Sau một ngày dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết mệt phờ cả người, tôi cùng ông xã và con Út đi bộ dọc theo đường hoa Nguyễn Tất Thành, chúng tôi vô cùng thích thú khi bất ngờ bắt gặp trên đoạn đường khá dài ấy hình ảnh một “ông đồ” thời nay với giấy bút mực tàu…bày biện dưới đất, đang ngồi chờ khách “mua chữ”. Không hiểu sao, người thanh niên mặc áo dài khăn đóng màu vàng trong lốt ông đồ ấy lại khiến tôi tôi mủi lòng…Bất giác tôi ngậm ngùi nhớ đến bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay
Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
(1936)
Khi thấy chúng tôi dừng lại nhìn, “ông đồ” xoay người, bó gối. thản nhiên để chúng tôi chụp hình. Cảm ơn anh, người thanh niên của thế kỉ 21 đã cho chúng tôi một tấm ảnh quý trong ngày cuối năm. Cảm ơn “ông đồ trẻ” gợi cho chúng tôi nhớ bao điều xưa cũ tưởng như đã bị quên lãng.
Suốt cả con đường kéo dài, chật kín những chậu hoa rực rỡ, những chiếc bong bóng đủ màu, những giây treo trang trí bắt mắt, mặc nhiên vẫn không làm mờ đi cái góc nhỏ người thanh niên ấy ngồi làm ông đồ thư pháp.
Những ngày Tết cổ truyền đã đi qua thật nhanh, “ông đồ” ấy ắt hẳn cũng cuốn giấy bút vào đêm 30…Thế sao hình ảnh dung dị ấy vẫn theo tôi cho tới bây giờ. Băn khoăn tự hỏi: Chẳng biết Tết sau, chúng tôi còn gặp lại anh nữa không?
Đào Thanh Hòa
Ông Đồ Non
Thanh Hòa em,
Bài thơ của thi sĩ Vũ Đình Liên hay quá em ơi. Bài thơ được viết ra cách đây trên 70 năm khi mà anh còn lang thang trên hành tinh Venus, giờ đọc lại vẫn thấy lòng xao xuyến.
Quả là mủi lòng khi nhìn một chàng trai trẻ ngồi bán chữ trong ngày xuân để kiếm sống. Nếu năm xưa mà anh không liều mình vượt biển thì giờ nầy biết đâu con trai anh lại không ngồi viết mướn?
Chẳng riêng em, tôi cũng mủi lòng
Bởi ông đồ ấy còn trẻ trung
Tết tư thất nghiệp đi bán chữ
Cố giữ lòng son với núi sông
Chẳng gì em, tôi cũng bùi ngùi
Quay nhìn giới trẻ quê hương tôi
Ba đồng ba cọc lương chết đói
Tương lai tươi sáng quá xa vời
Anh Hiếu kính!
Em không biết anh đồ trẻ này tự biên tự diễn nhập vai ông đồ để viết thư pháp kiếm sống hay là ban tổ chúc đường hoa người ta sắp đặt. Dẫu thế nào, hình ảnh anh thanh niên thời nay với bộ áo dài khăn đóng trong những ngày chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc cũng làm em cảm thấy chạnh lòng. Em chỉ mong không chỉ vì miếng cơm manh áo, các trai trẻ bây giờ mới đóng giả người xưa. Nhớ đến cội nguồn là điều rất đáng trân trọng.
Cảm ơn anh đã chia sẻ.
GỬI ĐÀO THANH HÒA
Chào em gái! Đầu năm đọc bài viết của em
viết về “ông đồ trẻ” thời @ cũng hay hay.
Thấy trẻ , mình lại ngậm ngùi nhớ “ông đồ già” của nhà thơ Vũ Đình Liên…Sẻ chia với em chút tâm tình.Chúc em gái nhiều niềm vui.
Anh Trần Dzạ Lữ kính!
Đáng lý em đã phản hồi tận hồi hôm, đường truyền cứ đung đưa nên sáng nay mới vô sân được. Em gái cảm ơn anh đã chia sẻ “chút tâm tình” quý giá. Chúc anh vui nhiều trong mùa xuân mới hí!
RE: Ông Đồ Thời Nay
Hoà ơi,
V cũng thích thư pháp lắm. Mai mốt rảnh rổi chắc sẽ gom giấy bút đi học vài ” chiêu ” để về vẽ…thơ mình 😆 . V nghĩ phải có khiếu mới viết thư pháp đẹp, và sẽ mê lắm đó. Tết nào ở BH, trong khu chợ hoa cũng có vài gian hàng thư pháp. V thường chen lâu trong đám đông người xem, bị cuốn hút bỡi nét chữ lả lướt thành tranh. Xem chừng “ông đồ” cũng rất khoái chí được trổ tài trước người…hâm mộ 😉 . Người “mua chữ” đa số thuộc hệ @ và dĩ nhiên, “ông đồ” BH cũng …trẻ măng.
Bài thơ, tuyệt tác của nhà thơ VĐL, man mác tình hoài cổ:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Một chút Tết còn sót lại khi đọc chuyện Ông đồ thời nay của H. Năm mới vui nhiều và khỏe…re nhé bạn tui!
RE: Ông Đồ Thời Nay
Những lời còm vừa dễ thương , vừa sâu sắc. Mình cũng nghĩ như Vân: Mơ một lúc nào đó cũng múa may thư pháp cho chính chữ của mình. Lúc ấy chắc mình “chảnh” và vui lắm thay!
Cảm ơn bạn hiền với vạn ngày xuân tươi thắm!
RE: Ông Đồ Thời Nay
Hòa và Vân, chị nghe 2 nhỏ nói đến chuyện viết thư pháp cũng thấy tay mình … nhúc nhích 😀 vì nhớ lại một thời đã qua! Mua một cây cọ tàu loại tốt, mực mài ra dĩa, dùng giấy tập viết trước cho nhiều, cho nhuyễn cái đã rồi mới viết trên giấy dó hay lụa. Lúc đó mới … ăn tiền thiên hạ được đó! Thời đại học khi học chữ Hán, chị viết bằng bút nguyên tử trong vở, mà trong giảng đường có người ngồi kế bên dòm ké, bảo ồ viết chữ Tàu “bay bướm” quá. Lúc đó chị chưa biết vẽ giấy dó hay lụa, cũng chưa sử dụng cọ Tàu lông thỏ. Về sau khi vẽ lụa và sơn mài, nhiều lúc phải viết chữ Tàu cho người ta, chị thuộc loại viết chữ đắt hàng đó nhe! Mới biết cây cọ quan trọng như thế nào. Dùng xong phải bảo quản ra sao nét cọ mới đẹp và bền lâu ( ra nghề đi chị chỉ thêm cách bảo quản cọ cho 😀 ! ). Làm biếng không chùi sơn thì cọ hư không dùng được, mà cọ tốt thì rất đắt tiền. Đến giờ chị vẫn còn giữ mãi mấy cây cọ nét để viết, quý lắm, không dám dùng nhiều!
Nghề chơi nào cũng lắm công phu mà!
À quên nữa, hai đứa còn phải tập ngồi xếp chân như ông đồ thứ thiệt, chớ ngồi mà điệu đàng … hổng làm được đâu!
Hi hi nhìn bức hình Hòa chụp ông đồ trẻ, ngồi kiểu này thấy “ế” biết liền! 😆
RE: Ông Đồ Thời Nay
Ui, coi bộ chị DT làm “bà đồ” được lắm đó Hoà ơi, mà viết chữ Tàu hẳn hoi mới oách nghen! Chị nhận 2 đứa làm đệ tử nhé! Tết sang năm ba chị em đăng ký một lều thư pháp ” Ba bà…đồ”, he he…
RE: Ông Đồ Thời Nay
Good idea Vân ơi, “sang năm ba chị em đăng ký một lều thư pháp … Ba bà đồ”!
Chuẩn bị từ bây giờ:
Dụng cụ: Cọ Tàu hay cọ Nhật bản loại xịn, mực Tàu màu đen, giấy dó và lụa, khung tranh có kiếng làm sẵn, 1 cái chiếu hoa… ( thiếu gì bổ sung sau )
Y phục:
Vân mặc áo dài đỏ, Hòa mặc áo dài vàng, chị mặc áo dài xanh nghen! 😀
Cho nhỏ Thu Trang đứng ngoài chào hàng ( mời khách ghé thăm ) mặc áo dài tím.
Lại chợt nhớ đến ngày trước muốn lấy màu đen, đen thui như muội đèn, mấy nhỏ biết chị làm sao không? Chị dùng 1 cái đèn dầu, đốt lên, tay cầm 1 tờ giấy hơ phía trên ngọn khói, muội đèn ám vào giấy. Được vài lớp như vậy thì gỡ xuống cho vào lọ. Nhưng mỗi lần chỉ được có chút xíu thôi, phải làm … cả ngày mới có nhiều muội đèn. Đứng … rã chân 🙁 Sợ chưa?
Nói đùa cho vui thôi, muội đèn hồi đó chị chỉ dùng cho vẽ sơn mài, nay bỏ nghề vẽ lụa hơi bị lâu, chị đề phòng chuyện tìm không ra mực Tàu – một cục cứng ngắt, ngâm nước mài ra, chắc vô Chợ Lớn có!
Hi hi, mấy bà đồ nhớ dẫn theo con cháu, tóc để chỏm, cho … giống lớp học thầy đồ.
Gửi ND Tâm
Sao mình lại không nhớ chuyện này ta? Thiếu sót quá! Diệu Tâm mà viết thư pháp phải đẹp lắm! Vẽ đẹp như ĐT Hòa thì chắc cũng vậy!
Sư phuuuuuụ! Kêu lần lần cho nó quen để vài bữa xin theo học thư pháp với mấy bà thầy cho dễ. Không biết có ai chịu nhận đệ tử không hé! Hồi học năm đầu ở Văn Khoa có học viết chữ Tàu nhưng nhờ có “hoa tay” nên viết thành chữ “tào…lao” !!! Nay xin mang lễ vật một con gà với cái bánh tráng ra mắt thầy, mong thầy “thu nạp”!!! Hihihi
Gửi anh Ngô Đình Hải
Nghe tiếng gọi “sư phụ” của anh Hải nhớ đến Tề Thiên gọi Tam Tạng trên con đường đến Tây phương thỉnh kinh! Trong ba bà đồ này chắc hổng có ai dám nhận anh làm đệ tử đâu vì anh sẽ “quậy” như bác Tề vậy đó! 😀
Tuy nhiên cũng như đoàn Tây du đó, thiếu bác Tề là không được, ba bà đồ cũng cần anh … bảo vệ an ninh 😆 nên thay mặt cho 2 bà đồ kia ( giờ này chắc đang bận nấu cơm ), DT xin nhận lễ vật 1 con gà và 1 chồng bánh tráng Bình Định. Anh Hải mà sắm vai ông đồ là gian hàng thư pháp này bảo đảm có rất nhiều NHỎ chạy đến xin chữ ký, ba bà đồ ngồi … thu tiền, chịu hông?
Chị Diệu Tâm thương quý!
Hồi còn đi học vẽ, em chuyên học vẽ truyền thần. Đôi khi thấy thầy cầm cọ tàu múa bút vẽ ngựa, vẽ trúc, mai, sông núi…em cũng mua cọ và mực tàu pha sẵn trong lọ vẽ theo thầy. Lúc ấy chưa viết thư pháp như giờ. Có lẽ nhờ một chút năng khiếu cũng giúp em làm được nhiều điều. Cây cọ hồi đó được làm từ …tóc người. Mà phải là loại tóc thật mảnh kia. Phần sát cây cọ thì dày, đầu viết thì càng lúc càng nhỏ và nhọn hoắc. Vẽ lá, hoa chỉ cần một vệt kéo là nên hình. Mà thôi, nhắc vậy đủ tiếc rồi. Bây giờ ai mà “vẽ nghề” là em cảm thấy ganh tị chết đi được. Bây giờ, chị Diệu Tâm cứ thoải mái nhận anh NĐH làm …trò đồ để ảnh múa thư pháp, chị em trang nhà xin chút” huê hồng” lưu quỹ là sung sướng lắm rồi. Chị thấy” sáng kiến” của em vậy có đặng không?
Ngô Thanh Vân ới ời!
Vân nói vậy mình nghe cũng chí lý. Có điều bi giờ tụi mình già ngắt hết rồi chị Diệu Tâm làm…thầy đồ, hai đứa mình làm…trò, lỡ chị ấy bắt hai tụi mình để chỏm, Vân thấy có dễ coi không vậy?Hì hì… 😆
Gửi Đào Thanh Hòa
Thật tình tôi vẫn không nghĩ là ông đồ già của VĐL và ông đồ trẻ của ĐTH có thể mưu sinh bằng cách viết thuê vài ngày đâu! Bởi ngày Xuân ngắn ngủi, có chăng là thêm một chút thu nhập, cộng thêm với tấm lòng nặng tình với chữ nghĩa vậy thôi! Tôi trân trọng việc làm rất “văn hóa” đó và với tôi thì chẳng có việc gì phải thương cảm hay mủi lòng hết! Giữa một việc để kiếm tiền và sự nghèo khó luôn có sự tương quan nhưng không phải là tất cả…
Đọc “Ông Đồ” của VĐL người ta ngậm ngùi nhớ lại một thời, luyến tiếc một hình ảnh đẹp và tiếc thương cho ông đồ già không còn nữa. Cảnh còn mà người mất, quy luật của tạo hóa làm người đọc buồn lây. Năm nào tôi cũng đọc “ông Đồ” theo trí nhớ để tìm lại hình ảnh của những mùa Xuân đã qua trong hình bóng “Ông Đồ” và không hề tìm thấy một lời than vãn nào của VĐL về sự nghèo nàn, đói khổ của ông Đồ cả! Xin đừng đọc thơ như đọc…chữ, đau lòng lắm! Ôi! Những người muôn năm cũ/
Hồn ở đâu bây giờ ? Cám ơn Đào Thanh Hòa về một bài viết rất hay như một lời nhắc trong ngày đầu năm. Chúc Thanh Hòa vui và viết nhiều. Thân ái.
Anh Ngô Đinh Hải thân mến!
Cảm ơn những lời ghi nhận sâu sắc và đầy tính nhân văn của anh. Có thể người thanh niên trong lốt ông đồ trên cũng muốn kiếm chút tiền tiêu trong dịp Tết, tuy nhiên chẳng phải ai cũng có hoa tay để múa bút cho thiên hạ thưởng thức. Hóa thân của anh thanh niên trẻ đã khiến cho ĐTH thương cảm tiếc nhớ hình ảnh ông đồ già trong thơ Vũ Đình Liên và trong thâm tâm cũng quý mến chút nghĩa cử đáng trân trọng của “ông đồ thời nay” .
Chúc anh Ngô Đình Hải luôn vui tươi và được vạn điều như ý trong năm mới!
RE: Ông Đồ Thời Nay
Hòa ơi,một chút suy tư của Hòa đã làm Gà Ri nhớ đến một góc văn hóa đẹp trong cái Tết ngày xưa đó.Mà nè ,sao đi với anh xã mà cứ ngắm anh đồ trẻ rồi còn mong gặp lại là sao há,tui théc méc đó nghen 😆 .
HAPPY BIRTHDAY.
CHÚC MỪNG SINH NHẬT.
Mừng Hòa thêm một tuổi, thêm nhiều niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc thiệt nhiều.
Gà Ri
Làm gì cứ phải théc méc này nọ cho nó ..ốm cả người. Nếu đường hoa sang năm mà vắng anh đồ thời nay thì chắc sẽ thiếu đi vẻ đẹp của đường hoa trong dịp Tết cổ truyền đó mà.
RE: Ông Đồ Thời Nay
Hoà ơi, gương mặt của ông đồ trẻ sao buồn quá thay vì phải hớn hở vui xuân!…Có một điều gì đấy cứ vương vấn trong lòng mình! Dù có tạo hình, tạo dáng đến mấy đi nữa thì hình ảnh của một thời ngày xưa cũng vẫn là của ngày xưa…nó không thể được thay thế một cách hoàn hảo nhỏ ơi! Nhìn thấy vừa vui vừa buồn vì nhớ Tết xưa! KT
Kim Tiến thương!
Có lẽ lúc mình làm phó nhòm, anh đồ vắng khách nên ủ dột chăng? Dẫu sao mình vẫn thích hình ảnh này trên đường hoa ngày Tết nhỏ ạ!