Giống như gương mặt mỗi người, phong cách thơ tạo nên sự khác biệt cho những gương mặt thơ.Cũng cùng dùng thể thơ lục bát, nhưng lục bát của Nguyễn Bính không giống với lục bát của Huy Cận, Nguyễn Du.Phong cách thơ Bùi Giáng rất khác Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đức Sơn…Đọc một bài thơ, nếu ta chưa biết tên tác giả mà vẫn nhận ra của ai, thì đó là một phong cách đã định hình.Còn nếu không nhận ra, thì bài thơ ấy bị lẫn vào phong cách của đám đông.Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi người đọc phải đọc nhiều thơ và biết phong cách của mỗi tác giả.
Làm thế nào để tạo được phong cách thơ cho riêng mình, không lẫn với thơ ai, đòi hỏi người làm thơ phải có hiểu biết và tìm tòi về thơ, để tránh lập lại các phong cách khác, tìm ra một lối đi riêng theo đúng cái tạng của mình.
Ta thử đọc thơ Nguyễn Đức Sơn:
‘Đưa tay ngắt một cọng dền
Ta nghe lạnh lẽo vang rền từ đâu
Còn đây đủ bát canh rau
Xin mang về nấu đời sau tặng người’
( Bát canh rau)
và thơ Trần Huyền Trân:
‘ mưa bay trắng lá rau tần
thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa…
có người về khép song thưa
để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng’
( Rau tần)
Một phong cách sâu lắng, một phong cách dịu dàng.Hai gương mặt thơ này không thể lẫn vào nhau.
o
Câu chuyện vui về thơ sau đây dành cho bạn đọc trang nthqn.org.Xin các tác giả được nhắc trong truyện vui vẻ lượng thứ.
Ở một làng quê nọ, có một người tu theo đạo…Thơ.Hàng ngày, ông ta đọc thơ, làm thơ và mơ mộng.Ông thích dạo vài trang web có liên quan tới quê hương ông để xem thơ.Đối với ông, thơ vừa là đạo vừa là liều thuốc để trị tâm bệnh.Ngày nào đọc được thơ hay, ngày đó ông cảm thấy vui vẻ, yêu đời.
Ngoài làm thơ, ông còn biết coi bói, lấy biệt hiệu là Lốc Cốc Tử.Ai cần gì ông coi nấy, nhưng chỉ xem cho vui.
Vào một buổi sáng đẹp trời nọ, ông được báo tin sẽ có hai nữ tín chủ vốn yêu thơ trang nthqn.org đến nhà.
Lòng mừng khắp khởi, ông hẹn giờ, quét dọn sân vườn, chuẩn bị nghênh đón.
Hai nữ tín chủ thật xinh đẹp như hai nàng tiên,cử chỉ phong nhã, ăn nói dịu dàng.Mỗi nàng cầm theo một tập thơ đã gói kỹ bằng giấy hồng.
Chào hỏi, trà nước xong, một nữ tín chủ thưa:
– Nghe danh Lốc Cốc tiên sanh đã lâu, hôm nay chúng tôi đến thăm thầy, mạn phép để học hỏi tài bói toán của thầy đôi chút.
– Không dám! Xin nữ tín chủ cứ hỏi.
– Đây là hai tập thơ của hai tác giả thường xuất hiện trên trang nthqn.org, một tập đã xuất bản, một tập còn trong dạng bản thảo.Thầy có thể không mở gói giấy ra mà biết tên tác giả không ạ!
Nghe nói là của tác giả trên Trang Nhà, Lốc Cốc tiên sanh reo lên:
– Được chớ! Được chớ! Vì tôi vẫn thường đọc thơ hay trên đó.
Hai nàng tiên trịnh trọng đặt hai gói thơ trên bàn. Ông đạo thơ cũng trịnh trọng cầm lên một tập, hai mắt ông tự nhiên ngắm lại, tai vểnh lên, nghe ngóng.Một lát ông mở mắt, nói:
– Tôi nghe được điệu Nam Ai, Nam Bình, tiếng sông Hương thầm thĩ vang lên từ tập thơ.Cũng có tiếng thở dài của một gã hát rong.Kết luận, đây là tập thơ Trần Dzạ Lữ!
Gói thơ từ từ mở ra,tập thơ Hát Dạo Bên Đời của Trần Dzạ Lữ hiện ra, chứng minh lời nói của ông đạo.
Nữ tín chủ xinh đẹp thứ hai đẩy tới gói thơ còn lại.Lần này, ông đạo chỉ hít hơi vài cái rồi phán liền:
– Thơ Ngô Đình Hải, phải không?
Cả hai nàng tiên cùng reo lên:
– Đúng rồi! Nhưng sao thầy biết ?
– Có gì đâu! Tôi nghe mùi tình ái và mùi son phấn phảng phất bay ra.Vì Ngô Đình Hải đã có thơ:
‘Con sâu tình trong cây si
Thấy em nhan sắc muốn đi cho rồi
Bò lên mới được mấy hơi
Nghe mùi son phấn lại rơi…trở vào’
( Con sâu)
Không biết sau đó Lốc Cốc Tử có được thưởng gì không ?
Lữ Vân
03.4.2012
Phong Cách Thơ
Anh Lữ Vân mến,đọc bài viết trên thật thú vị.Nhờ anh gởi mấy câu thơ này đến ông Lốc Cốc Tiên sinh coi dùm có mùi gì nhé:
Đạo sĩ chờ tôi chán hải hồ
Tôi chờ đạo sĩ lãng hư vô
Tôi mơ trăng lạnh Hàn Sơn tự
Ấp ủ men tình đội áo khô.
Thanh Tịnh.
Sau nữa giới thiệu với anh Lữ Vân bài Bùi Giáng và Nhất nguyên ,được đăng trên báo Nhân Dân cũng hay và thú vị :
http://www.nhandan.com.vn/./buigiang-va-nhatnguyen.Cựu HSNTHQN.
RE: Phong Cách Thơ
Ông Lốc Cốc tiên sinh nhắn lại là mấy hôm nay mưa bão nên cái mũi ổng bị…tịt, đọc bài thơ của TT mà không nghe mùi vị gì cả, gửi lời xin lỗi bạn.
Bài viết về Bùi Giáng, đường dây vào không được, khi truy cập bằng di động.
Cảm ơn nhận xét của bạn về bài viết.
LV
RE: Phong Cách Thơ
Cám ơn anh Lữ Vân về bài viết ngắn gọn nhưng đã nói lên được nét rất chung của cái gọi là phong cách thơ , nghe thì đơn giản nhưng lại chính là nỗi trăn trở của những người làm thơ , để không phải ngồi trong tay người đi trước thực sự không dể dàng gì phải không anh ? Chúc anh vui và nhờ anh nhắn giùm Lốc cốc tiên sinh NĐH xin bái phục cái tài ngửi thơ của ông và có dịp sẽ mời ông một ly cà phê thiệt ngon để đàm đạo nghen anh .
RE: Phong Cách Thơ
Ngô Đình Hải thân,
Đúng là như bạn nói, để tạo cho mình có một phong cách thơ riêng không dễ dàng gì.
Nhiều người làm thơ bắt chước Bùi Giáng nhưng không thể nào có thêm một Bùi Giáng thứ hai.Tại sao không viết theo cái tạng của mình nhỉ! Dù dở,dù hay nó vẫn là đứa con của mình, chứ giống gương mặt ông hàng xóm thì chán quá!
LCT gửi lời cảm ơn bạn, mong Hải và các bạn có một ngày nào đó đến chơi nhà.
# RE: Phong Cách Thơ
Cảm ơn anh Lữ Vân và xin anh gởi lời cảm ơn ông Lốc Cốc Tiên Sinh nhiều nha.Vâng,phải chăng đoạn thơ trên của TT chỉ có một sắc màu diệu vợi và không mùi.
Anh vào Google tìm: Bùi Giáng và Nhất Nguyên của Trần Nguyên Ngọc,sẽ được thôi bài viết cũng gần đây.Chúc anh ,cả nhà an lành.Cựu HSNTHQN.
RE: Phong Cách Thơ
gửi Cựu HSNTHQN,
Có lẽ bạn rất thích đoạn thơ trên của Thanh Tịnh, nên cho là diệu vợi và không mùi.Đây là lần đầu tôi đọc đoạn thơ đó.Xin có nhận xét nhỏ:
Tác giả muốn kết hợp giữa thơ và đạo.Sự kết hợp này sẽ giúp thơ đi sâu vào lẽ huyền vi hơn, giúp đạo thấm những nét đẹp, tình cảm cuộc sống hơn.
Tôi vẫn cho những người ở trong một vùng khí hậu tinh thần quá khắc nghiệt, như Thanh Tịnh, đều tìm cách hóa giải, có thể để thoát ra hoặc để thỏa hiệp, đôi khi chỉ vì cuộc sống áo cơm.Đoạn thơ trên có vẻ kết hợp để thoát khỏi cuộc sống bế tắc.
Một lần nữa, rất cảm ơn bạn cho biết cách để đọc bài viết về BG, nhưng thú thật, nghe đăng trên báo đảng, tôi đã ‘kính nhi viễn chi’.
Dù sao cũng đa tạ tấm thịnh tình của bạn.Tôi có đọc các lời còm, biết bạn là một Phật Tử thuần thành.
RE: Phong Cách Thơ
Lốc cốc tiên sinh ơi, với cái đà phát triển ào ào của internet, nhiều nhà xuất bản và tiệm sách lớn ở Mỹ cũng đã phải đóng cửa, thì tiên sinh đoán xem số phận nhà văn nhà thơ xứ mình sẽ thế nào đây?
RE: Phong Cách Thơ
gửi Hà Xưa,
Đối với những nhà thơ, nhà văn chân chính, dù sống trong hoàn cảnh nào họ vẫn viết.Vì viết là một nhu cầu cần thiết,như người ta cần thở để sống.
Đối với những người không chân chính, họ sẽ trở thành những nhà báo viết theo đơn đặt hàng hoặc viết những gì đang ăn khách.
Đối với nhà văn, nhà thơ quốc doanh họ vẫn viết theo đồng lương nhà nước trả.
Lốc Cốc tiên sinh đã phán như thế !
Cảm ơn Hà Xưa đã hỏi.
RE: Phong Cách Thơ
Anh Lữ Vân,nghe ông Lốc Cốc Tiên Sinh tài quá nên tìm việc cho ông làm đỡ buồn đó mà.Đoạn thơ cuối của bài thơ ông TT viết tặng cho một vị Sư khi ghé thăm chùa.BT không thích lắm,vì đoạn thơ này chỉ dành cho những người bình thường,nếu không hiểu đạo sẽ thấy rất hay.Là phật tử thuần thành họ quay về nương tựa chính mình.
Còn nhận xét của anh thật chính xác.Cảm ơn anh Lữ Vân nhiều.BT.