Khuôn mặt của người tài xế xe buýt vẫn chưa hết bàng hoàng, gã lắp bắp nói như trần tình với đám đông đang vây kín trước đầu xe: “tự nhiên ông ta băng ào ra!….” Lại có tiếng kêu thảng thốt ở đâu đó: “Trời ơi! ông thầy giáo Thông đây mà “………………….
Anh giật mình thức dậy, hơi thở dồn dập, mở bừng mắt nhìn vào khoảng không tối đen, hai tay quờ quạng cho đến khi nắm chặt được mép giường mới hoàn hồn, mồ hôi ướt đẫm, đúng lúc chiếc đồng hồ gõ hai tiếng bong…bong…
Cảm giác hoang mang và lo sợ còn đọng lại, anh mệt mỏi rời khỏi giường, chị vẫn đang say giấc, không cần bật đèn, anh đi về phía cầu thang, ánh sáng của ngọn đèn đường hắt vào qua khe cửa phòng khách, những hình ảnh quen thuộc lờ mờ hiện ra, chưa có gì thay đổi, anh mở toang hai cánh cửa, vài ngọn gió đêm lùa vào, anh thở phào, thấy nhẹ nhỏm đôi chút, bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm lai đã được thay bằng mấy chiếc ghế nhựa tròng trành từ năm ngoái, anh chậm rải ngồi xuống, vói tay rót cho mình ly trà nguội ngắt trong chiếc ấm pha đâu tự hồi nào. Anh nhấp một ngụm nước, đốt điếu thuốc. Khói thuốc lãng đãng. Cái này bác sĩ cấm đây! Đã 6 năm nay, từ ngày anh ngã bệnh, mấy lần vào cấp cứu, tưởng chết! Giờ thì ăn cũng cấm, uống cũng cấm, làm cũng cấm, mà hút…cũng cấm! Thứ gì cũng cấm! Không biết có ông bác sĩ nào cấm….chết được không? Nhà chỉ có hai vợ chồng, trước đây mọi thứ chủ yếu dựa vào đồng lương dạy học của anh, vậy mà đùng một cái, 6 năm dài đăng đẳng, anh sống vật vờ với thuốc men là chính, không còn đi dạy nỗi thì những đồng tiền dành dụm ít ỏi đi trước, đồ đạc trong nhà lần lượt theo sau, may mà những thứ cũ kỹ đó lại trở thành của hiếm và có giá trong thời điểm này, nó giúp anh kéo dài sự chịu đựng thêm một thời gian rồi cũng cạn. Ăn uống tiêu xài thì tiết kiệm được chứ thuốc men thì vô phương! Không lẽ nhịn…uống thuốc! Giờ thì thứ duy nhất còn lại mà anh có thể trông cậy vào là căn nhà này. Căn nhà tới anh là đời thứ 3, anh không biết nó có tự lúc nào, chỉ biết khi anh bắt đầu có nhận thức thì nó cũng đã có sẵn ở đó, nó thuộc về anh và anh thuộc về nó như một điều hiển nhiên gắn chặt, gom góp mọi vui buồn, mọi diễn tiến của cuộc đời anh vào trong đó. Sống xa căn nhà này thôi đã là điều anh không bao giờ nghĩ tới chứ đừng nói tới chuyện bán nhà! Vậy mà anh đã nói với chị chuyện này, nói mà nghe miệng mình đắng nghét, tới tận lúc đi ngủ anh vẫn tự nguyền rủa cái bất tài và tấm thân bệnh hoạn của mình…
Anh cứ ngồi yên như vậy nghe chừng như lâu lắm, những điếu thuốc tàn rồi lại cháy. Trời bắt đầu sáng dần, qua những chấn song hàng rào anh nhìn thấy chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày đã đậu lại bên kia đường, sinh hoạt thường ngày quen thuộc lại bắt đầu. Anh uể oải đi lại chỗ chiếc bàn ọp ẹp thay cho cái tủ thờ “chín đũa” do chính tay thợ Gò Công chạm khắc ngày nào, đốt mấy cây nhang cắm lên đó, những con mắt trong mấy bức ảnh trên bàn thờ như đang nhìn anh soi mói, anh chợt lẩm bẩm cho chính mình nghe : “phải chi trời cho tôi đứa con, một đứa thôi thì đỡ khổ biết mấy!”…Anh cúi người níu lấy cái chân bàn rồi từ từ ngồi thụp xuống ngũ thiếp đi lúc nào không biết, trong tai vẫn còn nghe văng vẳng câu chuyện của anh và chị ban sáng:
– Còn cách nào đâu ông! Bác sĩ nói có tiền mà mổ mới hết bệnh! Không sống được thì ôm lấy cái nhà làm gì?
– Tôi biết, nhưng tôi không đành bà ơi! Mình có rao bán thì rao kín thôi, đừng đăng báo, treo bảng gì hết, lối xóm mà biết tôi khổ tâm lắm…Hay là mình nhờ mấy chỗ mua bán nhà gì đó được không bà?
– Thì tùy ông! …nhà mình mình bán!…ăn trộm ăn cắp gì của ai đâu mà cũng ngại!.
Phải đến cả tuần sau, khi mà đã tìm đủ mọi lý do để tự thuyết phục mình,anh chị mới quyết định đi đến Công Ty Địa Ốc gần đó. Tiếp anh chị trong căn phòng gắn máy lạnh chạy rì rì mát rượi là một tay ăn mặc khá chải chuốt, nói năng lịch sự. Sau vài câu xả giao và nhìn qua giấy tờ nhà anh cầm theo, hắn đi thẳng vào vấn đề:
– Ông bà cần bán bao nhiêu?
Không hiểu sao anh lại nói thật:
– Chúng tôi đang gặp khó khăn lại không rành giá cả lắm, anh coi thử mà bán giúp, nhưng đừng làm ồn ào quá…
Hắn nhìn lại anh chị như để đánh giá cho chính xác khách hàng của mình rồi nhỏ nhẹ nói:
– Nhà lúc này hạ lắm, người bán thì đông, người mua có mấy, tôi đang có 2 căn rao bán, cũng ở gần chỗ ông bà thôi, diện tích cũng gần bằng, lại xây dựng mới, chỉ khác chút xíu là vào hẻm mà giá bán lại rẻ, chỉ hơn 2 ti một căn, tôi nói để ông bà tham khảo, nếu cần mua thì….
– Vậy theo anh….
– May là tôi đang có sẵn khách cần mua nhà mặt tiền như của ông bà nên theo tôi có thể bán giúp được trên dưới 6 ti, ông bà cứ tính lại…
Anh nắm chặt tay chị như tìm sự cảm thông, có được căn nhà mới, còn dư tiền để lo chữa bệnh cho anh cũng tạm yên tâm phần nào, anh ngập ngừng:
-…..có thể coi 2 căn nhà anh nói bây giờ được không?
– dĩ nhiên, tôi cho nhân viên đưa ông bà đi ngay, đừng ngại…
Hắn sốt sắng gọi tài xế đem xe ra, hơi ngạc nhiên với sự hào phóng và nhiệt tình của hắn, nhưng rồi anh lại nghĩ: “người ta làm ăn lớn mà”…Ra đến cửa anh mới sực nhớ, định quay lại nói với hắn vài lời cám ơn cho phải phép thì thấy hắn đang vội vã gọi điện thoại cho ai đó, nên thôi…
Mà đúng là uy tín thiệt, hai căn nhà hắn giới thiệu, coi xong anh chị hài lòng hết sức, tuy hơi nhỏ hơn nhà anh chị nhưng nhà thì mới, đẹp, bên trong lại tiện nghi đầy đủ, căn thứ nhất thì chủ nhà cho biết do làm ăn thua lỗ, nợ ngân hàng xiết quá nên bán gấp, căn thứ hai của một tay kinh doanh địa ốc, cũng kẹt tiền nên bán bớt, lúc tiễn anh chị ra về, hắn còn hứa sẽ cho luôn đồ đạc trong nhà nếu anh chị mua nhanh hơn người khác. Sau khi hứa hẹn với cả hai sẽ trở lại, anh nhờ lái xe đưa về Công Ty của hắn. Lâu lắm rồi anh mới thấy được một chút gì đó hân hoan và nhẹ nhỏm trong cử chỉ của chị …
Vẫn với vẽ ân cần hắn hỏi han liền:
– Ông bà thấy được không? Thích căn nào là phải đặt cọc liền không người ta mua mất, thời buổi này phải nhanh tay mới được….
Anh hơi ngượng:
– Thôi thì anh giúp giùm, bán cho kịp mới có tiền mà mua chứ
– Ông bà cứ tin tưởng vào tôi, tôi sẽ cố gắng, sáng mai ở nhà,, tôi đưa khách đến, thống nhất giá đó nhe….
Trong vòng mỗi buổi sáng mà đích thân hắn đưa tới 3 người khách đến mua nhà, tiếc là chỉ duy nhất có một người trả giá được 5 tỉ mà anh chị không đồng ý bán, còn hai người kia sau khi xem qua và chê bai nhà quá cũ, đã bỏ đi một nước. Nhìn vẽ thất vọng lộ rõ trên khuôn mặt hắn, anh chị cũng thấy ái ngại và nản lòng theo. Hắn nói:
– Ông bà thấy đó, khó khăn lắm mới có người mua, tôi còn một khách sộp cuối cùng nữa thôi, chiều tôi đưa lại, tay này tiền nhiều như lúa, ưng là mua liền, ông bà liệu chừng mà bán đừng để vuột mất uổng lắm !…
Buổi chiều hắn lại đến trên chiếc xe hơi đời mới bóng lộn bên cạnh một phụ nữ phấn son lộng lẫy, sự giàu có hiện rõ trong cách đi đứng và nói năng, bà ta lơ đãng nhìn từ trước ra sau rồi khoan thai ngồi xuống ghế không đợi mời, anh nghe loáng thoáng bà nói bâng quơ với hắn lúc nào cũng đi theo kè kè bên cạnh: “… nghịch hướng… bỏ hết… chỉ còn mỗi miếng đất…xây dựng lại…”
Đợi mãi mới thấy bà ta đề cập đến vấn đề chính:
-Vậy là ông bà định bán căn nhà này giá 6 tỉ?
Anh nhìn qua hắn, thấy hắn gật gật ra hiệu, anh cũng gật đầu theo, chưa kịp nói thì bà ta đã tiếp luôn:
– Đáng lẽ không tới giá đó, nhưng thôi! tôi mua nhanh cho dễ làm ăn, ông bà theo tôi ra ngân hàng làm giấy tờ, tôi chuyển tiền qua luôn, khỏi đặt cọc mất công, ông bà cứ tạm ở lại, công chứng xong giao nhà cũng được…
Đúng là “đại gia” có khác, tiền tỉ mà nói nhẹ như tiền đồng, mua cái nhà mà như mua cái bánh cục kẹo….
Như đã dự định trước, cầm mấy trăm triệu, từ Ngân hàng anh chị tức tốc đón xe đến căn nhà vừa coi hôm qua, bấm chuông mãi mới có người ra mở cửa, sự thân thiện hôm qua đâu mất, chẳng cần anh đợi anh hỏi chủ nhân nói liền:
– Rất tiếc ông bà đến chậm quá, chúng tôi vừa bán xong sáng nay, cần tiền quá mà, ông bà cảm phiền…
Nói chưa dứt câu, ông ta đã vội vã đóng sập cửa, bỏ mặc anh chị đứng đó, nhìn thấy chị có vẽ tiếc, anh an ủi: “mình đi xuống mua căn kia đi, có sẵn đồ đạc luôn cũng tiện”…
Đến nơi, lần này ra tiếp anh chị lại là một người lạ hoắc, hắn ta nhìn anh chị với vẽ vô cùng ngạc nhiên, vừa nghe nói đến chuyện nhà cửa hắn đã nhảy dựng lên:
– Ai nói, nhà của tôi mà tôi có bán hồi nào đâu, thôi rồi! chắc ông bà gặp thằng em trời đánh của tôi rồi, may mà ông bà chưa đưa gì cho nó chứ không thì mất tiêu không ai chịu…
Thế là xong, cả 2 căn nhà đều vuột hết, lại còn phải cám ơn rối rít, mừng như mình vừa thoát nạn, anh chị quay về ngơ ngơ ngẩn ngẩn, không biết mình may hay rủi nữa….
Nấn ná cả tuần sau đó vẩn chưa mua được nhà, hỏi tới căn nào giá cũng cao ngất ngưỡng, anh chị đành phải thuê tạm một căn trong con hẻm cách đó không xa lắm để dọn đi mà giao nhà cho người ta. Đồ đạc cũng chẳng còn gì, anh cho hết vào mấy thùng giấy là xong. Đêm cuối cùng ở lại trong căn nhà cũ anh cũng không ngũ được, nằm trằn trọc mãi, anh ngồi dậy đi tới đi lui, sờ mó từng ngóc ngách , từng chỗ tường loang lỗ mà nhớ lại những ngày tháng đã qua, nước mắt anh lăn dài trên má, anh bước ra sân ngồi thụp xuống chân cây sứ trước nhà, nó ở đây cũng lâu lắm rồi, bao nhiêu mùa mưa nắng, nếu đếm tuổi chắc nó cũng xấp xỉ với anh, những chiếc rể trồi hẳn lên trên nền xi măng làm thành những vệt ngoằn nghèo, mai mốt lỡ mà có ai mang đi trồng chỗ khác đã chắc gì nó sống nỗi, mà không chừng anh cũng giống như nó vậy!…
Không muốn hàng xóm để ý, anh dặn người chạy “ba gác” gần đó đến từ lúc 3,4 giờ sáng, cậu ta vừa giúp anh chất đồ lên xe vừa hỏi han lung tung :
– Thầy hai bán nhà hả? bán bao nhiêu “dzậy”?
Anh nói cái giá, cậu ta cười hì hì:
– Thầy hai nói giỡn chơi hoài, bữa trước ông Minh ở đầu dưới bán nhà qua Mỹ ở với con tới mười mấy tỉ lận, ỗng cho đồ quá trời, tui có vô chở, mà nhà ỗng tui thấy nhỏ hơn nhà thầy nhiều lắm , chật hích hà…
Anh giật mình chống chế:
– Nhà hồi này rẻ…
Rồi anh kể cho cậu ta nghe về mấy căn nhà mình đã coi mà mua hụt, cậu ta tròn mắt nhìn anh:
– Thầy hai nhờ ai? Thằng cha Phong ở Công ty Toàn Cầu chứ gì?
-……………
-Trời đất! Cha đó bất nhơn lắm! Có người bị y chang! Thầy hai trúng thuốc rồi, mấy cái nhà thầy hai coi toàn là tuồng không đó, sao thầy hai dễ tin vậy?…….
Cậu ta còn nói thêm gì gì nữa mà anh nghe không rõ, tai anh ù đi, nước mắt lại ứa ra, anh thấy giận mình nhiều hơn, bao nhiêu năm đứng lớp, lẩn quẩn với cái bảng đen, chuyện gian trá cuộc đời anh gần như mù tịt, biết làm gì khác hơn được!…..
Tính ra anh dọn về chỗ ở mới ở chưa được tháng, lại có thêm một thói quen mới, hay nói đúng hơn là như một nỗi ám ảnh không rời, sáng nào anh cũng dậy thật sớm rồi đi bộ ra trạm xe buýt đối diện với căn nhà cũ, đứng bên này nhìn sang, cứ mỗi chuyến xe qua, anh lại thấy rỏ ràng mọi hình ảnh trong căn nhà đó, từng cái bàn, cái ghế, từng con người đi đứng nói ngồi, trải dài , ngắt khoảng rồi lại trải dài,… trong sân nhà thằng bé đang tập xe đạp té lên té xuống,… bữa cơm chiều ồn ào ngày nó thi đậu đại học,…, chiếc xe buýt đậu lại rồi chạy đi, những hình ảnh gián đoạn lại tiếp tục, ngày tết ấm cúng , dập dìu người ra vào qua cái cổng đó,…có lúc dồn dập rồi lại ngưng đọng, tiếng khóc , tiếng cười quanh quẩn….
Sáng nay thấp thoáng có mấy người thợ, hình như họ chuẩn bị bứng cây sứ đi nơi khác, cái cổng rào nhà anh chưa kịp khép, gió đung đưa như vẫy gọi với anh, nắng bắt đầu rát mặt, anh ngước nhìn lên bầu trời rồi tự nói với chính mình: về nhà thôi!…Anh bước xuống băng qua đường…..
Ngô đình Hải
RE: Về Nhà!
Tình tiết không nhiều nhưng khiến nguoi đọc rưng rưng nước mắt, thương cho vợ chồng thầy giáo Thông và giận cho cái gian ngoa của tay môi giới nhà.
nếu trong thơ NĐH dí dỏm trẻ trung thì trong truyện ngắn lại trầm tư, xốn xang. Vốn sống của anh đã làm những câu chuyện ngắn của anh khá “đậm” đó là duyên ít có…
Gửi Hà Xưa
Cám ơn Hà Xưa đã đọc và có những cảm nhận rất chí tình. NĐH chỉ ao ước mình sẽ ghi lại được những đoạn đường đã đi qua để nhớ và nhắc nhở mình vậy thôi. Chúc Hà Xưa vui nhiều. Thân ái.
GỬI NGÔ ĐÌNH HẢI
Cảm nhận của Hà Xưa rất tinh tế về truyện và thơ của em trai.Hà Xưa noái hết rồi nên anh chúc tác giả Giang “lục bình” vui khỏe
để đi”cày”cả về đời sống lẫn văn nghệ hí.
Gửi anh TD Lữ
Cái số thằng em nó phải “cày” như vậy anh Lữ ơi! Biết làm sao bây giờ, miễn là có anh em và còn được chia sẽ là còn vui rồi, phải không anh?
RE: Về Nhà!
* Đọc “Về Nhà” xong, thở dài! Người VN mình thường không thích bán nhà, vì nhà là nơi cất giữ bao nhiêu kỷ niệm thân yêu. Có đi đâu nữa rồi ai cũng chỉ muốn “Về nhà” thôi!
* Chuyện lừa gạt: Thời nay không chỉ người như thầy giáo Thông “bao nhiêu năm đứng lớp, lẩn quẩn với cái bảng đen, chuyện gian trá cuộc đời gần như mù tịt” bị lừa không thôi đâu mà còn bao nhiêu người tưởng rất khôn ngoan khác cũng gặp phải người “khôn” hơn mình rất nhiều! Đến nỗi những chuyện như thế này không thể đem đi khiếu kiện được vì đã “thuận mua vừa bán”. Dù sao, tay môi giới này cũng chỉ là người xa lạ, nhiều người còn bị bạn bè, người thân của chính mình lừa gạt đến trắng tay thì không biết nỗi đau còn lớn đến bao nhiêu!
Suy cho cùng, sống được trên đời để luôn được thanh thản bình an rất khó. Con người ta lúc nào cũng phải thủ thế, đối phó với nhiều nghịch lý có thể xảy ra.
* Làm bộ bàn về địa ốc một chút với anh NĐH nghen: Chỉ hơi thắc mắc chút xíu, thí dụ câu chuyện này là có thiệt hén? Không biết căn nhà của thầy giáo Thông diện tích bao nhiêu, ở chỗ nào mà nếu bán được có thể đến giá hơn 12 tỷ ( tương đương 570 triệu USD )? Nguồn tin lại do một tay chạy xe ba gác nói, đáng tin không? Nhà lại cũ đến 3 đời, người khác mua cũng chỉ lấy đất để đập hết rồi xây lại. Và nếu bị gạt chỉ bán được 1/2, thì thầy vẫn còn 6 tỷ. Hiện nay đúng là nhà khó bán, nhưng mua thì dễ hơn. Nhiều nhà bán dưới 3 tỷ là đã thấy đẹp và mới xây rồi đó sao anh không giới thiệu cho thầy? 😛 Còn nữa, chỉ có 2 vợ chồng, mua căn hộ 2 phòng ngủ 76 sqm đẹp mới, khu vực hơi xa thành phố một tí cảnh quan thơ mộng DT mới đi ăn tân gia về chỉ có 700 triệu thôi anh ơi! Nhà bây giờ bán ế lắm ai cũng biết mà! Có người muốn bán gấp kêu hoài không được đó, thầy giáo Thông bán được giá 6 tỷ vẫn còn may! Chỉ tiếc vì thầy đang bệnh, lại hiền lành quá nên bán nhà … hổng có lời nhiều thôi 😮
Gửi ND Tâm
Đúng là con mắt của nhà kinh doanh có khác!
Những con số đó có chính xác đâu DT ơi! NĐH nói đại mà( hihihi)! Thật ra cái chính mà NĐH muốn kể chỉ là có những thứ gần gủi như chính cuộc đời mình, mất nó thì mình cũng không còn!Như cái nhà với thầy giáo Thông vậy! Chúc DT vui.