Đọc bài thơ Áo Dài Ngẫu Hứng của anh Thiên Di, giờ đến bài Áo Dài Tôi của Thanh Vân cùng với những lời bàn của các bạn, bỗng dưng mình cũng muốn tâm tình với các bạn chút cảm nhận của mình. Và thế là bài thơ này ra đời.
Mình tưởng ở bên này, chiếc áo dài mới chỉ được mặc trong những lúc làm sui gia hay đi họ thôi, đâu ngờ ở quê nhà, theo như những lời tâm tình của các bạn, giờ cũng chỉ còn là những nét chấm phá đây đó trong đời sống của chúng ta. Nghe như một mất mát các bạn ạ! Đọc với mình bài thơ này nhé!
Áo dài một thuở mượt mà
Em e ấp nắm hai tà áo bay
Vướng nhau một chút gọi là
Cho trăm năm mãi thật thà với nhau
Gót sen một thuở hồng đào
Em nghiêng chiếc nón quai thao buộc hờ
Áo dài một thuở mong chờ
Thiên đường bụi phấn có mờ đường xa?
Bây giờ áo của người ta
Mà sao lại thấy lụa là thân quen
Hay là cơn gió phù vân
Thổi bay vạt áo năm xưa mất rồi
Vầng trăng vừa chếch đầu non
Nghe trong hai vạt tiếng lao xao buồn
Nguyễn Kim Tiến
9 tháng 5 năm 2013
RE: Áo Dài Và Em
Vừa viết cho Thanh Vân xong quay lại gặp đôi tà của chi Tiến. Rất thích hai câu cuối
[i]Vầng trăng vừa chếch đầu non
Nghe trong hai vạt tiếng lao xao buồn[/i]
có lẽ đó là cái man mác khi mình biết rằng mình đã có một thời gian thiếu cái quấn quýt của đôi tà diệu vợi đó
RE: Áo Dài Và Em
Mấy ngày nay Tiến cứ băn khoăn với hai bài thơ này Dao ơi. Dịp Tết thì rơi vào tháng lạnh nhất ở đây nên cũng không mặc được áo dài, không lẽ mặc áo dài mang boot 😉 thì còn gì là đẹp nữa…Vậy đó, nên chỉ có dịp duy nhất là đi ăn đám cưới đi họ thôi! Thích nhất là ý cuối cùng của Dao viết cho TV, bây giờ mặc áo dài thẳng đuột như hồi học đệ thất, vẫn dễ thương…như thường!:-)
RE: Áo Dài Và Em
Mấy ngày nay đọc thơ về áo dài ngày xưa, laị thêm Ngọc Dao nhắc đến hai từ ” quấn quýt” của tà áo dài làm Vân nhớ tới bài Không tên số 5 của Vũ Thành An:
Quấn quýt vân vê tà áo,
Run run đôi môi mở chào,
Tiếng nói thơ dại ngày đó
Bây giờ mộng đời bay cao…
Hát lên như để thấy lại hình ảnh một cô nhỏ ngày xưa đang bối rối một cách rất dễ thương trước một ai đó phải không Tiến?
” Áo dài một thuở yêu thương
Em tôi e ấp trong tà áo bay”
Áo dài trong thơ Tiến cũng dễ thương lắm đó.
RE: Áo Dài Và Em
Vân ơi, bài hát nào của VTA nghe cũng buồn quá! Và bài không tên số 5 với qưấn quít vân vê tà áo, đúng như Vân diễn tả, là hình ảnh một cô bé đang bối rối…Chắc là không ít ai đã từng như thế Vân hả? Khi bối rối ngày xưa hay làm như thế vì thấy tay chân thừa thải. Còn giờ không có hai tà để vân vê thì tụi nhỏ vân vê cái gì cho đỡ bối rối? Chắc cái điện thoại cầm tay…:-) Ngọn gió phù vân mà, thay đổi là điều không thể tránh được và luyến tiếc là một tâm trạng dù sự thay đổi có tốt mấy đi nữa! KT
RE: Áo Dài Và Em
Kim Tiến với ÁO DÀI VÀ EM ngọt ngào chi lạ.
[i]Hay là cơn gió phù vân
Thổi bay vạt áo năm xưa mất rồi[/i]
Sao cơn gió vô tình thế nhỉ!
Vô tình như dòng đời vẫn trôi mê mải trong ta.Đọc bài thơ mà nhớ mà thương…
RE: Áo Dài Và Em
Anh Thiên Di à, cảm hứng lây lan là một điều có thật! Cảm ơn anh đã đọc và chia sẻ với mình. Đọc để mà nhớ mà thương một quá khứ xa vắng rồi phải không? KT
RE: Áo Dài Và Em
Tiến thân mến. Cứ nhắc về tà áo dài, chị lại nhớ đến Huế! Một phần có lẽ tà áo dài ngày xa xưa ấy rất phổ biến. Lúc tan trường, nữ sinh Đồng Khánh túa ra khắp các nẻo đường như đàn bướm trắng, qua cầu Trường Tiền, dọc bờ sông Hương, trên những chuyến đò đưa đón những tà áo trắng. Cảnh sông Hương núi Ngự, tàn phượng vĩ đỏ thắm mùa hè, những suối tóc dài càng tăng thêm vẻ yêu kiều của tà áo trắng. Lúc đó – chị sống ở Huế từ khoảng năm 1960-1967, chị thấy ai cũng mặc áo dài, từ nữ sinh, sinh viên, cô giáo, công chức, kể cả những cô bà bán hàng trong chợ Đông Ba, hay gánh hàng rong bán bún bò v.v.., phụ nữ ra đường thì chiếc áo dài là chính, vừa kín đáo, thùy mị, lịch sự…
Nhưng bây giờ về Huế cũng rất ít thấy tà áo dài, không còn như trước nữa.
Ngày ấy thì các chị lớn từ đệ tứ đệ tam trở lên mới mặc áo dài màu trắng và màu tím tùy ngày – có lẽ để chiếc áo dài thêm đẹp không bị “phẳng phiu” 😉 Còn lớp đệ thất như chị lúc đó được mặc áo đầm xòe màu trắng.
Các trường ở Saigon bây giờ cũng có nhiều trường cho nữ sinh mặc áo dài trắng. Tà áo dài vẫn là quốc phục duyên dáng và đẹp nhất không kiểu gì có thể thay thế và các bà các cô vẫn mặc áo dài trong nhiều trường hợp quan trọng, cần thiết. Các nhà thiết kế cũng tạo mẫu nhiều kiểu áo dài biến thể, nhiều kiểu cũng đẹp lắm. Nhưng để mọi người đều mặc như trước thì khó. Biết làm sao, vì thời trang luôn thay đổi mà, và phải mặc cho phù hợp với công việc nữa. Tuy nhiên, chị không thích lắm khi thấy ca sĩ lúc hát nhạc tiền chiến, hoặc nhiều bản nhạc xưa chỉ có mặc áo dài mới phù hợp thì nhiều cô lại mặc áo đầm hở ngực, thấy … kỳ! 🙁
RE: Áo Dài Và Em
Chị Tâm ơi,
Luyến tiếc là cách làm mềm đi để chấp nhận cái mới! Và dòng sông thì cứ chảy…chảy mãi có dừng lại được đâu! Và tà aó của chúng ta, hy vọng cũng còn đâu đó, chứ không biến mất bởi thời gian để còn có thể quấn quít vân vê tà aó những khi đi làm sui bởi cũng bối rối không biết phải nói với anh chị sui chuyện gì đây! 🙂
Chị tả cảnh nữ sinh ĐK của cách đây nhiều năm tháng làm Tiến nhớ những mẫu chuyện của các chàng QH mà trong đó có L. Những kỷ niệm vẫn còn ở trong lòng các chàng cũng nhiều như còn ở trong lòng của các nàng lắm đó chị ơi! Với sông Hương, núi Ngự và chiếc cầu Trường Tiền, với chiếc áo dài và chiếc nón bài thơ của buổi tan trường…ui ui một thuở yêu thương!KT
RE: Áo Dài Và Em
Tà áo dài Việt Nam, chắc chắn không thể biến mất rồi nên Tiến đừng lo. Mới đây còn có nhiều ý kiến đề nghị chọn áo dài làm quốc phục Việt Nam cho cả quý ông – áo dài khăn đóng giống như … chú rể vậy đó! 😀 Không biết các anh thân hữu của trang nhà mình có đồng ý không nhỉ?
GỬI NGUYỄN DIỆU TÂM
Theo anh thì áo dài chỉ dành cho người phụ nữ VN thôi.Người con gái khi mặc chiếc áo dài thấy duyên dáng và đáng yêu làm sao! Còn
qúy ông mà mặc áo dài thấy…vô duyên dễ sợ!
RE: Áo Dài Và Em
Ha ha, với bốn chữ ” vô duyên dễ sợ” của anh Lữ thì cái viễn cảnh “áo dài cho phái nam” sẽ không trở thành hiện thực được đâu (trừ khi anh Lữ muốn làm…ông đồ)!
Mấy hôm nay “Áo dài” thành …chuyên đề trên trang nhà, có thêm sự tham gia của quí anh nữa, thật vui!