Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Mừng Cháu Vào Đại Học …

Mỗi lần về quê, tôi thường ghé đến thăm gia đình người bạn. Anh học trên tôi một lớp nhưng ngày xưa sống cùng một khu phố nên thân nhau lắm, và anh chị xem tôi như em út trong nhà. Vợ chồng anh rất vui mỗi khi có tôi đến thăm. Lần nào cũng vậy, lúc thì đãi cơm gia đình cho ấm cúng , lúc thì kéo nhau ra tiệm lai rai vài ly. Thăm hỏi, chuyện trò, ôn lại thời còn cắp sách đến trường nhưng câu chuyện bao giờ anh cũng dần đề cập đến cậu con trai.

Cháu là học sinh giỏi của lớp, đặc biệt là rất giỏi vi tính. Anh nói thời đại bây giờ, để thành đạt trong cuộc sống, cần phải trang bị cho các cháu ba điều cơ bản. Đó là có trình độ đại học, giỏi ngoại ngữ và thông thạo vi tính. Anh còn đưa ra viễn cảnh là sẽ tạo mọi điều kiện cho con anh du học ở các trường danh giá nước ngoài. Tôi chỉ biết chúc mừng anh.

Hè năm sau, tôi lại có điều kiện về quê, và lại đến thăm gia đình anh. Gặp anh lần này, thấy anh có vẻ buồn. Tôi hỏi chị rằng cháu học hành ra sao thì chị thở dài nói: – Anh-chị gửi nó đi “cai nghiện” game rồi, tìm mọi cách để kéo nó ra khỏi cái “thế giới ảo” nhưng không thành. Không khí gia đình dạo sau này lạnh lẽo lắm!

Thường thì rơi vào tình cảnh như vậy, bạn bè đồng cảm hay có cùng chung tâm trạng thường an ủi nhau theo cách chiếu lệ như “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” hay như “mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi vẻ”, biết nói sao! Song, với tôi, biết tôi trực tính, nhiều khi bị bạn bè bắt bẻ từng câu từng chữ về những điều “nghịch nhĩ”, khó nghe, nhưng anh vẫn hỏi trường hợp này có cách gì “cứu” cậu con trai hay không. Anh nói đã nhiều lần la mắng, hăm dọa và thậm chí căng cháu ra đánh đòn nhưng vẫn không đâu vào đâu. Tôi nói mình ở lứa tuổi đã sắp bước qua ngưỡng cửa “lục thập nhi nhĩ thuận”, sao mà dám khuyên anh! Nhưng anh hỏi thì tình thâm tôi nói.

Thằng bé là con của anh chị, nó truyền thừa tinh huyết của anh chị, hình hài, tính nết của nó là sự kết hợp tính tình, thể trạng của cả hai người. Anh chị ở trong nó và nó ở trong anh chị. Anh chị đánh hay la rầy nó tuy thân xác anh chị không đau nhưng lại đau trong lòng bởi nó và anh chị là một. Sự đam mê game của nó chỉ là sự kế thừa, “phát huy” cái đam mê nào đó của anh hay chị ngày xưa, nhưng thể hiện ở một dạng khác. Tôi nhớ, ngày còn đi học, anh “cúp cua” liên miên, nhịn ăn, lấy tiền quà sáng để chơi bida, chưa kể tội nói dối, chuyện xin tiền học thêm để chơi, bị đòn hoài mà cũng không chừa, gần như “hết thuốc chữa”. Tuổi của cháu nay cũng đâu nhỏ hơn tuổi ham chơi của anh ngày xưa. Vậy hỏi anh, cơ duyên nào làm anh quay lại, chí tâm học hành để có ngày hôm nay.

Anh trầm ngâm cố nhớ lại cái “biến cố” đã chuyển hóa được cái đam mê tưởng như đã ăn sâu vào máu thịt. Anh kể, một hôm mãi chơi nên quên giờ vào lớp. Đến trường nhưng không dám vào nên đành ghé vào tiệm sách gần đó để đợi vào học tiết sau. Lang thang trong tiệm sách để giết thời giờ là chính, chứ không phải để tìm sách đọc, rồi anh chợt nhìn thấy ảnh một vị Hòa thượng râu rậm đang ngồi đối diện vách động được treo trên tường nhà sách, bên dưới có hàng chữ “Thiếu thất cửu niên vô nhất ngữ” (chín năm nhìn vách đá chùa Thiếu Lâm mà không nói một lời). Hình được vẽ theo trường phái thủy mặc nên tạo nhiều ấn tượng nơi anh. Theo anh, cái ấn tượng là từ tính mỹ thuật hội họa chứ không phải là vì hiểu được ý nghĩa của bức tranh.

Anh nói tiếp, một hôm lớp tổ chức cắm trại ngoài trời. Cả lớp anh lỉnh khỉnh lều trại, thức ăn và mang theo cây đàn guitar để làm văn nghệ, đạp xe đến tận tu viện Nguyên Thiều để cắm trại. Đến nơi, anh lửng thửng dạo quanh chùa. Tình cờ vào Nhà Tổ và bắt gặp hình ảnh vị Hòa thượng hôm nọ ở nhà sách nhưng lại ở tư thế như đang lướt trên sông, gậy vác trên vai có quàng một chiếc dép cỏ ở đầu gậy. Trong lúc ấy, có một nhà sư đang quét dọn bàn thờ. Anh liền đọc câu thơ đề tựa dưới bức tranh nơi nhà sách hôm nọ: “Thiếu thất cửu niên vô nhất ngữ” để tỏ vẻ ta đây là người có “hiểu biết”. Vị sư ngừng tay hỏi “Đạt Ma ngồi nhìn vách đá làm chi vậy? ” Anh đỏ bừng mặt và nói chỉ ước ao lúc đó mình không có mặt tại nơi này, ngay giây phút này!

Không đợi câu trả lời, nhà sư tế nhị diễn giải ở mức vừa đủ cho anh hiểu, là để “cột” cái tâm lao xao ham muốn lại. Anh hỏi tâm ý là cái không có hình tướng, thì làm sao mà giữ yên được. Sư nói, mình thở ra thở vô cho đến khi buông xuôi hai tay, hoặc là chẳng khi nào để ý đến hơi thở. Bây giờ để “cột” cái tâm bận rộn lại thì chú tâm vào hơi thở vào và thở ra. Tập đều như vậy hàng ngày, khi cái tâm đã vắng bặt các ý niệm thì cái tâm ham muốn cũng biến mất. Từ đó, mỗi khi trong lòng thôi thúc bước ra khỏi nhà là anh bắt đầu áp dụng như một cách “cắt cơn”, và cái đam mê đó cũng dần lắng.

Nghe xong câu chuyện, và quay về với câu chuyện của cậu con trai anh, tôi nói rằng anh trong con anh và con anh trong anh. Anh đã làm chủ được mình thì con anh cũng sẽ từ bỏ được “thế giới ảo” của nó. Cái đam mê của cháu bắt rễ từ bên trong anh, anh la rầy hay uốn nắn cháu bằng roi vọt vừa phản khoa học vừa không hiệu quả, như lấy đá đè lên cỏ. . Bệnh của tâm thì phải có phương pháp trị tâm.

Mấy năm sau này tôi ít có dịp về quê nhưng vẫn giữ liên lạc với anh qua điện thư hay phone nhưng không thấy anh đề cập đến tình hình học tập của cậu con trai – niềm hãnh diện của gia đình anh. Vì tế nhị, tôi cũng không dám hỏi, sợ khơi dậy nỗi buồn trong anh. Nhưng thật bất ngờ, tuần trước, tôi nhận được điện thư của anh báo là dù bận cách mấy cũng ráng thu xếp ra mừng cậu con trai của anh đã trúng tuyển vào đại học. Tôi vội “meo” lại hỏi có phải mình nghe lầm không.

Bữa tiệc trong không khí gia đình thật vui, chỉ có vài người thân của anh chị và một số bạn bè năm xưa. Anh như rươm rướm nước mắt khi cám ơn những lời chúc tụng. Buổi tối hôm đó, anh đưa tôi ra một quán cà phê ngoài biển. Anh kể chuyện về cậu con trai.

Anh nói sau khi đưa cháu đi cai nghiện game, lúc trở về, thấy cháu sinh hoạt tương đối có vẻ nề nếp hơn. Anh chị đã khấp khởi mừng trong bụng nhưng chỉ năm bửa nửa tháng sau là nó lại “chứng nào tật nấy”, lại lao đầu vào “cày” game càng mãnh liệt hơn trước, như cái lò xo bị nén nay bật ra! Anh chị gần như bất lực và buông xuôi. Anh lập gia đình muộn (gần bốn mươi anh mới lập gia đình), và chỉ có một mụn con nên đau khổ lắm.

Nhưng không lâu sau đó, tâm tính cháu bỗng nhiên thay đổi hẳn. Cháu chú tâm học hành để đi thi lại đại học. Anh khấp khởi mừng thầm song không dám chắc là nó đoạn tuyệt được hẳn hay chưa, nên không dám báo cho ai biết, sợ lại hụt hẫng. Năm ngoái, điểm sàn cơ bản để vào đại học tư cháu còn không với tới, vào cao đẳng cũng không xong, vậy mà năm nay cháu ghi danh vào trường có điểm xét tuyển khá cao, mà lại trúng tuyển, làm anh cứ ngỡ mình đang trong mộng!.

Hôm anh chị vào phòng riêng của cháu để dọn và sắp xếp vật dụng cho cháu chuẩn bị vào thành phố nhập học, anh tình cờ thấy một cuốn sách nằm trong ngăn kéo bàn học. Bìa đã sờn gáy, góc sách đã uốn cong nhiều nếp, chứng tỏ là được đọc nhiều lần . Anh lần giở xem thì hóa ra là cuốn ‘Giảng Giải Mười Bức Tranh Chăn Trâu” của Thiền chủ Trúc Lâm viết mà chú mua tặng anh năm xưa, rồi anh liên tưởng và chợt hiểu tại sao có lần cháu hỏi ý nghĩa của chữ “tâm viên, ý mã” là gì.

Hôm tiễn tôi về, anh nói, bữa tiệc mừng con thi đậu là một, mà mừng cho nó đã biết “xỏ mũi dắt trâu”, đã biết tự thắp đuốc để bước chân vào đời là cái mừng mười.

Tôi còn biết nói gì hơn, xin mừng cho anh chị, cho cháu vậy.

Hs Bồ Đề

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả