Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Tất Cả Về Mẹ

 

Ca dao Việt Nam có câu :
“Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ “

Những câu cao, bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng hay, cũng dễ thương với nhiều ý nghĩa nhưng riêng tôi rất tâm đắc với câu ca dao trên…Bởi mẹ tôi, bà mẹ chân quê, chất phác nơi miền thôn dã xa xôi xứ Đồng Dài của thôn Mỹ Hội, làng Mỹ Tài cát trắng, núi đồi trơ trọi, lá khô, cỏ cháy…Nhưng mẹ đã tần tảo lên non xuống cạn như thân cò lặn lội vất vả vì con…Mẹ không ngại gian khổ một nắng hai sương nuôi con khôn lớn, cho ăn học, dựng vợ gã chồng…

Mẹ nuôi con chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm ai cũng biết như thế nhưng hoàn cảnh mẹ tôi khác biệt hơn cả…Hai chân mẹ bị đau từ thuở nhỏ khi gánh lúa xa về bị mắc mưa…Lúc đó có cả cậu nhưng hai cậu tôi xuống ao tắm, mẹ vì mệt quá nên ngồi dựa vào hòn đá nghỉ không biết rằng hơi độc do mưa mới bốc lên làm mẹ lãnh đủ . Cũng từ đó, chân mẹ tôi bị đau nhức suốt rồi dần dần sưng to…Thêm vào đó, vì thời bấy giờ phương tiện đi lại không dễ dàng nên việc chữa trị khó khăn, thuốc men lại hiếm nên mẹ chỉ dùng các loại lá sơ sài chữa tạm dẫn đến một thời gian thì chân mẹ bị co rút lại thành tật…Vậy mà mẹ đâu màng gian khổ, quyết một lòng dạy dỗ nuôi con thành người .


Ngày thường mẹ thả bò lên núi cho ăn, lại tranh thủ cắt đôi bồ mạ đầy lá về ủ làm phân tưới gieo trồng. Nhà đông, trời giá buốt, mẹ phải xuống đồng cấy lúa , quần thì xăn tận gối, người chỉ mặc chiếc áo tơi bằng lá dừa cũ kỹ…Mẹ về đến nhà thì người đã lạnh run cầm cập nhưng nhìn mẹ lúc đó, con ngơ ngác chẳng hiểu gì cũng chẳng thể cảm nhận được sự khổ nhọc…Bây giờ nhớ lại thương mẹ làm sao vậy mà hồi đó chẳng biết làm gì? Cũng bởi các con còn quá nhỏ dại thơ ngây nên khi đi làm mẹ không yên tâm mới để các con ngồi trong cái nong ngoài hiên nhà, chị em lúc đó cũng ngoan cứ ngồi yên trong đó chẳng đi đâu. Thỉnh thoảng có hôm mợ Thãi đi chợ về thấy bẻ cho miếng bánh tráng nướng, hai chị em mon men cầm bánh chia nhau ăn chẳng giành giựt hay đánh nhau để mẹ thêm lo.
Việc mẹ đã vất vả, cái ăn cái mặc còn kham khổ hơn nào đâu như người cơm trắng cá tươi. Nhà mình nghèo, cơm độn ba phần mì, bốn phần khoai. Khi ăn, mẹ xới hết khoai vào bát mình, dành phần cơm cho con. Những năm mất mùa không có khoai mà độn phải độn bằng xác mì …Thời gian trôi qua, cuộc sống cứ như thế, mẹ cứ hy sinh tất cả, chăm con từ miếng ăn, giấc ngủ, con cái cũng lớn dần…Nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn…Có lần, con mẹ quá thèm đường mía nên leo lên cột với tay qua giấy bóc mía đường ăn vụng chẳng may trượt tay té móc vào khuy cửa rách bụng máu chảy rất nhiều. Mẹ hốt hoảng, chị thì khóc ầm inh ỏi, cậu Thãi nghe la vội chạy qua, thấy thế cậu lấy băng bông lau sạch vết thương rồi băng lại cẩn thận cho cháu…Tuy thế vẫn không tránh khỏi đêm đêm con bị lên cơn sốt, mẹ thức trắng, luôn thăm dò sờ tay lên trán, lấy khăn ướt chườm mong con qua cơn sốt và khỏe mạnh lại…Nhìn con nằm mê man, trán lấm tấm mồi hôi mà mắt mẹ ướt đẫm, gương mặt nhợt nhạt vì lo lắng, vì thiếu ăn, thức đêm, bàn tay gầy run run xoa lưng, vỗ về cho con dễ ngủ…Nhớ lại con thấy sung sướng quá, cảm giác ấy đến giờ vẫn còn lâng lâng…

Rồi từng đêm con ngủ, mẹ lấy chăn ấp ủ cho con…Những khi mưa đến, mái dột lá bay, mưa ướt chiếu thì ” bên ráo con nằm, bên ướt mẹ lăn “…Đúng là: “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ”. Mẹ là biển cả, mẹ là nải chuối, là buồng cau, là ánh sáng đêm thâu…Mẹ! Mẹ ơi! Tiếng mẹ yêu thương luôn ngọt bờ môi. Con gọi mẹ và reo mừng khi mẹ đi xa về…Nhìn mẹ tất bật từ việc đồng áng đến việc nhà nào lúc nào cũng luôn tay nhưng không bao giờ bỏ bê con cái. Mẹ không nề hà “ăn đắng cay, bùi ngọt phần con” ( Kinh Vu Lan )…Chỉ có mẹ, chỉ có tình thương vô bờ bến mà không giấy bút nào có thể viết hết mới có thể làm tất cả vì con như thế.
” Trọn ba năm bú nương sữa mẹ
Thân gầy mòn nào nệ với con ” ( Kinh Báo đáp công ơn Cha Mẹ )
Đến tuổi ăn học, mẹ lại dạy bảo cho con vỡ lòng…Nuôi con đã khổ nhưng làm sao dạy con nên người càng khó hơn…Khi xưa Mạnh Mẫu dạy con phải ba lần dời nhà vì lần đầu, nhà ở gần chợ, thấy người ta mổ lợn bán buôn, ông Mạnh Tử bắt chước chơi trò buôn bán. Bà mẹ phải dời nhà, nhà bây giờ ở gần nghĩa trang, thế là ông Mạnh tử bắt chước khóc khóc than than. Bà mẹ lo lắng suy nghĩ sợ con hư hỏng mất. Cuối cùng bà dọn nhà đến gần trường học và từ đó Mạnh Tử luôn chăm lo học hành trở thành bậc hiền nhân là nhờ công ơn nuôi dạy to lớn của Mẹ.

Tuy mẹ tôi không được như Mạnh Mẫu nhưng mẹ cũng biết chọn nơi cho con mình ăn học…Thế là vì mong con cái sẽ có tương lai sáng sủa, tốt đẹp hơn, Mẹ rời quê này chấp nhận thương đau cùng các cậu, các em tìm nơi đất lành chim đậu cho con ăn học. May mắn tìm được nhà ở gần trường tiểu học, trung học, các con đã không phụ công lao mẹ mà gắng công học tập…Mẹ ở trên mảnh đất mới nhưng vẫn phải tần tảo, khó nhọc, thức khuya dậy sớm. Trưa hè trời nắng chói chang, mẹ với thân hình nhỏ bé cùng đôi quang gánh trên vai, gánh nước ngọt đi bán, mồ hôi pha lẫn nước mắt nhưng mẹ không một câu than vãn trước mặt các con…Để xứng đáng với sự hy sinh của mẹ, hàng tháng con đã đem lại cho mẹ những bản danh dự được phát dưới cột cờ thứ hai đầu tháng. Nhìn mẹ mỉm cười sung sướng quên đi mệt nhọc hàng ngày lòng con cũng rộn ràng.

Khi đi thi đệ thất, các em Ký, Chương có cậu Thãi, cậu Dư chở đi. Mẹ thương xót nhìn con của mẹ phải thui thủi một mình đón xe lam đi vì điều kiện nhà quá khó khăn, mẹ không có phương tiện đưa con đi như mọi người…Mẹ chỉ có thể ở nhà ráng làm nhiều việc, kiếm thêm chút ít để lo cho các con ăn học bằng mọi người. Thời gian con thi, lòng con thì hồi hộp không biết mình sẽ làm bài như nào. Mẹ ở nhà mỏi mắt ngóng trông, lòng nôn nao từng giờ từng phút mong chờ con ở cửa. Khi thấy bóng con từ xa, mẹ vui mừng nở nụ cười hiền hòa, ngọt ngào hỏi:
– Con làm bài có được không?
Nguyễn Khắc Hiếu – Tản Đà đã viết: ” Tan buổi học, mẹ ngồi tựa cửa
Mắt trông con đôi đứa về dần “
Giờ đây, con mẹ đã về, đã thi xong, đã đậu vào trường công tại thành phố. Hồi đó tỉnh nhà có hai trường công lập, một dành cho nữ sinh, một dành cho nam sinh. Con mẹ đã đậu, nếu chẳng may rớt mất với tỷ lệ thi 200/2000 thì tiền đâu mà học trường tư? Chẳng phải nỗi vất vả cực khổ của mẹ sẽ tăng gấp nhiều lần hơn sao? Và sẽ chẳng có kết quả như ngày nay…Cảm ơn mẹ…

Mẹ bôn ba, do không có vốn nên phải buôn cái nọ bán cái kia từng chút từng chút nào là gạo, thóc, hành, tiêu, ớt, tỏi,v.v…Khi gà gáy trong đêm, con mẹ còn cuộn mình trong chăn thì mẹ đã dậy đi bộ từ chợ nhỏ đến chợ lớn khoảng 6 – 7 km mua hàng về bán. Cách hai ngày mới có phiên chợ, cuộc sống thật là khó khăn đủ mọi thứ…

Và rồi con cái lớn dần, đã biết phụ mẹ. Khi thì chở hàng xuống tận khu nhất bán, lúc thì đẩy gạo bỏ cho lò bún, hôm thì ra chợ bán hành, tiêu, ớt, tỏi vậy mà có thấy mắc cỡ gì đâu mà mẹ cứ lo lắng, sợ con mình mệt nhọc rồi xấu hổ với mọi người…

Mẹ rất tuyệt vời, dù không được ăn học đến nơi đến chốn nhưng đạo nghĩa đối nhân xử thế mẹ đều hiểu rõ. Ngoài nuôi con ăn học, mẹ còn dạy con lối sống, cách cư xử với xóm làng, biết lễ nghĩa với người trên kẻ dưới, trong gia đình phải biết nhường nhịn nhau:
” Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau “
Nhà có hai chị em không hơn thua mà phải biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Không được tranh giành bất cứ thứ gì nhất là tiền bạc. Bấy giờ mà mẹ đã thấu hiểu rõ lời Phật dạy, tiền bạc là của năm nhà:
1. Vua quan ( sưu, thuế )
2. Nước ( mưa bão, lũ lụt )
3. Lửa ( cháy nhà, hỏa hoạn )
4. Trộm cắp
5. Con hư (có thể là chồng hoặc vợ hư)

Vì vậy sống không nên cố chấp, hơn thua vào tiền bạc, tài sản mà nên gắng sức làm việc lành, việc thiện…Vốn dĩ khi sanh ra đã không có gì và khi chết đi chỉ:
mang theo mình mảnh vải liệm
Còn lại chăng bia mộ khắc đôi hàng”
Tất cả rời bỏ hết, chồng vợ, nhà cửa, con cái chỉ có nghiệp lành hay nghiệp dữ mang theo
“Có đức mặc sức mà ăn” chứ có tài mà không có đức cũng vô dụng…
Bây giờ, các con của mẹ đã yên bề gia thất, đã có cháu nội, cháu ngoại, có chút “sương pha bạc mái đầu” nhưng
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con “
Thế nên có câu, mẹ trăm tuổi vẫn lo cho con tám mươi tuổi, con cái có gia thất, cháu nội ngoại rồi nhưng mỗi lần về thăm chơi, mẹ vẫn với vẻ mặt đầy trìu mến nhìn con và hỏi:
– “Ăn cơm chưa? Lấy cơm ăn đi con”
Con nào về, cháu nào về bà cũng nhắc nhở, lo lắng, dặn dò nhiều điều…
Mẹ đã lo, lo đến nỗi quên đi tuổi thanh xuân của mình…Các con mẹ vô phước mất cha từ tấm bé khi em chưa lọt lòng, chị mới chập chững bước đi…Mẹ bấy giờ rất đẹp, rất xinh, tướng mẹ rất sang trọng, quý phái nhưng mẹ không quan tâm đến hạnh phúc riêng của bản thân mà chỉ biết rằng hạnh phúc quý nhất của mẹ chính là các con…Các con mẹ đã thật may mắn vì có trọn tình cảm của mẹ, mẹ vừa là mẹ vừa là cha, mẹ đã không để các con rơi vào cảnh:
“Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai”

Thế nên với công lao dưỡng dục trời biển của mẹ, chúng con thật lòng rất biết ơn tình cảm thiêng liêng đó. Chúng con nguyện sẽ mãi kính trọng, thương yêu mẹ, mong mẹ trường thọ, khỏe mạnh để ở bên, vui đùa cùng con cháu, để chúng con có hội phụng dưỡng, báo hiếu mẹ…Tóc mẹ bây giờ đã trắng hết, trắng như bà tiên trong truyện cổ tích, rất đẹp…Các cháu rất thích ngắm nhìn và vuốt tóc mềm mượt của bà…Bà mỉm cười âu yếm …

Nhìn gương mặt hằn bao nhiêu nếp nhăn, da dẻ lấm chấm đốm đồi mồi, miệng móm mém mới hiểu rõ nỗi vất vả, khó nhọc của mẹ suốt thời gian qua…Năm tháng trôi đi vô tình, nay mẹ đã gần chín mươi …Người mẹ ngày nào tay bồng tay bế, đi ngược về xuôi, chăm lo mọi thứ nay chỉ còn biết hàng ngày ngóng trông con cháu, mong những ngày sum họp rộn ràng, nghe tiếng cười nói của con cháu, ôn lại chuyện ngày xưa, thỉnh thoảng cũng hờn cũng dỗi…Nhưng trên tất cả, mẹ vẫn là mẹ kính yêu trong lòng chúng con…Chúng con biết rằng thương mẹ lắm và cũng biết rồi sẽ có ngày:
“Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi”
Vì thế:
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”
Với chúng con mà nói, còn mẹ là còn tất cả, mất mẹ là mất hết rồi…Chồng, vợ mất có thể tìm người khác…Nhưng mẹ chỉ có một trên đời, mất mẹ rồi biết tìm mẹ nơi đâu? Ai có thể thay thế được mẹ?
Sư Nhất Hạnh cũng đã nhắc ta: ” Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận.Vậy mà lắm lúc ta không biết để lãng phí một cách oan uổng…Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời ban tặng cho ta – những kẻ đã và đang có mẹ…Mẹ thương con nên con thương mẹ, con cần mẹ và mẹ cũng cần con…Mẹ không cần con thì đó không phải là mẹ con, đó là lạm dụng danh từ mẹ con”.

Nhờ lời Sư dạy và sự thấu hiểu tấm lòng mẫu từ, các con mẹ sẽ ghi nhớ lấy lòng và cảm ơn vì mẹ đã sinh ra con, ban cho con hình hài, dạy con trí tuệ, nên người…Cảm ơn mẹ trăm ngàn lần vì mẹ là Mẹ của con…Con kính chúc mẹ luôn dồi dào sức khỏe, trí óc minh mẫn, sống vui cùng con cháu để con cháu có thời gian báo hiếu mẹ nhiều hơn, hưởng ơn đức trời biển của mẹ…Và cũng xin kính chúc những ai đã và đang làm mẹ cũng đều được vui khỏe, an lạc như mẹ mình.

Diệu Minh Sang

6 BÌNH LUẬN

  1. RE: Tất Cả Về Mẹ
    Minh Sang ơi, bài viết thật xúc động. Thật may mắn bạn có một người Mẹ thật tuyệt vời. Và cũng thật may mắn mình đã được hân hạnh biết Mẹ khi Mẹ rất còn trẻ. Một đời vì con.Công cha nghĩa mẹ, cho dù là cát ở sông Hằng và cao như núi Tu Di cũng không thể sánh được. Mẹ sẽ không còn bên cạnh chúng ta nhiều ngày đâu nhé, nhớ chăm sóc thăm hỏi thường xuyên, để một mai Mẹ đi rồi con không hối tiếc. Thân mến. Gởi lời thăm hỏi đến Mẹ, nhân ngày Lễ Mẹ. Đỗ Lệ

  2. RE: Tất Cả Về Mẹ
    Cảm ơn Carolyn Đỗ đã đồng cảm và hiểu được nỗi lòng biết ơn của MS với mẹ cũng như tấm lòng trời biển của má MS…MS sẽ chuyển lời thăm hỏi của Carolyn đến má , má chắc vui lắm vì dù ở nơi xa vẫn có người quan tâm đến má như Carolyn…
    Chúc carolyn một ngày nhiều sức khỏe và niềm vui.

  3. RE: Tất Cả Về Mẹ
    Minh Sang mến, Mẹ luôn là hình ảnh đẹp nhất thương yêu nhất trong lòng những người con. Bài viết thật cảm động và bức ảnh mẹ MS thật dễ thương với nụ cười móm mém hạnh phúc.
    Nhân ngày lễ Mẹ, xin chúc mẹ MS luôn được sức khỏe, minh mẫn, sống thọ và thật vui vẻ bên con cháu.

    • RE: Tất Cả Về Mẹ
      cảm ơn sự chia sẻ của Diệu Tâm và lời chúc chân thành cho mẹ MS , MS thật sự rất vui…Kỷ niệm cũng như tình cảm mẹ con của mỗi chúng ta đều là món quà quý giá phải không Diệu Tâm ?
      Chúc Diệu Tâm nhiều sức khỏe

  4. RE: Tất Cả Về Mẹ
    Minh Sang ơi, nhìn tấm hình móm mém của Mẹ với cái mũ ra trường của những cậu tú cô chiêu mà thấy thương Mẹ quá! Một hình ảnh lúc nào cũng đẹp mãi trong lòng của chúng ta, phải không? Rất vui khi chúng ta cùng chia sẻ những cảm nhận vui buồn nơi đây. KT

    • RE: Tất Cả Về Mẹ
      Lần đó con gái tốt nghiệp nên mượn đồ của trường về quê chụp chung với bà…Đúng như Kim Tiến nói , đó thật sự là một hình ảnh rất đẹp và sẽ mãi ở trong lòng những đứa con , đứa cháu….
      Phải cảm ơn KT nhiều vì sự chia sẻ…Chúc KT mỗi ngày đều là một ngày vui khỏe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả