Giữa năm 1976, mưa lớn trên rừng làm ngập trại tù của chúng tôi ở Đồng Ban, vùng biên giới Miên-Việt. Cái trảng tranh biến thành một dòng sông. Quản giáo được lệnh bỏ trại. Tù nhân phải đi bộ mấy mươi cây số về Trảng Lớn, Tây Ninh. Về đến Tây Ninh, chúng tôi người nào mặt mày, da dẻ cũng tái xanh vì đã phải làm việc cật lực trong nhiều tháng, thường trực đói ăn, thiếu dinh dưỡng và vì phải ăn nhiều măng tre có acid độc để lấp đầy bao tử.
Những căn trại, nhiều cây số đường lớn cho xe hơi chạy, những cây cầu bắt ngang suối mà chúng tôi đã phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, kể cả mạng sống của một số anh em tù nhân, để xây dựng nay tất cả bị nước lũ cuốn đi sau vài đêm mưa lớn. Khi vừa mới đặt chân lên vùng đất trại có nhiều hố bom B52 đầy nước, hố bom có tôm cá, một số anh em chúng tôi đã biết là mình phải lập trại trên một vùng đất thấp giữa hai dãy núi, có cơ bị ngập lụt. Có góp ý đi nữa cũng vô ích vì quản giáo và vệ binh cũng không dám trái lệnh cấp trên mà dời trại lên vùng đất cao.
{jcomments on}Về lại Tây Ninh, vài anh em chúng tôi mỉm cười thì thầm, “Cảm ơn trời thương, đã mưa lũ, nếu không chúng mình không chết vì kiết lỵ, muỗi mòng cũng chết dần vì kiệt sức, vì măng tre độc hay vì nước bùn hố bom.” Một số anh em bị kiết lỵ còn sống sót đang nằm chờ thuốc gia đình, một số khác còn sốt và tỳ tạng đã nở lớn vì sốt rét. Tôi để ý thấy một tù nhân bị lác đồng tiền trên lưng mà không có thuốc chữa, khi về đến Tây Ninh, vết lác đồng tiền nay đã biến thành một một vết loét tròn bằng chiếc đĩa nhỏ và sâu gần thấy xương bả vai, máu mủ bầy nhầy. Nấm và vi trùng đã tranh nhau làm lở loét vết thương đau đớn của anh. Ấy vậy mà anh phải làm việc cật lực, khiêng nặng, đi xa, dầm mưa, tắm nước bùn hố bom.
Vài tháng sau, chúng tôi được tin gia đình sẽ thăm nuôi sau hơn một năm rưỡi chúng tôi bị giam giữ. Chúng tôi lên tinh thần nhất là những anh em đang bị bệnh nặng. Chúng tôi, ai cũng muốn nhìn mặt vợ con sau một thời gian dài xa cách, không biết gia đình sinh sống ra sao, ai còn ai mất trong một thời lọan lạc, hỗn mang. Tôi là một trong những trại viên được thăm nuôi đợt đầu, ngày đầu. Trong trại chúng tôi, một số tù nhân như tôi, mang cấp bậc đại úy trước khi vào tù, đa số mang cấp bậc trung úy và thấp hơn. Năm ấy tôi 33 tuổi, các bạn tôi trẻ hơn nhiều, 25-30. Một số chưa lập gia đình. Sĩ quan cấp tá hay cao hơn đã bị dồn ra Bắc. Anh em trẻ thường vui đùa để sống ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn và đau thương. Những đêm trước khi được được thăm nuôi, họ kể cho nhau nghe nhiều hơn về gia cảnh và tâm tư của mỗi người. Một anh độc thân, cựu phi công gunship, chân thành nói:
– Trước khi bị bắt, tôi có vài người yêu. Không biết đợt nầy có ai còn nghĩ đến tôi và thăm nuôi tôi đây.
Một anh bạn trẻ khác tò mò xen vào:
– Mấy cô? Nếu cả mấy cô cùng đi thăm một lần thì đại họa!
Cả đám cười vang:
– Bạn có tính trước chuyện nầy chưa? Có biên thư dàn xếp ai thăm trước ai thăm sau không? Mấy cô có biết nhau không?
Anh bạn phi công mỉm cười:
– Tính sao được với một lá thư được cho phép gởi. Lúc còn đi bay họa may mới có thể dùng miệng lưỡi mà dối trá được.
Một anh bạn trẻ, trung úy bộ binh độc thân:
– Biết vậy ngày xưa tôi đầu quân không quân cho rồi. Bộ binh đánh đấm liên miên, chẳng có thì giờ làm quen với ai. Kỳ nầy mà mẹ tôi đi thăm nuôi tôi thì tôi sẽ than thở với bà và nhờ bà ra tay giúp sức…
Một anh bạn trẻ nằm cạnh tôi, quay qua tôi:
– Anh Hiếu thì sao? Anh nhớ con hay nhớ vợ nhiều hơn? Nói thật đi đừng tìm cách tránh né.
Tôi nói ngay:
– Nhớ con nhiều hơn, nói thật mà! Khi tôi ra đi con trai tôi mới 6 tháng rưỡi tuổi và rất dễ thương.
– Hôn con thì được cho phép nhưng hôn vợ thì không. Anh tính sao?
Tôi đáp:
– Sẽ tùy cơ ứng biến. Không hôn thì vợ buồn nhớ tội nghiệp.
Anh bạn cười:
– Hôn vợ rồi vào nằm cô-nec vì tội làm trái nội quy trại há?
Một bạn vừa lập gia đình được một tháng thì vào tù, xen vào:
– Tôi thì nhớ vợ lắm anh Hiếu ơi. Nhớ quay nhớ quắc. Chắc liều hôn đại rồi ra sao thì ra.
Cả đám lại cười. Có tiếng một bạn khác nói như đọc thơ:
– Một nụ hôn môi một tháng tù! Em về thương nhớ đến thiên thu. Chi bằng hôn gió khỏi bị phạt. Đợi khi được thả sẽ hôn bù!
Cả đám lại cười to vui vẻ. Không khí trong trại vui nhộn hơn ban đêm vì ngày thăm nuôi sắp tới.
Rồi ngày thăm nuôi cũng đến. Tôi mặc bộ treilli đã rách nhưng được giặt sạch. Vợ tôi mang cả 3 con theo. Quản giáo có mặt, ngồi thừ lừ ngay nơi bàn thăm nuôi để nghe những lời trao đổi giữa tù nhân và gia đình. Thời gian thăm nuôi thật ít ỏi. Đã 44 năm trôi qua, tôi không nhớ rõ là bao lâu, 15 phút hay nửa giờ. Lúc đó tôi chỉ biết ôm chầm lấy các con và hôn lấy hôn để. Hai đứa con gái 4 và 5 tuổi nhận ra ba, đứa con trai 2 tuổi thì làm mặt lạ. Chúng tôi cùng ăn vội chút thực phẩm vợ tôi mang theo. Nàng gầy đi nhiều vì một mình phải lo cho 3 con và bản thân trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Vợ tôi hỏi:
– Sao anh xanh quá? Anh có bệnh tật gì không?
Tôi an ủi nàng:
– Anh không sao. Chỉ tại anh ăn nhiều măng tre quá. Măng tre non luột chín ngon lắm, em biết măng tre mà, Cyanhydric acid đó. Em nhìn các bạn anh xem, ai cũng xanh.
Tôi ngưng nói về măng tre khi viên quản giáo lườm tôi. Vợ tôi, dược sĩ, nửa tin nửa ngờ, đáp nhỏ:
– Em biết. Cyanhydric acid, em biết.
Tôi giấu nàng chuyện tôi bị kiết lỵ chảy máu ruột suốt 10 ngày và suýt chết trong rừng sâu.
Đêm ấy, chúng tôi, những người tù lương tâm, chia nhau chút quà gia đình mang đến trong ngày thăm nuôi. Các bạn trẻ của tôi lại xúm nhau phỏng vấn tôi:
– Anh Hiếu nầy, có tùy cơ ứng biến được không vậy?
Tôi giả vờ đáp một cách hảnh diện:
– Có. Phải hôn vợ chớ. Nàng xứng đáng được hôn hơn bao giờ hết…
Các bạn tôi nhao nhao:
– Nói đùa hay thật đó? Không có quản giáo ở đó sao?
– Có chứ sao không.
Tôi đáp vừa cười. Bạn tôi hỏi gấp:
– Quản giáo cho phép sao? Hay thông cảm làm lơ?
Tôi đùa:
– Không cho phép, chẳng làm lơ.
Người bạn nóng lòng:
– Nếu thật thì chúng em phục sư huynh lắm. Xin truyền dạy để chúng em bắt chước chút mà.
Tôi kể chuyện chiếc nón và các bạn trẻ im lặng lắng nghe:
– Trời nóng, mọi người dùng nón lá quạt cho mát. Tôi quạt cho vợ và các con tôi. Thừa lúc viên quản giáo lơ đễnh nhìn sang nơi khác, tôi che mặt vợ tôi bằng chiếc nón lá và đặt nhanh lên trán nàng một nụ hôn nhẹ. Nàng chợt cảm động, chưa kịp hôn trả tôi thì viên quản giáo đã quay lại nhắc nhở giờ thăm nuôi sắp hết.
Nghe xong, các bạn tôi thán phục:
– Hay thiệt! Quả là tùy cơ ứng biến. Vậy là chúng mình có được cơ hội hôn vợ rồi. Cảm ơn sư huynh!
Chiếc hôn chỉ kéo dài 3 giây ngắn ngủi nhưng tôi cũng hít được hương thơm quen thuộc của da thịt nàng. Một giây ngây ngất tràn qua tim óc. Một chiếc hôn mà suốt đời tôi không hề quên. Một chiếc hôn mà chúng tôi đã đặt tên là Nụ Hôn Trảng Lớn. Giờ nầy mỗi lần đặt một chiếc hôn nhẹ lên trán nàng tôi thường cười nhắc Nụ Hôn Trảng Lớn và lên môi nàng, Nụ Hôn Ghềnh Ráng. Nàng thường cười vui nhớ lại thời học sinh yêu đương và thời gian đày đọa khi chúng tôi, những người trai sa cơ thất thế, bị giam giữ.
Nguyễn Trác Hiếu
Hoa Thịnh Đốn, Noel 2010
RE: Nụ Hôn Trảng Lớn
Anh Hiếu kính mến,
Cám ơn anh đã cho tụi em đọc một bài văn rất hay và cảm động, thật phục sự hy sinh lo cho chồng cho con vào những ngày gian khổ ngày xưa như chị BY. Qua những năm tháng cực khổ anh đã được trở về mạnh khoẻ. Qua cơn mưa trời lại sáng . Kính chúc anh chị hưởng hạnh phúc GĐ với con cháu cho tới cuối cuộc đời . Anh chị đúng à “Tiên Đồng Ngọc Nữ” Thời nay đó. Kính chào anh chị , NgocLan.
RE: Nụ Hôn Trảng Lớn
Anh Hiếu kính mến
Vẫn như mọi lần, anh viết thật cảm đông pha chút dí dõm nhưng thật tình làm em nghèn nghẹn rớm nưóc mắt với những cực khổ hy sinh và tình yêu tha thiết của anh chị.
NDao
RE: Nụ Hôn Trảng Lớn
Anh Hiếu ơi! Bài viết thật cảm động và không kém phần lãng mạn. Thật đúng là anh chị có một mối tình sắt son, chung thủy, và dưới ngòi bút của anh tụi em thấy rất là thú vị: Hai Trái Ổi, Nụ Hôn Gành Ráng, Nụ Hôn Trảng Lớn,…
Rất cám ơn anh! Chúc anh chị mãi mãi hạnh phúc. ĐO.
RE: Nụ Hôn Trảng Lớn
Cảm ơn NL, ND, ĐO đã đọc bài viết ngắn được giản dị hóa. Ngoài đời, chuyện tù thường làm rơi lệ hơn là tiếng cười. Cảm ơn Ngọc Dung vừa cho nghe lại bài Anh Còn Nợ Em với “…anh còn nợ em nụ hôn vội vàng…” hát bởi Bảo Yến. Anh còn nợ em nhiều lắm trong những ngày anh sa cơ mà em, tay yếu chân mềm, tảo tần nuôi dạy con thơ, lặn lội nuôi anh từ viên thuốc, gói khoai trong rừng sâu núi thẳm, phụng dưỡng cha mẹ già, giữ lòng son sắt với anh. Món nợ tình nầy biết bao giờ anh trả cho xong.
RE: Nụ Hôn Trảng Lớn
Anh Hiếu ơi,
Dù anh có lòng vào câu chuyện chút dí dõm để làm nhẹ bớt nỗi đau, em vẫn cứ đau và rưng rưng.
Một khúc đời đau đớn như thế làm sao quên được hả anh Hiếu. Và chắc là còn nhiều chuyện chảy nước mắt nữa đang còn chôn kín trong lòng của mỗi chúng ta ở một chặng đời khốn khó! Cảm ơn anh đã chia sẻ với tụi em một “nụ hôn lén” quá đỗi ngọt ngào này. KT
RE: RE: Nụ Hôn Trảng Lớn
Cảm ơn KT đã đọc NHTL.
[i]
“…Anh còn nợ em
Nụ hôn vội vàng
Trảng Lớn, Tây Ninh
Anh còn nợ em
Khoản đời khốn khó
Thăm anh trên rừng
Anh còn nợ em
Phòng không gối chiếc
Thương nhớ tình quân…”[/i]
RE: Nụ Hôn Trảng Lớn
Anh Hiếu ơi,
Nụ Hôn Trảng Lớn của anh thiệt chẳng bỏ công thăm nuôi của chị, và cũng chẳng mất ít nhất 3 giây bằng vàng ngắn ngủi của anh miếng nào.
Nhớ lần bà xã lên thăm nuôi em ở Cheo Reo đúng vào lúc em đang vãi “phân xanh” dưới ruộng. Chú bộ đội quản chế thì dễ tính và tin chắc rằng em không thể nào liều lĩnh trốn chạy giữa chốn đồng không mông quạnh này, lại không có cán bộ quản giáo đi theo, nên đã cho phép hai vợ chồng em gặp nhau với câu dặn dò như một mệnh lệnh [i]“Lày… ! Không được… bú mồm đấy nhá!”. [/i] Chắc anh cũng biết rồi, [i]“bú mồm”[/i] tức là… hun hít đó. Zậy là em thua anh xa lắm, anh há!
Chúc anh chị cùng gia quyến luôn vui khỏe.
RE: Nụ Hôn Trảng Lớn
Một bài viết thật dễ thương nhưng không kém phần cảm động.Hèn chi, hai anh chị Hiếu & Yến lúc nào cũng như đôi chim non.
RE: Nụ Hôn Trảng Lớn
Cảm ơn Lê Huy Phạm Đình Ninh và Tiểu Sư Nữ vào đọc NHTL. Lâu quá không được đọc thơ của TSN và văn của LH.
Cho anh gởi lời thăm PĐK ở quê nhà nghe LH. PĐK có điện chỉ không?
Chúc năm mới an khang, thịnh vượng.
RE: RE: Nụ Hôn Trảng Lớn
Anh Hiếu ơi
Em vẫn lai rai có bài trên nthqn.org và cuongdequynhon đó chớ [i](…, Ngày Xửa Ngày Xưa Của Tôi, Nhớ Đồng Quarter Của Người Homeless, Tiệc Tùng Cuối Năm). [/i] Khi nào anh rảnh rổi mời anh “ghé thăm”.
Anh hai em không có điện chỉ, anh à!
Em sẽ chuyển lời thăm hỏi của anh đến ảnh.
Cám ơn anh nhiều.
RE: Nụ hôn Trảng Lớn
Trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất, tình yêu bỗng lên ngôi và đẹp đến tuyệt vời!
Em có một nhỏ bạn, đi thăm chồng về sinh thêm được một cháu trai giống ba như đúc! Hỏi nó, làm sao mà giỏi quá vậy? Nó chỉ cười! Bây giờ đọc bài anh Hiếu, nghĩ mãi cũng không ra nó làm sao mà giỏi vậy!
RE: Nụ Hôn Trảng Lớn
Chị Hạnh Nhân,
Một số ít trại tù, sau nầy, có xây dựng trại thăm nuôi, cho thân nhân ở lại một vài hôm (Ví dụ Trại Trảng Táo, Long Khánh, 1 đêm) hay thân nhân đi thăm không chính thức ngoài rừng khi biết tù nhân đi làm xa ngoài trại lâu. Thân nhân liên lạc với tù nhân qua mục đồng hay khách buôn trên tàu lửa…
Thương anh mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, vạn đèo cũng qua. Vì vậy mà anh còn nợ em con tim nồng cháy, hơi ấm rừng xa…
RE: Nụ hôn Trảng Lớn
Cảm ơn anh Hiếu, thì ra là vậy!
Anh nhìn cuộc đời với trái tim bao dung, nhờ vậy mà anh trẻ mãi.Người xưa có nói: lúc trẻ đẹp hay xấu là do cha mẹ sinh nhưng lúc già đẹp hay xấu là do tâm hồn.
Hình các đệ tử lưu linh tập yoga vui quá, chắc Hạnh Nhân phải viết thêm một bài Nhậu nữa quá. Cảm ơn anh đã đem đến niềm vui trong năm mới!
RE: RE: Nụ hôn Trảng Lớn
Hoan hô HN. Nhớ lồng hình các đệ tử LL vào bài cho vui. Nhớ nhấn mạnh vào hậu quả bản thân, gia đình, xã hội của tật nhậu.