Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănThơ - Thật Và Giả

Thơ – Thật Và Giả

Một câu nói nổi tiếng đã khái quát cái nhìn của Phật Giáo về cuộc đời:” Thế giới này có, nhưng không thật”.
Nhà thơ Lý Bạch đời Đường cũng đã nhìn cuộc đời qua con mắt thơ:”.”Xử thế nhược đại mộng Hồ vi lao kỳ sinh?” ( Sống trên đời như giấc mộng lớn. Làm chi cho nhọc xác?)
Nhưng tại sao những nhà thơ vẫn làm thơ, như một nỗi ám ảnh không rời? Và tại sao những bài thơ hay, từ cổ chí kim, vẫn tiếp tục làm rung động lòng người, từ thế hệ này sang thế hệ khác ?
.
Trước hết, vì ngôn ngữ thơ luôn luôn có ma thuật của nó.Lời nói thông thường chỉ là những tín hiệu của thông tin, còn ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ đa nghĩa, nói lên những điều mênh mang, sâu thẳm trong lòng người.

‘ Những nàng tiên nữ ở trên cao
Rụng xuống cho ta những trái đào
Ù té ra sân ta chụp lấy
Gà con sợ hãi chui vô rào”
( Tượng Số- Bùi Giáng)

Đọc bài thơ trên đây, ta thấy lời thơ bình dị, ngộ nghĩnh và có lẽ…dễ hiểu.Nhưng tại sao tác giả lại lấy tựa đề là Tượng Số? Và những hành động đơn giản trong thơ có liên quan gì đến Tượng Số?
Tác giả đã về thiên cổ, ta không thể hỏi được.Nhưng nếu Bùi Tiên Sinh còn sống, có lẽ ông chỉ cười, nói sang chuyện khác.Vì đọc thơ là sự ‘đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’.Thôi thì ta nên lấy tâm để hiểu tâm vậy.

Tượng số có liên quan đến Kinh Dịch- một cổ thư Trung Hoa-, tương truyền là của Phục Hy, ban đầu được dùng để bói toán, sau được kết tập trở thành một tác phẩm triết học, nêu những quy luật sinh hóa, cân bằng, biến dịch trong vũ trụ, cuộc sống, con người.Tượng số là biến những hình tượng trở thành cấu trúc số theo hệ thống Bát Quái của Kinh Dịch.
Ta thử giải mã bài thơ Tượng Số theo quan điểm Kinh Dịch.
Theo Mai Hoa Dịch Số, ‘những nàng tiên nữ’ thuộc quẻ Tốn.Tốn là gió.
‘Những trái đào’ thuộc quẻ Càn.Càn là trời.
Trên là Tốn, dưới là Càn, hợp thành quẻ Thiên Phong Tiểu Súc.
Lời Tượng của quẻ Tiểu Súc:
” Gió phảng phất bay trên trời, là sức chứa hãy còn nhỏ, người quân tử coi đó mà làm tốt lành cho văn đức”.
‘Ù té ra sân ta chụp lấy’ chỉ một người có hành động nóng vội, thuộc quẻ Chấn.Chấn là sấm sét.
‘Gà con sợ hãi chui vô rào’ thuộc quẻ Tốn.
Chấn trên, Tốn dưới hợp thành quẻ Lôi Phong Hằng.
Lời tượng của quẻ Hằng:
” Sấm và gió đi cùng nhau, là tượng trưng cho lẽ thường, người quân tử coi đó, giữ vững lập trường mà không thay đổi phương hướng.”
Từ những hình ảnh đơn giản ta đã tìm ra những ý nghĩa thâm thúy trong Tượng Số.
Phải chăng, một nhà thơ nên trau dồi văn đức và giữ vững lập trường trên con đường mình đã chọn ?
(còn tiếp)

Lữ Vân
29.3.2012

* Sách tham khảo:
– Kinh Chu Dịch Bản Nghĩa,Khổng Tử san định,dịch giả Nguyễn Duy Tinh,Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục xb, Sài Gòn 1972
– Mai Hoa Dịch Số,Thiệu Khang Tiết, Nguyễn Văn Thùy tự Tuấn Châu biên soạn, nxb Văn Hóa Thông Tin, Tp.HCM 2002

6 BÌNH LUẬN

  1. RE: Thơ – Thật Và Giả
    Cảm ơn anh Lữ Vân về bài viết hay. Đọc diễn giải về bài thơ ngắn của Bùi Giáng thật thâm thúy.
    Có những bài thơ Đường nhiều điển tích, điển cố Trung Hoa, phải học hoặc phải xem chú thích mới hiểu, thì ở đây bài thơ tưởng thật đơn giản và bình thường lại chứa đầy ẩn ý từ Kinh Dịch.
    Diễn giải có đúng ý tác giả hay không làm sao mình biết vậy anh?
    DT đồng cảm với anh về suy nghĩ “Nhà thơ nên trau dồi văn đức và giữ vững lập trường trên con đường mình đã chọn”.

  2. RE: Thơ – Thật Và Giả
    Diệu Tâm mến,
    Trong bài Để Thưởng Thức Thơ,Lữ Vân có đưa ra ý kiến đọc thơ cần có kiến thức, có một số người đọc không đồng ý với điều này.Bây giờ, có lẽ Diệu Tâm cũng thấy rồi đó, chẳng những cổ thi mà thơ hiện đại, hậu hiện đại cũng rất cần có kiến thức và tấm lòng để đọc.
    Bài Tượng Số có lối giải mã lạ, chưa ai làm, nhưng chắc là không sai ý tác giả.Vì Bùi Giáng không dưng mà lấy tựa là Tượng Số.
    Cũng có những lối giải mã khác đi vào bài thơ này,Diệu Tâm và các bạn yêu thơ thử tìm xem.
    Cảm ơn Diệu Tâm đã đồng cảm, vì rất ít ai nghĩ tới văn đức.

  3. RE: Thơ – Thật Và Giả
    Anh Lữ Vân mến,Một cách giải nữa mong anh xem thế nào nhé.Bùi Giáng tu Phật và ông có cách tu riêng của ông, cũng ảnh hưởng nhiều đến thơ.Phật pháp chỉ có một vị đó là vị giải thoát,con người thường vui thì ít,buồn thì nhiều với bao chuyện cơm áo gạo tiền, bệnh tật,lòng ngã mạn{cái tôi thể hiện}…Qua bài Tượng Số không phải tự nhiên ông đặt tên mả không có lý do,xem tham khảo -theo lý bên nhà Phật không ai thoát khỏi luân hồi sinh tử nếu không biết tu, để tránh rơi vào địa ngục trần gian không những phải biết làm chủ bản thân mà còn làm chủ cả tình thế nữa:
    … Ù té ra sân ta chụp lấy
    Gà con sợ hãi chui vô rào”.
    Người quân tử phải biết tôn trọng mình và mọi người,sống có đạo đức.Anh nghĩ thế nào.Cựu HSNTHQN.

  4. RE: Thơ – Thật Và Giả
    gửi Cựu HSNTHQN,
    Lối giải thích của bạn có cái chung của giáo lý nhà Phật, không liên quan đến cách tu riêng của BG, như bạn nói.Vả lại không liên hệ gì tới Tượng Số.
    Hình như chìa khóa để mở cánh cửa bài thơ vẫn nằm trong tựa đề.
    Bài Tượng Số nằm trong tập Mưa Nguồn- xb năm 1962.Như thế, trước năm 1962, Bùi Giáng đang đọc các loại triết học Đông Tây, có thể chưa tu Thiền Phật Giáo.
    Tuy nhiên, việc đọc và hiểu thơ không là ‘độc quyền’ của riêng ai, bạn có thể hiểu thơ theo cách của mình.
    Cảm ơn bạn đã cho biết thêm một cách đọc thơ Bùi Giáng.

  5. RE: Thơ – Thật Và Giả
    Anh Lữ Vân mến, DT nghĩ rằng làm việc gì cũng cần phải có đức. Nếu có ai “không nghĩ tới” thì đó là bản chất và là “nghiệp” của họ, cuộc đời họ kết thúc ra sao rồi họ sẽ biết.
    Cách giải mã của anh về Tượng Số hay, nhưng DT nghĩ rằng nó làm cho bài thơ trở nên khó hiểu và rắc rối đối với những độc giả vốn thích bài thơ này vì tính “đơn giản” của nó. Chỉ có cách hỏi tác giả ý nghĩa như vậy đúng không thì ở đây chúng ta chịu thua. Trường hợp Bùi Giáng thì DT cũng sợ rằng khó phân tích thơ của ông, dù cũng có thể là đúng, mà cũng có thể không đúng, vì ai cũng biết Bùi Giáng là một hiện tượng kỳ lạ, độc đáo hiếm có trong văn học, nhưng cũng có rất nhiều tác phẩm lộng ngôn và điên loạn.
    Lúc sinh thời, ông từng nói: “Hãy để cho tôi yên, tôi dại. Đừng ai nói đến tôi. Và nhất là đừng ai nói đến thơ tôi”…
    DT không dám bàn đến thơ ông đâu anh ơi! 🙁

  6. RE: Thơ – Thật Và Giả
    Ngay đầu bài anh có đề cập đến Phật giáo , nên giải theo tượng số của triết lý nhà phật .Bàn đến tượng số, Thiệu Khang Tiết {Thiệu Ung} phân tích tượng số của trởi đất ,dùng tượng số tạo thành lý thuyết rèn luyện đạo đức con người.Ta hay nói tính tình của một người-Tính: bản chất trong sáng,tình : mặt đối lập của tính ,cần phải quay về “tính”,tìm lại chính mính.Cũng giống như bên nhà phật ta cần tìm lại chính mình hay nói một cách khác tìm lại phật tính-bản lai diện mục.Bài thơ Tượng Số của BG đọc và hiểu như tu dưỡng tính tình đạo đức,còn bàn không dám đâu anh chỉ hiểu riêng mình và thấy thâm thúy ,quý tác giả.Cảm ơn anh nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả