Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănThơ Và Người Đọc (4) - (5)

Thơ Và Người Đọc (4) – (5)

Thơ Và Người Đọc  (4)

Khi nêu ra câu hỏi: ‘Vì sao thơ bây giờ ít có người đọc?’, một số bạn đọc yêu thơ, cộng tác thường xuyên với trang nthqn.org đã cho biết những ý kiến thẳng thắn.

NGUYỄN DIỆU TÂM :
‘ Đến thời thơ Mới rồi sau đó là thơ tự do, phóng khoáng cởi mở hơn nên người yêu thơ và đọc thơ cũng nhiều hơn và thơ Đường dần phai nhạt.Nhưng thơ cũng vẫn dành cho người có học, có giáo dục.Phải có trình độ như thế nào mới đọc và cảm nhận được thơ.Phải chăng tự thân thơ đã không mở cửa cho người đọc đến với mình?’
‘Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, con người phải đối phó với cuộc sống nhiều quá, khi người ta phải lo cho cơm ăn áo mặc mỗi ngày, nếu có thời gian dành cho Thơ, có lẽ chỉ còn có Nhà Thơ và số ít những ai còn yêu Thơ’.

HÀ XƯA:

‘Mình thì thấy người ta vẫn đọc thơ nhiều đó chớ, có điều cách đọc khác tụi mình hồi đó: không cần nắn nót chép thơ, không cần mua tập thơ, vì có sẵn trên web rồi, và chuyện ghi khắc trong lòng những câu thơ hay chắc rồi cũng không cần, vì máy nhớ cho cả rồi! đọc thơ cũng chỉ thoáng nhanh như đọc tin buổi sáng’.

ĐÀO THANH HÒA:
Thật ra bây giờ vẫn còn người (không nhiều) thích làm thơ và thích đọc thơ đó chứ.
Trẻ hiện nay hình như không có chút ý niệm gì về thơ.Lũ nhóc học thuộc lòng những bài thơ chọn lọc trong sách giáo khoa rồi vội vàng quên ngay…Vậy thì làm gì tụi nhỏ thích làm thơ?’.

CỰU HS NTH QUI NHƠN:
‘ Tôi có cảm nhận thêm các nhà thơ hiện đại thiếu phong cách và sức sống mới ít để sự lắng đọng sâu trong lòng độc giả.
Một bài thơ hay tùy tâm trạng của người đọc, tùy lứa tuổi, nhưng nếu thơ xa rời cuộc sống hiện tại sẽ để lại dị ứng trong tâm hồn người đọc mà thôi.Phải chăng nhà thơ ngày nay nhiều mà chất thơ và tài năng thiếu.’

NGÔ ĐÌNH HẢI:
‘Nhà thơ mọc lên nhiều như nấm sau cơn mưa’ ai cũng tưởng như vậy nhưng có “ngộ nhận” chăng khi chỉ vài ba bài thơ đã ngộ nhận mình là thi sĩ, thậm chí có khi viết rất nhiều, thơ in thành tập hẳn hoi nhưng người đọc chỉ nhớ được mỗi cái tên vì “Anh” xuất hiện nhiều quá còn thơ “Anh” thì chẳng ai nhớ câu nào.
-“Thơ” tự thân nó đã không ồn ào nên có giới hạn, và kén chọn người chơi phải chịu thôi.
– Cuối cùng thì câu hỏi “thơ hôm nay sao ít người đọc” có lẽ nên dành cho người làm thơ trả lời thì đúng hơn.’

Trên đây là ý kiến của các bạn yêu thơ và đã viết nhiều bài thơ.Người viết xin đóng góp thêm:
Thơ đòi hỏi tài năng và công phu (đi, học, đọc, viết).Số người thích làm thơ nhiều, tài năng và công phu ít,nên ít có thơ hay.
Thơ nói lên tiếng nói của tâm hồn và tâm linh.Không tìm thấy mình trong đó nên họ không đọc.
Dùng hình thức câu chữ khó hiểu, cách nói xa lạ với tâm hồn Việt nên họ không đọc.
Viết không có tự do, thoải mái; thiếu một sân chơi văn chương nghiêm túc, đứng đắn.
Có lẽ những điều đó làm người đọc không còn mặn mà với thơ.
Còn đọc thơ trên web ư? Có bao nhiêu người yêu thơ có vi tính và biết sử dụng?

Lữ Vân
28.11.2011

Thơ Và Người Đọc  (5)

Sự cách tân thơ là điều cần thiết.Mỗi người làm thơ có tài năng luôn ý thức điều này, nếu không muốn thơ mình dẫm phải cái bóng của chính mình, trở thành đơn điệu, để người đọc khỏi chán ngán và lãng quên.
Sự mới lạ về hình thức, cảm xúc mới, cái nhìn mới về sự vật sẽ cho ra đời những bài thơ mang vóc dáng mới.Cảm thức người đọc cũng sẽ thay đổi, nếu đó là những bài thơ lạ, hay.Người đọc sẽ chấp nhận nó như đã chấp nhận thơ tự do, sau thời kỳ thơ mới.
Thử đọc một đoạn thơ của một tác giả trẻ có thực tài, đang làm mới thơ:

‘Tôi trỗi sống để yêu em trong lời ca loài chim hót thảm [ không ngày mận gai].Điềm gở mang tướng hình thời đại, sự lụi tàn hoan hỉ.Mọi giáo điều khổ lụy đều hiện diện nhằm ngợi ca cái chết.Trời bắt đầu trở lạnh, lối di cư hấp hối…
Dấu vết bữa ăn còn vung vãi mặt thiên đường, bầy đàn thuần chủng.Quanh quẩn cỏ khô xõa ngàn áo đẹp.
Hãy hôn em đi khi cơn say còn mang linh tính và ngực em ấm hổi một yên bình.
Tôi đang học lại cách yêu vào ngày đông đang mãn
(Những di cảo tối- VŨ ANH VŨ)

Nhưng làm thơ rập khuôn theo kiểu Tân Hình Thức sau đây người đọc khó mà chấp nhận đó là thơ:

Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề/
đường và kể lại câu chuyện đã được/
kể lại, từ nhiều đời mà đời nào/
cũng giống đời nào, mà lời nào cũng/
giống lời nào, về người đàn bà và/
đàn con nheo nhóc (nơi góc phố được/
(gọi là chỗ sống, kẻ những đường kẻ…
(Tân Hình Thức và câu chuyện kể- KHẾ IÊM)

Mặc dù về phần lý thuyết, họ có lối lập luận đáng chú ý về thơ Tân Hình Thức:
‘… Nếu thơ Tiền Chiến, cách tân bằng cách, dùng cảm xúc để thoát ra khỏi luật tắc cứng ngắc của thơ cổ điển, thì thơ Tân Hình Thức Việt ( tạm gọi như vậy) sử dụng ngôn ngữ đời thường, kết hợp với một số yếu tố và kỹ thuật của thơ tự do tiếng Anh, phá vỡ âm hưởng Tiền Chiến, chấm dứt nửa thế kỷ dậm chân tại chỗ của thơ.Thơ cổ điển, theo phép làm thơ của thơ Đường, với luật bằng (level tone), trắc (deflected tone), vần (rhyme) và cao độ (pitch, gần 4 tone), lao tâm khổ tứ vì chữ (dùng và chọn chữ) thì thơ Tiền Chiến chỉ còn giữ lại vài yếu tố như vần (thường là cước vận), trau chuốt chữ và cách đọc ngừng ở cuối dòng.Thơ chủ vào cảm xúc, nhẹ
phần nội dung, nên không ra ngoài cảm xúc và ảo giác, đôi khi lại là cảm xúc mơ hồ, không thực, được tạo ra từ những vần điệu du dương.Thơ kéo người đọc ra khỏi đời sống và chính người làm thơ cũng lánh xa đời sống.Có lẽ vì vậy nên nhiều người tưởng lầm rằng thơ chỉ có thể cảm, chứ không thể giải thích vì làm sao giải thích cái không thể giải thích, khi âm điệu và cảm xúc được coi như điều kiện thiết yếu để đánh giá là thơ hay.Thơ trở nên bí ẩn, thuộc về thế giới mộng ảo và nhà thơ giống như nhà soạn nhạc, viết ký âm bằng chữ (nhiều bài thơ vần phổ nhạc rất thành công cho thấy, hai thể loại này rất gần gũi trong cách sáng tác).Đã có nhiều nhà
thơ cố thoát khỏi ảnh hưởng Tiền Chiến bằng cách làm mới ngôn ngữ và cảm xúc, tuy nhiên vẫn sử dụng phương pháp thơ Tiền Chiến, nên không những không ra khỏi, mà còn làm mạnh hơn ảnh hưởng đó.Ngay cả những nhà thơ tự do sau này, phá bỏ thể loại và vần, nhưng vẫn nương vào cảm xúc, âm và nghĩa chữ, chỉ khác là cảm xúc trong thơ Tiền Chiến dựa vào nhạc tính của vần điệu thì trong thơ tự do, hoặc dựa vào ý tưởng và âm chữ, hoặc vẫn dựa vào cách tạo nhạc của Tiền Chiến.Cả hai cách đều không qua khỏi Tiền Chiến, có lẽ chính vì vậy mà thơ tự do đã rơi vào khủng hoảng, làm nản lòng và đẩy người đọc quay về Tiền Chiến.
Khi sử dụng thi pháp đời thường thay thế thi pháp cảm tính (nếu có thể gọi như vậy), là đưa hẳn thơ qua một thời kỳ khác.Những yếu tố của thơ truyền thống như liên tưởng, hoán dụ hay ẩn dụ…và hàng loạt yếu tố khác, chắc không còn đất sống vì mỗi thi pháp đòi hỏi yếu tố thích hợp trong quá trình sáng tác…’
(Tân Hình Thức và câu chuyện kể- KHẾ IÊM)

Từ thơ Tân Hình Thức sang thơ Hậu Hiện Đại – gồm các yếu tố Tự sự, Siêu tưởng, Giễu nhại…- , thơ rơi vào chỗ khó tiếp cận, nếu người đọc không có kiến thức căn bản về loại thơ này.Thử đọc bài thơ của một trong vài người khai sáng thơ Hậu Hiện Đại Hoa Kỳ:

‘ Tôi đã đi xa đủ
ra khỏi nơi tôi từng hiện
diện trước đây
để thấy những điều
nhìn vào trong tôi qua
cánh cửa mở

và đi bộ đêm nay
một mình tôi
để thấy ánh trăng
như thấy cây cối

và những hình dáng đáng
sợ hơn
bởi vì tôi sợ
điều mà tôi không rõ
nhưng muốn được biết

khuôn mặt tôi là của chính
tôi, tôi nghĩ
Nhưng em đã thấy nó
biến thành hàng nghìn năm
Anh đã nhìn em khóc
(A Form of women- ROBERT CREELY- Phan Nhiên Hạo dịch)

Người đọc, trừ một số ít am tường về thi ca thế giới, số còn lại chưa đủ tâm thế để đón nhận các loại thơ ‘cũ người mới ta’ như vậy.Phần khác, có lẽ sự áp dụng cứng ngắt mớ lý thuyết cách tân,Tân Hình Thức, Hiện Đại, Hậu Hiện Đại… của một số người làm thơ Việt đã sản sinh ra những bài thơ khô cứng, duy ý chí chưa thích hợp với tâm hồn Việt Nam, kể cả lớp người trẻ.Do đó, thơ càng ngày càng xa rời người đọc.

Lữ Vân
30.11.2011

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả