Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănNhật Ký - Ngày Mới Trên Đất Lành

Nhật Ký – Ngày Mới Trên Đất Lành

Orlando, 9 tháng 3 năm 2019

Tôi bước vào năm thứ 41 trên đất Mỹ. Tôi từ West Malaysia đến Los Angeles, Mỹ ngày 7 tháng 3 năm 1979. Mới đó mà 40 năm trôi qua như gió thoảng. Đêm qua tôi nói với vợ tôi là ngày mai, thứ 7, tôi muốn đãi vợ tôi ăn tiệm, kỷ niệm 40 năm tôi đến Mỹ. Vợ tôi cười vui bằng lòng.

Sáng nay, chúng tôi đi phố sớm cho vợ tôi đi chợ mua sắm thức ăn cho cả tuần. Phố Orlando có nhiều tiệm ăn Việt, cơm phở bún đều có đủ. Nhưng chúng tôi ghé lại tiệm Bánh Mì Cali. Bánh mì thật dòn, thịt nướng và cà phê thơm ngon và ăn đủ no. Vậy là chúng tôi kỷ niệm 40 năm đến Mỹ bằng Bánh Mì Thịt Nướng, cà phê. Vợ tôi không quên mua bánh mì Baguette đem về.

Bốn mươi năm ở Mỹ qua thật nhanh. Tôi không rõ 40 năm ở quê nhà, bạn bè tôi thấy lâu ra sao trong tình thế đất nước đổi thay? Tôi cảm thấy thời gian qua nhanh, có lẽ chúng tôi thường xuyên bận rộn. Tuy bận rộn nhưng đời sống mỗi ngày cải thiện tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Tôi vui với nghề cũ Y Khoa, con cái thành danh, các cháu khôn lớn nhanh. Chúng tôi có 3 con sanh ở Việt Nam và 8 cháu nội ngoại sanh ở Mỹ. Các cháu là niềm hạnh phúc vô tận.

Trong quá khứ tôi đã vài lần viết về cái ngày tôi đặt chân lên đất tự do, 7 tháng 3 năm 1979 nhưng mấy cái computer đã giấu kỹ bài viết của tôi một nơi nào mà tôi tìm đọc lại, tìm không ra. Thôi thì tôi viết lại xem có quên chi tiết hay không.

Tôi vượt biển một mình vì không có tiền đủ cho vợ con đi bán chính thức với người Hoa. Một người bà con của chúng tôi cho tôi mượn 16 cây vàng để vượt biển. Ban đầu, tôi không chịu đi vì không nỡ bỏ vợ con lại quê nhà. Nhưng vợ tôi cứng rắn hơn, nàng nói, “Nếu anh không tận dụng dịp may, không ra đi ngay thì nếu chúng bắt anh vào tù lại, cả gia đình sẽ chìm thuyền. Anh cứ đi, em và con sẽ xoay xở theo anh sau…” Tôi ra đi mà nửa hồn như đã chết.

Khi ghe vượt biển ra đến hải phận quốc tế, tôi leo lên ngồi trên bon ghe chứ không chịu ngồi trong lòng ghe. Trước đó tôi đã được biết vài bạn tôi chết chìm vì ngồi trong lòng ghe khi ghe lật. Chủ ghe và tài công ra lệnh, tôi vẫn cột người vào cột bườm của ghe, ngồi suốt 3 ngày 3 đêm trên chuyến vượt biển đầy gian nguy, sóng gió. Những lúc mưa gió, sóng biển phủ chụp lấy ghe, đập mạnh vào lưng tôi đau điếng, tôi vẫn gắng chịu. Tôi mang theo một bình nhựa cứng đựng 20 lít nước ngọt, dùng làm phao, một dây thừng Hướng Đạo, một dao găm nhỏ, một áo tơi nhựa dày che mưa và cũng dùng làm phao được. Tôi hy vọng, nếu ghe có bị bão nhận chìm và nước biển không quá lạnh thì tôi cũng có thể sống được vài giờ trên biển chờ cứu vớt. Tôi vẫn tự tin về sức bơi biển của mình. Ngày ở Qui Nhơn, 1955-1963, sáng chiều tôi vẫn bơi biển 1-2 tiếng mà không biết mệt. Ra khơi, nước biển sâu thẳm, màu tím đen trông thật đáng sợ. Chiếc ghe dài 20 mét mà trông như một chiếc lá nhỏ. Lằn mức tử sinh thật gần khi biển dậy sóng.

Những đêm trời trong, tôi nằm trên bon ghe, ngắm sao trời, thử định vị đường đi của ghe. Tôi cũng thường làm như vậy khi bị nhốt trong rừng trên biên giới Miên-Việt. Tài công có mang theo đủ la bàn và bản đồ. Tôi nghe anh ta nói anh đi hướng 37 độ tây nam hướng về Mã Lai. Đêm đen như mực trên biển. Chiếc ghe lầm lũi tiến trên những làn sóng nhỏ. Có một buổi chiều chúng tôi bị ghe hải tặc Thái Lan đuổi. Tài công nhanh trí, tắt hết đèn trên ghe rồi quay mũi chạy ra khơi.  May thay, trời vừa sụp tối, hải tặc bỏ cuộc không đuổi theo nữa. Tài công lại chạy về hướng Mã Lai. Khi đến đảo tị nạn Pulau Bidong (PB), tôi nghe bạn bè kể lại những lần họ bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, giết người chống trả, mà lạnh người. Ban đêm, những phụ nữ sống sót hải tặc, mơ sảng, la hét nghe thảm thiết. Hải tặc hiếp cả phụ nữ đang mang thai.  Bắt thiếu nữ trẻ đem đi theo chúng để hãm hiếp.  Sau nầy có em bị chúng bán vào động mãi dâm. 

Khi tôi đến Pulau Bidong thì đảo đã có 40 ngàn người đến trước tôi. Thiếu thực phẩm, tôi gầy và yếu hơn cả những ngày bị giam trong tù cộng sản. Tôi còn giữ tấm ảnh căn cước chụp ở Pulau Bidong mà hai má cóp bình thiếc. Vết thương chân tôi do san hô cắt đứt không chịu lành vì thiếu an, thiếu chất đạm trong máu. Tôi đi khám bệnh cho dân tị nạn nhưng không có thuốc để chữa. Một phóng viên của hảng truyền hình CBS Mỹ bảo tôi mở tủ thuốc trống không của bệnh xá cho anh ta quay phim. Anh ta nói, “Tôi sẽ về Mỹ và làm cho dân Mỹ khóc…” Hai tháng sau, chúng tôi được Liên Hiệp Quốc tiếp tế chút đỉnh thuốc men. Tôi lãnh được một bộ đồ cũ do các hội từ thiện tặng.

Tôi viết hơi dài dòng để con cháu tôi có đọc sau nầy. Khi tôi đến PB thì phái đoàn Mỹ chưa đến. Tôi định xin đi Anh quốc nhưng bạn tôi cho biết Anh quốc chỉ cho bác sĩ học thi lại bằng Bác Sĩ Y Tế Công Công Cộng (Public Health) mà thôi. Tôi viết thư cho một bác sĩ quen người Tân Tây Lan, ông mau mắn trả lời, khuyên tôi đi Mỹ vì lúc ấy dân số Tân Tây Lan chỉ hơn 1 triệu người, hội Y Sĩ Tân Tây Lan không cho bác sĩ ngoại quốc hành nghề. Tôi lại muốn rời đảo sớm, nên xin đi Úc. Bạn tôi lại cho biết ở Úc muốn hành nghề Y rất khó. May thay, sau 3 tháng, phái đoàn Mỹ đến phỏng vấn và tôi được nhận ngay vì tôi có vài ưu tiên như:

– Độc thân (tôi vượt biển một mình)
– Có nghề nghiệp
– Cựu sĩ quan QLVNCH
– Nói thạo tiếng Mỹ

Tôi là người đầu tiên trong chiếc ghe KG… chở 164 người đi từ Rạch Giá được gọi tên đi Mỹ sau 3 tháng đến đảo PB trước sự ngạc nhiên của mọi người trong ghe và cả chính tôi. Những gia đỉnh có thân nhân ở Mỹ hay nước khác phải chờ thân nhân bảo lãnh lâu hơn. Tôi không có thân nhân ở Mỹ nên được một cơ quan thiên nguyện bảo lãnh. Hội IRC (International Rescue Committee) ở Los Angeles bảo lãnh tôi qua những tiêu chuẩn ưu tiên của tôi.

Sau 3 tháng ở PB, tôi rời đảo đi Kuala Lumpur, thủ đô Mã Lai, làm thủ tục vài tuần và đi Mỹ. Máy bay chúng tôi ghé Hong Kong 1 đêm, ngủ khách sạn hạng xoàng, ăn bữa tối một đĩa cơm trắng và 2 trứng chiên. Bọn đầu bếp Hong Kong ganh ghét chúng tôi nên thái độ tiếp đãi thật tệ. Tôi chẳng cần, miễn sao đến được đất lành, làm lại cuộc đời. Máy bay lại ghé Tokyo 3 tiếng. Sau nầy có ai hỏi tôi đi Nhật chưa, tôi trả lời rồi vì tôi đã ghé Tokyo 3 tiếng.

Ngồi trên chiếc Pan Am tiện nghi nhưng tôi khó ngủ vì lan man nghĩ đến vùng đất mà mình sắp đến, nghĩ đến tương lai mờ mịt, và nhất là nghĩ đến vợ yếu con thơ đang chờ đợi ở quê nhà. Biển Thái Bình mênh mông, nước xanh, mây trắng trôi dưới lườn máy bay.

Máy bay hạ cánh ở phi trường Los Angeles. Tôi xách chiếc va li nhỏ xíu, chứa hai bộ đồ cũ, theo đoàn người tị nạn vào đất Mỹ. Số người đi đón đứng chờ thật đông, tay cầm bản ghi tên người mới đến. Tôi liếc thấy một anh Mỹ trung niên cầm bản ghi Hieu Nguyen. Tôi lại gần anh ta và tự giới thiệu tôi là Hieu Nguyen từ Mã Lai đến. Anh ta cũng giới thiệu tên anh nhưng giờ nầy tôi đã quên tên anh. Anh ta hỏi tôi:

-Ông Hiếu muốn tôi nói tiếng Mỹ hay tiếng Việt?
Tôi ngạc nhiên:
– Ông nói được tiếng Việt sao? Vậy thì còn gì bằng, chúng ta nói tiếng Việt đi!
Anh Mỹ nói ngay:
– Vậy là từ đây tôi là nô lệ của ông Hiếu Nguyễn.
Hai chữ “nô lệ” làm tôi hơi khó chịu. Tôi không biết trình độ tiếng Việt của anh ta ở mức nào hay là anh ta muốn ghẹo tôi? Tôi đề nghị anh ta:
– Ông nên nói “người giúp đỡ” thay vì “nô lệ”.
Anh ta cười. Về sau, anh ta cho biết anh là cựu nhân viên CIA, làm việc ở Huế 7 năm, biết ăn nước mắm Việt Nam. Anh trở lại Mỹ khi Sài Gòn thất thủ và hiện làm việc cho cơ quan IRC như một nhân viên xã hội (social worker).

Anh X, tạm gọi tên anh social worker, gởi tôi ở chung với hai anh em một ngư phủ Việt Nam đến Mỹ trước tôi vài tháng. Trong 10 ngày, anh chở tôi đi tìm một căn phòng ở vùng Los Angeles nhưng không tìm ra. Anh cũng đưa tôi đến vài lớp dạy Anh văn nhưng tôi không học vì tôi có trình độ dạy được các học viên đó.  Ngày học Y Khoa, tôi đã theo học lớp cao Anh văn ở hội Việt-Mỹ và trung tâm Menonites.  Khi về Qui Nhơn, tôi có dịp tiếp xúc và làm việc với phái đoàn Y Tế tình nguyện của Tân Tây Lan nhiều năm. 

Một bạn Hướng Đạo của tôi ở San Jose, nghe tin tôi đến Mỹ, bay từ San Jose, xuống LA bốc tôi về ở tạm với anh 3 tháng cho tới khi tôi tìm được nhà low income của chính phủ. Tôi đi tìm lớp học thêm sinh ngữ ngay. Buổi sáng tôi chạy bộ vài dặm ra bến xe buýt, đi 2-3 chuyến xe đến trường. Lớp sinh ngữ nầy dành cho sinh viên ngoại quốc. Tôi học chung với sinh viên nhiều nước như Iran, Nhật Bản, Mễ Tây Cơ, Tàu… Đậu TOEFL với điểm cao xong, tôi ghi danh vào Evergreen College ở San Jose để học thêm tiếng Anh và bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ được nói nhiều ở Mỹ sau tiếng Anh. Sau 3 tháng tôi nói được tiếng Tây Ban Nha vì bà giáo sư tặng tôi nhiều sách Danh Từ Y khoa song ngữ mà bà mang từ quê bà Argentina qua. Những sinh viên gốc Mễ trong lớp tôi cũng là những người giúp tôi nhiều trong khi tôi thực hành nghe và nói ngôn ngữ nầy. sinh viên phải nói tiếng Tây Ban Nha trong lớp.  Sinh viên Mễ nói tiếng Mễ (Tây Ban Nha) thông thạo nhưng không viết rành hay rất yếu về văn phạm.

Năm 1980, vợ con từ trại tị nạn Hong Kong đoàn tụ với tôi ở San Francisco. Từ đó tôi yên tâm, bắt đầu học ôn lại bài vở Y Khoa để thi bằng tương đương (ECFMG), bằng liên bang (FLEX). Tương lai tuy còn mờ mịt nhưng tôi luôn cố gắng trở lại nghề cũ mà tôi yêu thích. Hy vọng sẽ viết tiếp.

Nguyễn Trác Hiếu
Orlando, ngày 9 tháng 3 năm 2019

2 BÌNH LUẬN

  1. Trả lời: Nhật Ký – Ngày Mới Trên Đất Lành
    [QUOTE]… đầu bếp Hong Kong ganh ghét …[/QUOTE]
    … lâu nay em cứ tưởng người Tàu Hong Kong ghét người Tàu Trung Quốc mà té ra người Tàu Hong Kong thì ai họ cũng ghét …

  2. Người Hong Kong
    Diệp Hà,
    Người Tàu HK vẫn ghét người Tàu lục địa đấy chứ. Năm 2015, chúng tôi du lịch Hong Kong. Tài xế xe coach không chịu đưa hành lý của chúng tôi vào khoan chứa hành lý trên xe vì tưởng đoàn người Mỹ gốc Việt là dân Tàu lục địa. Trưởng đoàn chúng tôi báo cho chủ xe coach biết sự việc nầy. Người chủ cho tài xế biết đây là nhóm người Mỹ gốc Việt và ra lệnh cho anh ta thi hành nhiệm vụ. Khi biết chúng tôi là người Mỹ gốc Việt, anh ta xin lỗi và vui vẻ làm mọi việc chúng tôi yêu cầu. Nhóm đầu bếp HK thấy chúng tôi được nhận đi Mỹ, nơi họ mơ ước, nên ghang tị, không tiếp đãi tử tế dù được trả tiền sòng phẳng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả