Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiPhê BìnhVề Chiếc Lá Diêu Bông Ấy

Về Chiếc Lá Diêu Bông Ấy

Theo lời tự thuật của Hoàng Cầm thì năm lên 8 tác giả đã “phải lòng” chị Vinh là một cô gái xinh đẹp lớn hơn nhà thơ 8 tuổi. Năm Hoàng Cầm 12 tuổi, chị Vinh đi lấy chồng và đã gieo vào đất tâm của nhà thi sĩ một hạt giống đau thương. Nhà thơ ấp ủ, nuôi dưỡng cái mầm thương đau ấy suốt một phần tư thế kỷ cho đến một đêm mất ngủ – khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã thành công và Hoàng Cầm đang làm văn, viết báo ở Hà Nội – cái hạt giống đau thương ấy phát triển thành cây xanh và đơm bông kết trái : bài thơ Lá diêu bông ra đời.

Ở đầu bài thơ, ngôn ngữ của chị Vinh thật là cao kỳ :
” Chị bảo : đứa nào tìm được Lá diêu bông
từ nay ta gọi là chồng.”
Không “nói”“bảo”, không xưng “em” mà xưng “ta“, chị dùng đại từ “đứa” để chỉ người đàn ông mà trong tương lai chị sẽ “gọi là chồng”. Có thái độ kiêu hãnh như vậy vì chị biết mình đẹp và có nhiều trai làng đang bị sắc đẹp của chị cuốn hút, trong đó có cậu bé Hoàng Cầm đang lẽo đẽo đi theo sau trong một buổi chiều chị đi tìm lá cây làm thuốc trên cánh đồng làng mới gặt còn trơ gốc rạ.

Nghe lời thách cưới của chị, em hối hả đi tìm và đã tìm thấy lá :
Hai ngày em tìm thấy Lá,
Chị chau mày
đâu phải Lá diêu bông.”
Chị chau mày” bực tức, vì lòng tự ái của chị đã bị tổn thương. Lẽ nào sắc nước hương trời của chị lại ngang bằng với hai ngày chạy rông của em ?
Sau thất bại lần thứ nhất, em dành nhiều thì giờ và công sức để tìm cho được cái Lá diêu bông có thể làm chị vừa lòng :
“Mùa đông sau em tìm thấy Lá,
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông.”
“Mùa đông” chứ không phải là “mùa xuân”. Mùa xuân có nắng ấm mà em đi tìm lá cũng là một chuyến đi có nhiều thú vị. Nhưng đi tìm lá trong mùa đông rét mướt thì công sức em bỏ ra nhiều gấp bội và cuộc hành trình gian khổ hơn nhiều. Ở lần thứ hai này, em đã vất vả, nhọc nhằn đi tìm lá trong ba trăm sáu mươi lăm ngày chứ không phải chỉ trong một thời gian ngắn là “hai ngày” như lần đầu tiên. Em đã bắt đầu trả giá cho ước mong chinh phục trái tim của chị. Lòng tự ái đã dược thỏa mãn phần nào cho nên chị không “chau mày” phủ nhận mà chỉ từ chối bằng cách “lắc đầu trông nắng vãn bên sông”.

Dù đã thất bại hai lần nhưng em vẫn quyết tâm đi tìm lá để làm đẹp lòng chị. Không biết em đã đi bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm. Chỉ biết rằng ngày em tìm thấy lá và đem lá đến cũng là ngày chị bước lên xe hoa để về nhà chồng :
Ngày cưới chị, em tìm thấy Lá,
Chị cười
xe chỉ ấm trôn kim.”
Đem lá đến đúng vào ngày vu quy của chị thì lẽ ra em nên lặng lẽ mang lá ấy về nhà để làm thơ là vừa. Không làm được thơ thì ngâm nga những bài ca dao như:
Anh tìm đến vườn hoa thì hoa đã nở.
Anh tìm đến bến đò thì đò đã sang sông.
Anh tìm đến em, em đã có chồng !”

Điều khác thường ở đây là dù biết chị sắp bước lên xe hoa nhưng em vẫn kiên trì đem lá đến với hi vọng mong manh là chị có thể thay lòng, đổi ý vào phút chót. Đến đây thì chị đã biết rõ lòng em, tình em. Tâm trạng tự đắc, tự kiêu của chị đã được thỏa mãn. Cho nên, ở lần thứ ba này, không “chau mày”, không “lắc đầu” mà “Chị cười xe chỉ ấm trôn kim” .
Tôi không được gặp tác giả Hoàng Cầm để hỏi cho rõ “cười xe chỉ ấm trôn kim” là cười như thế nào. Thông thường, khi các cơ miệng bắt đầu chuyển động thì nụ cười chớm nở và đẹp như một bông hoa hàm tiếu, khi tất cả cơ miệng đã phát triển đến giới hạn tối đa của nó thì nụ cười đẹp như một bông hoa mãn khai. Tôi nghĩ rằng đúng vào cái giây phút trên môi sắp sửa nở ra một bông hoa hàm tiếu hay mãn khai thì chi Vinh vội vàng thít chặt hai bờ môi lại để tạo thành hình một sợi chỉ, để mỉm cười, để cho em một nửa nụ cười … Đối với riêng em, thay vì “chau mày” bực tức hay “lắc đầu” từ chối, chị cho em một nửa nụ cười thân thiện cũng đã là hạnh phúc lắm rồi.

Cổ nhân đã nói : “Sự bất quá tam”. Sau ba lần thất bại, lẽ ra em nên kết thúc những lần tìm kiếm Lá diêu bông trong vô vọng. Thế nhưng cuộc đuổi bắt tình yêu của em vẫn còn tiếp tục:
“Chị ba con em tìm thấy Lá
Xòe tay phủ mặt
chị không nhìn.”
Chị đã có ba con thì nét diễm kiều ngày xưa chắc cũng đã tàn phai, còn em bây giờ đã trở thành một thanh niên trẻ trung và cường tráng. Vậy mà em vẫn kiên nhẫn đem lá đến để đổi lấy tình yêu của chị. Đến nước này thì chẳng những chị không “chau mày”, không “lắc đầu” mà ngay cả việc chuyển động hai bờ môi để cho em một nụ cười chị cũng không thể thực hiện được nữa. Đến nước này, chị chỉ còn biết “Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.”
Câu thơ vừa trích dẫn ở trên có một nét nghĩa nhòe. Đó là cái “nếp gấp” (pli) của thơ. Nó đòi hỏi người đọc thơ phải giải thích, nghĩa là phải “mở cái nếp gấp” (explication) ấy. Chính nét nghĩa nhòe này đã làm cho thơ trở nên đa nghĩa. Nhờ vậy mỗi người bình thơ có thể hiểu thơ theo một cách riêng mang dấu ấn tình cảm và trí tuệ của mình.

Độc giả có thể giải thích động tác “Xòe tay phủ mặt chị không nhìn” theo nhiều cách. Có thể hiểu rằng chị che mặt lại vì chị đã quá hổ thẹn trước tấm lòng thuỷ chung son sắt của em. Cũng có thể nghĩ rằng sắc đẹp của chị bây giờ đã tàn phai nên chị phải dùng tay che mặt để giữ cho em cái nét tươi tắn, trẻ trung của chị ngày trước, như người phụ nữ trong Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ đã “Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng”. Tuy nhiên, nếu đặt câu thơ này trong mối liên hệ với những câu thơ đã xuất hiện trước đó để tìm hiểu, chúng ta có thể xác định được tiến trình: Sau “chau mày” là “lắc đầu“, sau “lắc đầu” là “cười xe chỉ ấm trôn kim“, hết “cười xe chỉ ấm trôn kim” là đến “xoè tay phủ mặt” để mà … khóc. Đến giai đoạn cuối này, tất cả nỗi tự đắc, tự kiêu của chị đã hoàn toàn tan biến. Xúc động mãnh liệt trước tình em vô cùng thắm thiết và thủy chung, chị đã không cầm được hai hàng nước mắt.

Chị khóc vì nhiều lý do.Trước hết chị khóc cho em. Đời này chán chi đào chi kép mà tại sao em trước sau chỉ yêu thương một mình chị để mãi hoài kiếm tìm chiếc Lá diêu bông một cách vô vọng như một loài chim không biết mỏi cánh trong những chuyến bay tìm tinh yêu? Sau nữa chị khóc cho chị. Đã ba con, hẳn chị đã biết thế nào cái hữu hạn, cái tương đối của tình yêu trong cõi thế gian. Vậy mà chị đã nhiều lần đùa cợt, hờ hững, rồi kiêu hãnh bỏ qua tình yêu thiết tha vô hạn và thuỷ chung vô cùng của em. Bây giờ, dù vẫn còn đó tình yêu thương của em, nhưng với hoàn cảnh hiện tại, chị không còn cơ hội để đón nhận tình yêu cao đẹp tuyệt vời của em nữa.

Với chị, câu chuyện đã kết thúc, chiếc thuyền tình đã vỡ. Nhưng với em, cuộc tìm kiếm Lá diêu bông vẫn còn tiếp tục và mang một mục đích, một ý nghĩa mới:
Từ thuở ấy em cầm chiếc Lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời !… ới Diêu bông…”

Hình tượng Lá diêu bông ở đoạn kết của bài thơ không còn mang ý nghĩa tình cảm riêng tư của Hoàng Cầm và chị Vinh. Có thể xem hình tượng Lá diêu bông ở đây có nội dung sâu sắc của bài học về lý tưởng sống cho mọi người. Lý tưởng cao đẹp mà mỗi người đang tìm kiếm là cái Lá diêu bông viết hoa ở nơi góc bể chân trời, còn những gì chúng ta thu nhặt được trên đường tìm đến lý tưởng chỉ là những chiếc lá diêu bông viết thường mà nhà thơ của xứ Kinh Bắc đang cầm trên tay. Vì lý tưởng cao đẹp như sao trời và ở ngoài tầm tay với của mỗi người nên kẻ đi tìm lý tưởng thường mang số phận của một khách lữ hành mãi mãi ở trên dặm dài mà các quán trọ chỉ là nơi tạm dừng chân để đổi ngựa và lấy nước.

Những ai đã có một thời trẻ trung với nhiều ước mơ và hoài bão cao đẹp thì đến lúc tuổi già xế bóng thường mang một nỗi ngậm ngùi : Những thành tựu mà ta đã đạt được trong cuộc đời chỉ là những mô phỏng gần đúng với những gì lớn lao và tốt đẹp mà ta đã từng ôm ấp ở trong lòng, như một nhà toán học vẽ nhiều vòng tròn trên cát, trên giấy, trên bảng, nhưng không có vòng tròn nào giống vòng tròn định nghĩa là quỹ tích những điểm cách đều một điểm cố định gọi là tâm… Chính vì nỗi niềm ấy mà ta có thể kết luận rằng “xòe tay phủ mặt“, chị Vinh không những khóc cho em, khóc cho chị mà còn khóc cho tất cả chúng ta, những người sống trong cõi tạm là cuộc đời trầm luân mà lòng không nguôi hoài niệm về một quê nhà xa xôi và cao vời vợi. Đó chính là cái phận người mà Trần Thái Tôn đã miêu tả qua bài thơ thứ nhất của Tứ sơn kệ :
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.”
(Trôi dạt còn dài đời gió bụi,
Quê hương muôn dặm bóng xa khơi.)

Hà Thúc Hoan
Sài Gòn, 8-5-2010

5 BÌNH LUẬN

  1. RE: Về Chiếc Lá Diêu Bông Ấy
    Nghe nói về “lá diêu bông” nhiều hôm nay em mới được đọc trọn vẹn bài thơ với lời phân tích rất thú vị, em xin cám ơn thầy. Xin phép cho em được góp một ý nhỏ thay cho chị Vinh: Dù là kiêu kỳ, dù là cau mày, dù che tay để dấu đi chút hương phai hay dấu dòng nước mắt…thì người đàn bà vẫn có một cái tình riêng đối Hoàng Cầm nên mới bảo anh đi tìm lá diêu bông, nếu không đã mắng cậu bé 12 tuổi là “nhóc con” rồi.
    Sợi tơ tình tuy mỏng nhưng HC đã cảm và đã thấy, nên đủ níu bước chân chàng thanh niên bao nhiêu năm vẫn quay về. Về trước ngày nàng lấy chồng, về cả khi nàng con bồng con bế.
    Rượu không thể nồng nếu không có chất kích của men và được ủ ấm.
    Mấy lời mạo muội nếu có gì sai sót em xin thầy thứ lỗi

  2. RE: Về Chiếc Lá Diêu Bông Ấy
    Thầy Hoan kính mến!
    Rất cảm ơn Thầy đã gởi cho chúng em một bài phân tích thơ thật là tuyệt vời về bài thơ [i]Lá diêu bông[/i]. Đây là món quà quý giá đối với trang nhà NTH. Nhất là với một bài thơ mang đầy… nữ tính này! Và dưới ngòi bút của Thầy chúng em càng hãnh diện về những nét nữ tính…đáng yêu ấy! 🙂
    Ở đoạn kết Thầy đã đã cho chúng em một suy nghĩ : Trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người đều có một chiếc Lá Diêu Bông!
    Chúc Thầy và gia đình luôn vui khỏe!
    Em Đông Oanh.

  3. RE: Về Chiếc Lá Diêu Bông Ấy
    Kính thầy!
    Có lẽ đã lâu lắm rồi em mới có cảm giác đang ngồi trong lớp học giảng văn, say sưa nghe thầy phân tích một bài văn tuyệt hay, thật giàu cảm xúc. Từng câu từng lời “Về chiếc lá diêu bông ấy” thấm đẫm một tình yêu tưởng rất con trẻ, ngây thơ nhưng lại vô cùng sâu sắc chung thủy. Sự miệt mài tìm kiếm trong vô vọng nhưng lại luôn hy vọng của chàng trai qua năm tháng đã khiến thái độ của người nữ thay đổi theo từng giai đoạn …Và kết cuộc: Người đi tìm Lá Diêu bông sẽ vẫn mãi hoài kiếm tìm một tình yêu không bao giờ với tới được. Thầy ơi! Có thể vì không đạt được mà tình yêu đó đẹp hơn và trở thành bất diệt phải không thầy?

  4. RE: Về Chiếc Lá Diêu Bông Ấy
    Có thể thầy sẽ đánh đòn hoặc sẽ cười bao dung khi đọc tiếp những lời rắn mắc của cô học trò, dù tóc bạc vẫn rắn mắc!
    Nhưng có lẻ vì ở xứ người không mấy khi được đọc những bài bình văn thú vị nên những lời của thầy vẫn theo em, và tối nay em chợt nhớ đến cái nghi vấn về “Xe chỉ ấm trôn kim” thầy đã đưa ra.
    Có thể khi mang chiếc lá diêu bông về trước ngày cưới Hoàng Cầm đã gặp chị vinh đang ngồi may áo. Ngày xưa do sợi chỉ may còn thô nên mỗi lần muốn sỏ sợi chỉ qua “trôn kim” người phụ nữ phải đưa lên miệng thấm đầu chỉ một chút thì mới luồn kim được.
    Đôi mắt của chàng trai đã dừng lại trên đôi môi hồng của thiếu phụ khi nàng hé mở cắn vào sợi chỉ. Sợi chỉ đã luồn qua trôn kim thật tròn và thật “ấm” thật tình tự. Có thể lúc ấy Hoàng Cầm đã ước ao mình là sợ chỉ…
    Mà cũng có thể thầy sẽ cho em con 0 to tổ bố vì cái tội nói tào lao, nhưng dù sao em cũng đã nói rồi 😆
    Kính chúc thầy vui khỏe để thình thoảng lại cho chúng em đọc những dòng thật thú vị

  5. RE: Về Chiếc Lá Diêu Bông Ấy
    Lời bàn của Hx về nụ cười [i]xe chỉ ấm trôn kim [/i] của chị Vinh thật là ý nhị, dí dỏm và hay quá!
    [i]Có thể khi mang chiếc lá diêu bông về trước ngày cưới Hoàng Cầm đã gặp chị Vinh đang ngồi may áo. Ngày xưa do sợi chỉ may còn thô nên mỗi lần muốn sỏ sợi chỉ qua “trôn kim” người phụ nữ phải đưa lên miệng thấm đầu chỉ một chút thì mới luồn kim được.
    Đôi mắt của chàng trai đã dừng lại trên đôi môi hồng của thiếu phụ khi nàng hé mở cắn vào sợi chỉ. Sợi chỉ đã luồn qua trôn kim thật tròn và thật “ấm” thật tình tự. Có thể lúc ấy Hoàng Cầm đã ước ao mình là sợ chỉ…[/i]
    Mình tin là Thầy sẽ cho 10 điểm! 😛
    Phải không thưa Thầy!
    Kính chúc Thầy khỏe mạnh!
    Chúc bạn Hx vui và cứ tiếp tục [i]tào lao [/i]như thế nhé!!! 😉

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả