Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Thơ Thiền

Thơ thiền, như một dòng suối nguồn của sự trong sáng, thanh tẩy những bụi bặm của cuộc đời, mang tâm hồn trở lại sự bình an chân thật.
Khởi đầu từ câu chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu của Đức Phật, thiền như một mặt trời trí tuệ, phá tan màn đêm u tối của vô minh.
Như thế, thơ thiền là tiếng nói của tâm linh của những người đã giác ngộ bản lai diện mục, sống trong thực tại và hân thưởng những nét đẹp xảy ra trong từng phút giây sự sống.

Thử đọc một bài thơ thiền:

‘Hoa tại trung đình, nhân tại lâu
Phần hương độc tọa tự vong ưu
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu’
(Cúc hoa- HUYỀN QUANG)

Người ở trên lầu hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đóa hoa vừa mới nở tung”
( Hoa cúc- Nguyễn Lang dịch)

Với một cái tâm an bình khi thưởng ngoạn hoa, chủ thể và đối tượng đã là một. Người đã nhập vào hoa và hoa đã là ‘bản lai diện mục’ của người.
Cùng cái nhìn đó, nhưng trong tinh thần Hoa Nghiêm- Một là tất cả; tất cả là một- Bùi Giáng đã thấy:

Trong linh hồn một bông hoa
Hình như có cõi người ta đàng hoàng’

Không vào thế giới Hoa Nghiêm, có lẽ ta không hiểu hết hai câu thơ trên của Bùi Giáng, cũng như lối đùa giỡn một cách nghiêm túc của ông trong hai câu thơ sau:

Thượng thừa thiết lập thơm tho
Ngoài ra tô phở vẫn to như thường’

Tôi trích hai câu thơ trên cũng không có ý giễu cợt những vị khoác áo nhà tu vẫn còn ham mê vật chất. Chỉ để nói rằng, không phải cứ dùng ngôn ngữ kinh Phật, thuật ngữ Phật Giáo trong thơ thì được gọi là thơ thiền. Như trường hợp Du Tử Lê với tập thơ ‘Vì em, tôi đã làm sa di’, dù tác giả tự cho thơ mình có ‘thiền tính’.
Thơ thiền chân thật, mộc mạc và HOÀN TOÀN VÔ NGÃ.
Thử đọc hai bài thơ haiku của Basho:

‘Chẳng quên trong đời
Mùi hương cô tịch
Của giọt sương rơi’
(Giọt sương- BASHO)

‘Con ễnh ương nhảy vào
Tiếng nước
Khua’
(Mảnh ao già- Phùng Khánh dịch)

Đọc thơ như sống trong hiện tiền, thực tại sinh động của tâm thể.
Hiện tại, có một số người khi tuổi đã về chiều, quay sang làm thơ thiền. Điều đó cũng tốt. Ít ra họ cũng còn hướng vọng đến cuộc sống tâm linh. Nhưng nếu họ chưa ngộ được bản tâm, những bài thơ của họ chỉ chạy ở vòng ngoài, mang lớp da ngôn ngữ, như Bùi Giáng một lần nữa đã hý lộng:

Những cô con gái lên chùa
Tu hành rất mực, của chua còn thèm’

Lữ Vân
07.12.2011

6 BÌNH LUẬN

  1. RE: Thơ Thiền
    Ngày còn đi học, DT thích những câu thơ cổ theo hình thái thi kệ thanh thoát của thiền sư Mãn Giác thế kỷ 11:
    ..” Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
    Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
    ( Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
    Đêm qua sân trước một cành mai
    – Ngô Tất Tố dịch )
    Thích đọc thơ Thiền nhưng làm thơ Thiền không dễ chút nào, khi tâm chưa thiền, chưa ngộ! Và có phải chỉ có Thiền sư, hay người tu Thiền mới có thể làm thơ Thiền? Cái nhìn đối với sự vật bình thường của trời đất, như mùa xuân, cành mai, nhưng phải nhìn thấy xuyên suốt sự vật bình thường ấy, khi thốt ra lời, ta cảm nhận mùa xuân ấy là vĩnh cửu, đóa hoa mai rụng dưới sân ấy không tàn phai theo năm tháng. Những câu mà anh Lữ Vân trích ở trong bài viết cũng tương tự :
    “Chẳng quên trong đời
    Mùi hương cô tịch
    Của giọt sương rơi”
    hay
    “Con ễnh ương nhảy vào
    Tiếng nước
    Khua”
    Một mùi hương không thể quên của giọt sương rơi. Ta còn như nghe được âm thanh rất khẽ của giọt sương rơi. Hình ảnh con ễnh ương nhảy vào chiếc lá sen nào đó. Hình động, ta nghe được luôn cả tiếng nước khua trong đêm vắng.
    Đọc những câu thơ ấy, như anh LV nói “như sống trong hiện tiền, thực tại sinh động của tâm thể”. Thật đúng.
    Cảm ơn anh Lữ Vân đã gửi vào trang nhà một bài hay. Nhưng không biết anh có viết tiếp nữa không về chủ đề Thơ Thiền này? DT rất thích!

  2. RE: Thơ Thiền
    Làm sao để biết một người ngộ hay chưa ngộ tâm?
    Điều ấy không quan trọng bằng biết mình.
    Đọc một bài thơ thiền, người mắt sáng sẽ thấy tâm người làm thơ thế nào.
    Nếu chỉ là hỷ, nộ, ái, ố… , củng cố, thổi phồng cái tôi, đó là thơ đời.
    Thơ thiền xuyên qua hiện tượng để thấy bản chất, những sự vật vô thường để hiểu thực tại, chân lý.
    Nếu Diệu Tâm yêu thích đề tài này, viết đi nhé !
    Rất mong thay!

  3. Gửi anh Lữ Vân
    Cám ơn anh và Diệu Tâm đã có bài viết và lời bàn rất hay về thơ thiền . NĐH xin mời anh chị và các bạn ghé qua mục Diễn Đàn của trang nhà để đọc bài viết về thơ thiền NĐH mới nhặt được trên internet cho vui nhe . Thân ái.

  4. RE: Thơ Thiền
    gửi Ngô Đình Hải,
    Cảm ơn Hải đã cho bạn đọc xem thêm bài viết về thơ Thiền.Trước khi viết bài Thơ Thiền, tôi có đọc nhiều bài khác, trong đó có bài của Hải đã post lên diễn đàn, nhưng vẫn quyết định viết theo điều mình hiểu về thơ Thiền.
    Theo tôi, thơ Thiền trong Wikipedia,viết rất nghiêm túc.Các bạn có thể đọc để tham khảo thêm.
    Cảm ơn Hải.

  5. Thơ Thiền
    Anh Lữ Vân mến,một bài viết ngắn nhưng súc tích.Có thể khó hiểu với những ai chưa có duyên với phật pháp.Thật vậy,những vị chân tu ngộ đạo quán chiếu được sắc bất dị không ,không bất dị sắc,sắc tức thị không,không tức thị sắc, thơ của các ngài hoàn toàn vô ưu mang màu sắc vô thường,không ,vô ngã.Nếu không được vậy bài thơ chỉ là vay mượn sắc thiền.Nhân đây gửi anh bai thơ của Hòa thượng Thích Thanh Từ anh đọc xem sao nhé:
    Chân không.
    Chân không thể bất biến,
    Huyễn hữu thường đỗi thay.
    Khói mây bọt bóng nước,
    Tan hợp cuộc vần xoay
    Linh lung trăng rọi biền,
    Xanh biếc núi im lìm,
    Ngút ngàn mặt bể cả,
    Thăm thẳm bầu trời xanh.
    Đường phố xe qua lại,
    Sông biển tàu tới lui.
    Dòng đời duyên biến đổi,
    Bệ đá đạo nhân ngồi.

    Chúc anh vui.

  6. gửi Cựu HS NTH Qui Nhơn,
    HT Thanh Từ là một bậc chân tu, ngộ đạo từ kinh Lăng Nghiêm.
    Bài thơ Chân Không trình bày đầy đủ Thể-Tướng-Dụng của Chân Tâm.
    Cảm ơn bạn đã đồng cảm với bài viết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả