Đọc những bài không phải là thơ, tôi như nhai phải những hạt sạn ngôn ngữ.Tôi tự hỏi, vì sao cũng những con chữ ấy, lại không phải là thơ ?
Vậy thơ là gì ? Đi tìm một định nghĩa cho thơ giống như những người muốn làm những chiếc hộp để nhốt kín hư không. Ai cũng cho chiếc hộp của mình là đẹp-tốt-đúng,nhưng khi mở ra,bên trong chiếc hộp chỉ là sự trống rỗng.Thơ đã không còn.
Người xưa cho thơ cần vần điệu du dương.Những luật thơ ra đời cốt để làm cho thơ thuận nhĩ; một phần hạn chế bớt những kẻ không học mà làm thơ.Nhưng dần dần, những niêm luật ấy đã trở thành những chiếc khuôn để đúc ra những chiếc bánh thơ.Và không gì ngán hơn là ăn phải những chiếc bánh in rập khuôn ấy.
Người nay cũng phạm phải lối mòn xưa.Những chiếc khuôn không phải nằm ở niêm luật mà nằm ở sự tư duy cũ kỹ trong đầu.Những bài thơ sau là những chiếc bóng của bài thơ trước.Đề tài có thể thay đổi nhưng sự tư duy đi trên lối mòn vẫn giống nhau.Đổi mới thơ là đổi mới từ bên trong tâm hồn người làm thơ chứ không phải đổi mới hình thức, thể loại.’Chiếc áo không làm nên thầy tu’.
Nếu có Nàng Thơ, ta phải yêu nàng bằng những đam mê mãnh liệt, bằng một tình yêu thuần khiết, chân thật, ta mới hiểu được tâm hồn Nàng.Nếu không có tình yêu, mọi cách chiếm hữu thân xác Nàng đều vô vị.
Thơ cần sáng tạo.Nhưng nếu không có tự do, sẽ không có sáng tạo.
Lữ Vân
14.11.2011
RE: Ý Nghĩ Rời Về Thơ
Tôi ước ao được đọc một bài thơ vừa tự do vừa sáng tạo của tác giả Lữ Vân để học hỏi thêm cách tư duy dù rằng từ khi tập tễnh làm thơ (có vần) đến giờ tôi vẫn thấy mình được tự do sáng tạo. Mong tác giả Lữ Vân chỉ dẫn thêm về cách đổi mới tâm hồn. Có bạn nào có cùng ao ước với tôi không thì xin lên tiếng. Tác giả Lữ Vân có nghĩ văn xuôi là thơ hay không?
Xin đa tạ cao kiến.
RE: Ý Nghĩ Rời Về Thơ
Cảm ơn anh Nguyễn Trác Hiếu đã đọc và góp ý.
Như đầu đề bài viết đã ghi, đây chỉ là những ‘ý nghĩ rời về thơ’ thôi. Người viết chỉ đưa ra những ý kiến tản mạn của mình về thơ, tuyệt đối không có ý áp đặt hay hướng dẫn cho ai cách làm thơ hay đổi mới tâm hồn, vì đó là một việc làm ấu trỉ. Chắc anh Hiếu đồng ý với người viết về điều này.
Ở một số nước không tự do về tư tưởng, thơ chỉ là một công cụ để phục vụ chính trị, do đó chữ ‘tự do’ được dùng trong bài đối nghịch với sự nô lệ ý thức hệ.
Anh Hiếu chắc cũng thừa biết là văn chương có nhiều lãnh vực, nhiều bộ môn: sáng tác, phê bình…Người ở lĩnh vực này,có thể không chuyên lĩnh vực khác.Nhà văn Võ Phiến có thể sáng tác truyện, viết về văn học hay nhưng không chắc làm thơ đã hay.
Có một thể loại gọi là thơ-văn-xuôi cũng đang được sử dụng,nhưng theo thiển ý của người viết,đó cũng chỉ là sự sắp xếp để làm mới về hình thức thôi chứ nếu là thơ hay dù mang hình thức nào,có vần,không vần,cũ,mới…nó vẫn hay.
Văn xuôi là văn xuôi, thơ là thơ.Còn thơ là gì thì mỗi người đều có cảm nghiệm riêng.Và ai cũng có thể nói về thơ.
Rất cảm ơn anh.
LỮ VÂN
RE: Ý Nghĩ Rời Về Thơ
Cảm ơn tác giả Lữ Vân đã làm sáng tỏ ý nghĩa hai chữ tự do mà tác giả muốn dùng trong bài Ý Nghĩ Rời Về Thơ. Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả Lữ Vân rằng ở đâu không có tự do tư tưởng thì thơ văn chỉ là công cụ phục vụ chính trị. Văn nghệ sĩ ở những nơi đó cũng nặng lòng bước đi trên lề phải.
RE: Ý Nghĩ Rời Về Thơ
Kính anh,
Cảm ơn anh đã cảm thông.
Chúc anh vui khỏe, sáng tác đều.
RE: Ý Nghĩ Rời Về Thơ
Đúng vậy, không có tự do thì đừng nói đến thơ văn. Tôi nhớ đã đứng trên bục giảng gần mười năm, hàng ngày mở quyển giáo án để dạy thơ văn cho học trò thuở ấy, tôi bổng ngán đến nỗi phải đổi môn dạy. Tôi đã từng yêu mến môn văn biết bao!
Cám ơn những ý kiến rất thẳng thắng của anh Lứ Vân và anh Hiếu
RE: Ý Nghĩ Rời Về Thơ
Cảm ơn Hà Xưa đã đọc bài viết và chia sẻ một vấn đề quan trọng: tự do.
Người ta đang tìm cách đổi mới về hình thức mà vẫn giữ tư tưởng lạc hậu thì chỉ là trò ma mị.
Chúc Hà Xưa sáng tác đều.
RE: Ý Nghĩ Rời Về Thơ
“Phù luận thi thủ kỳ cách pháp
Tác thi tất bản chư tính tình “
( Cao bá Quát )
Vậy mà xem ra để làm được cái bóng của chính mình cũng không phải dể dàng gì Anh Lữ Vân ơi !
gửi Ngô Đình Hải,
Trong bài tựa tập thơ Thương Sơn của Tùng Thiện Vương, Cao Bá Quát viết:
‘ Phù thi chi nan ngôn dã.Phù luận thi tuy thủ kỳ cách pháp,tác thi, tất bản chư tính tình’
(Thơ thật là khó nói.Bàn về thơ,tuy phải nắm vững kỹ thuật,chữ viết,nhưng làm thơ, gốc ở tâm tình thi sĩ).
Hãy là chính mình,đủ rồi, Hải ạ.Làm chiếc bóng của mình hay của ai cũng chỉ là chiếc bóng.