Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trăng Khóc

– “Mẹ, về nhà đi mẹ! Ở đây sương lạnh lắm!”
– “Nhưng có về cũng không ngủ được con ơi! Mẹ đứng với con tí nữa.”
– “Con sắp phải đi rồi.”
– “Lạnh lắm không con? Trời mưa gió thế này..”.
– “Đừng lo cho con, mẹ về đi, con không ở thêm được nữa.”
– “Mẹ nhớ con lắm, con ơi!”
– “Lúc nào con cũng ở cạnh mẹ mà.”

Nàng quáng quàng đưa tay níu giữ, kiếm tìm. Mẹ thích con hiện hữu bên mẹ, nắm được tay con, ôm con vào lòng, chứ không chỉ ảo ảnh rồi tan biến thế này con ơi! Sao cứ như sương khói?
Nửa đêm về sáng. Chỉ còn sương lạnh và vầng trăng muộn đang nhoài mình len lỏi qua những mịt mùng mây. Tuyệt vọng. Vài giọt sáng lẻ loi buồn như nước mắt rơi. Cháo, cơm, chuối, trái cây, vàng mã đặt la liệt ven đường cùng mấy nén nhang nghi ngút khói. Có nhận được gì không hả con? Nàng thất thểu quay về trong loi ngoi mưa đầu đông. Căn nhà vắng tanh. Người đàn ông của gia đình vẫn chưa về. Nhậu nhẹt, tiếp khách, gái gú, thi thoảng ngủ lại đêm ở căn nhà trên huyện, sự có mặt của Đản nơi này ngày càng thưa thớt. Từ ngày thằng bé mất, mỗi tuần Đản chỉ đảo về vài lần rồi lại vội vã ra đi. Mà như thế càng đỡ nặng nề. Ở lại đây, thể nào cũng làm nàng nhớ tới ánh mắt của con lúc ấy. Càng thêm buốt lòng!
Một mình nàng vật vã cùng nổi đau và những giọt trăng muộn.

* * *

Những giọt trăng muộn cuối tháng. Yếu ớt. Liêu trai. Thi thoảng vỡ tan chút sáng trên mặt sông phẳng lặng vì lũ cá đớp mồi. “Cứ như trăng đang khóc, em nhỉ!” “Em lại thấy như trăng đang nhảy múa!” Nàng cười khanh khách, giòn tan, xoa dịu những nỗi niềm cho trăng, cho anh. “Những tối trăng muộn, lúc còn sống, đêm nào mẹ anh cũng ra ngồi ngoài bậu cửa chờ ba anh quay về. Bà cứ nhìn mãi lên bầu trời, anh hỏi nhìn gì mẹ lại bảo nhìn trăng đang khóc… Mà anh cũng thấy giống những giọt nước mắt…” Nàng ngã vào lòng anh, hạnh phúc, chứa chan, không nhìn thấy những giọt nước mắt của trăng…

* * *

Sao bây giờ đêm trăng muộn nào cũng thấy như đang khóc?
.
Đản dường như chưa bao giờ thôi ghẻ lạnh thằng bé. Sao gọi là tình phụ tử? Có người cha nào lại nhạt nhẽo với con cả mười mấy năm trời? Chưa bao giờ Đản mất đi cái ý nghĩ thằng bé không phải giọt máu của mình, nhưng lại không hề có ý định nhờ đến sự can thiệp của y học. Sợ nàng tổn thương ư? Hay sợ động chạm đến cái uy tín cán bộ mà Đản đang nắm giữ? Một lần, trong cơn say sau ngày đầy tháng thằng bé, Đản lè nhè: “Về với nhau tháng năm, sao chỉ mới đêm giao thừa đã sinh con?” Nàng thảng thốt giận đến dại người rồi lặng im không nói một lời. Lặng im cả bao năm sau đó. Không sẻ chia. Không than thở. Cũng chẳng nghĩ đến chuyện rời bỏ Đản để làm lại cuộc đời. Phận đàn bà, hai người đàn ông đi qua trong đời đã bẽ bàng lắm rồi, chỉ biết sống vì con. Sao mới bảy tháng đã ra đời thế con ơi? Vội vàng làm gì? Đời có gì vui mà ao ước ra sớm để mẹ đau còn con thì bị ghẻ lạnh? Có lần cãi nhau, Đản đã bóng gió thằng bé là con anh. Nàng cũng chỉ lặng im. Chứng minh mà được à, khi niềm tin đã không còn? Sự rõ ràng ấy đem lại hạnh phúc cho nàng chăng? Một chút cảm nhận về thiêng liêng của tình thâm phụ tử cũng không có ở Đản? Nhắc lại sự khốn nạn của mình làm gì? Chẳng lẽ lại hét to với Đản rằng làm sao nàng có thể rời bỏ anh nếu đã có với nhau những mặn nồng như thế? Rằng nàng chỉ thật sự trở thành đàn bà khi đến với Đản thì thằng bé sao lại là con anh? Đản nghĩ rằng nàng ngã vào Đản bỡi những phù phiếm mà hắn mang lại ư?

* * *

Cứ ngỡ đã được trở thành đàn bà trong vòng tay ấm áp, yêu thương của người mình yêu. Trăng khuya da diết. Sông quê đồng lõa. Đổ ập vào nhau sau bao đợi chờ, khát thèm. Mãnh liệt. Say mê. Những nụ hôn cuống quýt nồng nàn. Vồ vập ham muốn. Người đàn ông trên người nàng chợt rũ rục. Điên dại cố gắng. Vật vã. Rỗng tuếch. Sao lại thế này? Anh đánh mạnh tay xuống vệ cỏ, vật người bất lực giữa đêm khuya trong ánh mắt thảng thốt, hẫng hụt của nàng. Nàng úp mặt vào cỏ giấu những ê chề. Tay bấm chặt mặt đất đến tứa máu. Kềm chế, đè nén những vẫy vùng đang thét gào điên loạn trong cơ thể căng tràn không được thõa mãn. Đêm quê bình yên. Trăng muộn bình yên. Sao lòng nàng lại bão dông đến thế?
Đêm thứ hai… Đêm thứ ba… Không chịu nổi bỡi tiếng thở dài và những thổn thức thầm trong nàng, anh lặng lẽ bỏ ra đi. Nàng ngơ ngác, kiếm tìm trong những đêm trăng muộn bên bờ sông. Trăng vật vã những giọt buồn. Trăng rơi nước mắt. Nhiều đêm, nhiều đêm… rồi ngã vào lòng Đản. Đản vẫn đợi chờ. Ngụp lặn. Thỏa thuê. Xoa dịu những khát thèm. Ngu muội vì cám dỗ.

* * *

Thằng bé bắt đầu hư từ lúc nào, nàng không nhận ra. Vẫn thấy nó ngày hai buổi cắp sách đến trường. Vẫn chăm chỉ chia sẻ cùng mẹ những chuyện của người đàn ông trong gia đình mà Đản chưa từng động đến. Vẫn lầm lì trước Đản như đã từng. Có điều, cái lầm lì ấy dần thay thế bằng những lời nói lại, to tiếng khi thằng bé bắt đầu tuổi mười sáu. Cứ mỗi lần Đản về, nó lại lánh, xa dần xa dần, nàng không đủ sức để kéo nó lại gần Đản, mà Đản cũng chẳng bao giờ tự xích lại bên con. Nó bắt đầu nghiện game, đến lúc nhà trường thông báo cho gia đình biết nó bỏ học gần tuần lễ thì nàng mới bật ngửa. Đản gầm lên: “Con hư tại mẹ. Mãi lo dạy con thiên hạ, có một đứa con mà không dạy dỗ nên! Một lũ ăn hại, chỉ biết bôi tro trát trấu! Cút!” Đản đánh thằng bé một trận thừa sống thiếu chết. Đến lúc nàng nhào vô hứng lấy trận đòn ấy thì Đản mới chịu buông lơi.
Những cuộc nhậu của Đản ngày càng dày. Tỉ lệ thuận với những thăng quan tiến chức. Tỉ lệ thuận với tiền bạc mà Đản mang về, với cả những lạnh lẽo trong ngôi nhà đầy vật chất mà ngoài những vội vã chuyện vợ chồng vì nghĩa vụ, vì những nhu cầu khốn khổ của cả hai, nàng và Đản đã hầu như là người đi bên lề cuộc sống của nhau. Chỉ có nàng là lơ ngơ. Sự hòa nhập không theo kịp với những thay đổi, những phù phiếm Đản mang về? Bao nhiêu người đàn bà ở cái làng này sẵn sàng đánh đổi để có được sự an nhàn như vợ Đản. Sung sướng thế còn gì, sao nàng lại khờ khạo? Không phải đã lựa chọn thế ư? May mà còn có thằng bé luôn bên cạnh, sẻ chia…
Đản về, nồng nặc mùi bia. Chưa kịp vứt cặp đã lồng lộn: “Thằng khốn, chiều qua mày đi đâu lên thị trấn, với một lũ đầu đỏ, đầu xanh, mầy định bêu xấu tao à?”
Nàng ngơ ngác nhìn con.
“Vậy ông làm gì ở cái nơi ầm ĩ, xô bồ lẽ ra chỉ dành cho lũ trẻ ranh đấy?”
Tiếng “ông” từ miệng nó lần đầu lại vẳng ra tự nhiên, trơn tru.
Bốp! Bốp! Bốp! Những cái tát liên tiếp giáng xuống đầu thằng bé. Nó lặng im, quắc mắt căm phẫn trừng lại, ánh nhìn đau đáu, nhức nhối, rồi vụt lấy xe rú ga chạy vọt ra đường. Mâm cơm chưa ai động đũa nằm ê chề. Một giờ sau thì tai nạn xảy ra… Không kịp nghe con trăn trối một lời. Chỉ còn đọng lại ánh nhìn uất ức. Căn nhà trở thành địa ngục cho cả hai.

* * *

Anh quay về làng, khi nàng còn đang tê tái giữa nổi đau. “Sống thế này sao em? Anh đã bỏ đi vì không mang lại hạnh phúc cho người mình yêu thì em phải sống cho ra hồn chứ! Sao lại thế này?” Những giọt nước mắt rơi. Anh khóc hay trăng? Ngày xưa, bỏ anh đến với Đản, nàng có khóc đâu? Anh cũng đau thế còn gì? Nàng nuốt khan, lãng tránh…
Căn nhà vốn đã đầy tiếng khóc giờ lại càng thêm giông bão. Đản lôi anh vào cuộc bất cứ lúc nào trở về cùng ngập ngụa men say: “Sao cô còn não nề? Người xưa trở về phải vui lên chứ? Ngóng chờ bao năm còn gì?” Đã lãng tránh để không chạm phải cái ngu muội ngày nào sao cứ gợi lại thế này? Nhận sự đờ đẫn, vô cảm từ ánh mắt nàng, Đản lại càng lồng lên như con ngựa bất kham. Lúc còn thằng bé, mỗi lần Đản say, nó cứ lãng vãng bên cạnh, như để bảo vệ. như là sẻ chia… Giờ thì nó một mình, nàng một mình…
Lại vật vờ ra nơi thằng bé nằm. Lạnh lẽo. Đơn côi. Như thế này làm sao chịu nổi con ơi! Đêm qua mơ thấy nó về. Độc mỗi chiếc áo sơ mi phong phanh, co ro, tội nghiệp:
“Vào nhà đi con! Mẹ ủ ấm cho.”
– “Người ta không cho con vào.”
– “Không về được nhà mình, sao con không về nhà của con?”
– “Con chưa thể siêu thoát mẹ ơi! Ngoài đó chỉ có sương gió. Con lạnh và đói lắm!”
– “Ngày nào mẹ cũng mang thức ăn đến, con không nhận được sao?”
Nó cười buồn, lắc đầu rồi tan biến vào hư vô…
Nàng bật dậy, giữa đêm khuya, giữa tiếng mưa rơi, lang thang kiếm tìm cái bóng vất vưởng, bơ vơ của thằng bé…
Con chưa thể siêu thoát mẹ ơi!” Câu nói trong giấc mơ đêm nào lại đau đáu. Nàng cuống cuồng tìm đến tâm linh. Người đàn bà ăn vận sặc sỡ, môi tô đỏ như máu, lắc lư, nghiêng ngả gọi hồn…
– “Mẹ, con nhớ mẹ lắm!”
– “Sao gầy guộc thế này? Khổ lắm phải không con?”
– “Mẹ gửi cho con ít đồ. Con lạnh quá mẹ ơi!”
– “Con ơi, làm thế nào để con không vất vưởng, lang thang nữa? Nhìn con thế này, mẹ không đành lòng.”
– “Con chưa đi được vì còn vướng bận với người ở lại. Mẹ hãy sống cho mình đi, có còn ràng buộc nào đâu, như thế thì con mới an lòng…”
– “Con không đi được vì lo lắng cho mẹ sao, con ơi!”
– “Hãy rũ bỏ cuộc sống hiện tại, thoát khỏi căn nhà ấy đi mẹ, con sẽ yên lòng về chỗ của con. Giờ con phải đi rồi…”
– “Con ơi! Mẹ lại làm khổ con sao? Đừng, mẹ còn nhiều việc muốn nói cùng con…”
Cô Đồng lắc lư. Ánh mắt dài dại rồi tỉnh dần. Vật vã, thoát xác…

Sống đã chẳng mang lại cho con một mái ấm trọn vẹn. Chẳng lẽ mất rồi nó cũng không có được một chốn bình yên?

Đản lồng lộn, vò nát tờ đơn: “Cô điên à? Từng này tuổi còn ly hôn? Muốn người ta nhổ toẹt vào mặt tôi sao? Con vừa mới mất lại muốn quay về với người cũ?” Nàng lặng im. Mười mấy năm trước, đã chẳng mở miệng giải bày thì nay có nghĩa lý gì? Sợ nàng quay về với người xưa ư? Còn mặt mũi nào. Sợ lung lay đến chức cao vọng trọng của Đản thì đúng hơn! Mà, cần vào sự ràng buộc tình nghĩa ở tờ giấy vô hồn kia làm gì?

Anh lao vào phòng làm việc của Đản, thấy bóng nàng ở đó chợt khựng người rồi lướt qua để lại ánh nhìn đau xót: “Ông đốn mạt vừa thôi! Ngày xưa từng theo đuổi cô ấy, sao giờ đối xử thế này?” Đản cười khẩy, liếc nhìn hai người đầy ngụ ý giễu cợt. Chắc lại nghĩ cả hai cùng hẹn đến. Quay lưng bỏ đi còn kịp nhìn thấy anh đập tờ giấy chứng thương trước mặt Đản, tờ giấy quay tròn, quay tròn rồi rơi xuống đất trước ánh nhìn thảng thốt, gương mặt tái dần của Đản…
Giờ thì vừa lòng rồi chứ? Vừa lòng rồi chứ? Nàng nhếch mép, rồi bật cười. Cười sằng sặc. Cười như điên dại.
Ha… ha… ha… Phải nhờ đến tờ giấy vô hồn kia thì mới chịu tin đó là con mình và mới đau lòng ư? Có ích gì? Kéo thằng bé quay lại cõi trần này được không? Có bù sớt nổi những ghẻ lạnh mà nó đã mang theo?
Ha… ha… ha… Ngậm cười đi con ơi! Ba con đã nhìn nhận giống nòi. Ông ấy đang gục đầu đau xót trước mộ con kia.
Nàng lao vào màn đêm. Đêm mịt mùng tăm tối. Lao vào sương khuya. Sương lạnh lùng buốt giá chẳng sẻ chia. Những giọt trăng muộn lại rơi. Vật vã. Cô liêu.
Trăng ơi, có đủ để gột rửa được nỗi niềm hay lại đang khóc cùng ai?

PM, tháng 11/2011
Lưu Thị Mười

7 BÌNH LUẬN

  1. RE: Trăng Khóc
    LTM có một lối viết riêng, khá quyến rũ.
    Nàng vừa đáng thương lại vừa đáng trách: lấy người mình không yêu, và không cho Đản cơ hội để yêu con.
    Nên bi kịch xảy ra là điều không tránh khỏi. Có lẻ đến một lúc nào đó lắng lòng nhìn lại, nàng sẽ thấy rằng trong cái chết của đứa con cả lổi của mẹ và của cha…

  2. RE: Trăng Khóc
    Cảm ơn Mười về một truyện ngắn hay. Những bi kịch như thế này – không hiếm – do lỗi của người lớn dù không ai muốn điều đó xảy ra. Cuối cùng là sự trừng phạt cả cha lẫn mẹ. Người đàn ông có thể ra mộ con khóc rồi sau đó mượn chén rượu sầu để quên ngay, nhưng người mẹ có thể sẽ trở thành điên loạn từ sự trầm cảm nặng nề. Đêm nào cũng ra mộ con vì sợ con lạnh, sợ con đói. Nghiệp chướng thật nặng nề do không cố kềm chế và kiểm soát bản thân ngay từ ban đầu, sau đó nàng lại không có can đảm tự mình thoát ra cái địa ngục đã từ từ chôn cả mẹ lẫn con ấy…

  3. RE: Trăng Khóc
    Bi kịch bắt đầu từ lỗi lầm của người đàn bà.
    Lẽ ra, cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc hơn nếu có sự giãi bày, chia sẻ.
    Người yêu bất lực vì thương tích, người đàn bà lập gia đình không có tình yêu.Sinh non.Và bi kịch xảy ra, vì đứa con bị người chồng nghi ngờ không phải là con mình.
    Lưu Thị Mười thường chọn những mảnh đời bất hạnh để viết truyện.Điều này nếu không đủ tài năng và vốn sống sẽ như con dao hai lưỡi:
    1. Sẽ thành những phóng sự xã hội, hình sự.
    2.Không phân tích sâu sắc hết tâm lý nhân vật nên câu chuyện sẽ diễn tiến trên bề mặt của sự kiện.
    Đêm qua, tôi có đọc Ngắm Trăng trên dactrung.net, hôm nay lại đọc Trăng Khóc,trước đó là Người Đàn Bà Khóc… nên mạo muội góp ý.

    • RE: RE: Trăng Khóc
      Chà, nhiều lúc “họ” tự tìm đến M chứ hổng phải M “chọn” đâu chú ơi!Hihi
      Cảm ơn chú đã đọc (không chỉ một truyện).

  4. Góp ý cho truyện ngắn của Lưu Thị Mười
    Tôi tán thành ý kiến của HNN.Tôi đã đọc cả thảy 5 truyện của của LTM.Nhận xét đầu tiên của tôi,đây là một tác giả trẻ nhưng có lối viết rất già dặn và giàu nữ tính,có khả năng tiến rất xa.Truyện “May mà em chưa ngoại tình “ là truyện hay,phân tích tâm lý rất sâu sắc về phụ nữ.Đây là mội loại tâm lý rất phức tạp mà đa số người nam rất khó nắm bắt.
    “Ngắm trăng “ là truyện ngắn rất xuất sắc ở phần đầu nhưng phần sau hơi đuối.Còn ba truyện ngắn còn lại gây cho tôi nhiều thất vọng.Bởi vì mỗi truyện do cách dựng truyện và chi tiết chưa hợp lý đã phá hỏng cả truyện.”Người đàn bà khóc “ là truyện bạo hành trong gia đình đã được báo chí viết rất nhiều.Nếu kết thúc,người đàn bà đó tự tử là chuyện quá thường tình có gì đâu phải dựng thành truyện.”Hoa bất tử “,chuyện nhổ một búng máu vào tranh thì còn gì là bức tranh và xây dưng chi tiết ấy để làm gì “Trăng khóc “,đứa con sinh ra thiếu tháng thì người chồng nhận ra ngay về biểu hiện bên ngoài như thiếu cân,suy dinh dưỡng…làm sao có thể nhầm lẫn là con của người khác được ?Vã lại chuyện đứa con hư là do lỗi của người mẹ Cho nên không thể dựng nên một bi kịch gia đình từ những việc bất hợp lý như vậy
    Tôi cho rằng,thành phần cốt lõi của truyện chính là yếu tố tâm lý.Nó là nhân và quả của cuộc sống..Còn yếu tố khách quan chỉ là phần phụ.Không thể xây dựng một truyện ngắn chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào hoàn cảnh bên ngoài.Tôi cũng không tán thành ý kiến của LTM cho rằng mình không chọn chuyện đó mà tự nhiên nó đến.Đời sống xảy ra quanh ta có hàng tỷ chuyện nhưng để viết một truyện phải lựa chọn và gia cố để đạt được trọn vẹn thông điệp tư tưởng mà ta muốn gửi tới người đọc.Rất mong LTM suy nghĩ để lựa chon lối đi cho mình.Chúc LTM thành công
    Lê Xuân Tiến

    E-Mail xuantien@sgtt.com.vn ĐT:0908254982

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả