Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trăng Thiu

Tôi quen cả hai: Hội và Trường. Hội không phải để được yêu và Trường không phải vì muốn cưới. Vậy mà ưng. Ưng cái nhẹ hều. Một sự chọn lựa khiến ai cũng phải tức cười. Má tôi nói: “Tao thấy tụi bay khác quắc. Sao sống? Trời!!!”. Ba tôi đủng đỉnh: “Vầy vậy đôi hồi lại sống bền. Sống được chứ sao không, trời!!!”.

Hội đẹp trai, cao ráo. Làm điếng lòng tôi bằng một đôi mắt to – buồn và hốt hồn tôi bằng những bản hòa tấu dìu dặt. Tôi đã có lúc mơ Hội là chồng và mình là vợ. Ban ngày chồng may quần tây, vợ ra chợ bán buôn và tới khuya cùng ngồi tựa cửa mơ màng theo những khúc nhạc. Đẹp chứ bộ! Mà cũng rất thực tế nghen. Hội vốn ghét bon chen, đua đòi. Tính lại hơi nhút nhát và rất khéo tay. Chọn nghề may là đúng rồi. Còn tôi? Lanh từ hồi có chút bẻo. Rất rành rẽ chuyện tính toán, thiệt hơn. Mua bán là hết trật. Phải làm chứ! Nghệ sĩ sao được? Bởi không biết đẻ chửa ra ít đồng bạc lời lãi, công xá lấy gì ăn mặc, tiêu pha. Sao kiếm ra mái nhà che mưa, trú nắng để tối về hú hí bên nhau và tiếng đàn của chồng có cơ hội tình tang, tang tính.

Sao kỳ cục quá là tình yêu của tôi với Hội? Bồ bịch nhau cả hai năm trời mà cái nắm tay không. Cái hôn không. Ôm ấp không. “Vậy tụi bay làm gì?”. Bạn tôi lộ vẻ kinh ngạc khi hỏi khiến tôi cũng bắt lửng xửng khi trả lời: “Thì…Thì…nói qua – nói lại. Kể chuyện này, chuyện kia rồi chở nhau đi ăn chè, bún bò. Rồi uống nước mía, cà phê…Rồi…”. Bạn tôi cáu kỉnh cắt ngang cái rụp: “Rồi…Rồi cái con khỉ. Không lẽ mày mướp máp, da dẻ mát rượi, ngực mông thây lẩy vậy mà nó không thấy thèm. Vậy là nó bị làm sao rồi”. Hội đâu có làm sao! Hội thèm chứ! Một khuya đêm. Đó là lần tôi tới thăm khi Hội đang sốt rất cao. Tôi nhúng khăn ướt lau mặt, đắp trán cho Hội và đang tính xuống bếp pha ly nước chanh thì thật bất ngờ bị Hội túm lấy kéo giật lại sát giường. Tôi cố vùng ra và bỏ chạy. Không ngờ bị Hội bám theo và rượt tôi từ phòng trong ra tới phòng ngoài. Rượt tôi lên cầu thang qua hành lang tầng một, tầng hai rồi sân thượng. Hội đuổi theo tôi sít sao và lòng vòng để rồi cuối cùng chận được tôi ở sát hồ chứa nước. Cùng đường, tôi bặm môi – cúi mặt. Không dám nhìn thẳng vô mắt Hội đang cháy bỏng bao khát thèm. Tôi ước ao có thể thoát ra khỏi cảnh tình éo le này và trong đầu chợt lóe lên một ý. Rất nhanh tôi vớ lấy cái gầu và múc nước trong hồ tát xối xả vào người Hội. Tôi tát như điên như cuồng. Cái tay tát nước và lòng reo lên những niềm vui: Vầy mà biểu ổng làm sao! Ổng thèm đó! Thèm tới vậy chứ thèm sao nữa, trời!!! Nước trong hồ cạn chừng nào thì lòng tôi lại đầy lên chừng đó. Đầy những sung sướng, hoan hỉ…Những hi vọng, hạnh phúc…Này: cưới, này: may, này: con cái, này: tiếng đàn… Tôi quên mất là người Hội đang ướt sũng và dầm dề nước cho tới khi nghe tiếng la thất thanh: “Thôi! Anh lạnh quá rồi mà!” Tôi mới choàng tỉnh, sững sờ, vội thả gầu và thở hào hển. Tôi sung sướng quá chừng chừng và mệt muốn đứt hơi. Ngửa cao cổ đón chút gió trời và bất ngờ bắt gặp trăng. Trăng mười tám. Không ngời ngợi sáng rỡ như trăng đầy nhưng cũng đâu héo úa như trăng non. Là trăng của trễ nãi, muộn màng. Là Hội đó thôi! Cùng những ham muốn đàn ông tưởng chừng như không có bỗng bật dậy, rạo rực một khuya khoắc.

