Một chị nhân viên đưa tôi đến phòng 206. Vừa bước vào, tôi không thể tin vào đôi mắt mình. Bà đó sao? So với người bản xứ, bà nhỏ con thật. Nhưng không phải là cái nhỏ con như bây giờ. Bà gầy gò, ốm yếu, khô đét như tàu lá chuối thời thơ ấu của tôi dưới cái nắng chang chang của cái xứ nhiệt đới, cái xứ sở mà tôi đã từng lớn lên, vừa nóng , vừa ẩm ướt đến bèo nhèo cái thân thể ốm nhôm, gầy cồm, thiếu dinh dưỡng. Tôi đã không có tuổi dậy thì? Bà nằm yên, mắt nhắm nghiền, hơi thở có phần mõi mệt. Tôi không muốn đánh thức bà dậy, vã lại tôi cũng muốn ngồi yên một mình trong cái thinh lặng buồn tẻ này để nhớ về bà, để hình dung lại những cái ôm siết của bà dành cho tôi mỗi khi tôi có dịp gặp bà.
Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, tôi cũng như bao nhiêu người Việt nam khác, đã tìm cách ra đi bằng đường bộ hay bằng đường biển ra khỏi miền đất mà mình đã được sinh ra, miền đất đã nuôi dưỡng tuổi thơ mình. Sau cuộc đổi đời, cả đất nước chìm dưới chín tầng địa ngục. Chiến tranh, hậu chiến tranh đã lấy đi hết bao nhiêu bầu nhiệt huyết của tuôi trẻ, đã cướp đi bao nhiêu giấc mộng của tuổi mới lớn, đã nhận chìm bao nhiêu thế hệ. Thật tình mà nói, nếu mà tôi hình dung ra đuợc sự hung dữ của biển cả, sự tàn bạo của đất trời, sư mất nhân tính của con người đến mức như thế thì tôi không đủ can đảm để đi tìm một chút tự do để thở. Ở đâu rồi cũng chết mà! Có thật sự là tôi đã quá sợ hãi sống trong một đất nước thù hận triền miên hay vì tôi không hình dung ra được những nguy hiểm phía trước đang rình rập chờ đợi tôi nên cuộc chạy trốn đã thành công. Thành công và may mắn vì tôi đã được sống sót. Thành công và may mắn vì tôi đã được một nước giàu có nhất thế giới cưu mang và cho tôi cơ hội làm lại từ đầu. Cơ hội lớn nhất là tôi đã được trở lại trường học. Tôi luôn muốn nói lời cảm ơn đến đất nước nhiều cơ hội này. Giờ đây tôi đang có một công ăn việc làm tương đối ổn định, có một mái ấm gia đình dưới một mái nhà nói theo quan điểm của nhiều người đó là tôi đã đạt được giấc mơ Mỹ” American Dream”.
Đang miên man ngược dòng về quá khứ, một quá khứ có quá nhiều đắng cay, một quá khứ có quá nhiều khó khăn, một quá khứ có quá nhiều thử thách, một quá khứ đau thương không phải chỉ riêng mình, bất ngờ tiếng động cựa mình và tiếng ú ớ của bà đã lôi tôi ra khỏi giấc mơ quá khứ. Tôi đoán là bà đã thức giấc, tôi đến gần và thì thầm với bà “Kim tới thăm bà đây, bà có nhận ra con không?”, nhưng không nghe bà trả lời. Tôi nghĩ chắc phải nói lớn lên thì bà mới nghe được. Tôi nói lớn hơn một chút, rồi lớn hơn một chút nữa đến khi bà mở mắt ra, nhưng tôi nghĩ là bà chưa nhận ra tôi. Tôi giới thiệu tên tôi lần nữa. Lần này hình như bà nhận ra. Bà gọi tên tôi và nói ” Kim, bà vui quá khi gặp lại Kim, bà thật là hạnh phúc, cảm ơn Chúa!”. Thật ra tôi cũng không chắc là bà nhớ tôi là ai trong cả hơn mười người bạn tị nạn của bà. Bà thế đấy! Bà đã mở lòng ra đón những người bạn mới của bà mà cả ngôn ngữ và tập quán đều xa lạ với bà. Tình người thể hiện đôi khi không cần đến ngôn ngữ, sự cảm thông và an ủi đôi khi chỉ cần một ánh mắt nhìn, một cái siết tay hay một vòng ôm! Và đôi khi là một nụ cười cho nhau cũng đủ xua tan đi những điều phiền muộn.
Tôi lại nhớ đến những ngày chân ướt chân ráo đến thành phố này của 26 năm về trước. Bà đã mang những tấm chăn cũ, quần áo cũ, chén bát cũ bà xin được ở nhà thờ đến tặng tôi. Bà xin được cho tôi một cái giường hai tầng. Gia đình nhỏ của tôi gồm bốn người, cô em và hai cháu con của người chị gởi tôi mang theo để chị nhẹ gánh bớt mà lo cho hai đứa con nhỏ còn lại và ông chồng đang học tập cải tạo. Mãi đến bây giờ thỉnh thoảng tôi cũng còn tư hỏi liệu tôi đã làm đúng khi tôi nhận lời dẫn hai cháu đi cùng, lúc ấy đứa cháu lớn 8 tuổi và cháu nhỏ hơn chưa đầy 7 tuổi. Tôi luôn tự hỏi xem tôi đã làm tròn bổn phận chưa? Tôi chỉ biết rằng tôi đã làm hết sức mình, tôi chỉ biết rằng tôi đã yêu thương hai cháu như bây giờ tôi đang yêu thưong hai cô con gái của tôi. Nhưng một điều chắc chắn là lúc bấy giờ tôi đã không có đủ điều kiện để săn sóc và lo lắng cho hai cháu như tôi đang làm cho hai con tôi bây giờ. Điều này thỉnh thoảng cũng làm tôi quay quắt. Không ai bắt tôi phải tự hành hạ mình với những suy nghĩ ấy đâu. Tại tôi, tại tôi mà thôi.
Đã may mắn được làm mẹ, nên tôi hiểu được nỗi đau này lớn như thế nào khi phải quyết định chia xa như thế. Hai đứa nhỏ khóc than, nhớ mẹ suốt những ngày lênh đênh trên biển và rất nhiều tháng ngày sau đó. Sao tôi vẫn chưa quên được những tiếng khóc đau đớn này. Nó cứ lẩn quẩn quanh tôi đến tận bây giờ và đôi khi nó cứ đặt nhiều câu hỏi làm tội làm tình tôi. Nhớ lại cái ngày tự nhiên tôi trở thành “single mom” một cách bất đắc dĩ, lúc nào trong tôi cũng dạt dào một niềm xúc động khó diễn tả bằng lời. Tôi đã trải qua những ngày tháng thật khó khăn, vừa làm, vừa học, vừa phải lo cho cái gia đình nhỏ, rồi còn phải lo cho người anh thân yêu nhất của mình đang bị bệnh. Anh đến Mỹ trước tôi 7 năm. Tôi vẫn còn nhớ mãi cái đêm hai anh em tâm tình với nhau là nên ra đi hay ở lại. Cuối cùng thì tôi quyết định ở lại và anh ra đi. Anh đã ra đi trước ngày đổi đời một ngày. Anh ra đi vì anh là lính chiến. Tôi ở lại vì tôi mất liên lạc với ba mẹ tôi. Ba mẹ tôi vẫn còn kẹt lại ở miền trung, đâu đó trên con đường di tản, không biết chết sống như thế nào. Ai đã từng trải qua những đoạn đời đau thương này, mới thấu hiểu được nổi đắng cay mà dân tộc tôi đã chịu đựng suốt một chiều dài lịch sử chiến tranh không ngừng. Chia rẽ, chém giết, hận thù triền miên không bao giờ dứt.
Anh đến Mỹ một mình và bị bệnh sau đó một thời gian không lâu. Bác sĩ bảo rằng đó là bệnh rối loạn tâm thần thường xảy ra cho những người lính sau cuộc chiến. Tôi ước gì tôi cùng đi với anh, biết đâu có anh, có em trong những bước đầu lập nghiệp ở nơi này, anh đã không như thế! Tôi luôn làm khổ tôi vì những ước ao không bao giờ thực hiện được. Bây giờ thì anh không còn nữa. Đôi khi tôi lại nghĩ, thế cũng hay cho anh. Ở bên cạnh anh, nhìn anh sống khổ như thế, trái tim tôi cứ muốn vỡ tung ra từng mãnh vụn. Sống mà khổ quá thì sống làm chi! Có những lúc tôi có những suy nghĩ mất nhân tính như thế đấy! Nhưng rồi tôi tự tha thứ cho mình, chẳng qua vì tôi quá yêu thương anh, không muốn nhìn anh đau khổ! Và tôi biết chắc rằng, những lúc tôi buồn khổ, những lúc tôi chìm lĩm trong niềm đau, những lúc tôi ngụp lặn trong thất bại, những lúc tôi vùng vẫy trong tuyệt vọng, anh luôn ở bên cạnh tôi. Nhìn lại đoạn đường tôi đã đi qua, tôi không hiểu làm thế nào mà tôi vẫn còn hiện diện trên cõi đời này. Một đọan đường tị nạn đầy thử thách và chông gai! Tiếng Anh thì không đủ, thầy nói thầy nghe, vậy mà sau 6 năm tôi cũng đã vinh dự đứng chung với hàng trăm sinh viên trong một giảng đường lớn của một trong những trường đại học nổi tiếng của nước Mỹ này mà nhận mãnh bằng đại học. Ôi! Cái ngày trọng đại ấy là một trong những giấc mơ đẹp nhất đời tôi. Tôi đã không cầm được nước mắt và cứ tự hỏi làm sao mà mình có thể vượt qua hàng ngàn dặm khó khăn như thế. Cả khó khăn về tình cảm riêng tư và những khó khăn chăm sóc những người thân yêu. Chắc mình được trời thương. Tôi luôn nghĩ thế!
Bà là người đầu tiên dạy tôi tiếng Anh. Mỗi tuần bà đi bộ từ nhà bà đến nhà tôi hai lần để giúp đỡ tôi. Nhà bà cách nhà tôi cũng đến vài cây số, vậy mà dù có trời mưa, trời gió, hay trời tuyết đến mấy đi nữa, đều đặn hàng tuần bà luôn có mặt ở nhà tôi. Chính lòng nhiệt tình và sự ân cần của bà đã giúp tôi vượt qua đoạn đường gập ghềnh, khúc khủy này chăng? Nhớ nhất là lần xin việc đầu tiên. Bà và tôi tìm kiếm trên một tờ báo. Bà hỏi tôi làm được việc gì. Tôi trả lời, việc gì cũng được. Bà hỏi có muốn làm công việc dọn dẹp nhà cửa không. Tôi trả lời, dể mà! Thế là hai bà cháu chọn một số điện thọai để gọi. Người chủ mà sau này tôi làm tên là Inga Thompson. Bà gọi điện thọai giùm, vì lúc đó tôi chưa đủ tiếng Anh để nói chuyện qua điên thọai. Bà và bà Inga nói chuyện với nhau như thế nào tôi không hiểu, nhưng sau vài phút thì bà bảo với tôi rằng, cuối tuần này bắt đầu. Tôi vui mừng xiết kể. Mà đi bằng gì bây giờ, có xa nhà lắm không? Tôi hỏi bà. Thành phố Saint Paul chỗ tôi ở cách thành phố Minneapolis chỗ bà Inga ở đến 15 miles, làm sao mà đi bộ nổi. Bà đọc được sự lo lắng của tôi. Bà nói rằng bà rất rành đường xe buýt. Bà đi xe buýt mỗi ngày vì bà không biết lái xe. Bà sẽ hướng dẫn cho tôi. Từ nhà tôi lên đến trạm gần nhà bà Inga nhất cũng phải đi hai lần xe mới đến được. Bà hẹn với bà Inga ra đón tôi ở trạm xe buýt. Bà Inga cho biết bà sẽ lái chiếc xe màu xanh và đậu chờ tôi ở góc đường Washington Ave và Oaks St. Rồi bà cho bà Inga biết tôi sẽ mặt áo màu gì vào ngày này. Bà đọc được trong ánh mắt tôi sự sợ hãi khi phải đi một mình lần đầu tiên gặp một người lạ, nên bà nắm lấy tay tôi và trấn an tôi. Bà sẽ đi cùng tôi. Trong đời người có bao lần mình được xoa dịu nỗi sợ hãi như thế! Ngày đầu tiên đi làm ở Mỹ, bà là người nắm lấy tay tôi dẫn tôi đi làm. Tôi lại nhớ đến ngày đầu tiên đi học. Ôi! Trong đời người có bao nhiêu móc ngoặc mà mình sẽ chẳng bao giờ quên được. Bà dịu dàng, bà nhiệt tình, bà ân cần biết dường nào! Sao giờ nằm cong queo như khúc củi khô thế kia, bên cạnh chẳng có ai.
Bà không tự đứng dậy một mình được. Tôi giúp bà, nhưng loay hoay mãi vẫn không làm sao nhấc nổi bà lên rồi còn phải để bà vào xe lăn nữa. Cô y tá lúc này phải giúp đở và chỉ cách cho tôi. Đúng là cái gì cũng phải học. Sau khi bà ngồi vào xe lăn rồi, tôi mới kéo ghế ngồi sát cạnh bà. Nắm bàn tay gân guốc xanh xao của bà, bàn tay mà lần đầu nắm lấy tay tôi dẫn tôi đi làm công việc đầu tiên ở Mỹ, bàn tay đã lật từng trang sách tiếng Anh giúp tôi nói bập bẹ tiếng nước người. Tôi cứ xoa nắn bàn tay bà, vuốt ve những đường gân nổi lên dày cộm. Tôi áp má tôi vào lòng bàn tay bà. Tôi nâng niu đôi tay một thời đã dìu dắt tôi chập chững những bước chân đầu tiên ở xứ người. Tai bà không còn nghe rõ nữa. Đôi mắt bà cũng không còn nhìn rõ nữa, nhưng tôi biết chắc một điều rằng trái tim bà vẫn còn đập hoài một nhịp điệu yêu thương. Tôi yêu thương và kính trọng bà bìết dường nào mà sao tôi không thể thốt lên những lời nói yêu thương với bà. Trước khi tới đây, tôi đã chuẩn bị biết bao nhiêu lời hay, ý đẹp để thỏ thẻ với bà mà. Phải chăng vì tôi là người Việt nam, chúng tôi không được dạy cách bày tỏ lòng yêu thương và lòng ngưỡng mộ bằng lời. Tôi cứ nhìn bà, ôm bà mà khóc, chỉ biết thế thôi. Những câu chuyện qua về giữa tôi với bà, đứt khúc, không đầu không đưôi. Tôi không chắc là bà biết là bà đang nói gì. Thế mà, có lúc đột nhiên bà nhắc đến tên nhà tôi và hỏi thăm sức khỏe nhà tôi. Tôi thật sự xúc động. Bà diễn đạt ý tưởng không còn mạch lạc nữa. Bà nói lập bà lập bập, chữ được chữ mất, nhưng tôi vẫn hiểu được lòng bà, một tấm lòng bao dung và vĩ đại. Tôi đã học ở bà rất nhiều điều. Lòng nhiệt tình và sự ân cần cũng như lòng trắc ẩn sẽ nuôi dưỡng tâm hồn mình xanh tươi hơn, sẽ làm cho đời sống mình có ý nghĩa hơn và thế giới vốn dĩ nhiều đau thương sẽ được xoa dịu bằng những bông hoa hạnh phúc. Tôi tự hứa với chính mình sẽ luôn là người tốt như lòng bà đã quá tốt với tôi. Giây phút từ giã cũng đến, tôi ôm bà và nói lời chia tay. Hẹn bà vào một dịp khác. Không biết lần tới khi tôi đến, có còn gặp bà nữa không? Bà tên là Marguerite Pye. Tôi yêu quí bà biết dường nào!
Bước ra khỏi phòng bà, đi ngang qua phòng giải trí. Có một cái ti vi, một bộ sopha và một kệ sách nhỏ. Tôi không thấy có cụ nào đọc sách, chắc để cho những người viếng thăm như tôi giết thì giờ trong khi chờ đợi thôi mà. Các cụ có ai còn thấy đường để đọc, mà thật ra có đọc đươc cũng không còn sức để mà hiểu người ta viết cái gì. Tôi nhẩm đếm cũng khoảng trên mười cụ, cụ nào cũng ngồi trên xe lăn. Cụ thì ngủ há hốc miệng không thấy còn chiếc răng nào cả. Cụ thì gục đầu, tóc tai bù xù, thốt ra những tiếng rên ú a, ú ớ. Cụ thì chăm chăm nhìn vào màn hình. Tôi không chắc là cụ biết là mình xem gì. Co lẽ cái thói quen xem ti vi vẫn còn trong xương trong tủy của cụ hay có lẽ cụ vẫn còn muốn có một chút gì liên hệ với đời sống bên ngoài chăng? Nhìn họ, lòng ngực tôi nóng ran như có ngàn mũi kim đang chích vào da thịt tôi, rồi từ từ tôi cảm nhận được một cơn đau nhói đánh thúc xuống lòng bụng làm tôi muốn qụy ngã. Tôi vội men theo cầu thang bộ, lại cũng là cầu thang bộ. Những bước chân lúc đầu còn chầm chậm vì cơn đau vừa cảm nhận được, rồi đột nhiên tôi cuốn cuồng chạy thật nhanh như muốn chạy trốn khỏi thế giới buồn phiền này.
Ôi! Đời người thật mong manh và dễ vỡ. Làm sao mà để mình đến đích mà không phải bước qua những khổ lụy này. Những khuôn mặt của tuổi về già bám riết tôi đến tận nhà, và tôi biết là nó còn bám riết tôi đến tận nhiều ngày sau đó. Thật buồn! Thật buồn!
Nguyễn Kim Tiến
Đúng là cõi đời tạm bợ buồn phiền này , chẳng có gì để nhớ , nhưng rất may còn có …những tấm lòng
tim bạn
Tuyết Nhung có phải ko?sao giờ mình nhớ lại rồi,giờ bạn ở đâu,hay lên facebook gặp mình nhé,Nam sinh phạm