Nguồn Amnhac.fm
Tối nay ở nhà rảnh và có hứng tôi tìm nghe lại những bản nhạc cũ… Rồi nghe lại bài Kỷ Vật Cho Em của Phạm Duy với tiếng hát Thái Thanh, tôi nghe sao mà nức nở thấy xót xa đến xé lòng. Tôi vô Google để tìm bài thơ Để Trả Lời Một Câu Hỏi của Linh Phương. Đọc bài thơ Để Trả Lời Một Câu Hỏi của Linh Phương, rồi đọc lời của Phạm Duy phổ nhạc và sau đó tôi nghe và hát theo Thái Thanh… tôi chợt nhớ đến chị và xót xa cho thân phận của chị.
Kỷ Vật Cho Em, Thái Thanh trình bày
– tape Shotguns Đặc Biệt (trước 1975) http://dl.dropbox.com/s/eh9ga41gtlhigjr/A2.%20Ky%20vat%20cho%20em.mp3
– CD NgàyXưa Hoàng Thị (1986) http://dl.dropbox.com/s/7ggne20hhdeplm2/01.%20Ky%20Vat%20Cho%20Em.mp3
Trong ký ức của tôi, một đứa con gái 11, 12 tuổi ngày đó, chị là một người con gái duyên dáng, người dong dỏng cao, ăn nói dịu dàng con nhà khá giả… Chị đã quen anh từ những ngày gia đình chị hãy còn sống ở Hội An và sau đó chị theo gia đình vô Qui Nhơn sinh sống. Còn anh thì tài hoa, dáng cao to, đẹp trai, đàn hay hát giỏi, ăn nói lịch lãm… Và anh cũng như phần lớn đàn ông con trai thời chiến, đầu quân ra tiền tuyến làm quen với bom đạn, anh là một hình ảnh người hùng, là niềm mơ ước của những cô gái thời đó.
Ngày đó đi đâu ai cũng cảm nhận chiến tranh hầu như có mặt khắp mọi miền đất nước, từ trận Bình Giã đến trận Đồng Xoài, rồi trận Khe Sanh… Và chiến tranh Nam-Bắc ngày ngày càng sôi động, người người vẫn phải nhập ngũ để đi ra chiến trường cầm súng chống lại người anh em bên kia giới tuyến và qua đó có những người không may mắn đã nằm xuống hay cũng có những người đã trở về với những thương tật trên một phần thân thể từ cuộc chiến nghiệt ngã này…
Và anh trong một trận chiến khốc liệt đã may mắn là người sống sót trở về nhưng anh đã trở về với đôi nạng gỗ… đó là một thực tế đau đớn cho chính anh, cho chị và cho cả những người thân. Chị lúc đó học Sư Phạm đã ra trường đi dạy và với tình yêu mãnh liệt mà chị dành cho anh, chị đã phải quyết liệt tranh đấu cho đến cùng với gia đình chị một cách bền chí, thuyết phục để được lấy anh và cuối cùng chị đã đạt ước nguyện. Tôi thật sự cảm phục chị, chị đúng là một mẫu người con gái đầy bản lĩnh và có đủ can đảm để sống lý tưởng với tình yêu chị đã chọn lựa và chính nhờ vậy mà chị đã vượt qua được những rào cản, những định kiến của người đời, của xã hội đương thời và nhất là của gia đình chị.
Rồi chị lấy anh, về quê anh ở Hội An sinh sống và sinh con đẻ cái. Chị vẫn ngày ngày đi dạy và anh được cha mẹ giúp cho chút vốn liếng mở một gian hàng bán sách để mưu sinh. Những năm 73, 74 tôi có một vài lần gặp lại chị nhân dịp chị dẫn con từ Hội An vô Qui Nhơn thăm ông bà ngoại. Chị vẫn duyên dáng như ngày nào trong đôi mắt đứa con gái mới lớn của tôi. Chị luôn với ánh mắt ngời sáng và cười nói tươi vui mỗi khi có ai đó hỏi thăm đến anh… Tôi còn nhớ có lần nào đó nghe chị nói về anh bằng một giọng đầy ngưỡng mộ, ưu ái: “Anh như vậy đó, có như vậy anh mới là của riêng chị, em biết không?…”
Rồi biến cố 30.04.75… tôi rời Qui Nhơn vô Sài Gòn đi học đại học và vài năm sau tôi theo làn sóng người đi vượt biên, tôi hoàn toàn quên bẵng đi chị. Đến những năm 90 tôi có nghe mẹ tôi kể lại câu chuyện về chị, một câu chuyện thương tâm. Đó là những năm sau 75 gia đình chị sinh sống rất là vất vả, chị bị nghỉ dạy và xin đi làm trong một tổ hợp chế biến mì sợi còn ban đêm chị phải đan hay thêu áo cho khách để kiếm thêm tiền chợ lo ngày ba bữa cơm cho năm miệng ăn.
Vẫn biết với những khó khăn hằng ngày mà thời đó chị cũng như bao nhiêu người khác phải cố gắng vượt qua nhưng số phận đen tối dường như không buông tha chị… Anh với vết thương trong chiến tranh nên có ít nhiều mặc cảm thua kém mọi người trong cuộc sống thường nhật, ngày qua ngày theo thời gian anh như con thú dữ luôn chực chờ để đay nghiến, cấu xé chị. Anh lúc nào cũng muốn trút hết mọi buồn bực, khổ đau của chính mình với những hằn học, căm hờn về nhân tình thế sự của một kẻ bất đắc chí lên trên người chị… Và cái chết của chị cũng đầy bí ẩn, người thì kể trong một cơn nóng giận đến tột cùng anh đã to tiếng và lỡ tay đánh chị, trúng chỗ nhược chị đã ra đi đột ngột nhưng cũng có người nói là chị đã chết vì bị nhồi máu cơ tim!? Tôi nghĩ ngày đó người ta hãy còn ấu trĩ trong y học chớ đúng ra khi ai đó chết mà không rõ nguyên nhân thì người nhà có thể yêu cầu bác sĩ pháp y giải phẩu tử thi để xác định nguyên nhân của cái chết!!!
Sau cái chết của chị tuy có oán giận anh nhưng vì thương ba đứa cháu đang tuổi lớn mà mồ côi mẹ, thỉnh thoảng ông bà ngoại ở Qui Nhơn vẫn hay gởi tiền ra phụ với anh để nuôi cháu. Vài năm sau anh lại chắp nối với một cô giáo và rồi “bản cũ soạn lại”, cô cũng phải chịu đựng anh như chị đã từng chịu đựng anh và được đâu khoảng mười năm sau đó thì anh qua đời vì căn bệnh quái ác ung thư gan.
Cách đây vài ba năm tôi có gặp lại đứa con gái đầu lòng của anh chị, cháu lúc đó cũng khoảng gần bốn mươi, cao ráo giống ba và có khuôn mặt duyên dáng của mẹ gợi cho tôi nhớ đến chị rất nhiều. Tôi thấy thương chị, một người chị đã sống quá lý tưởng cho tình yêu của mình và những gì chị đã nhận được từ anh đúng là không công bằng chút nào!!! Tôi tự hỏi không biết chị có nghĩ suy gì sau những năm tháng lấy anh? Chị có thấy mình vỡ mộng vì đã chọn anh??? Chị có thấy hối tiếc vì đã mù quáng yêu anh, lấy anh??? Đời sống thực tế quá phủ phàng với chị, anh là thần tượng sụp đổ trong đôi mắt chị và lâu đài tình ái ngày đó cũng tan theo bọt biển… Và tôi cũng luôn thắc mắc không biết về phía anh, anh có suy nghĩ gì không sau cái chết của vợ? Anh có ray rứt, thương xót cho chị, người con gái đã phải chịu nhiều thiệt thòi để được lấy anh? Suy đi nghĩ lại tôi không biết có nên trách anh hay là nên thương hại anh??? Hay nghĩ cho cùng anh cũng chỉ là nạn nhân của chiến cuộc???
Thanh Quí
Để Trả Lời Một Câu Hỏi
Thơ Linh Phương 1970
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến thắng trận Pleime
Hay Đức Cơ- Đồng Xoài- Bình Giã
Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt
Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn màu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dỡ
Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá
Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em – anh cố sẽ quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối
RE: Vỡ Mộng ???
TQ ơi
Vết thương ở đôi chân thì anh đã mang từ trước 75 và vẫn vui vẻ sống với đời, vẫn chống nạng đứng bán sách, vẫn khiến cho chị hãnh diện vì anh. Nhưng sau đó khi thế sự đổi dời, những người lính dù còn đôi tay vẫn thấy mình vô vọng huống chi là anh. Sự đau khổ nghèo túng dễ khiến cho người ta đâm ra cáu gắt, dằn vặt nhau.
Dù đáng buồn nhưng có lẻ chúng ta nên có một chút cảm thông nào đó.
RE: Vỡ Mộng ???
Thanh Quí mến
Kỷ Vật Cho Em hầu như đã ám ảnh mình từ năm 72 khi mà khói lửa chinh chiến cận kề và mình cũng đã đủ lớn để nhận biết, để sợ, để xót đau! Một câu chuyện quá buồn lồng trong một thế sự nghiệt ngã tàn khốc của chiến tranh làm người đọc có cảm tưởng như một lần nữa bị khốn cùng bủa vây. Cuộc đời anh bất hạnh nhưng anh đã được không những một mà đến hai người phụ nữ hết lòng thương yêu anh, thì trên dời này mình nghĩ không còn gì khác có thể làm dịu lòng anh!
Chính một phần bản chất của anh đã gây nên thảm kịch trong gia đình hay vì thời thế đã tạo nên bản chất của anh? Có hoang mang không Thanh Qui và biết làm gì hơn là cầu mong tất cả những người thân còn lại thật bình an.
Dao
RE: Vỡ Mộng ???
Đọc bài này cảm thấy lòng nhói đau. Sự nghiệt ngã của chiến tranh ( làm anh thành thương binh), của thời cuộc sau 75 ( với sự đố kị về chính kiến ) và của sự nghèo túng đã làm biến chất con người anh, một con người tài hoa có bản chất tốt và sống lương thiện. Thật là một người bất hạnh! Trên đời có những người luôn bị hứng nhịu những tai ương giống như anh, còn cũng có những người luôn găp dược nhiều may mắn! Như mẹ mình thường nói [i]ngón tay có ngón ngắn ngón dài![/i] Phải chăng vì thế để có sự cân bằng giữa người và người rất cần sự sẻ chia và tấm lòng nhân ái trong cuộc đời này???
RE: Vỡ Mộng ???
Câu chuyện thật cảm động nhưng cũng khá phổ biến trong hoàn cảnh sau 75. Rất nhiều người sụp đổ hoàn toàn và nhiều gia đình ly tán khi thời cuộc thay đổi. Như Hà xưa nói, những người lính còn nguyên vẹn còn vô vọng huống chi là anh. Một cô bạn học của tụi mình, cùng lớp 12 C, con gái một thiếu tá, đã trở thành người điên vì không chịu nổi sự đổi thay khắc nghiệt, và cũng do định kiến quá nặng nề. Chúng ta thông cảm cho anh và cũng rất trân trọng tình yêu của chị đối với anh. Có lẽ chị không vỡ mộng, không hối tiếc vì đã chọn anh. Có lẽ chị cũng đã rất thông cảm, vì chị vẫn yêu và sống bên cạnh anh cho đến lúc lìa đời, nhưng sự đau khổ lớn nhất là thấy tình yêu của mình không giúp gì được cho anh vượt qua được định kiến, chịu đựng những cơn bão táp của cuộc đời để cùng chị vượt qua. Nếu chị còn sống, có lẽ chị cũng sẽ không chịu nổi sự dằn xé của anh, cũng có thể sẽ chia tay mà vẫn yêu anh…
Thanh Quí mến!
Không ai được chọn thời để sinh ra. Chúng mình lúc ấy mới chỉ mới là những cô bé 12, 13 tuổi nên những nghiệt ngã của thời cuộc đã rơi vào thế hệ các chị các anh. Hồi đó, nghe bài nhạc, V đã thấy thắt tim. Những bất hạnh nếu xảy ra, phải đâu chỉ của riêng hai người trong cuộc? Cảm ơn TQ đã gom đủ bộ sưu tập: 2 đồng tác giả, nguyên tác thơ, nhạc và lời, cả những giai điệu da diết kia…
V nhớ một bài hát khác cũng về tình yêu và thân phận của những con người còn rất trẻ trong chiến tranh:
Ngày mai đi nhận xác chồng
Ra đi mà tưởng mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ
…
Hẳn là thơ phổ nhạc rồi. V không nhớ thơ của ai, ai phổ nhạc và ai đã hát…Có điều những ấn tượng về bài hát, nội dung…thật khó quên!
Mong cho những thế hệ sau của các anh các chị sẽ mạnh mẽ vươn lên!
Re: Vỡ Mộng???
TQ cảm ơn các chị Hà xưa, Dao, Trần Đông Oanh, Diệu Tâm và Ngô Thanh Vân đã đọc và viết lời bàn.
Re: Vỡ Mộng???
Vân,
Đúng như Vân đã viết, có một bài thơ viết rất rõ về tình yêu và thân phận những góa phụ trẻ trong chiến tranh, đó là bài thơ Thương Ca 1 của nhà thơ Lê Thị Ý, mà Phạm Duy đã phổ thành ca khúc Tưởng Như Còn Người Yêu với tiếng hát Ý Lan.
Thương Ca 1
Thơ Lê Thị Ý
Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai
Tưởng Như Còn Người Yêu
Phạm Duy
Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi góa phụ nhạt mờ vết son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ôi! Thèm nụ hôn quen
Chong đèn hẹn sẽ đêm đêm đợi chờ
Bây giờ anh phủ mầu cờ
Bây giờ anh phủ mầu cờ
Em không nhìn được xác chàng
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong
Mùi hương cứ tưởng hơi chàng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu
Mình định hôm nào đó có hứng sẽ viết một bài Tưởng Như Còn Người Yêu, hẹn vậy!!!
RE: Vỡ Mộng ???
Liên Khúc Tưởng Như Con Người Yêu. Kỷ Vật Cho Em – Ý Lan
[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=oOZkngmYPUc[/youtube]
RE: Vỡ Mộng ???
Cảm ơn Dao đã cho các bạn nghe Liên khúc TNCNY-KVCE với tiếng hát Ý Lan.
Dao ơi!
Khi gợi lại bản nhạc ấy, V cũng hy vọng sẽ có được phản hồi. Và hơn cả mong đợi! Trong trí nhớ của V cũng còn thêm nhiều chi tiết nhưng lúc đậm lúc nhạt nên không dám khẳng định. Cảm ơn Dao thật nhiều. Bài thơ, lời hát cứ làm V lạnh người đó D, trước đây và bây giờ cũng vậy. Chiến tranh và phận người!
RE: Vỡ Mộng ???
Vân mến
Đây là hai bài hát mà như các bạn Dao cũng rất thích. Bao nhiêu năm rồi, mỗi lần nghe vẫn là một lần rưng rức và lời bài hát u uần buồn, tang thương như Vân nói đến lạnh người, da nổi ốc!
Linh Phương dùng chữ [i]mai mốt[/i] trong “mai một anh về” thật hay, như chừng một lời hò hẹn thật gần nhưng cũng mênh mông xa vời vợi trong nỗi bất trắc, vô định của chiến tranh
Cảm xúc của ba người nghệ sĩ tài hoa qua nhạc, qua thơ đã làm mình thương đến khổ đau đến buốt nhói!
Dao
RE: Vỡ Mộng ???
V đang chờ đọc bài viết Tưởng như còn người yêu của Dao đây. Hãy “có hứng” mau mau lên 🙂 nhé!
RE: Vỡ Mộng ???
“Ngày mai sẽ … quá muộn” , còn thêm “mốt” nữa là “Cỗ lai chinh chiến kỹ nhân hồi”!??
Còn đau thương nào hơn đã trút lên số phận thế hệ thanh niên VN thời chiến !!!6uzpu
RE: Vỡ Mộng ???
Chị Thanh Quí mến,
Hai tuần nay Tiến vào ra ít quá nên chưa đọc kỹ bài nào cả. Hôm nay đọc cả những lời bàn của các bạn, thấy lòng bùi ngùi. Với câu chuyện chị kể, Tiến thấy thương cho cả hai. Đời sống là những dằn vặt nhau dù tình yêu như vẫn còn đâu đó! Cái chết của người vợ chắc sẽ làm người chồng đau đớn, nhưng đời sống như dòng nước chảy thi hãy trôi cho hết phận người. Cảm ơn chia sẻ của chị nơi này. KT