Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trà Cú – Cổ Thạch

Trà Cú- Cổ Thạch là những thắng cảnh mà đoàn hành hương sắp ghé qua trước khi làm công tác từ thiện ở Cam Ranh, một vùng kinh tế khó khăn có nhiều dân tộc thiểu số.

Tối 24 tháng 3 năm Quý tỵ vào lúc 20 giờ, đoàn xe 5 chiếc 45 chỗ đã sẵn sàng đón các phật tử lên xe khởi hành chuyến đi từ thiện và hành hương.

5 giờ sáng đoàn người đến nhà của sư trụ trì tịnh xá Ngọc Hiệp, ở đây họ rất hiếu khách, đã chuẩn bị đầy đủ chổ nghỉ chân, trà nước, ẩm thực v.v… Để phát quà, đoàn người ỳ ạch khuân vác đồ đạc vào: gạo, áo quần, mì tôm, xì dầu, bột ngọt, đường v.v…cùng những đồ chơi trẻ em xinh xắn.


Phong cảnh nơi đây rất hữu tình với gió núi mây ngàn, vườn nhà rộng, cây cảnh mát mẻ gần 1 hecta, nhiều nhất là đu đủ với những quả oằn oại đu xung quanh cây trồng thật xinh, dừa thì cao vút, nhà nào cũng có, nghỉ chân một lát mới thấy ánh nắng bắt đầu chói chang , đúng là cái nắng ở miền núi. Đoàn người được phát quà lần lượt đến xếp hàng. Đoàn từ thiện làm việc theo lối dây chuyền; gạo mì các thứ…Sư trụ trì thì phát phong bì, bọn trẻ em được phát thêm đồ chơi chúng rất thích. Nhìn lại những người đến nhận quà quần áo lam lũ, những em bé chân đất đầu trần, đen thui đen thít. Những cụ già áo rách vai lom khom, những người đàn bà quần ống thấp ống cao đứng xếp hàng chờ đến phiên mình. Thật chẳng biết nói sao. Đúng là “kẻ ăn không hết người lần không ra”.

Trong vòng một tiếng đồng hồ quà phát xong, đoàn người hớn hở ra về. Đoàn từ thiện mồ hôi nhễ nhãi, ai cũng lấy tay quệt mặt lau trán, vậy đó nhưng thật là hoan hỷ, tâm an lạc.

Trên phát quà, dưới nhà bà con lối xóm cùng đoàn lo ẩm thực, ở đây có loại bánh ú lá gai rất ngon, đúng là đặc sản ai cũng dặn mua một ít đem về làm quà. Điểm tâm xong đoàn tiến về Sơn Long Cổ tự ơ Nha Trang, một ngôi chùa nổi tiếng. phía sau chùa trên núi leo lên 150 bậc có tượng Phật Thích Ca ngự, Ngài ngồi uy nghi đang mỉm cười với đoàn hành hương. Ai cũng lễ Ngài rồi ngắm trời mây. Từ trên cao nhìn xuống thành phố Nha Trang như thu gọn lại.

Mới chốc lát đúng ngọ, đoàn hành hương xuống núi vè khách sạn nghỉ ngơi. Buổi chiều đi tắm bùn. Khen ai khéo vẽ lắm trò chơi, tắm bùn qua 7 giai đoạn, kể ra dài dòng, chắc nhiều người đã đi và cũng biết rồi. Tối đến thả hồn theo biển Nha Trang cùng các bạn đạo, người người ai cũng thở phào nhẹ nhõm, quên đi cái mệt mỏi sau 1 ngày dài vất vả.

Sau đó Minh được anh họ con cậu Tám, một giáo viên rất nhiệt tình, chở Minh đi dạo khắp thành phố Nha Trang thăm bà con, lâu ngày gặp lại ai cũng vui mừng khôn xiết, tay trong tay xiết chặt, hỏi thăm, tâm sự vui buồn.

Sáng hôm sau từ giã phố biển đoàn xe tiến về Trà Cú- Cổ Thạch, người hướng dẫn chính là thầy Hòa ở Hoa Quang. Chùa Linh Sơn Trường Thọ nằm trên núi Trà Cú ở Hàm Tân mà một lần được em Huệ dẫn đi theo cơ quan, nhưng dạo ấy chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” nên chưa am hiểu mấy, nay được có cơ hội tìm hiểu rõ hơn. Trà cú là một kỳ sơn thắng cảnh thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hàm Tân tỉnh Bình Tuy. Muốn lên đến đỉnh phải đi cáp treo, hiếm người đi bộ như xưa. Ngồi trên cáp treo mà mình hú hồn hú vía, nhìn xuống khe núi sâu hoắm, trời cao lồng lộng, cây rừng âm u, mình nhắm mắt lại tim như muốn thoát ra ngoài mà nghỉ dại “nếu mình rớt xuống đây thì làm sao” ? có trời mới cứu! nhưng không sao, hệ thống cáp rất an toàn mà lo gì!

Khi lên đến nhà ga là bắt đầu leo từng bậc thang lên đến chánh điện. Đây là một kỳ công vĩ đại mà tổ sư Hữu Đức khi xưa đã khai sơn tạo sự. Trên núi cao vút từng mây vạy mà các ngài tìm đến khai phá sáng lập nên chùa chiền để chúng ta ngày nay được hành hương chiêm bái, lễ Phật. từ chánh điện lên 200-300 bậc nữa, hì hục đoàn cũng đến chổ Tam Thế Phật. Tiến lên tiến lên thêm nữa là tượng Phật nhập niết bàn dài 49m được tạc từ năm 1962 , nghe đâu hồi đó trực thăng chở vật tư lên cho thợ tạc tượng giữa núi rừng hùng vĩ, một kỳ tích tuyệt vời mà các tổ đã kỳ công tạo dựng. Kỳ này mà Minh leo núi rất là phấn khởi kịp theo đoàn hành hương cũng là điều kỳ diệu vì chân đau do hôm trước bị ngã vậy mà cũng leo lên đến Phật Niết bàn lễ lạy ngắm trời đất, cảm thấy mình khỏe không còn đi cà nhắc nữa. Về kể cho các con nghe, con ba, thằng út cho là sự mầu nhiệm. Còn thằng lớn phát cho một câu xanh rờn “nếu vậy nhà thương dẹp hết mà nên leo núi”.

Minh phân bua với con nhà thương để chữa bệnh căn, còn bệnh nghiệp phải chữa bằng tâm linh, làm việc thiện, làm điều tốt thì mới chuyển nghiệp được. thàng con miển cưỡng nghe theo, vì nó chưa hiểu mấy, nên minh Phân tích thêm: ngày xưa tổ Huệ Khả có khối u trong đầu, mặt dù đã chạy chữa rất nhiều thầy, nhiều nhà thương nhưng nhưng đều vô hiệu, sau đó đệ tử của Tổ phát nguyện ấn tống kinh sách, làm từ thiện hồi hướng cho tổ, sau một thời gian thì khối u biến mất (theo lời thầy Phước Tiến kể)

Trà Cú đã đi qua, điểm dừng chân kế tiếp ngày hôm sau là Cổ Thạch ở mé biển Bình Thuận viết cho đúng là nằm trên núi dọc theo bờ biển. Bên trong những động đá là chánh điện thu hẹp, có nơi thờ Phật, hang thì thờ các vị thần khác. Nắng ban mai cộng với gió biển hiu hiu thổi vào thật sảng khoái, vì 6 giờ sáng thầy đã dẫn đoàn đi lễ Phật ở chùa Cổ Thạch, sau đó tiến dần ra biển rồi lên núi, đây là nơi có nhiều hang động đẹp thế mà thiên nhiên khéo tạo nên, mà các nhà sư, các tổ khi xưa đã dày công tìm kiếm để ẩn tu, “tài thật” tôi thầm nghĩ. Dưới là biển, trên là núi, càng tiến lên cao những tản đá chồng lên nhau tạo thành những hình ảnh kỳ diệu trong mỗi hang, thờ những vị thần khác nhau. Ngoài thờ Hổ, có hang thờ cả ngũ hành nương nương (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), thờ cả bà Cửu Thiên Huyền Nữ.v.v… riêng Ngài Di Lặc ngồi cười ngất nghểnh trên tảng đá cao mà ai cũng cố trèo lên, sờ bụng Ngài và chụp hình. Minh cùng bạn Cúc cũng ghi mấy phô làm kỷ niệm, cả đoàn cùng chụp hình. Ngoài Ngài Di Lặc còn có Ngài Quan Âm Nam Hải, Ngài đứng nhìn ra biển…ai có niềm tin lớn thì đến đây chiêm bái, lễ lạy, ai còn thiếu đức tin thì tham quan. Vì đây là danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên ban tặng cho, cộng với những đôi tay của các nghệ nhân tạo nên kỳ tích tuyệt mỹ đã tô điểm cho các hang động ngày thêm khang trang đẹp đẻ để thờ Phật và là nơi hành hương đáng nhớ cho Phật tử khắp nơi, khách du lịch tham quan, thật Minh rất cảm kích và kính phục các vị ẩn tu ở đây, lánh xa cõi trần thế.

Cổ Thạch rất sầm uất, có đầy đủ các điều kiện phục vụ cho khách hành hương, khách du lịch, có nhà nghỉ, có khách sạn, chợ gần đó mua bán đủ thứ nhất là đồ lưu niệm mặc tình chọn lựa, ai ai cũng sắm cho mình 1 vài món mang về làm quà. Tham quan dạo cảnh xong ai muốn tắm sáng tắm chiều gì tự do, riêng mình chiều buông xuống gió biển thổi lên, sóng đánh dồn dập sợ quá, lại lạnh run nên đứng trên bờ nhìn xuống các bạn còn mua được hải sản tươi mà ngư dân vừa chài được.
Sau khi xuống núi, Minh luôn mang trong lòng sự khâm phục về Cổ Thạch, tâm đắc nhất là bài thơ vịnh chùa Cổ Thạch của Thu Lâm khắc trên đá mà Minh đứng tựa vào nhờ anh phó nhóm lưu lại cho và kết thúc Cổ Thạch :

Thạch tự mấy từng chiếu ánh quang
Danh lam dục bước khách du nhàn
Cây chen gác trống, chen hoa núi
Đá đội lầu chuông, đội gió ngàn
Sóng biển dạt dào reo mặt bãi
Chim rừng ríu rít nhộn lòng hang
Ai hay cảnh trí mang màu Phật
Sự tích kiên cường viết mấy trang…

(Mùa hè năm 1995)

Rời Cổ Thạch là một mạch về luôn tới nhà nhưng ai cũng nao nức, đi thì cũng nôn nóng mà về thì nóng hơn, giờ đây đã an toàn sau chuyến từ thiện và hành hương để rồi ngày mai đây tiếng gà gáy, tiếng đồng hồ báo thức, mặt trời lên lại đưa ta vào qũy đạo của cuộc sống. mỗi người mỗi việc, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh…

Diệu Minh Sang

2 BÌNH LUẬN

  1. RE: Trà Cú – Cổ Thạch
    Diệu Minh ơi, tuổi già sắp đến rồi đó, biết làm phước để dành cho kiếp sau thật là thán phục. Lần sau có đi làm phước nhớ hú mình một tiếng với nhé. Chúc an lạc. CD

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả