Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Tại Sao Tôi Đi Tu

Rồng bay đi , rắn bò đến…Mới ngày nào còn chơi trò ” rồng rắn ” vậy mà đã mấy mươi năm trôi qua , như bóng câu qua cửa sổ.
Thấm thoát , xuân đến tết về , muôn hoa đua nở , cây lá xanh tươi , thắm đượm tình quê ấm áp…Tiết Đinh San lòng xôn xao , náo nức như thuở nào được đi chợ Tết với mẹ.Nhưng bây giờ không còn được đi với mẹ mà lại dẫn con đi…Nói vậy chứ bây giờ bọn trẻ teen lắm , chúng tự đi mua theo ý thích chứ có thèm đi với mình đâu…Nhờ vậy ta mới có thời gian chia sẻ đề tài trên đó là ” Tại sao tôi đi tu”.
Nghe như thế đừng nghĩ là Đinh San cạo đầu trọc lóc . Không phải vậy đâu nhé mà vẫn ” đen da , dài tóc” đẹp lão bởi vì ” bao vật đổi sao dời , dòng thời gian thấm thoát , cho muối cùng sương len vào tóc pha màu” _ ( Cổng trường xưa , Ngô Thanh Vân ).
Lớn tuổi rồi nên tôi thường dành thời gian đi nghe pháp , ngồi thiền , niệm phật. Đó là phương pháp tu , tu ở đây là sửa đổi cho tốt hơn…Và bài viết hôm nay Đinh San chia sẻ là bài giảng của Sư Cả – Tiến sĩ Bửu Chánh với câu trả lời của nhà Sư Ratthapala khi đi khất thực vào vườn của vua. Khi ấy vua nghe tiếng nên hỏi : Có nhiều Phật tử ,Thầy gặp khuyên đi tu thì Phật tử bảo để con đi làm có tiền đã…Mười năm sau gặp lại họ vẫn bảo con còn làm nữa đã…Ba , bốn năm sau thì hay tin người ấy chết mất…Vì thế có câu ” tu mau kẻo trễ “.Mình tu thì mình làm được nhiều việc thiện.

– Vậy tại sao Ngài đi tu ? ( Vì vua biết nhà sư này là con nhà giàu , danh giá ,có sức khỏe , lại trẻ đẹp tại sao từ bỏ để đi tu )
Cũng từ việc này nên đề tài này được xem là bài kinh Ratthapala được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Bali sang Việt ngữ văn xuôi và được một thi sĩ nào đó dịch sang văn vần treo ở chùa Tứ Phương Tăng Tăng Bình Long ( tỉnh Bình Phước ).
Sau khi được nghe sư Cả giảng tôi rất tâm đắc với câu trả lời của nhà sư Ratthapala được cô đọng trong mười ba khổ thơ , vị chi là năm mươi hai câu như sau :

Tôi đã thấy biết bao người giàu có
Chưa bao giờ từ bỏ tánh tham lam
Vẫn mải mê theo của cải bạc vàng
Vẫn khao khát chạy dài theo dục lạc
– Câu một bình thường thôi , câu ” Chưa bao giờ từ bỏ tánh tham lam” cho thấy có nhiều người nói ráng làm rồi sau sẽ tu nhưng lúc kiếm được một triệu thì vui , khi kiếm thêm được hai ba triệu thì vui hơn rồi lại tiếp tục đến lúc có hai ba trăm triệu hay tiền tỷ lại càng muốn thêm chứ không muốn dừng lại vì ” lòng tham không có đáy”…Giống như có 1 đứa con thì dính mắc 1 đứa con , 2 đứa thì dính mắc 2 đứa…Một cái nhà thì muốn hai ba cái nữa , có xe máy thì muốn xe hơi…Đúng là cuộc sống thì phải đi lên nhưng ta cứ mãi chạy theo bạc tiền của cải thì lúc nào mới nhìn lại bản thân để tu sửa được ?
” Đừng hẹn tuổi già mới niệm phật
Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh “
( Đầu năm mà nói chết đừng nghĩ là xui nha , vì ông bà mình vẫn nói ra đường gặp đám ma là hên mà.)
Khi có một cái nhà , chúng ta mất nó đi sẽ rất buồn rất khổ , mất 1 đứa con chúng ta cũng đau khổ hơn nên càng có nhiều nhà , càng có nhiều con chúng ta sẽ luyến ái nhiều và đau khổ càng nhiều nên tôi phải đi tu , phải đi chùa để sưa đổi , để lòng tham tôi dừng lại.
Tôi đã thấy biết bao là vua chúa
Chưa bao giờ an phận với giang san
Dù biên cương giáp bốn biển ngút ngàn
Vẫn muốn nữa muốn biên thùy rộng mở.
Mình học lịch sử nên mình biết rồi , không bàn đến vua chỉ mình nói mình thôi.Đúng ra chỉ cần có một ngôi nhà nhưng vì có nhiều con nên mình phải ráng làm để kiếm của cho chúng.Mình làm được 1 ngôi nhà cho 1 đứa nhưng bốn năm đứa phải có bốn năm căn nhà thế là mình lại bôn ba , tất bật chạy ngược chạy xuôi để lo tương lai cho chúng nhưng rồi bỗng dưng mình mất đi khi công việc dở dang thì sao ? Hoặc của cải tự nhiên bị mất thì mình lại tiếc của mà sinh bệnh , khổ…Phải hiểu rằng giàu có do bố thí , nghèo khó không cúng dường…Tôi làm nhà để cho con tôi , nó có phước thì nó sẽ tự tạo ra nhà cửa nhưng nếu không có phước đức thì dù tôi để lại mưới căn nhà nó cũng phá rồi ăn chơi hết…Nhìn lại thực tế , có cha mẹ rất nghèo , con cái giàu nhờ có phước.Ngược lại , cha mẹ giàu để lại cho con một trăm cây vàng hay hơn thế nữa nhưng một căn bệnh hiểm nghèo đem đến dù chữa hết vàng ấy cũng không hết bệnh vì kém phước : ” tội ai nấy mang , phước ai nấy hưởng ” , “có đức mặc sức mà ăn ” …
Hơn nữa : khéo tu thì nổi , vụng tu thì chìm…Có tài sản kết sù mà thất đức thì con cũng không hưởng được cho nên phải đi tu bởi vì sống chết là chuyện lớn , mất tiền mất bạc , mất vợ mất chồng , mất con là chuyện nhỏ…Sáu mươi chết là bình thường , lát nữa tôi sẽ chết hay tháng sau tôi chết là chuyện vô thường.
– Sáu mươi tính năm – năm sau tôi chết.
– Bảy mươi tính tháng – tháng sau tôi chết.
– Tám mươi tính ngày – ngày mai tôi chết.
– Chín mươi tính giờ – một lát tôi chết.
– Một trăm khỏi tính…
Bởi vậy cho nên tôi phải ” tu mau kẻo trễ “

Người thế gian từ bần dân vua chúa
Đứng trước tử thần tâm vẫn còn tham
Tiếc công danh, tiếc sự nghiệp chưa thành
Nhưng phải bó tay buông xuôi nhắm mắt
Tiếc cái này , cái nọ nhưng mình không làm chủ được. Là trụ trì thì lo việc chùa , thương đệ tử , là cha mẹ thì thương con tiếc nhà , là doanh nhân , là công chức vẫn đam mê với sự nghiệp của mình.Như anh chàng hà tiện trong chuyện cười đến khi tính mạng sắp chết vẫn còn trả giá…Để rồi :

Quanh người chết bao kẻ than khóc
Hỡi người thân sao vội bỏ ra đi
Trong áo quan người nằm đó im lìm
Lửa thiêu đốt xác thân thành tro bụi
Đó là tương lai của chúng ta.Vì thế tôi phải đi tu vì trước sau cũng chết : chết trước được mồ được mả , chết sau đổ ngã đổ nghiêng…Thương mình tu tập là khôn , thương phiền não tự chôn lấy mình…Tờ báo thanh niên viết cách đây 2 năm , có ông người Đức có 12 tỷ Euro , ông bị thua lỗ 7 tỷ , còn ở ngân hàng 5 tỷ vậy mà ông đâm đầu vào xe lửa chết.Vậy mới thấy người không tu mà dính mắc vào tài sản , chồng vợ rất là khổ, nhiều cảng tự tử là vậy đó.
Mình ở gần chùa càng nhiều thì càng an lạc , thanh thản ví như ” ở bầu thì tròn , ở ống thì dài , làng chài tanh cá , làng hương thơm trầm , gần mực thì đen gần đen thì sáng …”

Đem theo gì mảnh vải lim
Còn lại chăng bia mộ khắc đôi hàng
Dù muốn về lại cõi trần gian
Nhưng phải chịu tái sanh theo nghiệp lực
Mình cố làm thật nhiều tiền mà không chịu tu tập mai kia chết đi có mang theo được gì ngoài mảnh vải lịm và bia mộ…Còn phần nghiệp lực là do mình tạo ra , dù có muốn quay lại sống cùng những đứa con , muốn tiếp tục công việc dở dang nhưng vì nghiệp lực mà phải tái sanh trả nợ chứ không phải chết là hết…

Kẻ còn sống đang tranh giành thừa kế
Người chết rồi chỉ có nghiệp đem theo
Khi ra đi tay trắng chẳng đem gì ?
Bỏ con cái , bạn đời cùng của cải…
Sanh ra là hai bàn tay trắng , chết đi được hơn một chút là có thêm mảnh vải lịm…Còn thì bỏ lại tất cả nào vợ đẹp , con ngoan , chồng yêu cùng của cải vật chất…Nói mới nhớ cách đây không lâu , một bà cụ dành cả đời mình làm lụng , chắt chiu , dành dụm để được một khoản tài sản đồ sộ.Vốn dĩ sẽ chia cho con cháu vậy mà chúng nó suốt ngày đòi chia phần này phần nọ , đứa thì cho rằng mình là cháu nội đích tôn phải được nhiều hơn , đứa thì nói mình bên ngoại gần gũi hơn nên phải được nhiều…Còn nhiều hoàn cảnh đau thương hơn khi quan tài còn đó , mồ mả chưa yên mà con cái cấu xé giành nhau gia tài , thậm chí làm người sống nhiều khi uất ức mà chết chỉ vì chuyện của cải…

Bách niên đại thọ tiền nào mua nổi
Biển ngọc rừng vàng sao tránh khỏi già nua
Lời thánh nhân nhắn nhủ lẽ vô thường
Ngắn ngủi lắm kiếp người nên ghi nhớ
Sống trên đời ai không tránh khỏi được quy luật sanh ,lão ,bệnh , tử…Dù cho người giàu kẻ nghèo , dù đẹp hay xấu đã sinh ra thì phải lớn lên , theo thời gian tuổi già kéo đến ,cơ thể suy yếu , bệnh hoạn đeo mang rồi cuối cùng cũng phải nhắm mắt xuôi tay ,nằm bất động , không còn hơn thở,cuộc sống một kiếp người chấm dứt…Thế nhưng nhiều người không biết lẽ vô thường của cuộc sống , không chấp nhận được việc phải chết , phải buông tất cả để trở về với cát bụi…Họ đau khổ , lo lắng , tiếc nuối cuộc sống , ăn không ngon, ngủ không yên , sợ cái chết đến với họ…Nếu biết tu tập, biết nghe pháp , ngồi thiền thì tâm tư họ sẽ thanh thản , hiểu rõ sự vô thường , nhìn nhận cuộc sống với một cái nhìn khác để cuộc sống trôi qua nhẹ nhàng hơn…Hôm nay , ngày mai hay lát nữa đây là đã thay đổi rồi.Kiếp người ngắn ngủi lắm…Cái chết không đáng sợ ,chỉ sợ mình sợ chết thôi.

Bậc có trí quán tưởng luôn sự chết
Phút lâm chung tâm bình thản an nhiên
Kẻ phàm phu không quán tưởng thường xuyên
Nên phút cuối tâm luôn đầy sợ hãi.
Như đã nói ở trên.Nếu mọi người hiểu được vấn đề , hiểu được quy luật nhân sinh trong vũ trụ , quán tưởng được sự chết sẽ có được cái chết an nhiên , dù biết đến ngày ra đi tâm hồn họ vẫn thoải mái , thong dong…Họ chết trong sự bình thản , không chút sợ hãi…Ngược lại , những người chấp mê , vô minh , không quán tưởng sự đời sẽ luôn sống trong sự hồi hộp , thấm thỏm , lo âu vì không biết lúc nào mình sẽ ra đi.Họ tiếc của cải , tiếc sự luyến ái với người thân, bạn bè…Bởi thế :

Trí tuệ quý hơn tiền tài của cải
Trí tuệ giúp người đạt đạo vô sanh
Kẻ si mê biết bao kiếp đạt thành
Trôi nổi mãi trong luân hồi vô tận.
Quý vị đi chùa nghe pháp , làm công quả , ngồi thiền , phát triển trí tuệ gọi chung là tu tập. Có tu tập có trí tuệ thì quý hơn của cải.sống một trăm năm mà không biết tu không bằng sống một ngày biết tu.Tu để dừng lại lòng tham , sân , si…Vì lẽ đó :
Từ bào thai người sanh về cõi khác
Tiếp tục hành trình đi mãi không thôi
Còn vô minh nghiệp quả trói thai hình
Hết sanh tử tái sanh vòng luẩn quẩn.
Như kẻ cướp chịu luật đời phân xử
Nghiệp chúng sinh , nghiệp nhân quả vô minh
Để đời sau nghiệp cũ bước theo mình
Trổ quả dữ khổ người gây nghiệp ác.
Dục lạc ngũ trần vị ngọt ngon thơm ngát
Làm động lòng làm xao xuyến tâm can
Thấy hiểm nguy trong vị ngọt ẩn tàng
Làm ẩn sĩ tôi sống đời thanh thản.
Kiếp người mong manh như nhánh cây đầy trái
Gió rung cành trái xanh , chín rụng rơi
Bởi hiểu thế tôi phát tâm tu phật
Làm người tu , vui đạo sống thanh bần.
Chúng ta ai rồi cũng phải chịu trách nhiệm cho những việc mình làm , những nghiệp mình tạo ra.Không thể dùng sắc đẹp , tiền tài , danh vọng để mua sự an lạc thân tâm…
Như nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã biết chọn cho mình cuộc sống thanh nhàn , tìm niềm vui trong mỗi hoàn cảnh :
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc , đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen , hạ tắm ao…
Và Minh cũng noi gương các ngài :
Minh dại Minh về nơi Thất ẩn
Ngày thường đi đến công ty Manulife
Thu ăn đậu hũ , đông ăn chao
Xuân tắm vòi sen , hạ tắm biển…

Trên đây là bài giảng mà ngài Tiến sĩ – Thượng tọa Thích Bửu Chánh thuyết giảng Đinh San được nghe qua và rất thích , thấy rất phù hợp với lứa tuổi của mình nên xin chia sẻ với các bạn….Nếu ai đồng cảm thì hưởng ứng động viên Đinh San , bạn nào thấy không phù hợp cũng xin hoan hỉ cho…Dừng bút Đinh San kính chúc quý thầy cô , bè bạn gần xa được mọi sự cát tường như ý…
Ngày 19/12 ( Nhâm Thìn )

TB : À này Hà Xưa thân ! cùng các bạn…Nhớ tết năm trước Đinh San có ghi hai câu thơ của ai đó :
N K M H U Ơ
M K N H M R Q N
Vậy không biết các bạn giải được chưa ? Giờ kề tai Đinh San nói nhỏ cho nghe : N ( anh) , M ( em ) , K ( ca ) , H ( hát )…Hihi , vậy các bạn đọc được chưa ? Đọc rồi thì đừng rủa Đinh San nha vì đây là lối chơi chữ của ai đó đó mà mình không biết luôn…
Thôi xin chào các bạn ,chúc vui nhiều nhé , năm mới cười thật sảng khoái.

Diệu Minh Sang

7 BÌNH LUẬN

  1. RE: Tại Sao Tôi Đi Tu
    … mới đọc loáng thoáng “Tại Sao Tôi Đi Tu” mà chưa nắm được ý làm hà nhớ năm xưa một lần thi vấn đáp Thầy hỏi: Có đọc sách không? – Dạ có … mà không hiểu hết! – Từ từ … sống rồi hiểu! Đọc lại “Tại Sao Tôi Đi Tu” thì thấy Sang đang ôn bài cho mọi người … Cám ơn Sang nhắc: – Sáu mươi tính năm – Bảy mươi tính tháng – Tám mươi tính ngày – Chín mươi tính giờ – Một trăm khỏi tính … năm nay Má bạn hà được một trăm tuổi, Bác nằm một chỗ khoảng 22 năm … bạn hà thì mất năm rồi …

  2. RE: Tại Sao Tôi Đi Tu
    Vậy nếu không trễ, TĐS đang ở độ tuổi 15 thì có đi tu không dậy ta? 😛
    cám ơn TĐS đã trả lời câu hỏi từ…nữa năm trước, hi hi coi bộ sau khi cười hả hê thì ngồi đọc kinh càng thấm,phải không bạn.

  3. RE: Tại Sao Tôi Đi Tu
    Cảm ơn TĐS nhắc nhở và … dẫn đường cho bạn bè, ai thấy phù hợp thì nghiên cứu thêm, không thì cũng tìm ra một câu trả lời cho chính mình.
    Hai câu bạn trích:
    “Làm ẩn sĩ tôi sống đời thanh thản.
    Kiếp người mong manh như nhánh cây đầy trái”…
    Theo mình, làm ẩn sĩ thì dễ thanh thản hơn người đang sống giữa thế gian ồn ào bụi bặm này. Mà không phải ai cũng dễ dàng buông bỏ hết để đi tu, hay làm ẩn sĩ. Tuy nhiên, nếu mình không là ẩn sĩ cũng vẫn có thể tìm thấy “đời thanh thản”, vẫn hiểu “kiếp người mong manh”.. thì sao nhỉ, có lời khuyên nào ở đây bạn ơi? Chắc chắn áp lực dành cho những người không là “ẩn sĩ” vô cùng lớn. Nhưng buông bỏ hết, chưa hay không được. Do nhân duyên, do nghiệp chướng v.v…? Mình biết chỉ cần Tết này đến chùa, gặp Sư thầy là hiểu được liền, nhưng Tết đến chùa, Sư thầy cũng bận rộn! Thôi mình tự tìm hiểu vậy. Chúc bạn và gia đình năm mới an lạc.

  4. Tâm tịnh
    Thế là nàng Tuyết đinh Sang chuẩn bị đi tu rồi, bỏ Phàn lê Huê lại cho ai nhi? Rất vui mừng bạn đã hiểu được cuộc đời vô thường, như vậy bạn có thể làm những gì bạn đang cần làm ngay bây giờ.Chúc bạn thân tâm an lạc. Đỗ Lệ xưa

  5. RE: Tại Sao Tôi Đi Tu
    Các bạn thân mến !
    Cảm ơn các bạn đã đọc bài của TĐS và cho ý kiến.ĐS xin chia sẻ thêm là mình may mắn ở gần các chùa Nam tông và Bắc tông…Thường thì chủ nhật về chùa tu một ngày và được học giáo lý.Nếu các bạn chưa có điều kiện về chùa thường xuyên thì mình có thể thỉnh đĩa về nghe.
    Vô thường – khổ – vô ngã – chuyển hóa khổ đau – nghiệp là người bạn đồng hành…
    TĐS nói đi tu là ý muốn khuyên bản thân dừng lại lòng tham , làm các việc thiện , tránh các điều ác chứ không phải nói buông bỏ tất cả.Nếu ĐS ở tuổi 15 mà gặp nhân duyên thì biết đâu sẽ “tu” sớm hơn,hihi.
    Chúc các bạn vui và sớm gặp duyên lành với giáo lý nhà Phật để cuộc sống được thân tâm an lạc.

  6. RE: Tại Sao Tôi Đi Tu
    hihi…thì Phàn Lê Huê nối bước cùng chàng ĐS này để chúng ta cùng thân tâm an lạc, như vậy càng vui chứ sao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả