Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiBiên KhảoTạ Ơn Xứ Lạ Năm Đầu

Tạ Ơn Xứ Lạ Năm Đầu

Ở Hoa Kỳ có Lễ Tạ Ơn, gọi là Thanksgiving. Ngày ấy, theo lệ sum họp gia đình, hàn huyên ăn uống. Trong bữa tiệc, luôn luôn có món gà tây.


H 1: Khu phố Tàu ở San Francisco. (Ảnh chụp ngày 25- 11- 1993)

Nguyên ngày 16- 9- 1602, con tàu Mayflower rời cảng Plymouth (nước Anh), vượt Đại Tây Dương, sang Tân Thế Giới (Mỹ Châu), mang theo 102 người Anh gồm: 50 đàn ông, 20 đàn bà và 32 trẻ em. Những thuyền nhân này, muốn định cư ở vùng đất chưa thuộc về nước nào để được duy trì ngôn ngữ, phong tục của họ. Và nhất là được tín ngưỡng theo giáo phái Pilgrim mà Anh hoàng, lúc bấy giờ, bất ngờ cấm đoán gắt gao. Ngoài ra, họ còn hy vọng ở vùng đất mới sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.


Trải qua 65 ngày gian nan trên biển cả, ngày 20- 11- 1602 họ đến bờ Đông của Mỹ Châu. Mãi đến ngày 26- 12- 1602, họ chọn được nơi định cư, một vùng đất cao ráo, có lạch nước trong. Và đặt tên là cảng Plymouth, kỷ niệm cố hương.

Họ đến nhằm mùa đông, thời tiết quá lạnh. Nhà cửa chưa có, lại thiếu thực phẩm, nên chỉ còn 50 người sống sót. Cũng may, năm ấy mùa xuân đến rất sớm. Họ bắt tay vào việc trồng tỉa, chuẩn bị lương thực cho mùa đông kế tiếp. Vụ mùa đầu tiên khá tốt đẹp.

Rồi một ngày trong tháng 10 năm 1621, họ mở tiệc mừng và làm Lễ Tạ Ơn vùng đất mới dung thân. Về sau, lễ ấy được tổ chức mỗi năm một lần, truyền đời này sang đời khác, thành phong tục nước Mỹ. Khoảng năm 1941, Quốc Hội Hoa Kỳ biểu quyết, ấn định lễ Thanksgiving hằng năm vào ngày Thứ Năm, tuần lễ Thứ Tư, Tháng Mười Một dương lịch.

Lễ Tạ Ơn năm ấy, nhằm Thứ Năm ngày 25- 11- 1993. Với tôi, đây là năm đầu tiên định cư trên đất Hoa Kỳ. Gia đình tôi Tạ Ơn Xứ Lạ Năm Đầu bằng chuyến du ngoạn thành phố San Francisco, viếng thăm Golden Gate Bridge và chụp nhiều ảnh để lưu niệm những ngày đến được bến bờ tự do.

Thành phố San Francisco được thành lập ngày 29- 6- 1776. Cơn sốt vàng California năm 1849, mang đến San Francisco sự phát triển nhanh chóng, và trở nên một thành phố lớn nhất ở miền duyên hải phía Tây của nước Mỹ, vào thời điểm đó. Năm 1856, địa danh San Francisco vừa là thành phố vừa trở thành tên của quận hạt.

Ngày 18- 4- 1906, lúc 5 giờ 15 phút sáng, trong lúc mọi người còn đang say ngủ, một trận đống đất ập đến San Francisco với cường độ 7.8 Mw, và tâm chấn ở ngoài biển chỉ cách thành phố 3 km. Thiên tai ấy, gây ra thảm họa kép, động đất kèm theo cháy nổ, khiến ¾ thành phố này thành bình địa. Nhưng chỉ 9 năm sau, San Francisco đã hoàn toàn phục hồi, phát triển hơn trước. Và là thành phố giữ vai trò trung tâm văn hóa, tài chánh hàng đầu của Bắc California.


H 2: Tượng đài Joseph Strauss, vị cha đẻ cây cầu Golden Gate.

Nhưng đáng kể nhất, San Francisco có cây cầu bắc qua eo biển Golden Gate, nối với quận hạt Marin.

Golden Gate Bridge, cây cầu nổi tiếng của thế giới. Nổi tiếng, không những về chiều dài, còn là cách kiến trúc khá độc đáo. Cầu bắc qua eo biển rộng, không có trụ chống đỡ các nhịp.

Nhưng dự án táo bạo này, đã gặp nhiều sự chống đối ngay từ trong trứng nước. Hơn 2.000 vụ kiện được đệ trình, xin dừng dự án. Họ nêu đủ lý do: nào địa hình trắc trở, nào khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên có gió mạnh trên 100 km/giờ và sương mù dày đặc cản trở việc xây dựng và lưu thông, nào eo biển sâu lại có thủy triều quá mạnh và dòng nước xoáy [1], nào hơi nước mặn làm hủy hoại cây cầu thép, nào mất vẻ mỹ quang của eo biển đầy thơ mộng, nào đường nứt gãy San Andreas Fault là nguyên nhân trận Động đất năm 1906. Và nhất là công ty Phà Cổng Vàng chống đối quyết liệt vì sự sống còn của dịch vụ này. Họ ví von bằng mệnh danh “Cây cầu không bao giờ xây dựng được!”

Joseph Strauss, cha đẻ của dự án này. Một kỹ sư có nhiều hoài bão và mơ ước, Strauss phải mất hơn mười năm kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng Bắc California. Nhờ lòng kiên trì và sự quyết tâm, tháng 11 năm 1930, ông giành được sự chấp thuận cho phát hành trái phiếu, thông qua cuộc biểu quyết giữa các quận hạt lên quan đến cây cầu. Nhưng lại đang cuộc đại khủng hoảng [2] bao trùm khắp nước Mỹ, không ai dám mua sáu triệu đô la trái phiếu, trong đợt phát hành đầu tiên, để bắt đầu xây dựng.


H 3: Bia lưu niệm cuộc tiếp xúc giữa Strauss và Giannini.

Cuối cùng, năm 1932, Strauss tìm đến Amadeo Giannini P., nhà sáng lập của ngân hàng Bank of America, văn phòng đóng tại San Francisco. May mắn thay, Giannini cũng có tầm nhìn xa. Ông nói: “California cần cầu mà! Chúng tôi sẽ mua toàn bộ trái phiếu.” Thế là ngày 5- 1- 1933, cây cầu được khởi công xây dựng, đến ngày 19- 4- 1937 mới xong, và ngày 27- 5- 1937 làm lễ khánh thành.

Toàn bộ cây cầu có chiều dài là 2737,4 m (tức 1,7 mi hoặc 8981 fl). Nhưng nếu chỉ tính đoạn cầu treo bởi dây cáp thép là 1970 m, chia làm 3 đoạn: từ trụ bê tông bờ Nam đến trụ tháp là 345 m, đoạn cầu treo nối giữa hai trụ tháp là 1280 m (tức 4200 ft), đoạn từ trụ tháp đến trụ bê tông bờ Bắc là 345 m. Còn khoảng cách từ gầm cầu đến mặt nước luôn luôn thay đổi theo thủy triều, nhưng nếu tính trung bình là 67 m.


H 4: Ảnh chụp từ đầu cầu phía Bắc (25- 11- 1993)

Hai trụ tháp, một ở phía Nam và một ở phía Bắc cửa biển, nâng đỡ toàn bộ hệ thống dây cáp thép. Vì vậy, mỗi trụ tháp phải chịu sức nặng khủng khiếp của cây cầu vừa dài vừa rộng, với chiều ngang 27,4 m (90 fl) chứa 6 đường xe hơi chạy qua lại và hai lối đi ở hai bên dành cho xe đạp cả người đi bộ. Mỗi trụ tháp cao 227,4 m (746 fl) tính từ đỉnh đến chân tháp ngang với mặt nước biển. Toàn bộ trọng lượng cây cầu và lượng xe cộ lưu thông được chuyển sang hai dây cáp xuyên qua hai tháp chính và cố định ở phần bê tông ở hai đầu. Mỗi dây cáp chính được làm bằng 27572 sợi kim loại bện chặt vào nhau [3]. Và rất nhiều dây cáp nhỏ, nối từ dây cáp chính đến thành cầu, khiến cây cầu treo lơ lửng trên không trung. Và với lớp sơn màu đỏ cam (orange vermilion) tươi sáng, nổi bật giữa vùng biển xanh, xa xa có sườn núi phủ lớp cỏ khô vàng nhạt làm hậu cảnh. Màu sắc hài hòa, khiến cây cầu tăng thêm vẻ rực rỡ, hùng tráng, xứng đáng một kỳ quan nhân tạo của nước Mỹ nói riêng, thế giới nói chung.

Thời tiết lạnh. Gió biển thổi nhiều. Trước cảnh đẹp thiên nhiên và kỳ công của con người, gia đình tôi đi bộ qua lại trên cầu, quan sát, chiêm ngưỡng.


H 5: Bước chân giờ bước vào đây…

Nàng Kiều có 15 năm đoạn trường, trải qua 4 tai ương “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.” Với tôi, sau Tháng Tư Đen năm 1975, cũng 4 lần dâu bể dồn dập: tù “cải tạo,” tù vượt biên, bị lấy nhà lúc 4 giờ chiều và màn đêm buông xuống, rồi kinh tế mới huyện Bình Long tỉnh Sông Bé… Cho nên, dù đã đến được bến bờ tự do, và đứng trước một thực tại: cầu Golden Gate, một biểu tượng của nước Mỹ, tôi vẫn loáng thoáng tưởng chừng như giấc chiêm bao! Và những câu hỏi lảng vảng trong tôi: Tại sao tôi đến đất nước này? Định mệnh nào đưa đẩy tôi cách xa cố hương đến chín múi giờ? Đang bước trên cầu này, rồi ngày mai sẽ ra sao? Cảm xúc dâng trào, bất giác lòng tôi thoáng hiện vần thơ:

Tạ ơn xứ lạ năm đầu
Thực hay là mộng?
Bể dâu chập chờn.
Chiêm bao?
Đâu đó rập rờn
Vô thường,
tôi đã nhiều hơn vô thường.
Còn gì để mất mà vương
Trắng tay, tay trắng,
tóc sương cũng rồi!
Chân bèo năm tháng hẫng trôi
Gió đem cái lạnh hay đời lạnh na?
Cầu treo, lơ lửng mắt ta
Nối eo biển rộng
– Không!
– Là chiêm bao?
Sáu lằn xe chạy – Trời cao,
thả dây cáp thép níu vào sương mây.
Bước chân, giờ bước vào đây:
Tạ ơn xứ lạ
Năm đầu nao nao!

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Theo các tài liệu khảo cổ, cách nay 10000 năm, Eo biển Golden Gate là một thung lũng khô cằn, có dòng sông cổ xưa thông ra biển. Thời ấy, mực nước biển thấp hơn ngày nay hơn 100 m. Nhưng đến cuối thời đại băng hà, băng tan, nâng cao mực nước biển, khiến nước chảy vào thung lũng, nhận chìm dòng sông này và tràn ngập một vùng rộng lớn, biến thành Vịnh San Francisco. Địa hình Eo biển Golden Gate là nguyên nhân của thủy triều mạnh, gió thường xuyên, và sương mù dày đặc.

[2] Cuộc đại suy thái kinh tế tại Hoa Kỳ xảy ra trong những năm 1929 – 1933, gây khủng hoảng vì số cung phát triển quá mức, nhưng số cầu lại quá ít. Người lao động không được hưởng phần xứng đáng của họ trong chỉ số tăng của nền kinh tế, vì thế hàng hóa làm ra không có người tiêu thụ. Tất cả đưa đến một cuộc khủng hoảng thừa, khiến các nhà tư bản, từ hạng trung bình trở xuống, đua nhau phá sản. Kéo theo hàng triệu công nhân thất nghiệp, hàng triệu người bị mất nhà cửa.

[3] Những thông tin cùng các số liệu về cầu Golden Gate, căn cứ vào tài liệu từ Bách Khoa Toàn Thư Mở, và từ tấm bia lưu niệm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả