Thưa bác, thưa bác, những tiếng chào ba Khanh, rồi tiếng guốc lọc cọc, tiếng cười rúc rích, đó là đám bạn học cùng lớp của Khanh. Sáng nào cũng như vậy, tụi nó đi ngang nhà và Khanh lại bước ra nhập bọn để đi đến trường. Ngọc, Linh, Thư, Thạch, Hương, Tâm, đó là những đứa bạn thân lớn lên với Khanh, bắt đầu từ Mẫu Giáo, bây giờ lại cùng nhau chung lớp tại trường Nữ Trung-Học Qui-Nhơn.
Qui-Nhơn, một thành phố nhỏ, mọi người hầu như đều biết nhau, từ đầu đường Gia-Long cho tới cuối đường, nhà nào có con gái cở Khanh đều là bạn của Khanh. Không phải tất cả đều học cùng trường, có đứa không vào được trường Nữ Trung-học thì học ở những trường Trung-học tư nhưng tất cả đều chơi với nhau cả.
Ban đêm thì rủ nhau đến trước cửa nhà của một trong đám bạn và tụ tập lại nói chuyện, chọc phá, ai xui xẻo đi ngang bọn Khanh lúc này là bị phê bình ngay, dù có đẹp hay bảnh đến đâu cũng thành xấu cả. Mấy anh con trai có để ý đến một đứa trong cũng không dám hó hé, chỉ chờ lúc từng đứa lẻ loi mới dám tới gần để tán.
Ngày lễ như Giáng-Sinh, Phật Đản hoặc vào dịp nghỉ hè, cả bọn kéo nhau đi chơi như xuống biển, vào Ghềnh Ráng, trại Quy-Hòa, hoặc đi xa hơn như leo núi hái chà là, đi Đập Đá, đi Hòn Yến…cả một đám con gái phá như giặc. Ở trường thì chọc Cô, phá Thầy, nhất là phá Thầy chứ không dám phá Cô cho lắm, Thầy lúc nào cũng chiều con gái nên được thể làm tới.
Cuộc đời cứ bình thản như vậy cho đến một hôm có bóng dáng của một người đàn ông xen vào. Sáng hôm đó Khanh thức dậy trễ, đám bạn vì không muốn trễ học nên đã không chờ Khanh, Khanh hấp tấp vội vã để khỏi trễ học nên vừa đi vừa chạy, đâm sầm vào một “thân cây”, té ra là một ông lính, màu xanh của bộ quân phục đã khiến Khanh nghĩ là một thân cây, mặt Khanh đỏ rực lên vì mắc cở. Ông lính này đã vậy còn làm bộ hỏi cắc cớ
” bộ tôi nhỏ con lắm hay sao mà cô bé không thấy lại đâm sầm vào như vậy?”
Nhỏ con? Khanh tự nói thầm “to như ông thần chứ nhỏ đâu mà nhỏ” nghĩ vậy nhưng lại cúi đầu cười e thẹn chẳng dám nói gì, cái con bé liếng thoắng lanh lẹn hằng ngày biến đâu mất, bây giờ cứ ì ra, mỗi câu hỏi của “ông” lính là màu đỏ trên gương mặt lại đậm thêm, cũng hên sáng nay dậy trễ nên không kịp đánh chút phấn hồng, nếu có chắc bây giờ Khanh đã giống như mấy ông hát bội.
Cuối cùng Khanh lí nhí mấy câu xin lỗi rồi vừa đi vừa chạy, vừa sợ trễ học vừa mắc cỡ. Tới trường, bạn bè bu lại thắc mắc hỏi:
“hấp tấp chạy thì mặt mày tái mét chứ tại sao mặt mi lại đỏ kè như rứa?”,
“hay lại có anh nào chọc ghẹo Công Chúa của tụi mình?”
một đứa khác lại nói thêm, lời nói của nó lại làm cho gương mặt Khanh đỏ thêm lên. Khanh đánh trống lãng nhưng tụi bạn phá như quỹ không chịu bỏ qua, đành phải kể cho tụi nó nghe về “khúc cây” mình đụng vào sáng nay.
Sáng hôm sau trên đường tới trường cùng các bạn, đang đi và giỡn la như thường lệ thì Khanh bỗng có cảm giác như ai đang nhìn mình, Khanh nhìn qua thì té ra “khúc cây” đang đứng đó, thấy Khanh nhìn, anh đưa tay vẩy vẩy, sợ bạn bè thấy Khanh quay lại không dám nhìn nhưng đã trễ, tụi bạn theo hướng mắt của Khanh và đã nhìn thấy anh, cả đám chợt im lặng rồi lại òa ra cười và la lớn lên:
“Ồ anh hùng của mi đó hả?”
“đẹp trai quá!”
Mặt Khanh lại đỏ rần lên, muốn bụm miệng lũ bạn mà không kịp. Định tránh nhưng anh lại hùng dũng tiến tới:
“Chào các cô, hôm nay các cô lại đi chung với nhau à?”
Bây giờ đám bạn lại ngại ngùng vì sự dạn dĩ của anh, đứa nào cũng im ru cả, rồi thì không ai nói với ai tụi nó tất cả đều bước nhanh lên để lại Khanh với anh sánh bước với nhau, anh hỏi nhỏ :
“tên cô bé là gì? nói để anh tiện xưng hô”
“dạ Khanh ạ”
Lúc đó Khanh lấy hết can đảm và hỏi lại:
“còn anh?”
“anh tên Trung”
Bây giờ Khanh mới nhìn rõ, thì ra anh là lính Nhảy dù, bộ quân phục rằn ri, với chiếc nón màu đỏ. Thấy Khanh nhìn anh lại cười, cái cười hiền lành khác hẳn với bộ quân phục anh đang mặc.
Rồi thì hai đứa vừa đi vừa nói chuyện, thoắt cái đã đến trường lúc nào không hay, không đợi Khanh chấp thuận hay không, anh nói:
“ngày mai anh sẽ gặp Khanh ở chỗ cũ nhé”, và biến mất sau đám đông, tự nhiên tim Khanh đập loạn lên, tại sao vậy? Có phải đó là dấu hiệu của tình yêu không? Khanh không trả lời được và cũng không biết phải hỏi ai?
Tối đó Khanh đã không ngủ được và lại trông cho trời mau sáng. Trời sáng, mặc dù trông gặp anh nhưng Khanh lại làm bộ thức trễ để đám bạn đi trước vồi Khanh sẽ gặp anh để tụi bạn khỏi chọc.
Rồi thì Khanh và anh gặp nhau mỗi buổi sáng, anh theo Khanh đến trường, lũ bạn đã đồng lõa với anh, sắp đặt để anh gặp Khanh ngoài giờ học, không biết anh làm sao mà bạn Khanh đứa nào cũng có cảm tình với anh cả. Có hôm Khanh đã cúp cua để đi chơi với anh, hai đứa đi vào Ghềnh Ráng, ngồi cạnh anh Khanh đã vui một cách khôn tả, từ giả anh Khanh lại buồn rã rượi.
Anh kể cho Khanh nghe là anh đã về Qui Nhơn hơn tuần lễ nay, gia đình Bố Mẹ anh cư ngụ tại đây từ lúc anh còn nhỏ, mỗi khi có phép anh đều về thăm ông bà cụ.
“Như vậy có nghĩa là anh sẽ trở ra đơn vị khi hết phép?” Khanh ngớ ngẩn hỏi.
“Đúng vậy, nhưng không có nghĩa là mình sẽ không gặp nhau nữa” anh nói.
“Nhưng không biết khi nào?” Khanh lại hỏi.
Rồi thì ngày không mong đợi đó cũng đã tới, sáng hôm đó trên đường đưa Khanh đến trường anh cầm tay Khanh vân vê, đưa lên môi hôn, rồi nhìn Khanh một cách tha thiết nhưng lại không nói gì, Khanh hỏi:
“có chuyện gì vậy anh?” anh lắc đầu rồi lại nhìn Khanh,
“nói cho Khanh biết có chuyện gì vậy?”
“ngày mốt anh phải lên đường”, nước mắt Khanh trào ra không dằn được, anh vỗ về và nói:
“Khanh biết không, không phải anh mới biết Khanh đây, mà anh đã thấy Khanh từ khi anh về phép mấy lần trước lận, anh biết cuộc đời anh sẽ rày đây mai đó nên anh không muốn vướng bận sẽ làm khổ cho người mình thương, nhưng rồi anh cũng không tránh được sự mềm yếu của tình cảm, do đó anh đã tạo cơ hội làm quen với Khanh, tha lỗi cho anh, anh sẽ liên lạc với Khanh bất cứ ở phương trời nào và anh cũng không trách Khanh nếu một ngày nào đó Khanh gặp được một người nào khác và quên anh”
“Khanh sẽ không bao giờ quên anh đâu, Khanh sẽ chờ anh”
Những lần gặp nhau sau đó anh và Khanh đã vui có, buồn có, Khanh đã từng khóc nhưng không cho anh thấy, Khanh thương anh quá nên không muốn cho anh buồn. Cuối cùng thì cũng đến lúc phải chia tay, Khanh may mắn có đám bạn gần gủi, an ủi, vỗ về, còn anh thì sao? Có lẽ anh buồn lắm! Khanh không quên được gương mặt sạm nắng nhưng vẫn còn nét khôi ngô, tuấn tú của anh, hôm chia tay, anh vuốt má Khanh và nói:
“Anh hứa bất cứ lúc nào có cơ hội anh sẽ về hoặc viết thơ thăm em”
Thấm thoát đã 5 năm qua, từ dạo chia tay nhau, anh đã trở lại thăm Khanh được hai ba lần, sau đó thì thơ từ cũng thưa thớt dần. Khanh đã vào Sài-Gòn để ghi danh vào Đại-học, bận rộn với việc học, có thêm bạn mới cả trai lẫn gái, nhưng Khanh vẫn còn nhớ đến anh, tình cảm có lẽ không còn đậm đà như xưa vì đã quá lâu không gặp lại nhau, tuy nhiên mỗi lần đi ngang một người lính với bộ rằn ri Khanh lại nhớ đến anh, Khanh tự hỏi nếu gặp lại anh lúc đó không biết tình cảm của mình sẽ ra sao?
Một hôm Khanh cùng bạn bè theo trường đến bịnh viện Đỗ Vinh trong trại Hoàng Hoa Thám để thăm viếng và ủy lạo cho các anh chiến sĩ. Khung cảnh la liệt của những anh lính bị thương làm cho Khanh mủi lòng, mọi người chia nhau ra đến từng giường để chuyện trò thăm hỏi từng anh chiến binh. Khanh bỗng nghe một giọng nói rất quen thuộc phát ra từ giường bên cạnh, Khanh nhìn sang thì thấy một anh lính với khuôn mặt băng bó, bên cạnh là một người đàn bà trẻ đang ngồi đút thức ăn cho anh, giọng nói đó làm sao Khanh quên được, Khanh nhớ đến anh, vẫn bàn tay với vết thẹo trên ngón áp út, vết thẹo mà Khanh đã mân mê mỗi khi anh cầm tay Khanh. Tim Khanh đập nhanh hơn thì ra Khanh vẫn còn yêu anh như xưa. Khanh muốn đến cạnh cầm tay anh và hỏi han cho bỏ những ngày xa cách, nhưng không được, bây giờ anh đã có người đàn bà khác.
Mắt Khanh bỗng nhiên nhòa đi, Khanh vội quay đi chỗ khác vì sợ người đàn bà trẻ đó thấy, rồi Khanh lại ước ao anh lính này không phải là anh, anh Trung của Khanh. Vừa lúc đó cô y tá đến giường anh lấy xấp hồ sơ và gọi lên tên của anh, không sai vào đâu nữa, đúng lúc đó đám bạn Khanh từ xa kêu lên tên Khanh để tập họp trờ về trường. Khanh vừa đi vừa ngoáy lại nhìn thì thấy anh ngẩn đầu lên như tìm kiếm một cái gì? Có lẽ vì tên Khanh được các bạn gọi lên mấy lần nên anh nghe được?
Khanh không dằn được, nước mắt lại trào ra, như vậy là hết, những tháng năm chờ đợi chỉ cho Khanh một giây gặp gỡ ngắn ngủi này, mối tình đầu trong đời đã tan tành theo mây khói.
Tại sao Khanh lại gặp anh trong hoàn cảnh như thế này? Chẳng thà Khanh cứ phải trông đợi có lẽ tốt hơn chăng?
Mấy lời cuối của bài “nghìn trùng xa cách” vọng ra từ một cái radio của ai đó làm Khanh muốn quỵ đi:
“…nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi
Còn lời trăn trối gửi đến cho người
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người”
VTKH
RE: Ngỡ Ngàng
Chị VTKH ơi,
Bài viết của chị làm Tiến sụt sùi. Những gặp gỡ bất ngờ như thế này đau lòng quá phải không? Ước gì cho mình có thể nói được hết những gì chị nhỉ? Cái thuở ban đầu lưu luyến ây! Cảm ơn những nỗi lòng! KT