Thơ dở đang tràn lan khắp nước.Thói quen biến thơ ca thành hò vè để giải trí, làm việc, đánh nhau…hình như đã ăn sâu trong tâm thức nhiều người, khó bỏ.Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ra ngõ gặp ‘nhà thơ’, đã biến thơ thành một thứ cỏ dại mọc tràn lan khắp hang cùng, ngõ hẻm.Các hội thơ, câu lạc bộ thơ từ phường, xã đến tỉnh, thành phố được hình thành để các ông hưu trí, những người lớn tuổi…làm thơ “xây dựng đất nước” có “tổ chức”.Ước tính trung bình mỗi ngày người ta có thể sản xuất 1000 bài văn có vần được gọi là ‘thơ’.
Ngày xưa, nhà thơ Lê Đạt viết trong Nhân Văn Giai Phẩm, đã sản xuất ra một CÁI MÁY LÀM THƠ để kịp phục vụ ca ngợi các nông trường, nhà máy…Ngày nay, những nhà thơ ” có tổ chức” đã tự biến mình thành CÁI MÁY LÀM THƠ CƠ ĐỘNG.
Nhưng, nếu đó không phải là thơ, thì thế nào là thơ?
Hầu như những người, nếu đã yêu thơ và có làm thơ, đều cố gắng tìm hiểu và trả lời câu hỏi này.
Bùi Giáng viết:’ Con chim thì ta biết nó bay.Con cá ta biết nó lội.Thằng thi sĩ ta biết nó mần thơ.Còn thơ là gì thì ta không biết!’.
Quách Tấn- một người suốt đời khổ lụy vì thơ- đã mượn câu nói của Lưu Hiệp đời Đường để nói lên quan niệm làm thơ của mình:’ Làm thơ không phải là sự phấn đấu nhất thời, mà là tấc lòng gửi vào thiên cổ‘.
Thanh Tâm Tuyền, trong một bài thơ, cũng đã viết:
‘Hỡi những người thù ghét thơ tôi ơi!
Cuộc hành trình hoàn toàn cô độc’
Vâng, làm thơ là một cuộc hành trình hoàn toàn cô độc.
¤
Khi một bài thơ xuất hiện trước công chúng, người đọc đến với thơ bằng nhiều cách khác nhau.
Người xưa thường chọn một không gian yên tĩnh để thưởng thức thơ, vào sớm mai hoặc đêm khuya thanh vắng.Vài người, khi đọc thơ, còn xông hương trầm để tỏ lòng trang trọng.Họ có thể gật gù, rung đùi đánh đét, cười hà hà rồi chiêu một ngụm trà ngon khi gặp một chữ, một câu, một bài thơ hay.
Cũng có thể cùng một vài người bạn uống rượu dưới trăng để nghe thơ và bình thơ.
Người xưa xem cầm- kỳ- thi- họa là bốn môn nghệ thuật để huấn dưỡng tâm hồn, hướng con người đến chân- thiện- mỹ.
Người nay xem thơ chỉ là một món để giải trí,thư giãn, xả stress…trong cuộc sống căng thẳng hàng ngày.Họ có thể lướt qua một bài thơ như lướt qua một cái tin trên báo.Chỉ khi nào bài thơ ‘có cái gì đó’ làm họ quan tâm, họ mới chú ý đến.
Người đọc bây giờ có thể chia làm ba thế hệ.
Lớp người đọc lớn tuổi vẫn tìm đọc thơ của những tác giả mà họ yêu thích.Lớp người đọc bản lề thì lo mưu sinh trước cuộc sống ngày càng khó khăn về kinh tế.Lớp người đọc trẻ tuổi thì bận học, bận làm, bận phấn đấu cho một tương lai đang ở phía trước.Họ ít có thời gian dành cho thơ.Thơ đối với họ, đôi khi, như những câu chữ phù phiếm…
Tôi vẫn nghĩ, thơ rất cần cho tâm hồn, cho cuộc sống, khi nào những giá trị tinh thần vẫn được con người tôn trọng.
Lữ Vân
01.12.2011
RE: Thơ Và Người Đọc 6
Mấy tuần nay mình đọc được rất nhiều bài viết về thơ, bàn về thơ…Đây là một đề tài không bao giờ cạn bởi chúng ta không bao giờ định nghĩa được thơ là gì…Chúng ta chỉ có thể định nghĩa nó theo cảm nhận của chúng ta mà thôi!
Mỗi người đến với thơ ở những khoảnh khắc khác nhau trong đời sống. Đến với thơ có nhiều cách, đọc thơ, bình thơ, làm thơ….Rồi đọc, phê bình và phân tích, làm thơ cũng lại có nhiều cách…
Với mình, thì mình thấy rất vui khi người người làm thơ, nhà nhà làm thơ….Đó là một hiện tượng rất tốt…Đó là cách để chúng ta làm dịu tâm hồn. Không ai có quyền ngăn cản chúng ta làm thơ…
Còn thơ của chúng ta có để lại cho đời điều gì thì đó là một điều tốt cho nhân loại, nếu không thì có sao đâu! Ít ra chúng ta cũng đã nói lên được nỗi lòng, tâm tư tình cảm của với những gì chúng ta cảm đuợc và chúng ta hạnh phúc!
Câu chuyện dưới đây là câu chuyện thật của mình, mình muốn chia sẻ cùng các bạn…
Tự dưng mình thích làm thơ dù mình chưa bao giờ nghĩ là mình yêu thơ, thích thơ và mình không thuộc thơ của bất cứ ai. Những bài thơ học thuộc lòng từ thời trung học mình đã trả lại cho thầy cô giáo ngay sau khi trả bài….
Thỉnh thoảng sau khi viết, với thời @ này, mình gửi đến trong vòng bạn bè đọc cho vui…rồi khi mình biết trang web cuongdequynhon, cuongde, nthqn, mình tham gia…Một hôm có một người bạn gọi cho mình và anh ta bảo “làm thơ gì mà không có vần điệu…dở quá sao không giấu đi. Thơ dở như vậy thì chỉ nên viết và đọc cho chính mình nghe thôi. Đừng đăng lên trang web”….Mình không buồn giận mà cười vui và trả lời “Ủa sao anh không giấu thơ anh mà anh bắt Tiến giấu thơ Tiến, có lạ lùng không?”…Rồi mình tâm tình với anh bạn là ngay cả những thi sĩ nổi tiếng, họ cũng chỉ có vài bài thơ đi vào lòng người trong cả vài trăm bài thơ họ đã làm ra, nhưng họ đã hạnh phúc vì đó là tiếng lòng của họ.
Kể ra đây để chia sẻ với các bạn một vài suy nghĩ của Tiến. Thơ là tiếng lòng của mỗi người. Thơ là cách để diễn tả những buồn, vui, giận, hờn, oán trách…những suy tư, khắc khoải khi chúng ta cảm nhận được những điều xảy ra chung quanh chúng ta một cách ngọt ngào và êm dịu nhất….Đó là một cách để làm dịu cơn đau hay chấp cánh hạnh phúc…
Thơ có thể đến với ta sớm hay muộn; điều này không là yếu tố để cho ra đời những áng thơ hay! Nhưng nếu không hay thì có sao đâu! Hãy cứ viết, hãy cứ thả hồn mình vào đấy. Hạnh phúc sẽ len lõi vào tâm hồn bạn ngay khi bạn vừa viết xong được một điều gì. Còn nổi tiếng ư? Còn thắc mắc không biết thơ mình rồi sẽ đi vào lòng người hay không? Thơ mình sẽ…..
Thế thì hãy cứ làm thơ bạn nhé! Mình ủng hộ và cảm ơn các bạn đã chia sẻ những tâm tư tình cảm bằng những vần thơ dù bằng bất cứ thể loại nào. Hay với người này và không hay với người kia. Đó là điều không thể giải thích được. Thế thì đừng lo âu bạn nhé.
[i]Hãy viết đến khi nào trái tim ngừng đập
Hãy mơ đến khi nào trái đất ngừng quay[/i]
Mình có viết một bài nhạc về cảm nhận này. Mình mời các bạn nghe ở link này nghen.
http://cuongde.org/index.php/nhac/132-nhac-pho-tho-nguyen-kim-tien/790-nhu-rung-yeu-la
KT
RE: Thơ Và Người Đọc 6
Cảm ơn chị Nguyễn Kim Tiến đã góp lời bàn.
Thơ Và Người Đọc 6
Một trong những vấn đề của thơ dở tràn lan là vì mấy cái diễn đàn và blog [i]tự biên tự diễn[/i], cứ viết được cái gì là post đại lên trên blog trên diễn đàn. [i]Tự biên tự diễn[/i] như thế thì khó mà bài nào cũng hay được. Thời buổi internet, người đọc nên biết tránh [i]rác[/i], biết [i]rác[/i] ở đâu thì tránh đi, đừng đọc.
RE: Thơ Và Người Đọc 6
Tụi tây hay nói “rác của người này nhưng có thể là báu vật của người kia”, cho nên thiết nghĩ không thích thì không vô không đọc nhưng không nên chê là “[i]rác[/i]”!
Thêm vào đó, không phải tất cả mọi người làm blog là để tìm người đọc những gì mình viết. Có người dùng như một loại “nhật ký trên mạng”, có ngừơi dùng như một “nhà kho”… Có người làm blog thay vì”[i]ngồi buồn gãi háng …[/i]” như cụ Trần Văn Hương ngày xưa, viết bài ra và đăng lên là “[i]đã[/i]” rồi, không có ai đọc cũng không chết thằng tây nào cả 😆 !
Điều quan trong nhứt có lẽ là muốn làm blog là làm, không cần phải xin phép ai cả, muốn đăng gì thì đăng không sợ ai kiểm duyệt cả … Còn có ai đọc, có ai [i]bàn [/i], có ai khen, có ai chê … thì tính sau!
RE: Thơ Và Người Đọc 6
Xin phép anh Lữ Vân cho DT gửi chút suy nghĩ của mình về các lời bàn của các bạn. DT thích lời bàn rất thật lòng của Kim Tiến ở trên:
“Hãy viết đến khi nào trái tim ngừng đập
Hãy mơ đến khi nào trái đất ngừng quay”
Khi điều đó có thể làm cho ta hạnh phúc, và càng hạnh phúc hơn nếu được chia xẻ cùng bạn bè và được bạn bè – những người hiểu mình vào khen, chê .. ỏm tỏi .. trong thiện ý. Những khen chê thiện ý đó rất đáng quý. Nó không làm cho mình bỗng phút chốc trở thành văn sĩ, thi sĩ .. nhưng có thể đem đến cho ta niềm vui nhỏ nào đó.
DT cũng đồng ý với ý kiến của hai bạn manman và Năm lựu đạn. Blog bây giờ tràn lan, văn thi sĩ không chuyên cũng tràn lan, cái gì thích thì mình đọc, không thích thì thôi, khi không thích thì đâu có bị ảnh hưởng gì, còn thích thì sẽ tìm thấy nhiều cái hay. Nhiều nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp ngày nay đa số cũng đều có blog riêng. Thỉnh thoảng mình cũng vào đọc, và cũng vậy, xem lướt qua trước, cái nào thấy thích đọc sẽ dừng lại, hay thì đọc tới đọc lui vài lần, và tất nhiên không phải họ viết bài nào cũng hay.
DT đọc được bài này trong ghi chép của nhà văn Lý Lan “Khi đọc truyện ngắn dự thi Yume”, chia xẻ cùng các bạn:
“Blog” là một sân chơi vừa vặn cho bất cứ người nào muốn ghi chép cuộc sống hay thể hiện tâm tình, ý tưởng, quan sát, nhận định, cảm xúc, hay cả sự trống rỗng. Khi ở nước ngoài tôi thường đọc blog viết bằng tiếng Việt của những người (theo tự bạch) là những người trẻ tuổi ở trong nước, như một kiểu hoài niệm cố hương và một thời đã mất của mình. Cũng để học tiếng nói đương thời của người trẻ, vì ngôn ngữ blog thường là ngôn ngữ nói, và phần lớn người ta blog y như người ta nói.
Như mọi thứ khác, nhiều blog đã tiến hóa thành diễn đàn chuyên nghiệp. Nhưng tôi vẫn thích đọc blog , không phân biệt đó là blog của nhà văn chuyên nghiệp hay một người thỉnh thoảng viết chơi. Người viết, dù chỉ “thử” hay quyết chí làm văn chương nhất định nhìn thấy triển vọng tiếp cận độc giả và đồng nghiệp (kể cả nhà xuất bản và nhà phê bình) qua các mạng xã hội.
Nguồn:
http://lylan.blogspot.com/2011/09/oc-truyen-ngan-du-thi-yume.html
RE: Thơ Và Người Đọc 6
gửi manman,
blog là một phương tiện thông tin tự do, nên những người thích viết hay dùng.
Tuy nhiên, vì người ta thích gì viết nấy, nên cũng có cái dở, cái hay.
Những trang mạng ở VN thấy vậy nhưng đều được kiểm soát dưới cặp mắt của ‘an ninh mạng’,nếu cần là có một nhóm ‘Sinh Tử Lệnh’ đánh tan những blog nào có tính ‘dân chủ tự phát’.
Cho nên dùng hàng nội bây giờ phải uốn lưỡi 7 lần, hoặc ‘đãi cát tìm vàng’.
Khi nào bạn thấy hoa hồng và rác cũng cần thiết thì bạn là một họa sĩ tuyệt vời.
Cảm ơn bạn đã góp lời bàn.
RE: Thơ Và Người Đọc 6
gửi Năm Lựu Đạn,
Cái nick của bạn khủng thật, nhưng lời bàn thì có lý, có tình.
Lập blog ra, không ai không muốn không có người đọc.Nếu không, họ sẽ giữ riêng trong lòng, hoặc viết vào sổ riêng.
Trường hợp ông Hương là trường hợp ứng xử không hợp đạo người.Trừ điều bạn nhắc, bây giờ còn ai nhớ tới ông ?
Bạn đã lập blog chưa ? Đoạn trường ai có qua cầu mới hay !
Cảm ơn cái nhìn của bạn về rác- thứ mà ở VN vinasin nhập về hàng tấn tốn hàng triệu đô la !
RE: Thơ Và Người Đọc 6
gửi Diệu Tâm,
Cảm ơn những ý kiến chân tình và hòa đồng của Diệu Tâm.
Chúc sáng tác đều.