Theo lời tự thuật của Hoàng Cầm thì năm lên 8 tác giả đã "phải lòng" chị Vinh là một cô gái xinh đẹp lớn hơn nhà thơ 8 tuổi. Năm Hoàng Cầm 12 tuổi, chị Vinh đi lấy chồng và đã gieo vào đất tâm của nhà thi sĩ một hạt giống đau thương. Nhà thơ ấp ủ, nuôi dưỡng cái mầm thương đau ấy suốt một phần tư thế kỷ cho đến một đêm mất ngủ - khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã thành công và Hoàng Cầm đang làm văn, viết báo ở Hà Nội - cái hạt giống đau thương ấy phát triển thành cây xanh và đơm bông kết trái : bài thơ Lá diêu bông ra đời.
Ở đầu bài thơ, ngôn ngữ của chị Vinh thật là cao kỳ : " Chị bảo : đứa nào tìm được Lá diêu bông từ nay ta gọi là chồng." Không "nói" mà "bảo", không xưng "em" mà xưng "ta", chị dùng đại từ "đứa" để chỉ người đàn ông mà trong tương lai chị sẽ "gọi là chồng". Có thái độ kiêu hãnh như vậy vì chị biết mình đẹp và có nhiều trai làng đang bị sắc đẹp của chị cuốn hút, trong đó có cậu bé Hoàng Cầm đang lẽo đẽo đi theo sau trong một buổi chiều chị đi tìm lá cây làm thuốc trên cánh đồng làng mới gặt còn trơ gốc rạ.