Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàSáng Tác Của Bạn HữuHọc Sinh Bồ ĐềCâu Chuyện Ở Quán Cà Phê Vỉa Hè ...

Câu Chuyện Ở Quán Cà Phê Vỉa Hè …

Quán xá ở cái thành phố này thì đầy, cứ ra khỏi ngõ là gặp, nhưng uống cà phê quán cóc vỉa hè là cái thú của dân kỳ cựu ở Sài Gòn. Ngồi quán khi trời còn tờ mờ sáng, đèn đường chưa tắt, không khí trong lành và không gian yên tỉnh. Ngồi nhâm nhi ly cà phê bàn chuyện “thế sự” mà không bực mình như các quán ban ngày, nhạc nhẻo xập xình, nói chuyện như hét vào tai lại còn đèn xanh đèn đỏ chớp tắt nhức cả mắt.

Hôm nay thầy Ba ra quán muộn, tay cầm tờ nhựt trình phát hành sớm, thông tin cho mọi người rằng lại có thêm “ông lớn” trong ngành ngân hàng bị bắt. Người trong xóm gọi là “thầy” không phải ông là người dạy chữ mà là vì ông hay luận về tướng số. Mọi người bàn chuyện dạo này sao có nhiều vị chức sắc vương vòng lao lý rồi cám cảnh cho mấy vị mới trước đây tràn đầy danh vọng, quyền uy mà nay chịu cảnh thân bại danh liệt, rồi lại lan man bàn sang chuyện số phận của mấy ông bà tổng thống xứ người nào là ông Saddam Hussein ở xứ Iraq bị xử treo cổ, ông Gaddafi ở Libya bị bắn chết, ông Mubarack ở Ai Cập hay bà Arroyo ở Philippines bị bệnh mà bị cấm ra ngước ngoài trị bệnh mà còn bị giam trong tù, còn ông Roh Moo Hyun, nguyên tổng thống xứ Hàn nhảy núi tự tử. Công danh là thế mà hậu vận thiệt thê thảm..

Thầy Ba nghe xong kết luận một câu xanh dờn: ” Ai cũng có số phận, định mệnh đã an bài thì phải chịu, cãi số trời sao đặng?”. Bà con ngồi nghe gật gù xem đây là cách lý giải có vẻ hợp tình hợp lý. Riêng bác Bảy nảy giờ ngồi lặng thinh, không tán thưởng cũng chẳng bài bác. Bác “triết lý” bâng quơ: – “hạt cà hạt ớt phơi khô, trộn trong chén, đố ai biết hột nào là hột cà, hột nào là hột ớt, nhưng khi gieo trồng thì hạt nào ra cây đó!”.

Thầy Ba vặn hỏi chứ ý của bác Bảy ra sao, nói cái gì sao mập mờ khó hiểu quá! Bác Bảy trả lời rằng bác không tin cái gọi là “số phận đã an bài” hay có ông thiên ông tướng nào sắp đặt sẵn số phận cho mình. Ông nói rằng xưa cụ Tố Như làm thơ dạy: – Đã mang lấy nghiệp vào thân/cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Tuy nhiên, dầu mệnh mình xấu, mình cũng chuyển hóa được chứ phải nào do số phận, mọi thứ là do mình nên cụ dạy thêm: – Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều!

Cách bác Bảy giải thích không làm thầy Ba thỏa mãn nên thầy nói: ” bác Bảy nói rõ cho bà con nghe coi!” Bác Bảy thủng thẳng trả lời vậy tui xin kể chuyện hồi tôi còn ở quê nghe chơi.

Ngày trước, cạnh làng tôi có một thầy tướng số nổi danh coi tướng rất hay. Người ta đồn ai được ông xem tướng là có thể biết được hậu vận ra sao, nếu vận hạn xấu, ông bày cách cúng sao giải hạn cho mọi sự hanh thông, cho tai qua nạn khỏi. Nghe nói nhiều vị chức sắc, doanh gia nghe tiếng đồn tìm đến nhờ ông xem tướng và vì vậy, danh tiếng của ông càng vang xa khắp nơi, khách tìm tới vô số.

Thời còn ở dưới quê, tôi làm ăn ạch đụi, làm hoài không thấy khá, nhớ có đứa bạn học chung lớp năm xưa, nó lại là cháu ông thầy tướng nên nhờ nó hỏi giúp. Thầy nhận lời và xem tướng cho tôi. Theo ông thì số phận, cuộc đời con người được thể hiện trên khuôn mặt, hình dáng, tướng đi hay tiếng nói. Từ đây, có thể biết được công danh, sự nghiệp, tình duyên gia đạo hay hậu vận của một đời người ra sao. Nói như vậy là khéo để tôi biết, tự an phận vì cung “tài lộc” của mình chỉ đến thế..

Tôi thắc mắc nói ở quê tôi có ông Tư Đen giàu có nhất làng. Ruộng vườn của ông không nhiều, chỉ có năm ba mẫu gì đó nhưng từ khi có chương trình khuyến khích “dồn điền đổi thửa” nên ruộng đất của cái xứ này đã hết manh mún, nhỏ lẻ nên ông sắm mấy cái máy gặt liên hợp, sau thấy làm ăn được, ông mua thêm ba bốn cái nữa, không kể cả chục cái máy cày, lớp để phục vụ cho ruộng nhà, lớp cho làng trên xóm dưới chạy mướn nên càng ngày làm ăn càng khắm khá, con cái có đứa du học nước ngoài, nhưng tướng mạo thì cực kỳ xấu xí: răng hô, mắt lộ tròng trắng nhiều hơn tròng đen, lưng khom, chân lại đi bước thấp bước cao.. Nói chung, theo như nhân tướng học mà thầy nói, thì người này thuộc phận hạ tiện, cuộc đời vất vả, hậu vận rất xấu, có khi chết chẳng có được thước đất chôn thân!

Ông thầy tướng số có vẻ không tin nhưng cố vớt vát nói rằng với người có tướng mạo như vậy thì không đời nào là người có số phú quí được, chắc hẳn phải có quí tướng ẩn tàng gì đây, nên nói có dịp dẫn ông về quê xem coi sao.

Một hôm, nhân dịp thuận tiện, tôi ghé thăm và mời thầy về làng. Trên đường đi, thầy dặn chỉ nói là thầy đến thăm để tính chuyện làm ăn. Khi vừa đến cổng thì thấy ông Tư Đen đang bận rộn cắt tỉa mấy chậu kiểng trước sân. Thấy khách đến, ông đon đả mời vào dùng trà và mời ở lại dùng cơm trưa. Chủ khách nói chuyện quanh mâm cơm khá cởi mở, và ông thầy tướng âm thầm quan sát tướng mạo chủ nhà. Như theo lời ông nhận xét thì quả không sai, ông Tư Đen này từ tiếng nói, dáng đi, khuôn mặt hay ngoại hình đều thuộc dạng “phá cách”, không chết yểu là may chứ đừng nói đến chuyện giàu sang hay nay đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”!

Cơm nước xong, chủ nhà trải chiếu mời khách nghỉ trưa, đợi chiều hơi mát thì mời đi thăm lúa. Khi mặt trời nằm dưới tán lá cây cau thì mọi người đã ra đến ruộng. Lúa đã chín nhưng chưa đều lắm, hơn tuần nữa là gặt được rồi. Đứng trên gò đất nơi người làng lập cái miếu thờ cô hồn dưới gốc cây đa cổ thụ, nơi cánh thợ gặt, thợ cấy thường nghỉ trưa trong mùa vụ, và từ đây có thể nhìn bao quát hết cánh đồng. Ông say sưa chỉ hết khoảnh ruộng đang rộ chín vàng này đến đám khác vừa nói năm nay trúng mùa, sáu, bảy tấn một mẫu ăn chắc thì đột nhiên ông khe kẻ bảo chúng tôi lánh mình sau cái miếu cô hồn. Đứng một hồi lâu rồi rồi lại dẫn tiếp đi thăm ruộng. Chẳng ai biết vì sao đang đi lại đứng lại, như đứng đợi ai đó rồi lại đi.

Trên đường về, ông thầy tướng định bụng sẽ hỏi tại sao ông Tư Đen này lại có hành động kỳ quặc như thế. Nhưng khi vừa về đến nhà, chủ nhà lại hối thúc vợ con chuẩn bị cơm, rượu đãi khách nên chưa tiện hỏi. Rượu uống vài chung đã ngà ngà say, chủ khách chẳng cần khách sáo cởi áo để hưởng chút gió đồng trong lành. Ông thầy tướng, máu nghề nghiệp nổi lên, âm thầm quan sát chủ nhà nhân lúc chủ nhân để lộ trần cả thân mình, chỉ còn trần trụi cái quần đùi! Nhưng thật thất vọng, vì cũng chẳng tìm thấy một chút gì để bám víu, để luận là cái giàu của chủ nhà là nhờ có “quí tướng” tiềm ẩn như ông nghĩ cả!

Đang khề khà chợt bác Tư Đen kêu vợ lại, dặn mang ít tiền, ít lúa sang cho nhà thằng Út Thêm, nói là giúp má nó bệnh, hỏi nó có cần gì thì cứ nói, đừng ngại. Ông thầy tướng sẵn dịp bắt chuyện hỏi tới chớ Út Thêm là là con cháu trong nhà hay sao. Chủ nhà trả lời rằng thằng Út Thêm này chẳng phải bà con họ hàng gì cả, mà là cái thằng cắt lúa trộm hồi chiều khi mình ra thăm ruộng, tui nhìn thấy nên nói ông tạm lánh nó đó! Ông thầy tướng ngạc nhiên hỏi tới :

– Nó cắt lúa trộm của ông, sao ông không kêu lên, bắt tại trận mà lại trốn nó?

Ông Tư Đen từ tốn nói:

– Má nó bệnh, vợ mới sanh. Nó đi làm công, ai kêu đâu mần đó, nay đang lúc nông nhàn, không có việc, chắc khổ quá mà sinh làm bậy. Mai mốt gặp nó, lấy tình làng nghĩa xóm mà khuyên dạy chớ hô hoán lên làng xóm biết, nó xấu hổ, sợ tù tội, bỏ xứ mà đi thì tội, mẹ và vợ con nó ai lo?

Ông thầy tướng giật mình, ly rượu sánh trên tay suýt đổ, hoát nhiên tỉnh cả rượu sau câu nói đó.

Kể đến đây thì bác Bảy ngừng câu chuyện, thầy Ba và mấy bác nảy giờ ngồi nghe, để mấy cái ly cà phê nóng bốc khói giờ nguội tanh hồi nào không hay, hỏi sấn tới:

– Vậy chớ ông thầy tướng kết luận ra sao mà tỉnh cả rượu? Sao bác ngưng ngang câu chuyện giữa chừng vậy?

Bác Bảy từ tốn hỏi ngược lại chớ ông Tư Đen nhà giàu nọ làm vậy là thiện hay ác. Mọi người đồng thanh trả lời thì rành rành là làm việc thiện, biết nghĩ đến người khác, vậy mà cũng hỏi! Bác Tư nói thì câu chuyện được kết luận ở đó đó, chớ ngưng ngang hồi nào. Bác nói nhìn tướng mà đoán hậu vận hay nói người ta có số phận chắc đâu đã đúng!

Bác nói thêm rằng cái tâm là cái quan trọng, nó có thể chuyển hóa mọi sự. Bên nhà Phật cũng nói cái nghiệp mình nặng, nhưng biết làm lành tránh dữ, năng tu nhân tích đức thì cái nghiệp nặng, nghiệp xấu cũng dần mỏng đi. Ông bà ta ngày xưa cũng thường dạy “đức năng thắng số” là vì cái lẽ đó. Vậy nên không có ông trời nào sắp đặt sẵn số phận cho mình mà là do chính mình.

Đèn đường đã tắt. Câu chuyện đã kết. Quán chỉ bán mấy tiếng đồng hồ vào buổi sáng sớm nên giờ đã vãn người. Bà chủ quán lục đục xếp ghế. Riêng thầy Ba còn ngồi trầm ngâm ở đấy, ý chừng như câu chuyện còn chưa chấm dứt. Phía đông, trời ửng hồng. Một ngày mới lại bắt đầu.

Hs Bồ Đề

5 BÌNH LUẬN

  1. RE: Câu Chuyện Ở Quán Cà Phê Vĩa Hè …
    Xin chúc mừng sự góp mặt của bạn HS Bồ Đề và cảm ơn bài viết của bạn. Từng nghe câu chuyện bà Bảy kể đã lâu, dễ chừng hơn 20 năm nhưng đọc lại vẫn thấy thú vị vì gợi lại nhiều điều.

    Kết chuyện có thể là: Đức năng thắng số. Số phận không bất biến. Một trong những yếu tố làm số có thể thay đổi là đức. Bàn riêng trong ngữ cảnh này, đức không phải là gia tài do cha mẹ để lại mà được tạo ra ngay trong hiện tại. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, Đức có thể là phúc đức hoặc công đức; bên hữu lậu, bên vô lậu; bên không thể và bên có thể tạo sự chuyển hóa cho người tạo tác. Đức hội tụ từ sự cho đi, từ cái nhìn và việc làm vì người khác và thường được gọi tên là hạnh bố thí.

    Kết chuyện cũng có thể là: Chuyển tâm sẽ góp phần chuyển hóa mọi việc. Kể cả ‘tướng’ là cái gần như đã đặt định và khó thay đổi.

    ‘Hữu tâm, vô tướng. Tướng tự tâm sinh
    Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt’.

    Xin góp đôi lời gạch đá, mong nguyên lượng.

  2. RE: Câu Chuyện Ở Quán Cà Phê Vỉa Hè …
    DT hầu như không ra quán cafe vỉa hè để “tám” nhưng nay cũng xin góp chút chuyện với các anh cho xôm:
    Câu chuyện được kể ở vỉa hè sáng nay vẫn là đề tài muôn thuở. Những lời bàn xem ra đúng hết, nào là “số phận” hay “đức năng thắng số”. Cụ Nguyễn Du cũng đã phán “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. DT cũng nghe những người ở Bình Dương hay kể về một bà tỷ phú trước 1975, thầy bói từng phán “bà sẽ chết không có chiếu chôn”. Không tin, bà đuổi cổ thầy bói ra đường. Sau 1975, bà trở thành tay trắng, phải đi xin ăn, cuối cùng chết ở vỉa hè. Một chuyện khác mà có lẽ ai cũng biết là về một người quá giàu có cũng bị thầy phán câu tương tự. Người này không đuổi cổ ông thầy ra đường mà làm phước rất nhiều để may ra kết cuộc của đời ông sẽ khá hơn. Nhưng rồi cũng vướng vòng lao lý và chết thảm. Trường hợp như vậy thì là thế nào, hay là “hạnh bố thí” của ông ta chưa đủ sức để giải hóa “nghiệp” từ kiếp trước?

  3. RE: Câu Chuyện Ở Quán Cà Phê Vỉa Hè …
    Nhân quả, theo PG, có tam thế nhân quả.
    Chuyện của DT kể có thể giải thích: Khi nhân hiện tại chưa tựu thành quả, nhân quá khứ đã kết quả trước nên phải chịu nghiệp báo như thế.
    Tâm chuyển một cách rốt ráo để chuyển nghiệp, như tu hành chân chính, làm việc thiện vì người, sẽ được kết quả hiện tiền.Trường hợp này gọi là tối thắng nhân quả.
    Cảm ơn bài viết của Bạn HS Bồ Đề.

  4. RE: Câu Chuyện Ở Quán Cà Phê Vỉa Hè …
    H đồng cảm với bạn hs Bồ Đề ở câu này “Vậy nên không có ông trời nào sắp đặt sẵn cho mình mà là do chính mình” chữ do “chính mình” được hiểu với một nghĩa rộng.
    H tin vào nhân quả, nhưng không thắc mắc về tướng số, làm nhà mấy lần cũng không coi ngày, ngày nào trời tốt thuận tiện công việc là khởi công…và thấy mọi việc cũng đâu vào đấy.
    Thôi thì ai muốn tin điều gì thì tin, miễn đừng khăng khăng quá mà làm lỡ nhân duyên của con cháu, làm mọi việc trở nên lẩn quẩn, như một chị bạn của H xem bói nói năm đó phải rất cẩn thận không thôi bị tai nạn thế là chị lo lắng, không dám đi đâu xa, chồng đi du lịch về VN chị cũng không theo về. Cuối năm đó chị chỉ bị cái bình hoa rớt dập ngón chân nên mừng lắm vì tai qua nạng khỏi, nhưng ông chồng nghe đâu lần ấy về VN lại léng phéng với một cô nào đó, chị lại khóc lóc đi coi bói tiếp…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả