Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Cõi Tạm

Viết kỷ niêm về một thời đã xa – một người bạn đã ra đi mãi mãi.

Sau Tết Ất Mão. Tôi càng cảm nhận ngày chia xa gần kề. Dù phải bận rộn với bài vở cho kỳ thi Tú Tài IBM sắp tới. Nhưng vẫn tìm mọi cách để níu kéo thời gian. Dù biết rằng đó là điều không thể. Tôi luôn luôn hốt hoảng vì cảm thấy dường như thời gian đi nhanh quá.
  
Năm ấy, chương trình “Xanh lá sân trường” do các tổ chức nước ngoài viện trợ. Trường Nữ được trồng loại cây Bạch đàn mang giống từ Úc qua. Chúng tôi cứ thắc mắc tại sao lại trồng loại cây này. Nó chẳng mang lại bóng mát cho sân trường. Cùng lúc, trường Cường Để thì được trồng xà cừ. Loại cây này có tàng cây to đem lại bóng mát cho học sinh còn có lý. Bạch đàn thì không. Nhưng riêng tôi thì rất lấy làm thích thú, vì những chiếc lá non của chúng  có màu tim tím như mắm ruốc đẹp kỳ lạ. Tôi hái chúng về, viết lên đó những câu thơ, những câu hát. Ép khô rồi đem tặng bạn bè làm kỷ niệm.
  

Có những buổi trưa tan học. Hồng Loan rủ tôi cùng ở lại trên phòng 11, trên dãy lầu chính. Sau tiếng kẻng báo tan học của ông Cai. Từng đoàn nữ sinh ùa ra khỏi lớp. Nón lá, áo trắng cứ như dòng suối trắng tuôn ra phía cổng trường rồi toả đi các hướng. Một lát sau khắp các ngã đường tràn ngập áo trắng.  Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Trần Cao Vân, Võ Tánh, Lê lợi. Hồng Loan và tôi đứng ở trên lầu hai, say mê bấm máy lia lịa để kịp ghi lại những hình ảnh ấy vào ống kính. Để rồi sau đó mang phim đi tráng. Về nhà lúi húi trong phòng tối tự tráng rửa những tấm ảnh ấy một cách say mê. Đáng tiếc là sau những lần chuyển đổi chổ ở, Hồng loan đã không còn giữ được những tấm hình ấy nữa.

Bạn bè  đã bắt đầu chuyền tay nhau những quyển Lưu bút . Chúng tôi chép những vần thơ, bản nhạc mà mình yêu thích để tặng cho nhau.

Chẳng ai ngờ, ngày chia xa ập đến quá nhanh…

*
17/5/1975: Mình và Nhạn về lại Qui nhơn. Hôm sau vội vã đến trường. Hình như hai đứa là những người về muộn nhất. Học sinh bắt đầu tập trung hơn một tháng. Bước vào trường. Hai đứa nhìn quanh. Cũng tường vôi đỏ. Vẫn cổng trường xưa. Nhưng sao lạ lẫm quá. Trường mang bộ mặt mới với nhiều người mới. Không còn tên Ngô Chi Lan nữa mà là Trưng Vương – tên mới .

Hai đứa nắm tay nhau đứng giữa sân trường. Ngơ ngác như gà con lạc mẹ . Lòng nặng trĩu. Hai con quỷ nhỏ không ai bảo ai cùng im như thóc.

Từ xa, nhìn thấy chúng tôi, nhỏ Ngọc hét lên, đưa tay vẫy vẫy:

– Hai đứa về hồi nào?

– Mới sáng nay.

– Vậy hả! Lên văn phòng ghi danh đi. Chị Khanh vẫn làm ở phòng giám thị .

– Vậy à! – Tụi tôi mừng quýnh. Chị Khanh là người rất gần gũi với chúng tôi. Bản tính chị hiền lành nên ai cũng mến. Ít ra người mình cần đến có đôi chút thân quen cũng sẽ đỡ hơn phần nào.

Tôi và Bạch Nhạn được phân vào lớp 12A5. Cả hai đứa nữa là 67. Trong lớp chỉ có khoảng 20 bạn cũ. Thầy Cô chỉ còn lại vài người: Thầy Sơn, Thầy Kha, Thầy Triết, Cô Vương Thúy Nga. Còn lại là các giáo viên mới học Sư Phạm cấp tốc 3 tháng và một số giáo viên bổ sung từ miền Bắc vào.

Ngọc dặn dò:

– Tối nay nhớ lên trường dự “ Mít tinh” nghe.

–  Sao lại là tối nay.

– Ờ! Bây giờ toàn họp buổi tối cả.

Lại thế nữa – phải quen thôi. Ừ rồi cũng quen thôi! Tôi tự nhủ lòng.

Hai đứa bước ra đường – đi bộ thả dọc theo con đường Nguyễn Huệ – không dám ra biển. Vì đây đó khắp nơi trên bãi biển nhấp nhô những nấm mồ lấp vội. Nón giày còn rơi rớt đầy trên bãi cát. Những cây dừa lỗ chỗ vết đạn. Có nhiều cây bị bay cả ngọn. Chỉ còn thân cây trơ trụi với gió với sóng biển. Xa xa, về cuối bãi là xác hai chiếc xe tăng nằm ở mé nước. Im lìm.

Rẽ qua đường Lê Thánh Tôn với Huệ Quang Tự hoang tàn đổ nát. Còn đâu là Thư xá Huệ Quang mỗi lần tan học về tôi và Nhạn ghé tạt vào xem hôm nay có bình hoa nào mới không. Chú Sơn khéo tay lắm. Những bụi Cúc vàng hoặc Thạch Thảo tim tím trong sân chùa. Qua bàn tay của chú trở thành những bình hoa be bé xinh xinh. Được đặt vào từng góc của những kệ sách rất đẹp. Mỗi lần có quyể sách, tập thơ nào mới xuất bản, chú đều mang ra giới thiệu cho chúng tôi. Bây giờ , cảnh vật hoang tàn. Thư xá chỉ còn là đống gạch vụn. Người thì biệt tăm.

Tôi tựa đầu vào vai Nhạn.Hai đứa đi mãi đi mãi giữa lòng phố vắng. Nắng dường như chói chang hơn xưa. Và con đường thì sao mà gập ghềnh. Tôi hát thì thầm qua màn lệ:  – “Ta về nơi đây phố xưa dấu đạn . Con đường bên sông sỏi đá buồn tênh . Có còn chăng em áo xưa gió lộng . Bây giờ ta nhìn . Khói trời mênh mông …”

Giọt nước nào rơi xuống làm ướt má tôi. Thì ra Nhạn cũng khóc.

*
27/9/1975: Còn một tuần nữa là lễ Tổng kết năm học ( dù chúng tôi chỉ mới học được hơn ba tháng ).  Hai Tổ Văn Nghệ và Báo chí tự tổ chức cắm trại. Sáng kiến của các Thầy giáo trẻ. Được thôi! Vì chẳng còn bao lâu nữa chúng tôi sẽ đường ai nấy đi. Những chú chim non sẽ bắt đầu bay vào bầu trời bao la, rộng lớn.

Những ngày gần đây tôi cứ bồn chồn lo lắng vì sắp phải xa bạn bè, trường lớp .Cảm giác như không khí quánh đặc lại. Có lúc tưởng chừng không thở được.

Lửa trại tàn, mọi người chui vào lều  ngủ cả. Không hiểu sao, tôi xung phong trực cổng một mình. Ban đầu còn ngồi trên chiếc ghế ở cổng trường. Nghe sóng biển ầm ì trong đêm khuya. Con đường Nguyễn Huệ chạy ngang trước mặt vắng tanh không một bóng người. Phía đầu đường nơi rẽ qua Lê Lợi và Trần Cao Vân có chiếc xe tăng nằm đó. Hình như có ai đó kể rằng: Có đêm đi họp về khuya, ngang qua nơi ấy có tiếng ai gọi “Đại úy ơi! Chờ em với”. Các bạn không ai bảo ai vắt giò lên cổ mà chạy. Chuyện có thật hay bịa không biết. Nhưng nếu phải đi qua nơi ấy đêm khuya, ai cũng cố bước cho thật nhanh.

Tôi như người mộng du, bước chân lần qua bên kia đường, vào Ấu Trĩ Viên tôi bước đến bên chiếc ghế đá quen thuộc và ngồi xuống. Mặt ghế ướt đẫm sương. Gió từ biển thôỉ vào lạnh buốt. Mang theo hơi nước ẩm ướt và mùi tanh nồng của biển. Gió thổi làm mái tóc của tôi lòa xòa, những sợi tóc quấn vào cổ buồn buồn làm sao. Kéo chiếc áo khoác ôm sát vào người cũng không sao đủ ấm. Hai bàn tay cứ xoa xoa mãi vào nhau. Vậy mà tôi vẫn ngồi lì một chỗ. Chong mắt ra nhìn ra xa.

Trong bóng tối lờ mờ, khoảnh đất nhỏ hẹp của công viên có chừng bảy tám ngôi mộ được đắp bằng cát. Có cái được cắm bằng một cái cọc gỗ sơ sài , bên trên treo một cái mũ sắt . Chừng như đó là của người lính nằm dưới mộ. Có cái gần như bị san phẳng bởi cát bị gió thổi bay đi. Phía bên tay phải của tôi chừng mươi bước có đôi giày “ Bốt đờ sô” được ai đó đặt lên trên một ngôi mộ. Chắc là có người tốt bụng làm dấu cho thân nhân dễ tìm .

Đêm sâu thẳm. Tất cả đều chìm sâu. Chỉ có âm thanh của biển ngự trị và bao trùm lên vạn vật. Chưa bao giờ tôi nghe được thứ âm thanh như thế này. Liên tục lớp trước nối với lớp sau. Như một dàn đại hợp xướng đang trình tấu một bản nhạc của Vũ trụ. Âm thanh trầm hùng hơn cả bản Anh hùng ca – Symphony  N= 9 của Beethoven. Tôi cũng bị nhấn chìm trong dòng âm thanh ấy. Cảm thấy mình thật bé nhỏ. Đến nỗi không còn nhận ra mình đang ở đâu. Không thấy sợ hãi giữa cái mênh mông của không gian, vô tận của thời gian. Chẳng hiểu do động cơ nào thúc đẩy mà tôi cũng không thấy sợ …ma.

Tôi thầm thì :

– Nếu  có  thế giới tâm linh như người ta thường bảo. Thì xin hiển hiện một lần. Cho tôi được biết rằng: Ngoài cõi tạm này, còn một nơi khác. Tốt đẹp hơn…

Trăng dần lên cao. Bóng của các cây dương liễu đu đưa trước gió như những cánh tay ma quái vươn dài in trên nền cát. Tiếng gió lùa qua những nhành lá xào xạc như tiếng kêu rên của những oan hồn uổng tử dưới mồ kia. Cũng vẫn tiếng sóng. Hết đợt này đến đợt khác ập vào bờ mang bao cung bậc khác nhau tạo nên bản hùng ca để thay câu trả lời.

*
Mùa Xuân 2005:

Chúng tôi lại trở về Qui Nhơn. Như chim én mỗi mùa Xuân lại bay đi tìm bầy. Gặp lại Thầy Cô bạn bè xiết bao mừng vui. Thế là những câu chuyện thi nhau vỡ òa sau bao năm xa cách.

– Nhớ ai đây không ?

– Mỹ Hòa. Có ốm hơn xưa, nhưng không khác mấy.

– Đúng rồi! Sao Thanh nhớ tài vậy.

Có  một bạn mới bước vào. Kim Qui hỏi tôi:

– Có biết ai đây không? Tôi lắc đầu:

– Chịu thôi!

– Bình Thuận đó!

– Trời đất! Sao dạo này bố nhỏ lui vậy! Ngày xưa bồ to con lắm mà!

– Không phải đâu! Ngày xưa mày chậm lớn. Tụi tao thấy  mày hồi đó nhỏ xíu xìu xiu. Vậy mà bây giờ thấy cũng hơi bằng bằng tụi tao đó chớ. Trần Thảo cười trêu tôi.

– Đúng đó ! Có nhỏ nào vừa chen vô vừa cười vừa nói. Trần Thảo quay qua chỉ vào nhỏ đó hỏi tôi:

– Đố biết ai đây?

– Nhỏ Ngọc chứ ai. Hì hì! Không khác chi cả. Có chăng là mập hơn hồi xưa.

Ngọc cười:

– Vậy là mày còn nhớ tao. Tao thì nhớ ngày xưa mày với nhỏ Nhạn khi nào cũng đi cặp kè với nhau.

–  Hì hì !!! Mấy anh chàng Cường Để còn bảo hai đứa tao là… “đồng tình luyến ái”. Muốn làm quen mà sợ…

– Mày nhớ không? Hồi đó mày hung lắm. Ăn hiếp tao hoài. Tao cũng nhỏ như mày nên đi học thường ngồi bàn đầu mới thấy. Hè năm 73 tụi mình học cô Độ. Tao đã đi thiệt sớm bỏ quyển vở trên bàn đầu để xí chỗ. Mày với Nhạn tới sau, lấy quyển vở của tao bỏ xuống bàn thứ nhì rồi ngồi vào chỗ đó. Tao cự nự mày nói tỉnh bơ: “ Chỗ này mình xí rồi”. Ngọc nhắc lại mà mặt cười cười làm tôi quê ơi là quê.

– Trời đất! Té ra mình xấu xí vậy sao? Vậy mà hồi nào tới giờ mình tưởng mình tử  tế với bạn bè lắm chớ!

Tôi ôm chầm lấy Ngọc, lắc lắc hai vai thay lời xin lỗi. Hai đứa cười xòa.

Mộng Vân thấy đám này đông vui quá nên cũng chen vào:

– Vân còn giữ quyển sổ Lan chép tặng mấy câu thơ  và mấy bài Sérénade của Schubert và Sérénata của Schumann đó.

– Trời đất! Chạy đi chạy lại bao phen mà Vân còn giữ được sao.

– Ừ! Hôm nào Vân đưa Lan xem.

– Vậy mà đã ba mươi năm rồi. Mau quá!

*
Mùa xuân 2009:

Như  lệ thường, năm nay sau khi cùng gia đình đón Tết mấy ngày đầu năm. Chúng tôi lại tề tựu về  Qui NHơn để đón Tết của chúng tôi.

Sau gần hai buổi ráo riết làm công tác chuẩn bị và tập dượt văn nghệ. Chúng tôi đã có thể bắt  đầu vào chương trình chính thức.

– … Xin các bạn hãy dành một phút để tưởng nhớ đến một người bạn của chúng ta – bạn Ngọc Nữ – Sau một thời gian dài lâm trọng bệnh . Vừa qua đời hôm   21 tháng  Chạp . Và xin các bạn hãy dành một phút để cầu nguyện cho bạn Ngọc đang bệnh nặng – vượt qua bệnh tật , mau chóng bình phục để cùng được họp mặt với bạn bè. Giọng Thanh Thảo nghèn nghẹn khi nói câu này, mắt Thảo ngân ngấn lệ .

Chúng tôi lặng người đi trong xúc động tiếc thương Ngọc Nữ.  Và ai ai cũng thầm cầu mong cho Ngọc vượt qua được căn bệnh quái ác.

Mở đầu của buổi Họp mặt Đầu Xuân của chúng tôi năm nay diễn ra như thế đó. Có khác hơn mọi năm.

Năm nay số lượng các bạn về ít hơn năm ngoái. Có lẽ do ảnh hưởng phần nào của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ai cũng mừng vì được gặp lại Thầy Cô và bạn bè. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn . 

“Ngọc yếu lắm rồi”.  Chúng tôi báo tin cho nhau qua điện thoại, qua email. Các bạn ở xa như Hồng Loan, Kim Tiến, Liên Hạnh…ngóng tin từng giờ. Quê nhà cũng vậy, Thanh Tùng vận động các bạn làm được điều gì để giảm các cơn đau cho bạn thì gắng hết sức để làm.  Bùi Kim Qui và Minh Nhơn vào bệnh viện thăm Danh vừa mổ tay và đón Danh ra viện. Danh nghe các bạn đến thăm Lê cũng ngỏ ý muốn đi thăm (Lê cũng đang bị bệnh). Thế là “người đau đi thăm người bệnh”. Khi nghe Thanh Tùng và Phạm Lan – hai người từ hai nơi khác nhau – đại diện các bạn về thăm Ngọc, Danh cũng xin đi  mặc dù tay vừa bị mổ xong vẫn còn buộc băng trước ngực. Chúng tôi ai cũng xúc động và lo. Sợ sức khỏe của Danh chưa phục hồi. Nhưng Danh vẫn nằng nặc đòi về Qui Nhơn cùng Thanh Tùng để thăm Ngọc cho bằng được.

Thanh Tùng và Nhạn đi mua hoa.Tùng bảo Ngọc rất thích hoa tươi. Vì thế, khi Ngọc còn nằm ở bệnh viện Chợ Rẩy . Mỗi lần vào thăm Tùng đều mang hoa vào cắm tại chỗ. Ngọc rất vui và tự hào vì chỉ có phòng Ngọc luôn có hoa tươi. Chứng tỏ bạn bè luôn quan tâm đến mình. Kim Nga, Kim Qui, Liên Chi và các bạn ở Sài gòn vẫn thường xuyên thay nhau đến thăm và chăm sóc Ngọc.

Thanh Tùng khéo léo cắm nhũng bông hoa vừa mang đến vào một cái tô thủy tinh. Ngọc ra hiệu mang đến rồi bảo trong hơi thở yếu ớt: “Chụp hình, chụp hình”. Chúng tôi đứng xung quanh chiếc ghế salon. Nơi bạn vừa nằm vừa ngồi.

Chúng tôi cố  giữ không cho Ngọc nói, vì nói nhiều sẽ mệt. Chúng tôi tránh cho bạn xúc động. Không ai bảo ai, chúng tôi đều hiểu rằng những giây  phút  này vô cùng quý báu đối với mỗi người.

Nhìn bạn quằn quại trong cơn đau, chúng tôi cố nén xót xa. Ước gì có thể chia sẻ được nỗi đau mà bạn mình đang oằn người chịu đựng. May mắn thay , Ngọc được người bạn đời hết sức thương yêu, chăm sóc nâng giấc từng tí một. Chúng tôi biết Ngọc đau một, anh Yên – chồng Ngọc đau mười lần hơn. Điều ấy thể hiện qua nét mặt, cử chỉ tận tình khi anh nâng đỡ người vợ thân yêu trong cơn đau. Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận tình cảm vợ chồng sâu sắc đến thế.

“Giờ còn có nhau giúp nhau cho thật nhiều
Ngày nào mất nhau sớt chia chẳng được đâu”

“Ngọc mất rồi”. Thanh Tùng báo cho tôi – 8g20ph sáng nay – 28/3/2009 – khi đang còn đi trên đường. Giọng Tùng nghẹn ngào. Tôi dừng xe lại bên đường,mắt đã mờ đi vì lệ. Chỉ vẻn vẹn ba từ, nhưng tôi cảm thấy bị hụt hẫng. Một lát sau mới lên xe đi tiếp.

Bạn đã ra đi , như giọt sương đêm qua đã từng đọng trên nhánh lá. Khi mặt trời lên, giọt sương kịp khô đi như chưa từng có bao giờ. Đời chỉ là cõi tạm. Chúng ta đến, ghé chân một lát rồi bước qua phía bên kia.

“Mệt quá đôi chân này tìm  đến ghế đá nghỉ  ngơi
Mệt quá thân ta này nằm xuống với  đất muôn đời…”

Chúng ta sẽ nhớ mãi về bạn…người bạn luôn có nụ cười thật tươi trên môi.

Phạm Ty Lan
  

10 BÌNH LUẬN

  1. Bạn Ty Lan mến,
    Đã đọc những bài thật hay của bạn viết kể cả của Hạt Tiêu nữa. Còn nữa, mình cũng đã được đọc bài “một thời áo trắng” vào năm 2007 dù lúc đó bài này chưa được đăng nơi nào.
    Ty Lan làm mình nhớ lại Huệ Quang Tự (nơi mình thường cắm trại, họp đội), thời trồng cây sân trường, …
    Ty Lan về lại QN ngày 17/5/75 để rồi buồn rơi lệ khi thấy Ngô Chi Lan không còn nữa, lại còn bị bao quanh bỡi hoang tàn đổ nát . Mình cũng về lại QN ngày 3/5/75, không dịp ghé trường cũ vì hay tin gia đình lưu lạc muôn nơi để rồi gạt nước mắt lập tức ra đi, không ngờ lại là đi xa thật xa.
    Chúc bạn Ty Lan vui vẻ cùng bạn bè, người thân để lỡ [i]”mai này người có xa người …”[/i]
    Cảm ơn Ty Lan về những bài viết!
    Mong Đông Hà không bị ảnh hưởng nhiều vì trận bão!
    Thân mến

  2. RE: Cõi Tạm
    Lan ơi,
    Lan nhắc lại làm mình nhớ đến thật nhiều những ngày xưa thân ái.
    Với Ngọc và ngay cả nhiều bạn khác mình không nhớ nhiều vì không học chung lớp nhưng sao lớn lên có dịp gặp lại, tình cảm cứ như lớn dần Lan ạ.

    Ngày thứ 4 Tiến gọi về, ông xã Ngọc nói là Ngọc mệt lắm không nói chuyện được nữa. Mình bối rối không biết nói sao…vậy mà tự nhiên anh bảo Ngọc ra dấu muốn nói chuyện với mình…Anh nói Ngọc muốn Tiến nói vào tai Ngọc những gì Tiến muốn nói còn Ngọc thi chỉ ầm ừ thôi…Tiến thật sự xúc động, và nói gì hở Lan? Câu cuối cùng mình nói”Mong Ngọc bình yên”. Sáng thứ 6 bên mình, mình mơ thấy Thanh Tùng nói bên tai mình 4 chữ :”Ngọc đã đi rồi”. Giật mình thức giấc nhin dồng hồ là 3:20 sáng. Mình tin là Ngọc cho mình biết là Ngọc đi đó Lan ơi!. Đã mất rồi một người bạn lúc nào cũng cười tươi rói! Rất nhớ. KT

  3. RE: Cõi Tạm
    Gởi bạn Mến và Kim Tiến.
    Ừ! Có một thời đã xa nhưng còn mãi trong tâm khảm chúng mình.
    Có những bạn đã ra đi nhưng vẫn còn mãi trong tim mình.
    Cuộc đời ngắn ngủi nhưng cũng đẹp biết bao!.

  4. RE: Cõi Tạm
    Đọc cõi tạm buồn quá Bạn Nhỏ à,mời Bạn Nhỏ nghe thêm nhạc Cõi tạm.

    [youtube]http://www.youtube.com/watch?v=znR07SRCr0A[/youtube]

    • RE: RE: Cõi Tạm
      bạn nên bỏ cái URL của youtube vô giữ [youtube] và [/youtube] thì sẽ thấy màn hình. Coi [url=http://nthqn.org/index.php/chi-dan/loi-ban/326-cach-chen-youtube-video-vo-loi-ban]Cách chèn youtube video vô Lời Bàn.[/url]

    • RE: RE: Cõi Tạm
      Cảm ơn anh Văn Nguyễn. Không ngờ có bài hát trùng với bài viết của mình.
      Buổi giao thời nhiều đổi thay. Làm nhiều cuộc đời xoay hướng. Có người sống như tồn tại. Có người sống cho người khác. Còn mình lại bị bỏ quên.
      Một đời người sao ngắn ngủi. Mới đó mà đã gần cuối con đường.

  5. RE: Cõi Tạm
    Ty Lan mến,
    Tôi học CĐ, trước Lan 2 lớp. Tôi và Lan chưa 1 lần gặp mặt. May biết được Lan qua những bài viết.
    Nhìn lại năm 75, thật cảm ơn Trời đã ban cho mình kiên cường để qua được giai đoạn này. Một quá khứ cực buồn, những đã là quá khứ .
    Đọc lại câu cuối cùng [i]Mong Đông Hà không bị ảnh hưởng nhiều vì trận bão! [/i], mà tôi viết cho Lan đã hơn 1 năm qua. Tôi thấy cứ như mới viết cho mùa bão lụt mới đây. Sao miền Trung mình vẫn phải chịu thiên tai hằng năm?
    Chúc bạn vui!

    • RE: RE: Cõi Tạm
      Em nhớ năm đó – 1973 -trường Cường Để có nhận vào nhiều Nữ sinh cho năm 12 từ các trường bạn. Em có quen một số anh năm đó như: Lê Đình Hường, Nguyễn Hữu Hòa, Nguyễn Hữu Đệ, Mạc chấn Hòa, Lô Văn Sáng. Đa phần các anh có tham gia Hồng Thập Tự. Các anh về hay nhắc dến các chị nữ. Em nhớ có một chị tên Phụng, hình như đẹp lắm. Vì hay được nhắc nhiều. Mới đó mà đã 38 năm rồi. Mau quá chị nhỉ!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả