Kịck vui
Nhân vật: Dì Hai (vừa từ VN sang)
Tuấn, con trai dì Hai, đang độ tuổi thiếu niên
Dì Ba
Dì Út Hồng, lớn tuổi chưa chồng.
(Sân khấu là một căn phòng khách trống không có người. Trang trí kiểu nữa Việt nữa Mỹ, bức tranh sơn mài đồng quê, ảnh Michael Jackson, một bộ ghế salon kiểu cọ)
Có tiếng xe đang lên dốc và tiếng nói vọng ra từ hậu trường
Dì Hai: Tới nhà chưa? Sao Mỹ mà núi núi không dậy cà, tao thấy giống đèo Rù Rì quá, hồi ở Saigon bây còn tậu được căn nhà mặt tiền sao qua Mỹ lên núi ở dậy Ba?…Bộ ở Mỹ nhà mặt tiền mắc lắm sao?
Tiếng Út Hồng: Trời, đừng nói dậy chị Ba buồn chết Hai ơi! Ở Mỹ nhà trên núi mới là nhà xịn, còn nhà mặt tiền là nhà xỉn, để dành mở quán nhậu không hà, hi hi nói giỡn cho dui chớ mấy cái nhà chị thấy trên núi toàn bạc triệu không đó, rớ hổng nỗi đâu … Tới, tới rồi đó Hai ơi, nhà nào trồng bông hồng chen cà chua là nhà chị Ba tui đó
Dì Ba: Đỡ dùm đồ trong xe xuống cái coi, bữa nay mắc cái chứng gì mà nói tía lia dậy Hồng?
Dì Út: Tại em dui quá mờ, phải hông Hai?
(Tiếng mở cửa và một đoàn người từ dưới khán giả đi lên, tiến về cánh gà leo lên sân khấu, kéo theo những chiếc va-ly và túi xách lỉnh kỉnh)
Mọi người lao xao tiến vào phòng khách. Tuấn phóc lên ghế ngồi tò mò quan sát căn phòng.
Dì Ba: Để mấy cái va-li tạm dô góc kia đi. Mà làm gì chị cột dây mấy cái túi xách như bánh tét dậy trời? Đi Mỹ mà làm như đi kinh tế mới.
Dì Hai (vừa mở mớ dây vừa nói) Tao sợ lên máy bay ngủ quên nó rạch dỏ, đi mười mấy tiếng đồng hồ chớ ít sao! Tao ráng thức mà hai con mắt cứ díp cứng
Út Hồng (cười to) Ăn trộm mà muốn móc cái dỏ của chị nó phải mua vé máy bay hết một ngàn hai, móc xong đem bán chắc cũng lỗ ít nhất là một ngàn mốt, hổng thằng nào ngu lên máy bay móc túi đâu Hai ơi. Mà chị đem cái gì ở trỏng mà gói ghém kỷ dữ dậy?
Dì Hai (kéo từ túi xách ra một khung ảnh lớn) Có gì đâu, cái hình của ba thằng Tuấn, sợ nó bể nên phải kỷ lưỡng (lấy vạt áo lau tấm ảnh, một khúc nhạc buồn trỗi lên, ánh mắt dì Hai rưng rưng) Tui đưa thằng con qua tới Mỹ theo ý nguyện của ông rồi đó, chỉ thương ông nằm lại ở quê nhà một mình cô quạnh, thôi cứ để tui lo cho con xong rồi sẽ về với ông…(lau nước mắt, rồi cười) Coi già dậy mà ghen ác lắm nghen! Hồi ổng mới phát bịnh cứ dặn tới lui “bà qua bển đừng có lấy chồng nghen” rồi tới lúc thập tử nhứt sinh hông biết nghĩ sao kêu tui lại trăn trối
Dì Ba và Út Hồng xúm lại gần: Ảnh trăn trối chuyện gì? Quan trọng không?
Dì Hai: Quan trọng lắm chớ! ổng nói “tui nghe nói bên Mỹ tuổi già buồn lắm! Thằng Tuấn mà có vợ rồi thì bà cũng nên lấy chồng cho có người bầu bạn! mà nhớ có lấy chồng thì lấy Viêt Nam nghen, lấy Mỹ lỡ nó có ăn hiếp bà tui muốn cãi lôn với nó hổng lại, học có ba chữ tiếng Anh hồi đó giờ quên ráo nạo rồi”
Dì Ba và Út (cười to) Già mà còn ghen dữ hén.
Dì Hai: Sao không, gừng già mới cay chớ (để khung ảnh lên bàn và kéo từ túi xách ra một mớ áo quần) Nè mấy cái này cho bay nè, tao nghe nói ở Mỹ tiền may mắc lắm nên may một mớ đem qua cho bây đây. Con út Hồng hay thích màu hồng tao may cho một bộ pa-la-ma hồng tối mặc ngủ cho ấm. Còn cái áo len này tao đan cho dì Ba đó, tao nhắm chừng rộng rãi để mai mốt còn mập lên ít ký khỏi bỏ, uổng!
Dì Ba (giật mình cái độp)) Trời ơi, tui phải đai-ết mấy tháng trời mới xuống được có hai Pounds, bả còn trù lên mấy kí! Chắc thành cái thùng phi quá! Giống má i chan, hồi nhỏ má đan cho mình cái áo len lúc hai tuổi, tới sáu tuổi mặc còn rộng!
Út Hồng (vui vẻ xăm xoi mấy bộ đồ) Bộ đồ ngủ hồng, có ren kim tuyến nữa chớ! Kiểu này Victoria’s Secret theo hổng lại, mai mình đem dô hãng hù tụi nó nói mới o-đờ chắc tụi nó tin liền!
Ủa mà hồi nãy giờ lo nói bỏ thằng cháu ngồi một mình, lại đây dì biểu cái coi, thằng nhỏ lớn bộn à chị Hai, hồi em đi nó còn nhỏ xíu, mũi dãi thò lò.
Tuấn (đứng lên tiến lại chỗ mọi người)
Chị Ba: Ừ, coi tướng nó giống ba nó như lột. À, mà chắc mấy dì cháu cũng đói bụng rồi, để tui vô lo cơm nước, có mấy món o-đờ sẵn rồi
Chị Hai: để tui phụ với dì một tay, con ở đây chơi với dì Út đi. Ủa, mà món ó-đờ là món gì dậy Ba? Có khó nấu không? Dì bày mai mốt tui nấu phụ cho
Dì Ba (cười to) Dễ ẹt à Hai ơi, món ó-đờ vừa lái xe vừa nấu, tới nơi là xong liền, có điều hơi tốn tiền một chút
Dì Hai: vừa lái xe vừa nấu? Coi bộ ở Mỹ nhiều thứ ngộ thiệt hén.
(phe phẩy đi vô trong với dì Ba)
Hồng (quay qua Tuấn) Sao, con qua Mỹ thấy sao? Cho dì biết cảm tưởng đầu tiên cái coi?
Tuấn (đưa mắt nhìn quanh) Nhà ở Mỹ rộng thiệt, mà sao con thấy cái trần nhà thấp xỉn hà!
Út Hồng (kéo Tuấn lại gần) Nè con ơi, đừng có nói thấp xỉn mà phải nói “không được cao” nghe chưa, ở Mỹ phải lịch sự, rất lịch sự biết chưa! Người ta làm trần thấp là để tiết kiệm điện đó. Mai mốt ra đường có gặp một cô cao một mét hai con cũng chỉ nói là she’s pretty short, thế thôi
Tuấn: Dậy lỡ con gặp một cô mập cỡ một trăm năm chục kí thì nói sao?
Hồng: Thì nói a little over weight, thế thôi
Tuấn: Dậy mai mốt con sẽ dắt về một cô vừa pretty short vừa a little overweight, được hông dì?
Hồng (vỗ tay cái độp) Thằng nhỏ này coi bộ lém à nghen! Năm nay con bao nhiêu tuổi rồi?
Tuấn: Mười lăm
Hồng (nói nhỏ) Con nít thời nay coi bộ khôn sớm hơn mình hồi đó, hồi mười lăm minh còn ngu chết nị, mà tới giờ gần bốn chục rồi, chị Ba nói mình vẫn chưa khôn nên mới ế chồng.
(Quay qua Tuấn) Con mười lăm, vậy là còn một năm nữa là con có thể lấy bằng lái xe, con chở dì với má được rồi
Tuấn: Ủa chớ dì hổng lái được sao? Sao hồi đó con thấy hình dì gửi về ngồi trên xe ngon lắm mà
Hồng (bẻn lẻn) Thì hồi mới qua dì chụp hình cho oai tưởng sẽ lấy được bằng lái cái một! Ai dè hôm đi thi dì gặp ngay giám khảo là thằng da đen, con nghĩ coi, hồi nào tới giờ ngồi bên da vàng dì còn chưa dám huống chi là da đen! Trời ơi, tao đang lái phom phom chớ bộ, quay qua nhìn thấy ổng nhe hàm răng trắng nhỡn cười duyên tao lạc tay lái ũi dô đít xe rác cái rầm! Cái đầu xe bẹp dúm, may mà dì với ổng còn nguyên. Thôi từ đó dì never see DMV again, dì chờ con qua đó, mau lớn đủ 16 đi rồi thi lấy bằng lái chở má với dì
Tuấn: Dì muốn con lấy bằng lái sớm không?
Hồng (cười) làm cách gì hả ông tướng?
Tuấn(búng ngón tay cái chóc, sành sõi) Chạy! làm giấy tờ giả, mười lăm thành mười sáu là chuyện nhỏ, ba của thằng bạn con ở bển chuyên chạy giấy tờ, bằng tiến sĩ còn chạy được huống chi bằng lái xe!
Hồng (khựng người,kéo Tuấn lại gần) Nè, nè, đừng có nói bậy bạ nghe chưa con, ở Mỹ làm gì có chuyện chạy với chọt. Con hãy quên hết ba cái chuyện đó đi, ai bày con vậy, trời đất ơi, con mới mười lăm mà đã…
Tuấn (tiu nghĩu) Con đâu có biết, tại con nghe người lớn nói nên…
Hồng (đưa tay vuốt tóc cháu buồn rầu) Ừ, là con cũng nghe người lớn nói thôi…(đổi giong vui vẻ) một năm nữa con lái xe cũng đâu có muộn, con ráng học đi rồi dì sẽ mua used car mà chạy, mới lái chạy xe mới hay quẹt uổng lắm.
Tuấn (nhãy cỡn lên vui mừng) Mới cũ gì cũng được, có xe là con khoái rồi, dì nhớ nghen!
Hồng: Ừ nhớ, mà phải học giỏi mới được, học dốt thì đừng hòng!
Tuấn: Chuyện nhỏ! Ở Mỹ sướng quá dì hén, ai cũng có xe hơi, nhà thì bự chát
Hồng: Ừ, coi dậy chớ của nhà Bank không đó con! mà có xài là được rồi! Thôi dô ăn đi con, bữa cơm đầu tiên ở Mỹ với gia đình (một khúc nhạc vui trổi lên) Welcome to America
Màn hạ
Hà Xưa
RE: Welcome to America
Hì Hì! Không ngờ Hà Xưa có biệt tài viết kịch bản nữa ta! Vui lắm Hà ơi, mà cũng có lúc vừa cười vừa mếu đó!
RE: Welcome to America
là tại mấy hôm nay Cali lạnh quá phải nghĩ ra chiện cười cho ấm! Mà cười với mếu đôi khi cũng khó phân biết lắm Oanh ơi! thử há miêng cười to rồi soi gương coi, hổng chừng thành mếu đó!
RE: Welcome to America
Hà viết kịch rất thực. Cuộc sống ở Mỹ và Việt Nam có nhiều cái khác nhau. Ngay cả trong nước, ba miền bắc, trung, nam cũng có những đặc thù văn hóa khác nhau. Và cái quan trọng là tình yêu thương như sợi dây nối liền mọi người với nhau…Nghe ấm áp lắm, phải không Hà?
RE: Welcome to America
Đúng đó HN ơi, sự khác biệt văn hóa ở cái xứ đa chủng tộc thì lại càng nhiều. Cha mẹ mới đầu thấy con “hòa nhập” được với văn hóa người thì mừng, đến một lúc nhìn lại thấy giật mình, muốn mếu!