I – TIỂU SỬ
Chân dung Đào Tấn (Ảnh thờ tại từ đường làng Vinh Thạnh)
Ông nguyên có tên là Đào Đăng Tấn, vì tránh quốc húy bỏ chữ Đăng (登), nên gọi gọn Đào Tấn (陶 進). Ông sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ, tức ngày 3- 4- 1845, niên hiệu Thiệu Trị thứ 5. Quê quán tại làng Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định; nay là thôn Vinh Thạnh 2, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Mất ngày ngày rằm tháng 7 năm Đinh Mùi (Thành Thái thứ 19) nhằm ngày 23 tháng 8 năm 1907, hưởng thọ 62 tuổi.
Đào Tấn, tự là Chỉ Thúc (止 叔), hiệu là Mộng Mai (夢 梅) và Tô Giang (蘇 江), biệt hiệu là Tiểu Linh Phong (小 靈 峯) và Mai Tăng (梅 僧). Lúc nhỏ, ông được may mắn thọ giáo cụ Tú Nguyễn Diêu (阮 窯), người làng Nhơn Ân, nay là thôn Nhơn Ân xã Phước Thuận cùng huyện; không những được thầy dạy chữ để đi thi mà còn đào tạo thành một nhà soạn tuồng. Năm 19 tuổi, lúc còn học với thầy, ông soạn tuồng đầu tay Tân Dã Đồn, nổi tiếng từ ấy.
Năm 23 tuổi, ông đỗ Cử nhân thứ 8/15 khoa Đinh Mão (1867), tại trường thi Bình Định. Năm 1871, Tự Đức thứ 24, ông được sơ bổ Điển tịch, sung vào Hiệu thư ở Nội các, tức hội nhà văn của Triều đình, lo việc biên soạn và sáng tác, do vua Tự Đức làm chủ tọa.
Ông làm quan trải ba triều Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái; từ chức Điển tịch, hai lần Thừa Thiên Phủ doãn, hai lần Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh), hai lần Thượng thư Bộ Công và Bộ Binh sung Cơ Mật Viện Đại Thần, tước Vinh Quang Tử.
II – TÁC PHẨM
Trong sự nghiệp văn học, Đào Tấn sáng tác khá nhiều, và đủ các thể loại:
– Về soạn tuồng: có khoảng 40 kịch bản sáng tác hoặc nhuận sắc; những tuồng nổi tiếng như Vạn Bửu Trình Tường, Tân Dã Đồn, Cổ Thành, Diễn Võ Đình, Hộ Sanh Đàn, Trầm Hương Các, Hoàng Phi Hổ Quá Giới Bài Quan…
– Thơ chữ Nho, tập Mộng Mai Ngâm Thảo đã thất lạc. Nay còn Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo, dày 236 trang, gồm 113 bài thơ, do Trúc Tiên và Chi Tiên (ái nữ ông Đào) ký lục, Tịnh Ba phụng sao. Và tập Mộng Mai Thi Tồn, dày 74 trang, gồm 37 bài thơ, Nguyễn Tòng phụng sao.
– Từ có tập Mộng Mai Từ Lục, dày 68 trang, gồm 59 bài từ, Nguyễn Tòng phụng sao.
– Văn có Linh Phong Tự Ký, Tang Sự Trích Biên, Hí Trường Tùy Bút.
– Biểu và văn tế có Biểu Tạ Ơn khi nhận tước phong Vinh Quang Tử và văn tế Tạ Cầu Mưa tại Đền Cồn Nghệ An.
– Câu đối hiện còn 19 câu, trong đó có 3 câu đối điếu lãnh tụ, tướng lãnh Cần Vương.
– Nhạc có tập Nhạc Chương Khúc Điệu.
Tóm lại, thơ và từ Đào Tấn hiện còn lưu giữ khá nhiều, nhưng hầu hết bằng chữ Nho chỉ có ba bài thơ Nôm. Thơ ông bàng bạc xa xăm lòng nhân ái đến vận nước, tình nhà, nỗi dân. Cuộc đời làm quan lúc nào cũng nghĩ đến chuyện sớm về hưu và giữ lòng trong sạch, công bằng.
III – KHUYNH HƯỚNG THI CA
Đào Tấn thuộc nhóm cảm tình Văn thân và Cần Vương, qua thơ văn và câu đối còn để lại, đã cho thấy:
– Lúc còn là học trò, ông đã làm 3 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Tặng Trương Công Định Lãnh Binh đã khởi nghĩa chống Pháp, lập căn cứ “Đám Lá Tối Trời,” ở làng Tân Phước, huyện Gò Công, tỉnh Mỹ Tho (địa danh thời Pháp thuộc); nay thuộc tỉnh Tiền Giang (xem Thơ tiêu biểu, Bài 2).
– Năm 1882, ông đang giữ chức Thừa Thiên Phủ doãn, nghe tin Hà Thành thất thủ lần thứ hai, cảm phục tấm gương tử tiết theo thành của Tổng đốc Hoàng Diệu, ông có bài Khốc Hoàng Quang Viễn (xem Thơ tiêu biểu, Bài 3)
– Lúc làm Thượng thư ở Kinh (1894 – 1987), nghe tin Phan Đình Phùng mất (1896), ông làm thơ Khốc Phan Đình Nguyên (xem Thơ tiêu biểu, Bài 4), và câu đối điếu [1].
– Năm 1900, khoa Canh Tý, Phan Bội Châu thi Hương đỗ Giải nguyên (1/30) tại Trường thi Nghệ An, với số điểm khá cao vượt xa điểm của người đỗ nhì, nên Chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh cho đăng tên ông vào một bảng riêng để vinh danh. Lúc ấy Đào Tấn đang làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ hai (1898 – 1902), có câu đối Tặng Phan Bội Châu:
Lưỡng tuế tam nguyên thiên hạ hữu;
兩 歲 三 元 天 下 有;
Độc danh nhất bảng thế gian vô.
獨 名 一 榜 世 間 無。
Việt thao phụng dịch:
Hai năm, đỗ đầu ba lần, thiên hạ có;
Một tên, đứng riêng một bảng, thế gian không.
– Năm 1901, Phan Bội Châu mưu khởi nghĩa, đánh thành Nghệ An, việc bại lộ, nhờ có Đào Tấn, lúc ấy làm Tổng đốc Nghệ Tĩnh lần thứ hai (1898 – 1902), che chở nên khỏi bị bắt. Trong sách Phan Bội Châu Niên Biểu (Hồi ký của Phan Bội Châu, Nguyễn Khắc Ngữ chú thích, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa xuất bản, tại Sài Gòn, năm 1971), nơi Chương II: Bắt tay vào Cách mạng, trang 26 & 27, Cụ Phan chép: “…Đến ngày đó (14- 7- 1901) hội nhau ở dưới thành, nhưng cánh nội ứng sai hẹn, việc phải đình chỉ. Vì cớ ấy, đảng mưu có hơi bại lộ, bị mật thám là Nguyễn Điềm dò biết được, mật cáo ở tòa Công sứ. May lúc đó quan Tổng đốc Nghệ An là cụ Đào Tiến (Đào Tấn), cho việc tôi làm là phải, hết sức che chở, nên chưa bại lộ. Tôi từ lúc ấy mới chuyên chú để lòng vào cách âm cầu nội ứng.”
– Năm 1902, khánh thành cầu sắt bắc qua sông Nhị Hà [2], nhân dịp này Đào Tấn cấp giấy thông hành cho Phan Bội Châu ra Bắc. Nhờ có giấy phép hợp lệ, cụ Phan đến đồn Phồn Xương yết kiến Hoàng Hoa Thám và đi khắp xứ Bắc Kỳ tìm đồng chí. Cũng trong sách Phan Bội Châu Niên Biểu, trang 27 & 28, Cụ Phan chép tiếp: “Tháng 11 năm ấy tôi muốn tự đi đến đồn Cụ Hoàng (Hoa Thám). Nhân dịp cầu sắt sông Nhĩ Hà [3] lạc thành (2- 2- 1902), ở Bắc Kỳ có mở hội bác lãm, tôi xin với Cụ Tổng Đốc Đào cấp giấy cho tôi đi xem hội (Cụ tên là Đào Tiến, Cử nhân tỉnh Bình Định, làm Tổng Đốc Nghệ An hai lần). Nhờ đó mới được chơi khắp Bắc Kỳ, thăm hết những nguời đảng nghĩa cũ còn sót lại…Khi tôi đã tới đồn Phồn Xương, để ông Kiểm Phong ở ngoài đồn. Lúc đó kiện tướng cụ Hoàng là ông Cả Dinh, ông Cả Huỳnh với con trai đầu của cụ là Cả Trọng đem tỳ tá bộ hạ Quản Hiên, Quản Tề ra tiếp tôi, lưu tôi ở trong đồn hơn 10 ngày…Cụ (Hoàng) có nói như Trung Kỳ nay thủ xướng đại nghĩa thì Cụ cũng vui lòng làm quân ứng viện.”
– Trong sách “Cuộc Đời Cách Mạng Cường Để” Tráng Liệt (con Cường Để) tự xuất bản, tại Sài Gòn, năm 1957, nơi trang 13 & 14, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để có đề cập đến chuyện Đào Tiến (tức Đào Tấn) là một trong những người đầu tiên tham gia Duy Tân Hội:
“Cách đó vài tháng thì Việt Nam Quang Phục Hội thành lập (tác giả viết lầm [4], đúng ra là Duy Tân Hội thành lập năm 1904) do ông Phan (Bội Châu) cùng nhóm Nguyễn Hàm tổ chức theo kế hoạch đã bàn tính cùng bỉ nhân (tức Cường Để). Hội đồng thành lập họp tại Nam Thành sơn trang, tức là nhà Nguyễn Hàm ở Quảng Nam. Những người nhập hội đầu tiên là Trần Đình Phúc, Nguyễn Hữu Bài, Nguyễn Thuật, Nguyễn Thảng, Đào Tiến (Tấn), Phạm Tấn và Đốc Vân Hiền (theo đạo Gia Tô), đều người trong quan trường và có óc trung quân ái quốc.”
– Lúc Phan Bội Châu xuất ngoại, lập Phong trào Đông Du, ông Đào làm thơ Ức Phan San (xem Thơ tiêu biểu, Bài 5).
– Ngoài ra, Đào Tấn còn có câu đối điếu Mai Xuân Thưởng, lãnh tụ Cần Vương tỉnh Bình Định [5]:
Bình tặc chí nan thành,
anh phong Linh Đỗng xuy cao thụ;
平 賊 志 難 成,
英 風 靈洞 吹 高 樹;
Định biên công vị toại,
hùng khí Côn giang phó bích lưu.
定 邊 功 未 遂,
雄 氣 崑 江 付 碧 流。
Việt Thao phụng dịch:
Dẹp giặc chí không thành,
gió mạnh động Linh thổi cây cao;
Giữ nước lòng chưa thỏa,
khí hùng sông Côn trao dòng biếc.
Với dụng ý kín đáo lấy chữ đầu ở 4 vế ghép lại thành câu “Bình Định anh hùng” để tưởng nhớ đến nghĩa cử Mai Nguyên Soái.
Và câu đối điếu Đề Niên (vị tướng lãnh cuối cùng của cuộc Khởi nghĩa Hương Khê) [6].
Loạn hậu tối tri quân, kiến kỳ sự mẫu hiếu,
dữ nhân thành, cửu hỹ tư tâm đa ái hộ;
亂 後 最 知 君, 見 其 亊 母 孝,
與 人 誠, 久 矣 私 心 多 愛;
Tử tiền do yết ngã, thuyết tận xạ lộc,
hồi sất ngưu, khứ thúc nhiên nhất mộng cự phân mang.
死 前 猶 謁 我,説 尽 射 鹿,
回 叱 牛,去 倏 然 一 梦 遽 紛 恾。
Việt Thao phụng dịch:
Sau cơn loạn rất hiểu ngài, thấy ngài hiếu với mẹ,
thật với bạn, từ lâu lòng riêng nhiều quý mến;
Trước khi chết còn gặp tớ, kể chuyện bắn con hưu,
đuổi con trâu, thế mà chớp nhoáng vội ra đi.
Năm 1904, khoa Giáp Thìn, Hồ Sĩ Tạo đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Cũng vào năm này, Đào Tấn về hưu, sau 33 năm bao phen vất vả trên hoạn lộ. Ông Đào có đến mừng vị tân khoa câu đối:
Lục tuần ngã dĩ hưu quan khứ;
六 旬 我 已 休 官 去;
Tam giáp quân sơ đắc đệ hồi.
三 甲 君 初 得 弟 回。
Việt Thao phụng dịch:
Sáu mươi, ta đã là quan hưu ra đi;
Tam giáp, ông lần đầu đỗ đạt lại về.
Ông Đào đem chữ “khứ” đối chữ “hồi” với dụng ý kín đáo khuyên Tiến sĩ Hồ Sĩ tạo đừng ra làm quan trong lúc này, vì dù có chức cao như Ông rồi cũng phải về mà chẳng được ích gì. Câu đối ấy đã có tác động, năm 1908 ông Hồ Sĩ Tạo đang làm Tri huyện Tân Định (tỉnh Khánh Hòa), nhân lúc về quê thọ tang thân mẫu, tham gia vào Phong trào Khất Sưu Kháng Thuế tại tỉnh nhà và được đồng bào tôn lên làm lãnh đạo.
Chưa hết, khuynh hướng cảm tình Cần Vương còn gửi gắm trong các tuồng hát bội của Ông, thấp thoáng hình tượng hào hùng của người chiến sĩ xả thân cứu nước, thông qua những câu Hát nam để đời vừa lai láng chất thơ vừa mang tính thời sự nóng bỏng:
Chút thân liều gửi cung dâu,
Đố con lương mã biết đâu là nhà.
(Tuồng Diễn võ Đình)
Lao xao sóng bủa ngọn tùng,
Gian nan là nợ anh hùng phải vay.
(Hộ Sanh Đàn)
III – THƠ VÀ TỪ TIÊU BIỂU
Bài 1
Nguyên văn:
題 梅 山 壽 園
閒 向 梅 山 卜 壽 園
石 頭 高 踞 笑 无 言
梅 山 他 日 藏 梅 骨
應 有 梅 花 作 夢 魂。
(先 嚴 夢 梅 吟 草)
Phiên âm:
ĐỀ MAI SƠN THỌ VIÊN
Nhàn hướng Mai sơn bốc thọ viên
Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn
Mai sơn tha nhật tàng Mai cốt
Ứng hữu mai hoa tác mộng hồn [7].
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
Nhân lúc rổi rảnh đến núi Huỳnh Mai chọn sinh phần
Đứng trên chóp tảng đá cao mỉm cười mà không nói
Núi Mai rồi ngày sau lại chứa xương mai
Và có hồn mộng hóa thành đóa hoa mai.
Dịch thơ:
BÀI THƠ SINH PHẦN Ở NÚI MAI
Tìm cảnh sinh phần ở núi Mai
Mỉm cười trên đá ngắm khoan thai
Núi Mai ngày ấy xương Mai gửi
Mộng hồn ưng được hóa hoa mai.
VIỆT THAO phụng dịch
San Jose, ngày 15- 3- 1994
Bài 2
Nguyên tác:
贈 張 公 定 領 兵
廣 義 地 靈 出 一 雄
南 陲 助 劍 誓 兵 戎
書 生 自 愧 無 韜 略
執 筆 成 詩 表 汝 忠。
Phiên âm:
TẶNG TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH, LÃNH BINH [8]
Quảng Ngãi địa linh xuất nhất hùng
Nam thùy trợ kiếm thệ binh nhung
Thư sinh tự quý vô thao lược
Chấp bút thành thi biểu nhữ trung.
(Đặc San Quảng Ngãi Bắc Cali 2005)
Dịch xuôi:
Quảng Ngãi đất thiêng sản sinh một đấng anh hùng
Vào tận miền Nam góp kiếm hội binh thề chống giặc.
Thẹn mình là học trò không có tài điều binh khiển tướng,
Nên mượn bút làm thơ, nêu rõ tấm gương trung của ông.
Dịch thơ:
TẶNG ÔNG LÃNH BINH TRƯƠNG ĐỊNH
Đất thiêng Quảng Ngãi phát anh hùng,
Thề với miền Nam quyết kiếm cung.
Thẹn tuổi học trò chưa đảm được,
Làm thơ ca tụng tấm gương trung.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 2- 2- 2006)
Bài 3
Nguyên tác:
哭 黃 光 遠
子 孝 臣 忠 萬 古 傳,
捐 軀 報 國 令 人 憐
珥 河 昔 日 興 新 浪
濃 嶺 當 時 静 舊 煙。
城 破 將 亡 愁 岸 柳
物 移 星 換 恨 湖 鵑。
張 巡 許 遠 文 丞 相
可 與 黃 公 並 比 堅。
(夢 梅 詩 存) [9]
Phiên âm:
KHỐC HOÀNG QUANG VIỄN
Tử hiếu thần trung vạn cổ truyền
Quyên khu báo quốc lịnh nhân liên
Nhĩ hà [10] tích nhật hưng tân lãng
Nùng lĩnh đương thời tĩnh cựu yên.
Thành phá tướng vong sầu ngạn liễu,
Vật di tinh hoán hận hồ quyên.
Trương Tuần, Hứa Viễn, Văn Thừa tướng
Khả dữ Hoàng công tịnh tỷ kiên.
(Mộng Mai Thi Tồn)
Dịch xuôi:
Con hiếu tôi trung từ xưa muôn đời lưu truyền lại
Liều thân vì nước khiến người cảm thương.
Sông Nhị Hà ngày xưa dâng sóng mới
Núi Nùng bây giờ lặng khói cũ
Thành vỡ, tướng mất, buồn thay hàng liễu trên bờ sông
Vật dời sao đổi, oán giận tiếng cuốc trên hồ
Các ông Trương Tuần, Hứa Viễn, Văn Thiên Tường
Có thể cùng với ông Hoàng (Diệu) sánh vai mãi mãi.
Dịch thơ:
KHÓC HOÀNG QUANG VIỄN [11]
Tôi trung, con hiếu tiếng muôn đời,
Vì nước liều thân cảm động người.
Sông Nhị ngày xưa dâng sóng mới
Núi Nùng đương buổi lặng mây trôi.
Thành tan tướng mất đau bờ liễu
Vật đổi sao dời hận tiếng quyên.
Hứa Viễn, Trương Tuần, Văn tướng Tống
Sánh cùng Quang Viễn, đáng bề tôi.
VIỆT THAO phụng dịch.
(Sài Gòn, 25- 4- 1995)
Bài 4
Nguyên tác:
哭 潘 廷 元
破 竹 眞 能 復 舊 京
十 年 功 績 痛 垂 成
但 悲 金 幣堅 和 議
忍 使 香 盆 聚 哭 聲
手 挽 山 河心 未 死
身 騏 箕 尾 気 猶 生
經 過 當 日 班 師 地
千 古 令 人 涕 淚 橫。
(夢 梅 詩 存)
Phiên âm:
KHỐC PHAN ĐÌNH NGUYÊN
Phá trúc chân năng phục cựu kinh
Thập niên công tích thống thùy thành
Đãn bi kim tệ kiên hòa nghị
Nhẫn sử hương bồn tụ khốc thanh
Thủ vãn sơn hà tâm vị tử
Thân kỳ Cơ, Vĩ khí do sanh
Kinh qua đương nhật ban sư địa
Thiên cổ linh nhân thế lệ hoành.
(Mộng Mai Thi Tồn)
Dịch xuôi:
Thế chẻ tre rất có thể khôi phục kinh đô cũ
Công trạng thành tích trong mười năm,
đau xót cho sự nghiệp sắp thành!
Buồn thay vì vàng bạc mà (triều đình) quyết định chủ hòa
Và nỡ nhẫn tâm khiến cho bình hương phải tích tụ tiếng khóc
Ra tay cứu vớt non sông, tấm lòng son ấy không thể nào chết
Thân đã cưỡi sao Cơ sao Vĩ mà khí phách vẫn còn sống mãi.
Đi qua vùng đất thắng trận thời bấy giờ
Dù đã xa xưa cũng còn khiến người đời phải sụt sùi tuôn lệ.
Dịch thơ:
KHÓC PHAN ĐÌNH NGUYÊN
(tức Phan Đình Phùng).
Có thế chẻ tre dựng cựu thành
Mười năm công tích, xót tan tành
Nghị hòa vàng bạc ai xui vậy
Khóc tụ bình hương vẫn nỡ đành
Tay cứu non sông lòng chẳng chết
Thân về Cơ Vĩ phách còn sanh
Qua nơi thắng trận ngày xưa ấy
Vẫn khiến người đời cảm lệ nhanh.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 18- 2- 1999)
Bài 5
Nguyên tác:
憶 潘 珊
昔 年 秋 戰 奪 危 科
今 日 他 鄕 苦 若 何
但 願 人 民 如 此 士
不 愁 定 國 與 安 家。
(夢 梅 詩 存)
Phiên âm:
ỨC PHAN SAN
Tích niên thu chiến đoạt nguy khoa
Kim nhật tha hương khổ nhược hà?
Đản nguyện nhân dân như thử sĩ
Bất sầu định quốc dữ an gia.
(Mộng Mai Thi Tồn)
Dịch xuôi:
Mùa thu năm xưa tranh chiếm được ngôi cao ở khoa thi
Ngày nay ở xứ lạ quê người vất vả thế nào?
Chỉ muốn dân chúng như người trí thức ấy
Thì nước vững, nhà yên, chẳng buồn lo gì nữa.
Dịch thơ:
NHỚ PHAN BỘI CHÂU
Mùa thu năm ấy đoạt khoa cao
Nay lại xa quê cực lắm nào?
Chỉ muốn dân mình noi chí ấy
Yên nhà vững nước chẳng buồn đau
VIỆT THAO phụng dịch
San Jose, ngày 24- 3- 1994
Bài 6
Nguyên tác:
菩 薩 蠻
其 一
郎 情 秋 後 簫 疏 葉
妾 心 陌 上 悠 揚 蝶
何 處 望 歸 鞍
春 雲 山 外 山
梨 花 新 月 下
獨 自 燒 香 罷
惟 有 夢 相 尋
驚 烏 啼 夜 深。
(夢 梅 詞 錄)
Phiên âm:
BỒ TÁT MAN
Kỳ Nhất
Lang tình thu hậu tiêu sơ diệp
Thiếp tâm mạch thượng du dương điệp
Hà xứ vọng quy yên ?
Xuân vân sơn ngoại sơn
Lê hoa tân nguyệt hạ
Độc tự thiêu hương bãi
Duy hữu mộng tương tầm
Kinh ô đề dạ thâm.
(Mộng Mai Từ Lục)
Dịch xuôi:
Tình anh (như) lá tiêu điều sau mùa thu
Lòng em (như) bướm lượn trên con đường nhỏ
Biết nơi nào mà trông ngóng yên ngựa trở về
Mây mùa xuân dựng thành núi ở ngoài dãy núi
Hoa lê dưới ánh trăng non
Mỗi một mình, thôi không đốt hương nữa
Chỉ còn tìm nhau trong giấc mộng
Giựt mình sợ hãi vì tiếng quạ kêu giữa đêm thâu.
Dịch thơ 1:
ĐIỆU BỒ TÁT MAN
Bài Một
Tình anh chiếc lá cuối thu,
Lòng em lối nhỏ bướm ru lượn vòng.
Ngựa về, biết hướng nào trông?
Mây xuân dựng núi ngoài thông núi ngàn.
Trăng non nhuộm đóa lê vàng
Một mình, thôi hết lạnh tàn lửa hương.
Chỉ còn trong mộng trao thương,
Đêm khuya tiếng quạ kêu sương, giật mình.
VIỆT THAO phụng dịch
San Jose, ngày 20- 4- 1994
Dịch thơ 2:
Tình chàng lá úa thu tàn,
Lòng em cánh bướm đầu đàn nhởn nhơ.
Nơi nao yên ngựa ngóng chờ,
Mây xuân núi dựng ngoài bờ núi xa.
Hoa lê nở dưới trăng tà,
Một mình hương lửa nhạt nhòa phai mau.
Chỉ còn trong mộng tìm nhau,
Giật mình tiếng quạ đêm thâu hãi hùng.
MỘNG BÌNH SƠN dịch
Bài 7
Nguyên tác:
菩 薩 蠻
其 二
去 年 不 比 前 年 好
今 年 更 比 去 年 老
未 老 是 雄 心
殷 憂 國 難 深
九 邊 烽 火 急
一 派 丞 平 意
不 必 問 梅 花
寒 枝 盡 暮 鴉。
(夢 梅 詞 錄)
Phiên âm:
BỒ TÁT MAN
Kỳ Nhị
Khứ niên bất tỷ tiền niên hảo
Kim niên cánh tỷ khứ niên lão
Vị lão thị hùng tâm
Ân ưu quốc nạn thâm
Cửu biên phong hỏa cấp
Nhất phái thừa bình ý
Bất tất vấn mai hoa
Hàn chi tận mộ nha.
(Mộng Mai Từ Lục)
Dịch xuôi:
Năm ngoái không tốt lành bằng năm kia
Năm nay già hơn năm ngoái
Chưa già ấy chính là lòng hăng hái quả cảm
Lo sầu vì tai nạn lớn của nước.
Chín mặt lửa hiệu báo khẩn cấp có chiến tranh
Một nhóm ý muốn hòa hảo
Không cần phải hỏi hoa mai
Buổi chiều quạ đã đậu đầy trên cành cây hoang lạnh.
Dịch thơ:
ĐIỆU BỒ TÁT MAN
Bài Hai
Năm qua chẳng khỏe bằng xưa
Nay so năm ngoái già nua sức mòn.
Chưa già, nhiệt huyết ấy còn,
Mãi lo nạn nước đắm vòng điêu linh.
Chín bề lửa báo chiến chinh,
Một phe vẫn giữ ý xin nghị hòa.
Cần gì phải hỏi mai hoa,
Cành trơ quạ đậu chiều tà lạnh hoang.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 20- 4- 1994)
Bài 8
Nguyên tác:
蝶 戀 花
長 日 漫 漫 飛 柳 絮
池 館 淒 涼
獨 自 閑 凝 佇
枝 上 杜 鵑 啼 不 住
夕 陽 影 裡 微 微 雨
簾 外 春 山 山 外 樹
一 望 青 青
迷 卻 天 涯 路
多 少 閑 愁 無 可 訴
卻 看 雙 燕 銜 花 舞。
(夢 梅 詞 錄)
Phiên âm:
ĐIỆP LUYẾN HOA
Trường nhật man man phi liễu nhứ
Trì quán thê lương
Độc tự nhàn ngưng trữ
Chi thượng đỗ quyên đề bất trụ
Tịch dương ảnh lý vi vi vũ
Liêm ngoại xuân sơn, sơn ngoại thụ
Nhất vọng thanh thanh
Mê khước thiên nhai lộ
Đa thiểu nhàn sầu vô khả tố
Khước khán song yến hàm hoa vũ.
(Mộng Mai Từ Lục)
Dịch xuôi:
BƯỚM MẾN HOA
Ngày dài dằng dặc tơ liễu bay mờ mịt
Hiu quạnh quán bên ao
Một mình đứng lặng yên
Trên cành cây chim cuốc kêu khóc không dứt
Ánh mặt trời sắp lặn trong mưa phùn lất phất
Núi mùa xuân ở ngoài rèm, và hàng cây ngoài núi
Trông xa một màu xanh ngắt
Mãi mê con đường bên trời
Bao nhiêu nỗi buồn thảm không thổ thộ ra được
Ngoảnh nhìn đôi chim én ngậm hoa bay lượn như múa.
Dịch theo nguyên điệu:
ĐIỆP LUYẾN HOA
Ngày dài tơ liễu bay mờ ảo
Lạnh quán bên ao
Một mình đứng yên lặng
Trên cành chim cuốc kêu không dứt
Ánh trời chiều trong mưa lất phất
Núi xuân ngoài rèm, cây ngoài núi
Trông vời xanh xanh
Đường ven trời mê mãi
Biết bao buồn không sao thổ lộ
Nhìn đôi én ngậm hoa bay lượn.
Dịch thơ:
Ngày dài tơ liễu bay mờ,
Quạnh hiu chiếc quán bên bờ ao nghiêng,
Một mình ta đứng lặng yên,
Trên cành tiếng cuốc triền miên gọi buồn.
Ánh chiều lất phất mưa phùn,
Núi xuân rèm chắn cây vun núi ngoài
Vời trông xanh ngắt một màu,
Mãi mê con lộ thông nhau ven trời
Buồn không nói được nào vơi
Nhìn đôi chim én bay vờn ngậm hoa.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 15- 8- 1999)
Bài 9
Nguyên tác:
綺 羅 香
塞 雁 南 飛
江 雲 北 渡
畫 角 悲 涼 如 訴
錦 繡 江 山
藹 藹 碧 雲 將 暮
正 風 吹 落 日荒 成
又 雨 打 亂 煙 飛 絮
莽 男 兒 為 國 犧 牲
長 槍 匹 馬 殺 仇 去
遼 陽 誰 問 白骨
但 看 人 間 孤 墳
哀 哀 無 主
胡 馬 燕 塵
夢 理 由 懷 驚 懼
恨 書 生 多 負 時 間
還 作 甚 斷 腸 詩 句
㸃 中 宵 尚 在 酣 眠
聞 雞 應 起 舞。
(夢 梅 詞 錄)
Phiên âm:
Ỷ LA HƯƠNG
Tái nhạn nam phi
Giang vân bắc độ
Họa giốc bi lương như tố
Cẩm tú giang sơn
Ái ái bích vân tương mộ
Chính phong xuy lạc nhật hoang thành
Hựu vũ đả loạn yên phi nhứ
Mãng nam nhi vị quốc hy sinh
Trường thương thất mã sát cừu khứ
Liêu dương thùy vấn bạch cốt
Đãn khán nhân gian cô phần
Ai ai vô chủ
Hồ mã Yên trần
Mộng lý do hoài kinh cụ
Hận thư sinh đa phụ thời gian
Hoàn tác thậm đoạn trường thi cú
Văn kê ưng khỉ vũ.
(Mộng Mai Từ Lục)
Dịch xuôi:
BÀI TỪ Ỷ LA HƯƠNG
Nhạn ải bay về Nam
Sông mây qua hướng Bắc
Tiếng tù và dìu dặt như khóc than thảm thiết
Non sông gấm vóc
Mây xanh biếc ùn lên chiều sẩm tối
Chính ngọn gió lùa làm mặt trời lặn thành hoang vu
Lại thêm mưa táp, hoa lau bay trong khói
Phần đông trai tráng vì nước quên mình
Giáo dài một ngựa ra đi giết giặc thù
Nào ai biết đến xương trắng ở Liêu Dương
Nhưng cũng thấy những nấm mồ hoang trong cõi đời
Buồn thương không chủ
Ngựa Hồ tung bụi đất Yên
Là nguyên do nỗi sợ hãi lởn vởn trong giấc chiêm bao
Giận kẻ học trò đã hờ hững với thời gian
Còn đoái làm thơ đau đớn quá
Nửa đêm đang giấc ngủ say nồng
Nghe tiếng gà gáy vùng dậy múa kiếm
Dịch theo nguyên điệu:
ĐIỆU Ỷ LA HƯƠNG
Nhạn ải bay Nam
Sông mây qua Bắc
Tù và khóc than dìu dặt
Gấm vóc non sông
Mây biếc ùn ùn chiều tắt
Gió lùa trời sẩm tối thành hoang
Mưa táp hoa lan bay trong khói
Nhiều trai trẻ vì nước quên mình
Giáo dài ngựa chiếc tìm giặc giết
Liêu Dương xương trắng ai biết
Cũng thấy mồ hoang trên đời
Buồn thương không chủ
Ngựa Hồ bụi Yên
Sợ hãi trong mơ vờn mãi
Giận học trò hờ hững thời gian
Còn đoái làm thơ đau đớn quá
Nửa đêm đang giấc ngủ say nồng
Gà gáy dậy múa kiếm
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 18- 08- 2019)
Bài 10
Nguyên tác:
水 車
五 月 六 月 不 雨 天
踏 車 兒 女 歌 且 眠
詩 人 每 道 田 家 樂
如 此 田 家 最 可 憐。
陶 進
Phiên âm:
THỦY XA
Ngũ nguyệt, lục nguyệt bất vũ thiên
Đạp xa nhi nữ ca thả miên
Thi nhân mỗi đạo điền gia lạc
Như thử điền gia tối khả liên.
ĐÀO TẤN
(Thơ Và Từ Đào Tấn)
Dịch xuôi:
Tháng năm tháng sáu trời không mưa
Đạp guồng xe nước, cô gái vừa hát vừa ngủ gật
Nhà thơ cho rằng nhà nông vui mừng
Nhà nông như thế đấy, rất đáng thương!
Dịch thơ:
XE ĐẠP NƯỚC
Tháng năm tháng sáu chẳng lần mưa
Chân đạp mơ màng em hát đưa
Thơ nói nhà nông vui thích quá
Nhà nông thế đấy đáng thương chưa!
VIỆT THAO phụng dịch
(Sài Gòn, ngày 10- 12- 1994)
Bài 11
Nguyên tác:
萬 寿
一 物 其 來 有 一 身
一 身 還 有 一 乾 坤
生 知 萬 物 備 於 我
肯 把 三 才 別 立 根。
陶 進
Phiên âm:
VẠN THỌ
Nhất vật kỳ lai hữu nhứt thân
Nhứt thân hoàn hữu nhất kiền khôn.
Sanh tri vạn vật bị ư ngã
Khẳng bả tam tài biệt lập căn.
Tư liệu Đào Gia [12]
Dịch xuôi:
Vật này đến với ta tự nó đã có một thân
Một thân mà có đủ cả trời đất
Sống và biết rằng muôn vật cho ta đầy đủ
Thì cứ cầm lấy nó là ta thâu gồm ba cõi
mà nguyên chúng có từ những gốc gác gác riêng.
Dịch thơ 1:
SỐNG LÂU
Vật đến tự thân đã có rồi
Đất trời hội đủ một thân thôi.
Sống nhờ cung ứng từ muôn vật
Nắm gọn tam tài gốc khác nơi.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 31- 10- 1994)
Dịch thơ 2:
Một vật bên thân mỗi thiết tha,
Dọc ngang trời đất hắn theo Ta…
Muôn loài duy một cùng Ta đó,
Ba cõi dù riêng cội rễ mà…
Qui Nhơn, ngày 02- 5- 1992
Phụng dịch
Ngoại tôn MINH TÂN PHẠM HÀ HẢI
Đầu ngọn cây gậy trúc của Đào Tấn, thờ tại từ đường ở làng Vinh Thạnh. (Ảnh: Việt Thao chụp năm 1993)
Bài 12
Nguyên tác:
偶 题
名 途 豈 盡 属 文 章
風 塵 老 我 驚 勞 碌
且 漫 争 登 戱 笑 塲。
(先 嚴 夢 梅 吟 草)
Phiên âm:
NGẪU ĐỀ
Nhĩ bối nguyên lai vô sự mang
Danh đồ khởi tận thuộc văn chương
Phong trần lão ngã kinh lao lục
Thả mạn tranh đăng hí tiếu trường.
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
Các con vốn không có chuyện gì mà phải bận rộn
Đường công danh há chẳng phải cái đích của văn chương.
Gió bụi cuộc đời làm ta già đi nên sợ hãi sự vất vả lận đận,
Chớ chen lấn vào nơi sân khấu nực cười ấy.
Dịch thơ:
TÌNH CỜ ĐỀ THƠ
Tục lụy, này con chửa vấn vương
Công danh nào phải đích văn chương.
Bụi trần cạn sức ta kinh sợ,
Chen lấn vào chi chốn hí trường.
VIỆT THAO phụng dịch
(Sài Gòn, ngày 30- 4- 1995).
Bài 13
Nguyên tác:
生 孙 週 月 命 名 師 儉 示 兒 石
愛 子 生 孫 喜 可 知
命 名 師 儉 爾 當 思
吾 家 世 業 惟 耕 讀
此 外 應 非 我 所期。
(先 嚴 夢 梅 吟 草)
Phiên âm:
SINH TÔN CHU NGUYỆT MỆNH DANH
SƯ KIỆM [13] THỊ NHI THẠCH.
Ái tử sinh tôn hỉ khả tri
Mệnh danh Sư Kiệm nhĩ đương ti (tư)
Ngô gia thế nghiệp duy canh độc
Thử ngoại ưng phi ngã sở kỳ.
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
Có được cháu sinh ra bởi đứa con yêu quý, nỗi mừng thấy rõ.
Con nghĩ có nên chăng khi đặt tên cháu là Sư Kiệm,
Nghề nghiệp đời đời của nhà ta chỉ mỗi có việc cày ruộng và đọc sách.
Ngoài hai việc ấy ra, cha không còn mong điều gì khác.
Dịch thơ:
SINH CHÁU, MỪNG ĐẦY THÁNG,
ĐẶT TÊN LÀ SƯ KIỆM,
BẢO CHO CON THẠCH BIẾT.
Có cháu cho cha xiết nỗi mừng
Đặt tên Sư Kiệm xét cho cùng
Nhà ta nối nghiệp cày và đọc
Ngoài nữa, không gì được thích ưng.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 16- 2- 1999)
Bài 14
Nguyên tác:
除 夕 觀 書 偶 得
歳 屢 更 除 習 未 除
夜 分 猶 檢 案 頭 書
暮 年省 事 偏 耽 此
應 笑 官 塲 有 蠹 魚。
Phiên âm:
TRỪ TỊCH QUAN THƯ NGẪU ĐẮC
Tuế lũ canh trừ, tập vị trừ
Dạ phân do kiểm án đầu thư
Mộ niên tỉnh sự thiên đam thử
Ứng tiếu quan trường hữu đố ngư.
(Thơ Và Từ Đào Tấn)
Dịch xuôi:
ĐÊM CUỐI NĂM,
NHÂN ĐỌC SÁCH VIẾT NÊN
Năm luôn thay đổi, nhưng thói quen chưa bỏ được
Nửa đêm còn duyệt lại từng trang sách để ở đầu bàn
Tuổi già xem xét lại mọi việc, riêng ham mê điều ấy
Bật cười thấy có mọt trong giới quan lại.
Dịch thơ:
Năm tháng đổi thay, thói chẳng thay
Mãi xem trang sách giữa đêm nay
Tuổi già ngẫm lại điều ham ấy
Cười chốn quan liêu có mọt đầy.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 17- 8- 2019)
Bài 15
Nguyên tác:
除 夕
鴻 山 風 雨 近 何 如
琴 劍 人 來 歲 又 除
待 到 明 朝 看 萬 彙
晴 和 勝 否 未 春 初。
(先 嚴 夢 梅 吟 草)
Phiên âm:
TRỪ TỊCH
Hồng Sơn phong vũ cận hà như
Cầm kiếm nhân lai tuế hựu trừ
Đãi đáo minh triêu khan vạn vựng
Tình hòa thắng phủ vị xuân sơ
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
Núi Hồng thời gian gần đây mưa gió như thế nào?
Người khách gươm đàn đến nơi này vào đêm cuối năm
Đợi đến sáng mai thử xem muôn vật
Phong cảnh có tươi mát hơn lúc chưa vào xuân không?
Dịch thơ:
ĐÊM CUỐI NĂM
Nắng mưa mấy độ núi Hồng Lam
Đón khách gươm đàn đêm cuối năm
Chờ sáng nhìn xem muôn vật thử
Có hơn cái lúc chửa vào xuân.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 19- 2- 1999)
Bài 16
Nguyên tác:
歲 旦 偶 成
逡 巡 五 十 六 年 華
已 卅 年 春 不 在 家
笑 我 浮 生 如 滿 百
也 應 題 詠 遍 天 涯。
(先 嚴 夢 梅 吟 草)
Phiên âm:
TUẾ ĐÁN NGẪU THÀNH
Thuân tuần ngũ thập lục niên hoa
Dĩ tạp niên xuân bất tại gia
Tiếu ngã phù sinh như mãn bách
Dã ưng đề vịnh biến thiên nhai
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
Ngẫm xem thoắt đã năm mươi sáu tuổi rồi
Đã qua ba chục năm xuân không có ở nhà
Cười ta, nếu sống được tròn trăm tuổi
Cũng nên làm thơ ngâm vịnh cùng khắp chân trời.
Dịch thơ
ĐẦU NĂM TÌNH CỜ VIẾT NÊN
Thoắt đã năm mươi sáu tuổi đời
Vắng nhà ba chục cái xuân ơi!
Cười ta, nếu sống tròn trăm tuổi
Muốn chỉ thơ ngâm khắp nẻo trời.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 25- 10- 1994)
Bài 17
Nguyên tác:
辛 丑 除 夕
了 得 一 年 亊
同 游 三 日 春
竹 符 看 放 下
千 慮 又 随 人。
Phiên âm:
TÂN SỬU TRỪ TỊCH
Liễu đắc nhất niên sự
Đồng du tam nhật xuân
Trúc phù khan phóng hạ
Thiên lự hựu tùy nhân
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
Công việc một năm đã xong
Cùng vui hưởng ba ngày Tết
Khi cây tre nêu vừa hạ xuống
Ngàn nỗi lo bám theo ta.
Dịch thơ:
ĐÊM GIAO THỪA NĂM TÂN SỬU (1901)
Xong việc một năm qua
Ngày xuân chỉ có ba
Tre nêu vừa hạ xuống
Lo lắng bám theo ta.
VIỆT THAO phụng dịch
San Jose, ngày 10- 9- 2019
Bài 18
Nguyên tác:
壬 寅 元 旦 試 筆
元 正 一 日 好 晴 和
萬 彙 更 新 喜 氣 多
慾 向 鴻 藍 通 一 問
十 年 遊 客 意 如 何。
(先 嚴 夢 梅 吟 草)
Phiên âm:
NHÂM DẦN NGUYÊN ĐÁN THÍ BÚT
Nguyên chánh nhất nhật hảo tình hòa
Vạn vựng canh tân hỉ khí đa
Dục hướng Hồng Lam thông nhất vấn
Thập niên du khách ý như hà?
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
Buổi sáng ngày đầu năm trời trong sáng và mát mẻ
Muôn vật đổi mới, tươi thắm hơn nhiều
Muốn hỏi đất Hồng Lam một lời cho hiểu ý
Cảm nghĩ gì về khách ở xứ này đã mười năm.
Dịch thơ:
NGÀY ĐẦU NĂM NHÂM DẦN (1902)
THỬ BÚT
Nguyên Đán trời trong dịu ngọt ngào
Phong quang thay đổi đẹp thêm vào
Một lời muốn hỏi Hồng Lam nhé
Khách ở mười năm, đấy nghĩ sao ?
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 17- 2- 1999).
Bài 19
Nguyên tác:
癸 卯 除 夕 書 懷
歲 華 似 驛 匆 匆往
鄉 夢 随 春 冉 冉 歸
自 笑 浮 生 週 甲 子
未 知 五 十 九 年 非。
(先 嚴 夢 梅 吟 草)
Phiên âm:
QUÝ MÃO [14] TRỪ TỊCH THƯ HOÀI
Tuế hoa tự dịch thông thông vãng
Hương mộng tùy xuân nhiễm nhiễm quy
Tự tiếu phù sinh châu Giáp Tý [15]
Vị tri ngũ thập cửu niên phi.
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
Năm tháng qua nhanh như ngựa trạm
Giấc mộng quê hương dịu dàng theo xuân về
Tự cười mình, trong kiếp phù sinh này nếu sống đến sáu mươi tuổi
Vẫn chưa biết được lỗi lầm của tuổi năm mươi chín.
Dịch thơ:
TẢ NỖI LÒNG ĐÊM GIAO THỪA TẾT QUÝ MÃO (1903)
Năm tháng trôi nhanh ngựa trạm qua
Xuân mang dìu dịu mộng quê nhà
Cười thay, nếu sống tròn sáu chục
Năm chín chưa hay những lỗi lầm.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 16- 2- 1999)
Bài 20
Nguyên tác:
歲 旦 書 懷
又 是鴻 藍 苐 幾 春
山 河 依 舊 歳 華 新
坐 傷 兄 弟 皆 垂 暮
好 將 休 致 作 閒 人。
(先 嚴 夢 梅 吟 草)
Phiên âm:
TUẾ ĐÁN THƯ HOÀI
Hựu thị hồng Lam đệ kỷ xuân
Sơn hà y cựu, tuế hoa tân
Tọa thương huynh đệ giai thùy mộ
Hảo tương hưu trí tác nhàn nhân
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
ĐẦU NĂM TẢ NỖI LÒNG
Lại ở đất Hồng Lam mùa xuân thứ mấy rồi
Núi sông như cũ, nhưng năm đổi mới đẹp đẽ
Ngồi nghĩ thương cảm cho anh em đều về già
Nghỉ hưu là cách tốt nhất để làm kẻ an nhàn.
Dịch thơ:
Ở với Hồng Lam xuân mấy rồi
Núi sông vẫn cũ, đổi năm thôi
Anh em thương quá đều già cỗi
Tốt nhất về hưu để thảnh thơi.
VIỆT THAO phụng dịch
San Jose, ngày 18- 8- 2019
Bài 21
Nguyên tác:
漫 題
其 舊 匆 匆 去
其 新 得 得 來
可 憐 岐 路 上
相 見 有 塵 埃 。
(先 嚴 夢 梅 吟 草)
Phiên âm:
MẠN ĐỀ
Kỳ cựu thông thông khứ
Kỳ tân đắc đắc lai
Khả liên kỳ lộ thượng
Tương kiến hữu trần ai.
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
Cái cũ gấp gấp đi qua
Cái mới cũng lăm lăm tới
Thương thay ở đường ngả rẽ
Thấy nhau đều dính bụi trần.
Dịch thơ:
VIẾT TẢN MẠN
Cũ vừa gấp gấp qua
Mới đã mau mau lại
Thương nỗi đường ngả ba
Thấy nhau đều lấm bụi.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 3- 3- 1999).
Bài 22
Nguyên tác:
得 召 回 京
再 到 驩 城 今 幾 春
江 山 風 月 久 相 親
匆 匆 又 向 玉 京 去
慚 愧 人 呼 帝 舊 臣。
(先 嚴 夢 梅 吟 草)
Phiên âm:
ĐẮC TRIỆU HỒI KINH
Tái đáo Hoan thành kim kỷ xuân
Giang sơn phong nguyệt cửu tương thân
Thông thông hựu hướng ngọc kinh khứ
Tàm quý nhân hô đế cựu thần.
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
Trở lại thành Hoan nay đã mấy mùa xuân
Nơi đây, sông núi gió trăng quen thân với ta đã lâu rồi.
Lại lần nữa vội vàng về Kinh đô
Thẹn thùng thay khi nghe ai gọi mình là bầy tôi cũ của vua.
Dịch thơ:
ĐƯỢC GỌI VỀ KINH (1902)
Trở lại thành Hoan được mấy xuân
Núi sông trăng gió đãi nhau thân
Giờ đây vội vội về Kinh ngọc
Thẹn quá, nghe ai gọi cựu thần.
VIỆT THAO phụng dịch
(Sài Gòn, 15- 5- 1995)
Bài 23
Nguyên văn:
初 秋 往 謁 業 師 仁 恩 阮 先 生 山 墳 感 述
秋 氣 半 山 環 古 墓
春 風 一 月 億 先 生
乾 坤 嫩 散 歸 來 晚
空負 吾 師 誨 汝 情。
(先 嚴 夢 梅 吟 草)
Phiên âm:
SƠ THU VÃNG YẾT NGHIỆP SƯ
NHƠN ÂN NGUYỄN TIÊN SINH [16]
SƠN PHẦN CẢM THUẬT.
Thu khí bán sơn hoàn cổ mộ
Xuân phong nhất nguyệt [17] ức tiên sinh
Càn khôn nộn tán quy lai vãn
Không phụ ngô sư hối nhữ tình.
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
Hơi thu bao trùm ngôi mộ cũ ở sườn núi
Nhớ khi đến học Thầy như một đêm có gió xuân
Trời đất đã đảo lộn, mà lại về muộn
Hối hận vì không nghe theo lời Thầy dạy bảo.
Dịch thơ:
ĐẦU THU, VIẾNG MỘ NGUYỄN TIÊN SINH
THẦY DẠY NGHỀ Ở NHƠN ÂN,
CẢM XÚC VIẾT RA.
Mộ cổ, hơi thu quyện núi đồi
Nhớ Thầy, cái thuở gió xuân ơi.
Đảo điên thời thế nhưng về muộn
Làm phụ Thầy ta đã dặn rồi!
VIỆT THAO phụng dịch
San Jose, ngày 14- 2- 1999
Bài 24
Nguyên tác:
黄 簡 舟 夜
扁 舟 一 夜 江 湖 遠
浮 世 吾 生 憂 樂 多
早 欲 歸 耕 今 又 懶
滄 浪 極 目 付 酣 歌。
(先 嚴 夢 梅 吟 草)
Phiên âm:
HUỲNH GIẢN CHÂU DẠ
Biển châu nhất dạ giang hồ viễn
Phù thế ngô sinh ưu lạc đa
Tảo dục quy canh, kim hựu lãn
Thương Lương cực mục phó hàm ca.
(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)
Dịch xuôi:
Một đêm trên chiếc thuyền nhỏ bơi trong sông hồ mênh mông
Cuộc đời lênh đênh của ta có lắm nỗi buồn vui.
Mong được về sớm để cày ruộng nhưng nay lại sinh lười
Sông Thương Lang vời trông xa hút phó mặc cho vui say ca hát.
Dịch thơ:
ĐÊM ĐI THUYỀN
ĐẾN BẾN HUỲNH GIẢN
Thuyền con đêm tối nước mênh mông
Đời tớ buồn vui lắm nỗi lòng.
Về sớm cấy cày, nay lại biếng
Sông Thương ca hát mặc tình rong.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 5- 3- 1999)
Bài 25
Nguyên tác:
梅 僧 小 照
微 笑 漏 禪機
風 塵 空 滿 衣
靈 峯 三 十 載
未 見 此 僧 歸。
Phiên âm:
MAI TĂNG TIỂU CHIẾU
Vi tiếu lậu thiền ky
Phong trần không mãn y
Linh phong tam thập tải
Vị kiến thử Tăng quy !
Tư liệu Đào Gia [18]
Dịch xuôi:
Mỉm cười là để mất cái cơ thiền
Bụi trần đã phủ đầy áo
Chùa Linh Phong, ba mươi năm rồi (xa cách)
Mà chưa thấy vị tăng ấy trở về.
Dịch thơ:
TẤM ẢNH MAI TĂNG
Mỉm cười làm mất cơ thiền
Ra đi trên áo cố nhiên bụi đời.
Linh Phong, ba chục năm rồi!
Mà Tăng chưa thấy tăm hơi trở về.
VIỆT THAO phụng dịch
(San Jose, ngày 10- 5- 1999)
V – THAY LỜI KẾT
Đào Tấn tuy làm quan Nam triều trong thời Pháp thuộc, nhưng ông vẫn giữ khí tiết của nhà Nho và bảo toàn thể diện cho triều đình. Vì thế Ông không thể nhắm mắt làm ngơ để cho những tên tay sai cậy thế quan thầy ngoại bang, thẳng tay hà hiếp cướp bóc dân lành tại xứ Trung Kỳ. Điển hình là vụ chém tên Bồi Ba, gia nhân của viên Khâm sứ, lúc ông Đào giữ chức Thừa Thiên Phủ doãn. Quách Tấn đã tường thuật vụ này trong Tạp Chí Lành Mạnh, xuất bản tại Huế trong đầu thập niên 1960. Vì giới hạn trang báo, chúng tôi chỉ trích đoạn đối đáp giữa Đào Tấn và viên Khâm sứ:
“Viên Khâm sứ tái mặt nói:
“ – Tôi khuyên ngài hãy nể mặt tôi.
“ Cụ nghiêm nét mặt đáp:
“ – Tôi mong quan lớn biết trọng pháp luật Nam triều. Tôi thay mặt nhà vua để trị dân, để giữ an ninh, trật tự trong nước. Những kẻ phạm pháp, tôi phải trị tội, không ai được phép can thiệp. Như tên bồi này, quan lớn thử nghĩ, đối với tôi đây và có mặt quan lớn đó, mà hắn còn dám hành hung bực ấy, huống hồ đối với dân chúng và sau lưng quan lớn. Mà vì sao hắn có những hành động không kể đến phép nước như thế? Có phải tại quan lớn dung túng hắn hay không? Quan lớn đã trưởng ác cho hắn mà quan lớn không biết. Nếu quan lớn muốn tha hắn, thì kiếm đây, ấn đây, tôi xin giao lại cho quan lớn.
“Viên Khâm sứ thất kinh đứng dậy xin lỗi, rồi nói cùng tên bồi:
“ – Mầy làm bậy thì mầy chịu lấy, tao không làm sao được. Đoạn bỏ ra về.”
Với phong thái và tư cách ấy của Đào Tấn, ngay cả những viên quan Pháp cũng phải nể trọng. Thuyền trưởng Charles Gosselin, viết hồi ký trong quyển L’empire d’Annam, Librairie académique Perrin et cis, Paris, 1904, page 465 à 468 đề cập đến cuộc hội kiến với quan Tổng đốc Đào Tấn tại thành Nghệ An vào tháng 5- 1901. Vương Hồng Sến dịch sách này, và Vũ Ngọc Liễn trích đăng (cả nguyên văn và bài dịch) trong tập Thư Mục Tư Liệu Về Đào Tấn, trang 31 – 39:
“Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần, bao nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại nhơn vượt lên trên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhơn.”
Và sau cùng, Nguyễn Trọng Trì, danh tướng của Nguyên soái Mai Xuân Thưởng, trong Phong trào Cần Vương tỉnh nhà, đã có lời nhận xét về cụ Đào Tấn qua bài “Độc Mộng Mai Từ Lục,” nguyên tác bằng chữ Nho, Vũ Ngọc Liễn và Mịch Quang dịch ra chữ Việt:
Gối lạ đèn côi giấc chẳng thành,
“Mộng Mai Từ Lục” đọc thâu canh.
Luật âm phóng khoáng Tô khôn sánh,
Ý tứ cao xa Liễu khó bằng.
Trăng hoa, oanh liễu, láng lai tình.
Ba năm chưa gặp ông Đào được,
Đọc hết từ ông, tựa thấy hình.
Theo ông Nguyễn, chỉ riêng các bài từ của ông Đào, chưa xét đến Thơ, Văn và Hát tuồng, mà Tô Đông Pha (Su Dong Po; 1037 – 1101) không sánh nổi về luật âm, còn về tứ văn hơn cả Liễu Vĩnh (Liu Yong; 1004 – 1054), là hai từ gia nổi tiếng của Tàu.
Với Đào Tấn, nỗi nước tình nhà “oằn nặng nghĩa” đã gửi gắm vào các bài từ, vì vậy mà mặc dù đã ba năm ông Nguyễn “chưa gặp ông Đào được” nhưng “đọc hết từ ông” cũng đã thấy được con người và tấm lòng thiết tha của Ông đối với vận nước.
Chưa già, nhiệt huyết ấy còn,
Mãi lo nạn nước đắm vòng điêu linh.
(Bồ Tát Man, Bài 2)
Và trong bài Đắc Triệu Hồi Kinh, ông Đào đã than thở “Thẹn quá, nghe ai gọi cựu thần!” Vâng, cổ nhân đã nói “văn tức là người.” Thật đúng vậy.
Trong chuyến về thăm Quê Hương, ngày mồng sáu Tết Ất Hợi, chú Minh Tân Phạm Hà Hải (ngoại tôn Đào tộc) cùng tôi lên viếng mộ phần cụ Đào Tấn, trên núi Huỳnh Mai trong buổi sáng mờ sương:
Đường lên viếng mộ gập ghềnh,
Vết chân đá chẻ bồng bềnh sương pha.
Mai Sơn vẫn cội mai già,
Mộng Mai trong gió tìm hoa nhập hồn.
(VIỆT THAO, ngày 5- 2- 1995)
San Jose, ngày 20- 8- 2019
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
GHI CHÚ
[1] Chép trong Thư Mục Tư Liệu Về Đào Tấn của Vũ Ngọc Liễn (Qui Nhơn, Ủy Ban Khoa Học và Kỹ Thuật Nghĩa Bình – Sở Văn Hóa và Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản,1985), trang 110 – 113.
[2, 3] Sông chảy qua Hà Nội có hình cái tai nên được gọi là Nhĩ Hà. Theo Từ Điển Phổ Thông, chữ này còn có âm là “Nhị,” chẳng hạn chữ “Điêu nhị” (貂珥), “Nhị bút” (珥筆).
[4] Phan Bội Châu thành lập Duy Tân Hội năm 1904, tại Nam Thành Sơn Trang, tức nhà Nguyễn Hàm ở Quảng Nam, bầu Cường Để làm Hội chủ, mục đích đánh đuổi giặc Pháp, lập nền Quân chủ lập hiến của Quốc gia Trung Kỳ. Đến năm 1912, tại Quảng Châu (thủ phủ của tỉnh Quảng Đông) Duy Tân Hội giải tán để thành lập Việt Nam Quang Phục Hội, bao gồm cả 3 kỳ và cũng do Phan Bội Châu khởi xướng, nhưng đổi sang chính thể Việt Nam Dân Quốc, tuy vậy vẫn suy tôn Cường Để làm Hội trưởng.
[5] Mịch Quang; Thân Thế Và Sự Nghiệp Nghệ Thuât Tuồng Đào Tấn; “Đào Tấn Nhà Thơ Nghệ Sĩ Tuồng Xuất Sắc,” một tập, Nguyễn Văn Minh thu thập (Qui Nhơn, Ty Văn Hóa và Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản, 1979); trang 26 chép: Câu đối điếu Mai Xuân Thưởng.
[6] Vũ Ngọc Liễn, Thư Mục Tư Liệu Về Đào Tấn, trang 104: Câu đối điếu Đề Niên.
[7] Theo tài liệu của chú Đào Nghi Tư, thứ nam của Tú tài Đào Nhữ Thuần, nội tôn của Đào Tấn, thì câu cuối của bài Đề Mai Sơn Thọ Viên là: “Hảo bả mai hoa tác mộng hồn.” Việt Thao phụng dịch: “Khéo quyện hồn mơ kết đóa mai.”
[8] Thơ Tặng Trương Công Định Lãnh Binh, gồm 3 bài thất ngôn tứ tuyệt, do Trương Quang Cẩm Thành sưu tầm và phổ biến trong Đặc San Quảng Ngãi Bắc Cali, Xuân Ất Dậu 2005, chép ở các trang 161, 176, 177; ghi tên tác giả là Đào Tấn.
[9] Bài Khốc Hoàng Quang Viễn, nguyên trong Mộng Mai Thi Tồn, trang 9. Ngoài ra còn thấy trong Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam (1858 – 1920) Quyển I (Hà Nội, nxb Văn Học, 1984), trang 464. Hai bản có vài chữ khác nhau, chúng tôi phối hợp 2 tài liệu để chọn từ thích hợp với nội dung câu văn.
[10] Nhĩ Hà, Nhị Hà: xem Ghi chú số 2 và 3.
[11] Hoàng Quang Viễn: nguyên có tên là Hoàng Kim Tích, sau cải danh là Hoàng Diệu (黃 耀; 1829 – 1882), tự là Quang Viễn, hiệu là Tĩnh Trai. Ông người làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam; nay thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1848, khoa Mậu Thân, ông đỗ Cử nhân (52/52) tại Trường thi Thừa Thiên. Năm 1853, khoa Quý Sửu, đỗ Phó bảng, làm quan tới chức Tổng đốc Hà Ninh. Ngày 25- 4- 1882, tức mồng 8- 3- Nhâm Ngọ, đại tá Henri Rivière tấn công thành Hà Nội. Ông quyết chiến, nhưng vì có kẻ nội tuyến, thành vỡ. Ông vào Hành cung thảo tở di chiếu, rồi ra Võ miếu thắt cổ tự tử chết theo thành.
[12] Cây gậy ông Đào Tấn dùng chống đỡ lúc tuổi già hiện còn thờ tại tự đường làng Vinh Thạnh, có khắc bài thơ trên.
[13] Sư Kiệm, theo nghĩa đen: tiết kiệm là bậc thầy; nhưng suy nghĩ cho kỹ, chữ “kiệm” còn mang ý nghĩa có thể trở nên rất giàu, bởi sách có câu “Kiệm năng trí phú.” Ông Đào Tấn không muốn đích tôn của mình mang cái tên có ý nghĩa là ham làm giàu mà xao lãng việc học, nên viết bài thơ này để nhắc nhở trưởng nam Đào Thụy Thạch về nghề nghiệp truyền thống của họ Đào Vinh Thạnh là cày ruộng và học hành.
[14] Tết Qúy Mão (1903), ông Đào được 59 tuổi ta.
[15] Chu (châu) Giáp Tý: đến năm sáu mươi tuổi.
[16] Nguyễn Tiên Sinh tức Nguyễn Diêu, biệt hiệu Quỳnh Phủ, người thôn Nhơn Ân xã Phước Thuận huyện Tuy Phước, đỗ Tú tài khoa Tân Dậu (1861), thầy của Đào Tấn, vừa dạy chữ vừa dạy soạn tuồng.
[17] Cổ thư có câu “Đắc thụ giáo ư minh sư như tọa xuân phong chi trung,” nghĩa là: Được thầy giáo giỏi dạy như ngồi giữa ngọn gió xuân.
[18] Bài thơ Mai Tăng Tiểu Chiếu được ông Đào Tấn viết trên tấm ảnh bán thân của mình. Năm 1995 còn thấy ảnh này được thờ ở nhà ông Đào Bỉnh Chánh (cháu nội ông Đào) ở xóm Vinh Nam, làng Vinh Thạnh 1.