Rồi một tối khác, sau đó cũng khoảng mấy tháng. Tôi rủ Hội ra biển ngồi chơi. Khác với bao lần trước, Hội với một kiểu ngồi nhiều…ái ngại. Nghĩa là xa xa. Nghĩa là là dè dặt, thăm chừng. Tối đó, tự nhiên không hiểu sao, Hội ngồi sít cận một bên. Tôi cười thầm: không ngờ cái anh chàng này chắc nụi. Phải ráng chờ cho cha mẹ đôi bên qua thăm nhà, ngõ lời mới…dám gần gụi, ôm hôn. Đã vầy vầy không lẽ? Vầy không ôm.Vầy không hôn để chừng nào nữa trời!!! Tôi đinh ninh vậy và lặng thinh chờ đợi. Phía Hội cũng lặng thinh. Lặng thinh lâu đến độ tôi phát hoảng. Đã mấy giây trôi qua, mấy phút, mấy giờ, mấy buổi? Tiếng gõ đều đều từ chiếc đồng hồ đeo tay của Hội làm tôi thêm nóng ruột, bồn chồn. Và rồi cuối cùng không chịu nổi. Tôi đứng dậy, phủi quần, bỏ chạy. Tiếng lào xào, lào xào…bước chân của tôi trên cát làm bao cặp tình nhân đang mê đắm trong tay nhau chợt bừng tỉnh, ngơ ngác ngó nhìn. Trăng vừa nhú lên rọi rõ những đôi mắt giương to dò hỏi. Những đôi mắt ấy xoáy vào tôi với cùng những câu hỏi này: “Bộ cái thằng đó nó làm hỗn với bạn hả? Nó rờ mó bạn? Nó tính cởi đồ bạn? Nó làm bạn hoảng?….”. Tôi có đứng lại một chặp và phẫn nộ trả lời. Cũng vẫn sự trả lời trong bức bối lặng thinh: “Nó mà làm hỗn tôi. Nó mà tìm cách đụng tới đồ lót của tôi đã đỡ rồi. Có đâu…. Có đâu mà vầy???”. Đúng là một sự đối đáp không cần mở miệng, múa mép…Không cần đụng cựa cái bộ mình mà sao tôi mệt đừ. Mệt đến độ hết muốn nhấc chân lên để bước. Cái chân thì vậy mà cái cần cổ lại muốn rung lên những trận cười…Có thể nào chúng tôi rồi mất nhau? Khuya đó nỗi buồn cầm tay dắt tôi đi và trăng mười tám le lói trong tim tôi những rạn vỡ tình đầu…Tôi, trăng và nỗi buồn. Qua phố, ra hồ rồi vòng lại hồ ra phố…Bao ngõ đường nỗi buồn tôi đi qua? Nỗi buồn tôi chưa chịu dừng lại và nhòa mờ hòa lẫn vào trăng. Khi tôi một mình, tóc ướt đẫm sương đêm và lạnh run quay lại biển, Hội đã không còn ở đó và sớm mai như thể đã bắt đầu. Tôi cũng muốn kéo thêm cuộc tình với Hội để hy vọng: lại nữa một khuya đêm. Nhưng biết đâu chỉ là chút trăng muộn bẽ bàng và tê tái. Trăng như thể không mới mẻ vẹn nguyên. Trăng như cũ mòn, rớt xanh, thiu buồn tội nghiệp.

Trường có vần ương. Ương như Khương, Lương, Tương, Mương… Và “ương” cũng từa tựa như đường để rồi từ đường mà thương. Tôi nói dỡn thôi! Chứ do Trường làm mía, mở lò. Cái đó người ta kêu là dựng che và hồi đó còn phải dùng trâu để ép. Bởi đó thứ gì thì không dám nói chứ các loại đường dễ dầu gì lũ tui thiếu. Chỗ tôi và mấy cô bạn ở trọ đối diện với “che” của Trường. Ngày nào Trường cũng qua nhà. Cái cách Trường ở trần trùng trục mặc cái quần công nhân xanh đen, phơi cả một khoảng ngực vạm vỡ và đen đủi sầm sầm bước thẳng vào cửa với một tay bưng tộ đường dẻo, một tay cầm đúng năm cái bánh tráng nướng, theo tôi, là một hình ảnh khá bắt mắt và hết sức đàn ông. Tôi có thói quen từ khi đó. Nhìn ngắm Trường như nhìn ngắm một người nam có rất nhiều hấp lực. Chỉ nhìn ngắm thôi chứ nghe Trường nói chuyện rồi ngó Trường lúc này ớn lắm kìa! Trường tự nhiên bắt kỳ dị. Ai đời đem qua năm cái bánh tráng thì ngồi phết đường ăn hết ba cái rưỡi. Vừa ăn vừa cười: “Mấy cô đâu có lao động như lũ tui. Đói bụng gì mấy mà đâu có thèm ngọt”. Tôi nói với con bạn: “Tao ăn đường dẻo của thằng này hoài mà tức quá. Sao chỉ có dính răng không vầy?” Bạn tôi chun mũi: “Có muốn dính tình hay không là do mày chứ!”. Mà đúng là do tôi chứ Trường thiệt thà, vô tư lắm. Ờ! Để ý. Ờ! Thương. Mà tui thương ai là cưới. Tui không biết chuyện trai gái đâu nghen. Hẹn hò chi mệt. Là Trường.

Tôi đã nghĩ nếu mình cứ công tác ở quê miết chắc gì hai đứa đã nên duyên chồng vợ. Đây cắc cớ ba tôi lại chạy chọt cho về. Nghĩ để gần Hội rồi còn lo chuyện cưới hỏi, con cái. Ba tôi cũng không ngạc nhiên gì khi thấy tôi xa Hội. Cũng không hỏi lý do. Cả má. Cả các anh chị. Cả mấy đứa em. Má tôi chép miệng: “Cái thằng đó nó ẻo ọt quá. Tui cũng không vừa bụng”. Còn Trường, má cười bắt rung cả hai vai: “Còn cái ông đây thì tui lại ớn. Nội cái nước đen của ổng là tui đã bắt nhớ mấy cái lão chà và bán vải hồi trước. Vừa nhìn đã thấy cay cay cái mùi cà ri nơi cần cổ rồi. Úy mà! Hơi nào. Nó ưng thì cay vậy chứ cay nữa cũng ráng nuốt”. Hồi đó mỗi lần Trường tới thăm tôi là cả xóm mừng và ấn tượng với hình ảnh Trường một tay cầm lái chiếc Honda 67, một tay xách nguyên cái soong chạy sầm sầm vô ngõ. Người đen thui mà cái soong cũng đen thui. Người đen vì cày bừa, bương chãi nắng mưa bụi bặm và cái soong đen vì dính đầy bồ hóng và lọ nghẹ. Trường đặt soong ngay trên bàn khách. Cởi mũ lau mồ hôi dính đầy mặt và tự xuống nhà sau rót nguyên ca nước đầy, uống ừng ực. Ba tôi nheo mắt nhìn Trường và hỏi cho có:

– Chứ xách vầy có nặng không? Lỡ rớt thì sao!

– Rớt gì được? Cột ràng bằng dây giang. Giang rừng. Đó, làm cái tay cầm luôn. Chắc nụi.

– Mà cháu cho gì nhiều vậy?

– Nhiều gì. Thì để ăn dần. Thì cho nẫu bớt. Một lần đi, một lần khó. Một lần cho đường, một lần cực.

Trường nói trổng trổng vậy à! Và đôi hồi còn thò thụt tiếng “mẹ nó” ở đầu môi, khiến tôi nhiều phen sợ xanh mắt. Tôi nói Trường anh đi hết đây hỏi coi có ai tới đòi ưng con gái người ta mà cứ “mẹ nó” kêu? Mẹ nó là mẹ tui hay mẹ anh, hử? Trường nghe gãi đầu. Đáng yêu làm sao! Chị tôi dích đường dẻo ra từng chén nhỏ và đem cho mấy người chung quanh. Trước mặt, ai cũng khen thằng đó tội vô hoài và cho đường hoài nhưng sau lưng ai cũng chê. Cái thằng gì mà xấu òm, quê rình và đen thui. Nội tôi ăn chừng hai muỗng nhỏ. Bà nhâm nhi với một bình trà đậm gắt, gật gù khen ngon và cười với hai hàm răng rỗng ruếch: “Nó xấu xí, cộc lốc, khô rang mà đường nó đẹp, ướt át, thơm tho. Trời! đâu ra thứ đường dẻo vàng sánh, đặc sệt, thơm lừng vầy chớ! Mày lấy nó cũng được mà không cũng được. Lấy cũng phải mà không lấy cũng không sai.”. Ba tôi nhai bánh tráng phết đường rôm rốp, rôm rốp. Vừa nhai vừa nói trững dỡn: “Từ đường khiến thương và thương, thương là bởi đường. Tao gã óc. Là xong”.

Đám cưới tôi nửa quê, nửa tỉnh. Đãi ở sân thượng nhà và ăn toàn các “món ở nhà hàng”. Đó là nói theo mấy người bà con phía chồng tôi ở trên quê. Tiệc tùng khách khứa xong cũng hơi khuya. Trường say vùi nằm ình giữa nhà mê mệt từ sau khi chúng tôi tiễn đưa người khách cuối cùng. Tôi vội thay đồ để còn cùng với người nhà thu dọn. Vừa xong thì điện cúp và thấy trăng. Trăng phủ nhờ nhờ lên khoảng sân một lớp mơ vàng yếu ớt. Thứ ánh sáng nhẹ hều này không thể từ một bóng trăng đầy đặn. Không thể là trăng rằm. Tôi thót tim khi chợt nhớ ra. Phải rồi đám cưới tôi trúng vào mười tám. Trăng muộn. Mai sẽ là rước dâu và mai tôi vĩnh viễn rời bỏ nơi đây. Có đem theo chăng: Một dãi trăng trễ nãi, mọn hèn lướt thướt trên cuộc tình thơ ngây nhiều nông nỗi, xót cay? Hội, giờ sao không thể ngồi bó gối ở khoảng sân thượng nhà mình. Lại tiếng đàn. Lại trăng. Ôi! Trăng muộn. Muôn đời là rất muộn.

Đêm sau ở quê Trường khi tiệc tùng đã xong. Mọi sự bận bịu đã kết thúc. Và Trường không cách gì tỉnh nổi bởi uống quá nhiều. Tôi được má chồng dắt ra lùm cây sau nhà tắm rửa. Trăng vờn trên da thịt tôi, đọng đầy nơi gánh nước, rắc sắc vàng lên cây. Trăng muộn làm tôi nhớ lại nỗi đau cũ và tủi thân bật khóc. Tôi khóc thêm lần nữa khi vô buồng nằm nép một bên Trường. Mệt mỏi, rã rượi mà không sao ngủ được. Mùi rượu, mồ hôi từ người Trưòng túa ra bắt ngộp thở. Nghe tiếng thút thít, Trường có tỉnh giấc chỉ mấy giây. Dụi mắt thấy tôi, làu nhàu: “Mắc mớ gì khóc? Ai đã đụng chạm gì? Đã làm đau làm đớn gì, hử!!!”. Cửa sổ của gian buồng trông ra khu vườn. Và tôi nằm đó bên chồng dõi lòng theo một ánh trăng. Để rồi trăng như vướng víu mãi vào đời tôi, không nỡ đứt rời.

Trường được cái chuyện ăn, ngủ và làm lụng. Nằm đâu ngủ đó. Ăn gì cũng xong và công chuyện cực nhọc tới đâu cũng kham nổi. Không một chút nề hà. Nhưng cứ đùi đụi làm vậy thôi chứ đâu có biết đường tính toán, cầm giữ nên tiền bạc vô ào ào cũng ào ào trở ra. Má chồng tôi than thở: “Ổng vậy mà còn bày đặt lấy gái tỉnh. Mà có tỉnh táo, u mê gì thì về đây cũng vậy hết. Đó. Dòm nẫu quanh đây mà bắt chước. Nẫu sao mình vậy. Ai biểu lấy chi cái thứ trai nhà quê. Bộ dưới phố hết người hay có …sao sao. Để tui còn biết đường thắp cây nhang trên bàn thờ ba nó mà xin lỗi một tiếng”. Nghe má nói Trường nổi xung vọt miệng: “Chứ bà nói cái gì chưng hửng dữ vậy bà má? Vợ tui ra sao là tui biết. Không lẽ tui nói bà. Vậy bà thôi dùm nghe. Đừng có dằn xóc mất công thằng này nổi cục. Rộn nhà…” Trường nói chuyện với má mình cứ một điều tui hai điều bà. Nghe không thuận cái lỗ tai chút nào nhưng góp ý thì Trường lại sừng sộ: “Tui nói vậy sao na? Má tui. Tui nói…nội địa không được na? Thì mấy người ngon mấy người nói chuyện…quốc tế đi. Còn tui. Vậy đó! Chịu được thì chịu. Không thì thôi”. Tôi biết Trường ghen. Tận trong thâm tâm, Trường luôn bị cái bóng của Hội đè và không chừng cái bóng ấy cũng luôn đè lên tôi và mái nhà hôn nhân này. Mỗi tháng có một lần trăng. Mỗi trăng có một lần già. Sao khỏi nhớ? Khỏi bồn chồn, day dứt? Căn buồng tôi hồi trăng sáng rỡ, ùa túa tràn ngập còn đỡ. Lúc ngã nghiêng hắt hiu muộn màng, người tôi như co lại trong vòng tay chồng hào hển, khát khao. Trường là vậy. Ham ăn. Ham ngủ. Ham chuyện vợ chồng và ham ghen nữa chứ! Cứ hỏi hoài bắt bực: “Chứ thằng Hội nó có thường hôn em không? Chứ nó hôn sao, hử?”. Tôi làm thinh nẹt cũng tức và một lần hét lên: “Thì hôn…nội địa chứ hôn sao!”. Nghe, Trường bật cười: “Mẹ nó! Cái thằng. Thấy cái tướng khỉnh dữ mà đâu hơn gì mình”.

Thôi nôi thằng Tí xong là vợ chồng tôi cất nhà riêng. Cũng cùng một khuôn đất của bà nội. Hai đứa cãi nhau sát rạt về cái buồng, cái bếp, cái đòn dông, cái hiên, cái mái…Tôi đã ngộp thở hung rồi ở cái buồng cũ nên muốn phòng ngủ của mình giờ rộng rãi hơn và thoáng đãng. Trường nói chi vậy cho tốn. Mẹ nó! Chỉ là chỗ “ình” mà cũng sinh chuyện. Tôi nạt lại: Ai sinh chuyện? Trường đuối lý cứ “mẹ nó” khan. “Mẹ nó” đã là bản hòa tấu quen thuộc và thiết thân của riêng tôi, từ khi nào? Một bản hòa tấu không dùng cho người biết chơi đàn và thưỏng thức âm nhạc. Một bản hòa tấu không có tiếng ghi ta và một người tựa cửa mơ màng ngóng nghe. Vẫn rớt đều lên đời. Vẫn rơi đều trên tôi. Rơi ngày mưa đời thêm u ám. Rớt ngày nắng đời vẫn thế. Không thể sáng tươi hơn. Ba tôi vậy mà thiệt hay, khi nhận xét: “Vầy vậy đôi hồi lại bền. Sống được chứ sao không?” Tôi nghĩ sống tốt nữa là khác.Thì đó! Mới mấy năm chung sống mà lũ tôi đã tạo được một số vốn kha khá, cất được nhà, có con trai, gạo đầy phuy, mắm đầy thạp, đậu – đổ đầy lu và đường muỗng kê dọc, ngang khắp nhà.

Lấy nhau về tự nhiên tôi hết mê ăn đường và thích ngọt. Lâu lâu Trường mới đem về một tộ và tôi luôn càm ràm: “Dính răng bắt ngán” khiến Trường nổi xung: “A! Cái bà này. Dính răng tui chứ dính răng mấy người ha lo, trời!!!”. Nói xong không quên cau có: “Mẹ nó! Ra ngoài thấy đàn bà, con gái nẫu sao thèm. Người ta nói chuyện bông, chuyện hoa nghe không là đã muốn kê sát mũi hửi. Hửi cho nó đã. Nẫu vậy, còn vợ mình. Mở miệng ra là toàn nói chuyện…nội địa. Nghe, bắt ù tai. Mẹ nó!”. Không biết từ khi nào tôi đã ưa cái từ “nội địa” nơi cái miệng hàm hồ của chồng mình. Ưa thiệt! Chỉ bực tức la hét om sòm một lần. Đó là khi Trường kéo luôn thằng Tí vào cuộc:

– Tí, mày có thấy bà má mày toàn ưa ba cái chuyện tào lao không?

– Tào lao gì ba?

– Mẹ nó! Báu thiết gì trăng hồi qua rằm mà săm soi, dòm ngó miết.

– Ông không báu. Tui báu.

– Bởi vậy mới kêu tào lao. Mẹ nó! Trăng cũng như con gái á chứ!

– Là sao?

– Mẹ nó! Cái thứ trăng qua rằm. Trăng mười bảy đổ lên nghen . Trăng …nội địa. Ức gì.

Tôi ngớ người trong giây lát và đùng đùng nổi giận. Cơn thịnh nộ cũng qua nhanh khi thấy Trường gãi tai, xoa tóc và thằng Tí mắt trước lấm lét mắt sau. Thật ra theo thời gian tôi thấy cũng có thương. Càng lúc tôi càng ít muốn cãi cọ, gây hấn với Trường. Nghĩ được gì đâu. Rát họng, mỏi miệng, nhức đầu và đau lòng. Không như hồi mới cưới, sao mà nản. Hôn nhân sao nặng nề? Tôi sợ mình bước lết bết riết cái đứng luôn. Đứng luôn là rã đám. Kết thúc. Tan nát và chia lìa. Cũng may tôi chỉ nản và cái nản rồi cũng qua. Không đeo mang hoài bên mình thứ tâm trạng muốn buông xuôi và hắt đổ, khi mỗi ngày đi qua thì trái tim đâu phải thắt thẻo, co ro mỗi khi mùa trăng trở lại. Và ngậm ngùi sao có thể ở lại lâu? Dẫu, đã nhiều khi nghĩ hôn nhân kiểu này chắc không xong. Cái màu vầy chắc không thọ nổi một mùa trăng vậy mà bảy, tám, mười lăm, ba mươi… mùa qua. Chúng tôi vẫn còn nhau với rất nhiều lấp vấp…Vẫn là vợ, là chồng.

Tôi hay nghĩ vầy: Hôn nhân của người như miếng bánh ngon. Háo hức ăn và mau ăn, mau hết. Hôn nhân tôi là bánh dở, bánh mốc, bánh khô. Tôi nhai qua, nhai lại. Nhá tới, nhá lui. Cũng hết mà hết không mau nên mình cứ có ăn hoài. Như trăng. Trăng non tươi rời rợi. Trăng cho người. Trăng cỗi già, héo úa. Trăng tôi. Là trăng, từng mùa rọi trên tôi mênh mang và vời vợi. Tôi đã không còn có thói quen nhớ Hội, dẫu mỗi tháng vẫn một lần trăng. Tôi mắc lo bán buôn, giỗ quãy, dạy dỗ con cái, chăm chút cho gia đình và nói chuyện…nội địa với chồng. Mắc gì chuyện nội địa không hay? Mắc gì trăng… nội địa không đẹp? Chuyện nội địa mà cần sao không nói? Trăng nội địa có đó sao không dòm? Là trăng tôi. Dẫu rất là cũ kỹ. Vẫn trăng.

Nguyễn Mỹ Nữ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả