Cơn rét thấm vào nỗi nhớ
Mênh mang sương khói quê người
Cuối năm, những người cùng khổ
Giật mình, lạnh tiếng tàu khuya
Cuối năm, như gương mặt mẹ
Hằn sâu những vết ruộng đồng
Thương trái ngô chưa vàng bẹ
Thương mùa lúa mới chớm bông
Cuối năm, những người nhặt rác
Tháng ngày nhặt nỗi long đong
Nhiều khi đi trong phố chợ
Như đi vào cõi mênh mông
Cuối năm, những cô gái trẻ
Tuổi thơ ngây đã đứng đường
Sương gió nhuộm vàng mái tóc
Môi cười đỏ bóng hoàng hôn
Cuối năm, những lòng chùng lại
Biết mình còn một quê hương…
Hồ Ngạc Ngữ
14.01.2013
Fort Edmonton, Canada
Lều vải của người da đỏ. Thiếu nữ nầy cao 1m74, nặng khoảng 130-150 kg. Mời bạn đọc đoán thử tuổi của cô.
RE: 17 tuổi ?
Cô xinh tươi mạnh khỏe
Như chiếc lá nhiệm mầu
Giữa núi rừng hoang dã
Đã bẻ gãy sừng trâu.
Anh Hồ Ngạc Ngữ kính;
Thơ khắc họa mảng tối hiện thực vật vờ bằng cách sử dụng nhiều hình ảnh rất tương phản: “đi trong phố chợ- vào cõi mênh mông; Tuổi thơ ngây-bóng hòang hôn” hoặc ngay cả 2 cụm từ “ Gương mặt mẹ-vết ruộng đồng” cũng đủ gợi xót xa mà không cần thiết phải thêm vào một dấu chấm than.
Qua thơ, dừong như tác giả cũng muốn hỏi ai đó lúc hồi đầu có nhớ đến món ‘nợ’ quá lớn kia khi chợt nhìn thế thái trong chiều kích Tứ trọng ân ?
Gửi Bạn Già Sài Gòn
Bạn Già Sài Gòn thân mến,
Xin kể cho Bạn nghe một chuyện nhỏ:
“Một nữ tín chủ, sau một tuần học Phật Pháp ở chùa trở về nhà.Một hôm, có một bà hành khất đến nhờ bố thí.Nhớ đến giáo lý đã học,nữ tín chủ có bố thí tài vật cho bà già, nhưng nghĩ ‘tài thí không bằng pháp thí’, nên nói thêm: ” Kiếp trước bà là người keo kiệt, bóc lột kẻ ăn người ở,nên kiếp này bà phải đi ăn xin để trả nghiệp”.
Bà già giận dữ, trả lại cả ‘tài thí và pháp thí’ rồi buồn rầu bỏ đi.
Nữ tín chủ nhìn theo hình bóng thất thểu của bà già, ngẫm nghĩ:” Mình nói đúng lời Phật đã dạy, có gì sai đâu?”.
Các Bạn đọc thân mến ơi, nữ tín chủ đã nhầm lẫn ở chỗ nào ?
Bạn Già Sài Gòn thân mến,
Ở đây mình có hai người quen thỉnh thoảng đi uống cà phê với nhau.
Hôm qua, có đọc cho họ nghe bài thơ này.Nghe xong, họ cùng cười:
– Thơ anh buồn quá! Sao viết về những người nghèo khổ chi cho nó buồn !
Có lẽ, từ nay về sau, mình không dám đọc thơ cho hai người bạn ấy nghe nữa, dù họ thuộc loại giàu có, trí thức.
Cảm ơn Bạn đã nhắc đến tứ trọng ân (bốn ơn lớn nhất, quan trọng nhất) của đời người:
– Ơn Tổ Tiên, Cha Mẹ
– Ơn Tam Bảo, Sư Trưởng
– Ơn Đất Nước, Xã Hội
– Ơn Chúng Sinh
Kính hồi đáp,
Hồ Ngạc Ngữ
19.01.2013
RE: Thơ Tặng Những Người Cùng Khổ Xa Quê
Qua mẩu chuyển anh kể, BGSG nhớ người bạn xa xứ 40 năm mới gặp. Ngồi 1 lúc bạn bảo, tôi phải cảm ơn những thằng bạn mình, những nguời cùng trang lứa hồi chiến tranh đã chết cho mình còn sống đến giờ. Rồi cả hai lặng yên. BGSG nghĩ đó là ơn chúng sinh mà cũng là nợ chúng sinh.
RE: Thơ Tặng Những Người Cùng Khổ Xa Quê
Tiếng còi tàu lạnh, gương mặt mẹ hằn sâu nét ruộng đồng, người nhặt rát và nỗi long đong…ngay cả nét son môi màu đỏ trên môi cô gái điếm cũng chỉ là màu tàn của hoàng hôn.
nên đẹp, buồn và rất nhân bản.
Và nếu bạn anh chỉ muốn tìm vui thì lần sau khuyên họ đi coi sân khấu hài hay night club, thế thôi.
RE: Thơ Tặng Những Người Cùng Khổ Xa Quê
¤ Bạn Già Sài Gòn thân, Cảm ơn Bạn đã kể lại một câu chuyện tế nhị. Nhưng trong dòng nhân duyên, sống là sự vay-trả lẫn nhau, Bạn ạ ! Mấy hôm nay sức khoẻ không tốt, nên trả lời muộn, thành thật xin lỗi.
¤ Lâu lắm mới gặp lại Hà Xưa.Cảm ơn đã có những chia sẻ chân tình. Chúc ăn Tết VN ở Mỹ vui vẻ!