Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănThiền Và Văn Chương

Thiền Và Văn Chương

Trong một buổi sáng tĩnh lặng, sư Basho kinh hành qua rừng trúc.Có một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi trong chiếc giỏ, cất tiếng khóc oe oe.Sư Basho lặng lẽ đi qua trên bước chân chậm rãi của mình, không hề quan tâm đến đứa bé.
Thời còn trẻ, tôi đọc mẩu chuyện trên khi ai đó viết về cuộc đời của Basho, một thiền sư vừa là nhà thơ haiku nổi tiếng của Nhật Bản, lòng tôi cảm thấy bất bình vì thái độ vô tâm của Basho.Người bình thường, khi thấy một đứa trẻ bị bỏ rơi còn thương xót, tìm cách cứu giúp, huống chi là một nhà sư có lòng từ bi tu hành để cứu giúp chúng sinh và mình thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Lớn lên, khi nghiên cứu và thực hành thiền, đọc một số bài thơ haiku của Basho, tôi bắt đầu hiểu ông và nhận ra Basho không có lỗi trong chuyện phải cứu giúp đứa bé sơ sinh.
Người tu thiền, khi thực hành công phu, họ không chỉ ngồi, mọi động tác đi, đứng, nằm… đều là thiền.Nếu tu về công án, ví dụ công án nổi tiếng của Triệu Châu: ‘- Con chó có Phật tính không?- Không !’, họ sẽ bị công án trói buộc toàn bộ tâm trí, quên ăn, quên ngủ, cho đến khi tìm ra câu trả lời đúng nhất- ngộ.Nếu tu các phương pháp khác, họ vào chánh định.Trong trạng thái này, người tu thiền thấy sắc chỉ là sắc, nghe tiếng chỉ là tiếng, như hai câu thơ:

‘Trúc ảnh tảo giai trần bất động
Nguyệt xuyên đàm để thủy vô ngân’

(Bóng trúc quét đất bụi nằm im
Trăng soi đáy hồ nước không ngấn)

Đại ý: Tâm đã an trụ thì nhất cử nhất động không bị ngoại cảnh làm cho ô nhiễm. Đó là diệu dụng của vô tác.
( Trong tập KHÔI AN QUỐC NGỮ)
Như thế, khi vào trạng thái nhập định, sư Basho đi qua rừng trúc mà không hề biết đến ngoại cảnh.

¤

Thiền và văn chương cùng gặp gỡ ở nỗi khổ của con người và cuộc đời. Đọc những danh tác văn chương thế giới, người đọc thấy thân phận con người và nỗi khổ cuộc đời được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau.Nhưng chức năng của văn chương chỉ trình bày, phân tích, gợi ý chứ không giải quyết vấn đề. Trong tứ diệu đế – khổ, tập, diệt, đạo- của Phật Giáo, văn chương dừng lại ở tập đế- những nguyên nhân gây ra khổ.Thiền đi đến đạo đế, đề ra phương pháp diệt khổ để chứng ngộ chân lý, kiến tính thành Phật.

Văn chương cũng là thế giới của vọng tưởng.Những người thiếu tưởng tượng khó có thể thành công trong văn chương.Nhưng càng vọng tưởng, người ta càng cho bản ngã của mình là hơn hết.Trong khi đó, những người ngộ thiền biết rằng bản ngã, cái tôi, cái của tôi đã làm con người trầm luân trong sinh tử luân hồi.
Thiền và văn chương có thể gặp nhau ở điểm cùng hướng về và xây dựng cuộc đời đến mục đích chân thiện mỹ.Nhưng vẫn khác nhau ở chỗ:
Dostoievski: ‘Cái đẹp sẽ cứu vớt thế giới’.
Thiền: ‘Nếu chỉ chọn cái đẹp, cái xấu sẽ ném đi đâu ?’

Lữ Vân
01.01.2012

3 BÌNH LUẬN

  1. RE: Thiền Và Văn Chương
    Anh Lữ Vân mến, đọc bài này DT càng thấy Thiền khó hiểu. “Khi vào trạng thái nhập định, sư Basho đi qua rừng trúc mà không hề biết đến ngoại cảnh”… Vậy thì có phải sư thật sự “không hề biết”, Sư có biết mình đang “kinh hành qua rừng trúc” hay không hay chỉ đi như một người mà hồn không xác định đang ở đâu? Và “Người tu thiền, khi thực hành công phu, họ không chỉ ngồi, mọi động tác đi, đứng, nằm… đều là thiền”… Nếu vậy thì người tu thiền làm thế nào để giúp đời? Sau khi họ đã hoàn thành việc thực hành công phu hay vào lúc nào?
    Riêng khi Dostoievski viết: “Cái đẹp sẽ cứu vớt thế giới” ( có lẽ vì ông thấy cuộc đời đầy rẫy “cái xấu”? ) Còn Thiền, khi đặt ra câu hỏi: “Nếu chỉ chọn cái đẹp, cái xấu sẽ ném đi đâu?”
    Không biết cách giải quyết của Thiền, nhưng DT nghĩ thực tế một chút, cái xấu sẽ được con người chấp nhận, vì không có gì, không có ai hoàn hảo ở cuộc đời này…

  2. RE: Thiền Và Văn Chương
    gửi Diệu Tâm,
    Người tu thiền trải qua ba giai đoạn:
    – Lúc chưa biết gì về thiền, thấy núi là núi, nước là nước
    – Lúc đã vào thiền, thấy núi không phải là núi, nước không phải là nước
    – Lúc đã ngộ, lại thấy núi là núi, nước là nước.
    Trong giai đoạn thứ hai, giai đoạn công phu, vì dành tâm trí cho việc hành thiền nên hành giả không bị ngoại cảnh chi phối.
    Sư Basho đi qua rừng trúc, vẫn tỉnh thức biết mình đang đi, vẫn thấy và nghe tiếng khóc của đứa bé nhưng tâm ông không hề bị ngoại cảnh làm phân tâm.Lúc này,ngoài công phu, ông không có một ý niệm nào về việc của thế gian cả.
    Ví dụ, một người đang đi đường, đang bận tâm một vấn đề quan trọng mà chưa giải quyết được, toàn bộ tâm trí họ đang tập trung vào vấn đề, họ vẫn đi nhưng nếu có ai chào hỏi hay gọi họ, họ không nghe thấy.
    Chỉ đưa ra một ví dụ nhỏ để minh họa chứ công phu thiền thì sâu xa hơn.
    Sau khi đã ngộ thiền, người tu cần có một thời gian để trừ tập khí.Khi xong, hành giả có thể ‘thõng tay vào chợ’ để giúp đời, lúc ấy mới không bị cuộc đời vướng mắc.
    Cái nhìn của thiền là bình đẳng, vô phân biệt, vượt lên trên đẹp xấu.

  3. RE: Thiền Và Văn Chương
    Cảm ơn anh Lữ Vân đã giải thích. Tuy nhiên DT vẫn thắc mắc về hành động của sư Basho bỏ qua đứa bé sơ sinh đang khóc oe oe bên bìa rừng. Nếu đây chỉ là một ví dụ thì tại sao người ta không tìm một thí dụ khác nhân đạo hơn? Còn nếu là sự thật thì không lẽ người tu Thiền phải chịu đựng một tội lỗi như vậy? Đợi đến khi “ngộ” Thiền, hành giả mới “thõng tay vào chợ” để giúp đời thì đứa bé kia đã không còn trên đời này vì vào miệng thú dữ rồi hay khát sữa mà chết vì không ai cứu.
    DT chưa được đọc các bài thơ Thiền của sư Basho, chắc rất hay và sâu sắc nhưng chi tiết này được đưa ra trong câu chuyện kể về cách tu Thiền làm đau lòng quá. Xem ra các thiền sư Việt Nam như đại sư Mãn Giác cùng cánh hoa mai rụng trước sân mà mùa xuân vẫn còn, hay thiền sư Viên Chiếu và lời khuyên “Bưng thau nước đầy không chú ý, Một lúc sẩy chân hối ích gì”.. vẫn rất gần gũi với người Việt nam mình hơn phải không anh Lữ Vân?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả