Những buổi chiều tôi chợt lắng nghe
Tiếng chiếc lá khô vô tình rụng xuống
Từng cánh hoa rơi nhẹ trong gió thoảng
Những cánh chim bay về phía nỗi buồn
Tiếng trầm tư của những hồi chuông
Xa từ cõi mênh mang vọng lại
Đôi guốc mộc bên màu hoa dại
Những nụ cười con gái bâng khuâng
Cũng đôi khi nghe tiếng thì thầm
Những câu thơ gởi từ thiên cổ
Một chút u hoài của lòng thương nhớ
Mảnh mây trời trong gió chưa tan
Lắng nghe bao âm điệu trần gian
Tôi hiểu được nỗi niềm im lặng
Của đôi mắt em buồn trong chiều vắng
Đang lắng nghe tiếng gọi vô thường
Hồ Ngạc Ngữ
08.7.2012
RE: Tiếng Gọi Vô Thường
Thơ luôn mang sắc màu và hình bóng vạn vật, dù chỉ là vài hình ảnh bình thường, gần gụi nhưng luôn kết nối nhau theo một tuần tự riêng để từ đó mang dáng dấp của một bức tranh. Bức tranh với nhiều gam màu nhạt, thường không tương phản nên như đang đứng chung, đang hòa vào nhau.
Trong đó, cái tôi luôn lùi về phía sau, như muốn ẩn; lần này thì nép vào tận khổ thơ cuối. Bài thơ là lời nói trong im lặng, một chút gửi gấm về cái nghĩa sắc không kia.
RE: Tiếng Gọi Vô Thường
Lời bàn của Bạn thấm nhuần đạo vị, đi sâu vào hồn thơ.
Thiền sư Nhật Bankei hướng dẫn người tu thiền pháp tu ‘nhĩ âm viên thông’, chỉ cần lắng nghe là thấy tính.
Âm thanh bên ngoài có thể biến đổi, tính nghe thì vô hạn.
Tiếc là ‘lực bất tùng tâm’, nên thơ chưa nói hết điều ấy.
Cảm ơn bạn.
RE: Tiếng Gọi Vô Thường
khi khiêm cung, ẩn nhẫn, lùi về sau -như người viết- thì sẽ ‘nghe’ được rất nhiều.
Trong thơ đã có rất nhiều tiếng vọng cũng từ cái ‘nghe’ đó mà ra.
cái thấu cảm về sự im lặng đã nói lên phần nào điều đó.
Khi các pháp lắng,
nghe được tiếng hoa rơi.
Thiết nghĩ cũng đủ.
Rất mong đọc thêm các bài viết của Anh.
RE: RE: Tiếng Gọi Vô Thường
Trong sự im lặng tuyệt đối, tiếng rơi của giọt lệ cũng gây bão tố ở đại dương.Một cái gảy móng tay chấn động tam thiên đại thiên thế giới.
Cảm ơn bạn hiền đã góp thêm lời bàn.
RE: Tiếng Gọi Vô Thường
Anh HNNgữ hôm nay đổi ton làm thơ Thiền hay lắm nghen! TT thì chưa bao giờ Thiền nổi! 😛
RE: RE: Tiếng Gọi Vô Thường
gửi Trầm Tưởng,
Mỗi người thơ đều viết theo cái tạng của mình, tùy theo tâm trạng và rung cảm.
Rất ngại những từ ngữ đặt sau chữ Thơ, ví dụ thơ trữ tình,thơ cổ điển, thơ thiền…,có vẻ như không cần thiết lắm.
Cảm ơn Trầm Tưởng đã đọc.
RE: Tiếng Gọi Vô Thường
mình thì thấy nhà thơ dù muốn tịnh nhưng vẫn không tịnh nỗi vì vẫn “cảm” đôi mắt buồn 😛
chọc anh Ngữ chút, nhưng bài thơ đúng là như bức tranh lụa mềm mại
RE: Tiếng Gọi Vô Thường
gửi Hà Xưa,
Tịnh và động là tính chất của vọng, nhưng nếu không có vọng, sẽ không có chân.
Ai cũng ví tranh như thơ, Hà Xưa ví ngược lại.Nhưng tranh lụa cũng đẹp chứ sao!
Chúc an vui.
RE: Tiếng Gọi Vô Thường
Thân gửi anh Hồ Ngạc Ngữ, bài thơ là một bức tranh của hoài niệm, sâu lắng trong cái tĩnh tâm để tạo ra bức tranh tuyệt mỹ. Cảm ơn anh đã chia sẻ bài thơ.
Tấn Lực-Bình Định
RE: Tiếng Gọi Vô Thường
gửi Nguyễn Tấn Lực-BĐ,
Tôi thành thật góp ý với bạn điều này:
– Bạn nên chọn một bút danh thay vì dùng tên thật hiện nay, để tránh tên anh Nguyễn Tấn Lực ở Sài Gòn đã dùng lâu nay.
Rất cảm ơn bạn đã đọc thơ và góp lời bàn.
Mong hoan hỷ.