ấy và từ đó Khanh biết được những bạn bè thân thương từ lớp 9 NTH hiện nay đang ở đâu.
    Sáng nay Khanh email khoe đã lấy vé Tết này về Việt Nam ăn Tết cùng với gia đình. Hương có về không?
    Chị chúc Hương luôn vui khỏe, gia đình hạnh phúc! Cảm ơn những tự sự chân thành của Hương qua bài viết này. Mong gặp lại Hương trong những bài viết sau. Thân mến, Chị Diệu Tâm

    • RE: RE: Ba Mươi Năm Nhìn Lại
      Chao chi Tam. Da! Em la Huong trai day.Xin cam on nhung loi nhan tin tim ban cua chi dum cho Khanh. Neu khong co nhung loi nhan ay thi khong biet den bao gio tui em moi gap lai nhau. Nhat la cung o trong 1 nuoc ma lai khong biet. Co le duyen chua den nen cu mai tim nhau. Khong gi vui hon la duoc gap lai nhung nguoi ban cua 1 thoi ao trang. Thoi gian dep nhat cua doi hoc sinh.
      Em ve Vn ngay 28-12-2011 ,di truoc D Khanh 1 ngay. Hom qua tui em da hen nhau se gap tai Sai gon cung voi 1 so ban be cu . Long non nao muon nhin lai chan dung nguoi ban cu sau hon 36 nam chia cat. Tat ca deu la dinh menh va duyen no phai khong chi Tam?
      Mot lan nua xin cam on chi va xin chuc chi that nhieu an lac.

  2. RE: Ba Mươi Năm Nhìn Lại
    [i]Cầm tinh con heo. Vừa tròn trịa 48 cái xuân qua.[/i] Có nghĩa là bài viết này cũng tròn trịa được 4 xưn xanh.
    Cảm ơn bạn Hương!

  3. Ba Mươi Năm Nhìn Lại
    Nguyên Hương mến,thấy thương cho em quá.ước ao khắc khoài do la` dong`suy tư cùa kiếp nguoi`.Bây gio`em muốn tim`lai chính con nguoi`minh`,nhin`lai minh`[Bàn lai diện mục.[
    Để được như ngươi`khach roi`bo con thuyê`n khi đã cập bến sông ,an nhiên tự tại không phài dễ .Nhưng cứ đi roi` sẽ đến
    Giới thiệu với em nhửng bai` cô Nga viết Hanh phúc,Thiên đang`địa ngục,Sóng va` nước…Cô có nhieu`loi`khuyên hữu ích ve` sự an lac.
    Đối cảnh tâm không mạc vấn thien`
    hay;
    Sống la` động nhưng lo`ng luôn bất động
    Sóng la` thương nhưng long` chằng vấn vương
    Sống yên vui danh lợi mãi coi thương`
    Tâm bất bien giữa dong` đơi`vạn biến
    Chúc em vui va` đạt được ý muốn.

  4. RE: Ba Mươi Năm Nhìn Lại
    Xin cam on su chi giao cua chi. Khong gi qui hon la tim duoc “ban lai dien muc” cua minh. Hieu duoc no thi khong co tro luc nao ma khong vuot qua duoc. “Qua song cho co luy do” Lam duoc dieu do thi se thanh thoi , thong dong va tu tai. Em cung co doc nhung bai cua co Vuong thuy Nga tren trang nha NTH. Rat hay! va mang tinh giao duc nhu thien chuc cua co, Doc nhung bai viet ay chung ta co the “ngo ” duoc nhieu dieu qui gia de lam hanh trang cho ly tuong minh dang theo duoi.Mot lan nua cam on su quan tam va chia xe cuachi. Chuc chi va gd moi su an vui.Xin loi em khong biet ten cua chi la gi??? Neu duoc se de dang de trao doi hon.

  5. RE: Ba Mươi Năm Nhìn Lại
    Một nhật kí đầy ắp nỗi vui của tình bạn. Được về hưu khi chân tay còn đấu vật được là sướng nhất đời đó NH ơi!

  6. RE: Ba Mươi Năm Nhìn Lại
    Cam on chi Ha! Suc khoe la chia khoa mo cua hanh phuc. Thieu no hay khong co no ,buc tranh se chi con la 1 mau xam ngat, nhat la cai tuoi chuan bi ve chieu thi suc khoe lai qui hon ca bac tien nua pha khong chi Ha? Chuc chi that nhieu suc khoe, de biet dau co 1ngay nao do chi em minh gap nhau co the dau vat xem ai t hang ai chi ha. 😛

  7. RE: Ba Mươi Năm Nhìn Lại
    Ừa, biết đâu có ngày sẽ có dịp vật tay, bảo đảm chị sẽ…thua liền, nghe dân Vovinam chưa đấu đã muốn bỏ chạy rồi đây 😆

  8. RE: Ba Mươi Năm Nhìn Lại
    Hương ơi, mình là Thanh Hiền ( chinh phụ đây!).Đọc “Ba Mươi Năm Nhìn Lại” lòng chạnh buồn! Quay lại một thời, nhớ ơi l là nhớ!
    Ngày 29-10-2011 vừa qua là đám cưới con trai Thanh Hiền, ở Quy Nhơn vô dự 16 bạn cộng ở Sài Gòn vị chi 30, hi hi…vui ơi là vui
    Chúc Hương khỏe và cho gởi lời thăm “bà lớn” hi hi

    • RE: RE: Ba Mươi Năm Nhìn Lại
      Hi Hien, H da goi loi chuc mung trong bai tho”Bong thoi gian” khi nhan duoc Hien qua do de doc tin nhan cua H viet cho Hien. Chuc moi su an lanh den voi Hien cung gd va ban be cua chung ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả