Dấu mốc thời gian làm thay đổi một giai đoạn lịch sử, kể cả nền thi ca Việt Nam, khởi nguồn từ tháng 4- 1975.Trước đó, thơ miền Bắc được dùng như một loại vũ khí tinh thần để phục vụ cho chiến tranh, điển hình là thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật…Thử đọc một đoạn thơ trong bài Tiếng Hát Con Tàu của Chế Lan Viên:
‘Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi ?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia’
Ở miền Bắc, thơ Chế Lan Viên được cho là ‘thơ trí tuệ’, được chọn vào sách giáo khoa trong nhà trường cho học sinh học, được đọc ở nhà máy, doanh trại bộ đội…
Ở miền Nam, Thanh Tâm Tuyền với những bài thơ tự do, gần như cắt đứt hẳn với thơ mới, đã mang một luồng sinh khí mới vào sinh hoạt thi ca.
‘Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài trái tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
(Lệ đá xanh- THANH TÂM TUYỀN)
Sau tháng 4- 1975, trừ số ít thơ của các tác giả phản chiến, những người cộng sản,toàn bộ thi phẩm của các nhà thơ miền Nam như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Kiệt Tấn… đều bị đánh đồng cá mè một lứa, cho là ” văn hóa Mỹ- ngụy đồi trị, phản động “, bị tịch thu, gom lại đốt hoặc chuyển về Hà Nội để ‘nghiên cứu’.
Cuộc sống với những khó khăn muôn vàn, những kinh tế mới, vượt biên, buôn thúng bán mẹt hàng ngày đã làm người ta quên thơ.Thơ chỉ còn khoanh vùng lại trong trường học và một số ít người thất nghiệp, bất đắc chí.Giai đoạn này dễ chừng kéo dài 20 năm.Phần khác, chính sách kiểm duyệt ngành xuất bản và báo chí đã hạn chế rất nhiều những thi phẩm ra đời.Thơ có thể KHÔNG HAY nhưng PHẢI ĐÚNG với chính sách của nhà cầm quyền đương thời.Một bài thơ, một câu thơ không rõ nghĩa có thể bị chụp lên những cái mũ to tướng.Khi viết, người ta luôn bị những cái thòng lọng vô hình ám ảnh.Thời kỳ ấy, Trần Mạnh Hảo -một nhà thơ miền Bắc- viết một bài thơ nói lên những
thực tế trong cuộc sống, chỉ mới đưa vài người quen đọc, đã bị truy vấn, điều tra, theo dõi, cô lập.Những người đọc bản thảo bài thơ cũng bị liên lụy.
Một cuộc sống ngột ngạt như thế, không thể nào có thơ hay.
Trong bối cảnh ấy, nhà thơ Quách Tấn ở Nha Trang đã phải ngậm ngùi:
Lạnh lùng đêm gió cát
Nghiêng ngửa giá vàng thau
Đời thiếu người xanh mắt
Ai thương kẻ bạc đầu
(Đêm gió cát-QUÁCH TẤN)
Và Nguyễn Tất Nhiên, một nhà thơ tình còn ở lại miền Nam đã phải viết:
‘Mặt trời rực rỡ phương xa
Ở đây hạnh phúc chỉ là đau thương
Những đôi mắt ngó lườm lườm
Những nanh vuốt thú ẩn trong bóng người
…
(1978 ở Việt Nam- NGUYỄN TẤT NHIÊN)
Những bài thơ như thế chỉ được biết qua truyền khẩu, như tâm truyền tâm…
(còn tiếp)
Lữ Vân
26.11.2011
{jcomments off}