Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Quê Ngoại

Thuở nhỏ, tôi sống với bà Cố, bà Ngọai trong ngôi nhà lá mái* xưa ở Diêu Trì – một thị trấn nhỏ hiu hiu buồn, cách Qui Nhơn chừng mười cây số.

Quê ngọai gắn liền với những ngày thơ ấu tôi. Đó là những buổi chiều mùa hạ, hay những khi ba tôi từ Quảng Ngãi về thăm, cả nhà đi xuống sông chơi. Con sông có cái tên thật đẹp sông Hà Thanh (mà sao tên cầu không hay: cầu Cây Da – hay ngày xưa có một cây da to đâu đó?) Cái thú tuyệt vời ngày ấy là tắm sông và thả diều.
  

Qui Nhơn và Diêu Trì nhìn từ trên cao (Google Earth)

Mùa hạ nên nước sông cạn lắm và trong vắt. Sông như một dải lụa, mềm mại, hiền hòa, tha hồ cho chị em tôi vùng vẫy. Trên bờ, Cậu Bang tôi thả con diều thật đẹp, thật lớn bay uốn lượn trong bầu trời xanh, lộng gió. Khi chiều tắt nắng, cả nhà thong thả đi về, vừa đi vừa tìm trong những bụi cây dại ven đường những bông múi giẻ thơm nức hay may mắn hơn là hái được một chùm quả chín vàng ươm. Những đêm trăng, trong sân rộn tiếng cười, chỉ có trò chơi trốn tìm mà sao mỗi đêm dường như có một miềm vui mới mẻ, khác đêm trước! Khi đã mệt nhòai vì chạy nhảy, chúng tôi ngồi xúm xít trên những bậc thềm nghe bà Cố kể chuyện đời xưa, chuyện ma Bình Thuận…

Những ngày vui ấy qua nhanh lắm, khi tôi vô lớp một, những “bạn chơi” cùng trang lứa đã rời nhà: dì Nhi, cậu Tuấn đã vô Sài Gòn, Thương cùng ba mẹ đã về ở chỗ khác, em Dao tôi xuống Qui Nhơn ở với mẹ, chỉ về lại mỗi thứ bảy chủ nhật. Nhà rộng, vườn rộng, cô bé tôi thơ thẩn trong sân, nghe tiếng con chim tu hú kêu ngòai vườn sao buồn quá, đành làm bạn với con mèo mướp, con chó Minô và đã biết “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Đó là sau này, khi lớn lên, tôi nghiệm ra như vậy. Nỗi buồn còn đầy thêm khi tháng tháng, tôi theo mẹ ra ga tiễn ba về quê nội. Mẹ con tôi đứng trên sân ga cho đến lúc tàu chạy, con tàu mỗi lúc một xa, tiếng còi mơ hồ vọng lại rồi thân tàu khuất dần sau dãy núi, xanh lam trong bóng chiều.

Ngôi nhà thời thơ ấu đó gắn liền như máu thịt với bà ngoại tôi. Ông ngoại tôi mất sớm, bà ngoại mang mẹ và cậu về ở cùng ông bà cố. Rồi ông cố cũng qua đời, bà cố đau yếu luôn nên mọi việc trong nhà , bà ngoại tôi quán xuyến tất cả. Bà ngoại lo việc nhà, coi sóc ruộng vườn, chăm sóc cả đám cháu ngoại. Năm tôi học lớp hai, nhà có thêm em Quỳnh. Mẹ nghỉ hộ sản xong thì phải đi làm trở lại, bà ngoại ngày ngày bế cháu hát ru. Tôi nhớ thật nhiều những câu ru của ngoại, rất nhiều câu nói đến buổi chiều, và đã biết ru em từ thuở đó:

Chiều chiều ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ;
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều;


Câu ru sao buồn quá, chắc người mong em bé …cũng thấy buồn, để mau đi vào giấc ngủ Smile.

Tôi đi học ở Trường tiểu học Diêu Trì, ngôi trường nhỏ lợp ngói, có năm phòng học, nằm ở ngả ba đường lên ga và quốc lộ 1. Bên kia ngả ba là chợ Cây Da, cái chợ nghèo chỉ đông đúc trong các buổi chợ phiên, chợ hội** . Hồi đó quốc lộ 19*** chưa mở, quốc lộ 1 đi qua thị trấn là con đường đá nhỏ hẹp và xấu, xe ô tô không chạy nhanh được. Những chiếc xe hàng, xe khách của những năm 60, lọc xọc chạy qua, để lại phía sau đám bụi mù. Năm đầu tiên, tôi thường được dẫn đi học qua lối tắt nhà bà Năm Trắng, bà chủ quán tạp hóa có dáng đi phục phịch, miệng lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu, có cô con gái là chị Thìn xinh đẹp. Từ quán bà Năm Trắng, đi một quãng nữa trên quốc lộ là đến trường. Năm sau, quốc lộ 19 làm xong, đi ngang phía sau nhà bà Cố tôi, đường nhựa láng bóng. Từ đó, những chuyến xe ô tô từ phía Bắc chạy vô Nam ít đi qua con đường nhỏ hẹp kia mà bon bon trên đường mới.

Trong sân trường tôi không có cây phượng nào – ở góc sân hình như có một cây vông rất lớn – tất cả phượng người ta đem trồng hai bên đường lên ga. Mùa hè, hoa nở đỏ rợp trời con đường ấy, trong sân trường, hiu quạnh tiếng ve.

Có những giờ học trong đời để lại những ấn tượng mãi mãi không phai. Đó là những giờ Quốc sử. Khi đó, học mà như được thầy kể cho nghe những câu chuyện cổ tích. Mỗi câu chuyện ghi dấu trong ký ức trẻ thơ như những dòng chữ đẹp trên trang giấy trắng.

Bài Quốc sử đầu tiên là chuyện Con Rồng cháu Tiên: Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra trăm cái trứng… Thật thú vị và tự hào khi biết mình thuộc dòng dõi Tiên Rồng (Cháu của Tiên thì có nhiều quyền phép và hẳn là phải…đẹp !) Câu chuyện ngày càng lôi cuốn, đầy thi vị với bao nhiêu truyền thuyết, sự tích của dân tộc mình. Cảm nhận của cô bé sáu tuổi ngày ấy đơn sơ nhưng không thay đổi bao nhiêu với lúc lớn lên hay bây giờ. Biết ơn Lang Liêu đã nghĩ ra cách làm bánh dầy bánh chưng dâng vua cha để mỗi khi Tết đến nhà nhà Việt quây quần gói bánh; biết ơn An Tiêm đã gởi về đất liền quả dưa quá ngọt ngào, đỏ tươi màu Tết; khâm phục Phù Đổng Thiên Vương, cậu bé đuổi giặc Ân, chỉ tiếc sao người đã vội bay về trời mà không chịu ở lại chống giặc, để về sau đất nước lại bao phen binh lửa; thương hại Thủy Tinh thất tình, hằng năm dâng sóng đòi Mỵ Nương mà muôn đời không đòi được… Chỉ có một điều hơi khác với suy nghĩ bây giờ là về chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy. Trong trí óc trẻ thơ, tình yêu nước là duy nhất nên khi học đến bài An Dương Vương mất nỏ thần đến nỗi mất nước thì ghét Mỵ Châu vô cùng và coi Trọng Thủy là kẻ thù gian trá. Khi lớn lên, mối tình Mỵ Châu Trong Thủy mới được quan tâm đến. Nhiều khi tự hỏi, nếu ngày ấy, biết rừng của mình bị mất một ngọn thác, một vạc cỏ con con – biển của mình mất đi một đảo nhỏ, không cho sóng Việt vỗ bờ thì cô bé ấy có thấy lòng nhói đau?

Một bài sử ca tôi học được năm lớp một là bài về vua Quang Trung, bây giờ vẫn còn nhớ:

Mặc tối đen âm thầm, mặc quân nhà Thanh ăn Tết, quân Nam tiến, băng mình tràn qua sông, rừng. Vua Quang Trung trên mình voi cao, luôn thúc ba quân anh hùng làm sao, quên hết gian nan cùng nhau ta tiến, coi thường ngày mai lầm than.

Bài hát có bấy nhiêu. Bây giờ hát lên, suy nghĩ sao tác giả không nói gì đến chiến thắng!

Tôi nhớ, tôi còn thích môn Thủ công và giờ Sinh họat(?). Giấy làm thủ công hồi đó dưới mắt tôi sao đẹp đến vậy. Giấy láng và dày, màu sắc rất tươi, nhất là màu là chuối non tôi ưa thích. Hồi đó ba tôi hay hút thuốc, thuốc Mélia vàng, ba hút xong một gói thì xin tờ giấy bạc lót bên trong bao thuốc để dành làm những đường viền những bài thủ công cho đẹp.

Giờ Sinh họat, lớp tôi phải ra khỏanh đất sau trường để trồng rau. Lớp tôi có bốn đội, mỗi đội phải trồng một luống rau. Tôi nhớ đội tôi, tòan con gái, trồng một luống xà lách. Trồng xong hằng ngày phải tưới. Luống rau lên mượt mà thật đẹp. Cũng là “lao động” mà như chơi vọc đất vọc cát vì lúc đó tôi là một trong những đứa nhỏ nhất lớp, chỉ phụ những chuyện lặt vặt, bắt sâu, nhổ cỏ, chuyện trồng rau, xách nước tưới thì đã có mấy chị bạn lớn …làm dùm. Đến khi rau lớn ăn được thì thu họach để trồng luống khác. Tôi không nhớ rõ “số phận” của mớ rau xà lách đó, hình như được đem ra chợ bán để lấy tiền làm quỹ!

Thầy giáo lớp một là Thầy Mẫn, lớp hai là thầy Hiệp. Thầy Mẫn đã già, tóc lốm đốm bạc và rất hiền. Con trai thầy dạy lớp ba. Thầy đi dạy bằng xe đạp. Năm sau, khi tôi lên lớp hai, thầy chuyển về Luật Lễ dạy cho gần nhà. Ngày thầy thôi dạy, tụi học trò cũ có mấy trò mắt đỏ hoe trong giờ học. Còn nhớ, bìa vở ngày đó thường có in hình một người chạy xe vespa, một bạn tên Lại , vẽ thêm râu ria gì đó và nói đó là thầy Mẫn, bạn Thinh mách thầy Hiệp. Lại bị thầy quất một roi làm cả bọn, nước mắt lèm nhèm nhưng hả dạ lắm. Đó là những kỷ niệm tôi nhớ nhất về ngôi trường tiểu học đầu tiên trong đời. Hồi đó còn nhỏ quá, chưa có bạn bè thân, nên xa trường thì quên cả bạn!

Tôi chỉ học ở đó hai năm, đến năm lên lớp ba thì về Qui Nhơn với mẹ. Từ đó, chỉ cách mười cây số mà sao như xa vời vời. Cô bé lên tám nhẹ nhàng xa quê, không mảy may luyến thương cái ao ngọc ****- nơi tuổi thơ mình đã êm đềm trôi qua – có biết đâu, kỷ niệm về những ngày tháng thơ trẻ ấy, như những vì sao nhỏ, khuất đâu đó trong tâm trí, khi có dịp lại sáng lên, lấp lánh, xanh ngời.

Ngọc Dung

1/4/2009

*Nhà lá mái: Ngôi nhà lợp tranh đơn sơ nhưng dưới mái tranh là trần nhà bằng gỗ chắc chắn, trên có đổ một lớp đất để giữ ấm cho mùa lạnh và mát rượi dưới trưa hè.
**Chợ phiên, chợ hội : những phiên chợ đặc biệt hơn ngày thường, người mua bán đông hơn, hàng hóa nhiều hơn.

***Quốc lộ 19 ban đầu là con đường nối liền Qui Nhơn với Pleiku, có một đoạn nằm trên con đường Bắc Nam nên đoạn này bây giờ thuộc QL1 và QL 19 được tính từ ngả ba cầu Bà Gi đến Pleiku.
**** Hôm qua, tìm trên net, thấy Diêu Trì có nghĩa là cái ao bằng ngọc. Thương biết mấy, người dân nghèo quê ngoại tôi, có lẽ đặt tên nơi ăn chốn ở của mình với ao ước vô bờ một ngày mai tươi đẹp.

 

Nguồn: http://cuongde.org

  

2 BÌNH LUẬN

  1. RE: Quê Ngoại
    ” tuổi thơ mình đã êm đềm trôi qua – có biết đâu, kỷ niệm về những ngày tháng thơ trẻ ấy, như những vì sao nhỏ, khuất đâu đó trong tâm trí, khi có dịp lại sáng lên, lấp lánh, xanh ngời.”
    Bài viết với lời văn mộc mạc , hay lắm chị Dung ! Kỷ niệm thời thơ ấu rất đẹp .

  2. RE: Quê Ngoại
    Ngọc Duyên ơi.
    Ông Phạm Duy nói rằng:
    [i]Cho tôi lại ngày nào
    Trăng lên bằng ngọn cau
    Me tôi ngồi khâu áo
    Bên cây đèn dầu hao….

    Cho đi lại từ đầu
    Chưa đi vội về sau.[/i]
    Duyên có thích bài hát đó không?
    Ai cũng trân quí những kỷ niệm của tuổi thơ mình.
    Cám ơn Duyên đã ưu ái bài viết.
    nd

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả