Dạo sau này có những lúc chị em tôi gặp nhau, chúng tôi thường hay nhắc lại những ngày tuổi nhỏ sống trong gia đình có ngoại, có ba mẹ và đầy đủ những anh chị em. Tôi nghĩ có lẽ là mình đã già, vì khi người ta già thì người ta thường hay ôn lại chuyện xưa tích cũ, cũng như bà ngoại tôi ngày xưa vậy và mỗi lần nhắc lại chuyện cũ tôi thấy như thấp thoáng ẩn hiện những khuôn mặt của tuổi thơ tôi…
1. Chú Thi ngày đó, người đàn ông nhà quê thấp người, ốm đen và khuôn mặt bị rỗ thỉnh thoảng có vô Qui Nhơn hay đến nhà tôi ở đôi bữa để đi nhà thương khám bệnh… Tôi chỉ nghe kể những năm trước đình chiến ba mẹ tôi có sống và làm việc ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, còn chú là hàng xóm ở đó… Hồi đó tôi còn nhỏ nên cũng không bận tâm hay thắc mắc chú có bệnh gì, chỉ nhớ là chú có bà vợ bệnh ở ngoài quê Cát Minh và mỗi lần vô Qui Nhơn là chú mang những trái cây trong vườn nhà chú khi thì cái mít, cái đu đủ hay vài ba cái mãng cầu đem cho nhà tôi. Còn tôi lúc đó có cái gì không dùng hay không thích nữa mà còn tốt tốt như cây viết, cái cặp, cái mũ hay chiếc áo len… là tôi hay cất để dành chờ khi chú ở quê vô đi khám bệnh đợt tới để cho đứa con gái chú, em thua tôi chừng đâu 2-3 tuổi và mỗi khi chú về lại quê là mẹ tôi giúi cho chú ít tiền. Rồi sau đó nhà tôi không còn ở Qui Nhơn nữa, nghe đâu chú chết rồi bặt tin luôn…
Hôm rồi tôi về Qui Nhơn chơi, lần này có thì giờ và với những ray rức tôi tâm nguyện phải đi tìm thăm con chú và mong muốn được đốt cây nhang tưởng nhớ chú… Tôi một mình đi xe Honda lần mò theo lời mẹ tôi mô tả, tôi đi ra đến Cát Minh rồi từ tỉnh lộ tôi hỏi lần ra nhà chú. Cũng may là tôi tình cờ có vô một cái quán nhỏ bên đường, hỏi thăm đường đến nhà chú đúng ngay lúc mấy ông xã trưởng trong vùng tụ tập để đi đâu đó nên tôi đã được chỉ dẫn cặn kẻ đi tới đâu, tới đâu…
Và rồi tôi cũng tìm ra được nhà chú, nhà bây giờ vợ chồng người con trai chú sống và thờ phượng chú thím. Hôm đó tôi đã may mắn gặp đông đủ ba người con của chú, gặp được người con gái út của chú, đứa em trong tâm tưởng của tôi… Bạn có biết ngày hôm đó tôi đã xúc động đến dường nào không??? Tôi nghe kể rằng chú mất năm 82, chú rớt xuống mương giữa trưa hè không ai biết, lúc biết ra thì chú đã chết rồi… Tôi nghĩ, chú chết nguyên nhân vì bị tai biến hay bị nhồi máu cơ tim nhưng người nhà không biết đó thôi, vì con mương thì cạn chú làm sao có thể chết đuối được, còn thím năm cuối đời bị tai biến không hồi phục được, nằm một chỗ và mất năm 92.
Gặp mặt nói chuyện, thăm hỏi nhau để rồi lại chia tay… Tôi trao đổi địa chỉ nhà chú với địa chỉ nhà ba mẹ tôi và số điện thoại để có gì sau này có dịp còn liên lạc. Tôi từ giã mấy người con của chú khi những ray rức trong lòng mình đã được xoa dịu, phải nói là chuyến về Qui Nhơn lần này ít ra là tôi đã làm được những gì mà bao lâu nay tôi muốn.
2. Cô Khánh, cô người làm của nhà tôi những năm 56,57. Đình chiến xong là ba mẹ tôi dời vô Qui Nhơn sinh sống ở cái nhà của ông ngoại tôi ở đường Phan Bội Châu khoảng gần chợ lớn Qui Nhơn. Ở đó ông anh kề tôi ra đời, cô Khánh đã vừa trông coi anh tôi và vừa phụ bà ngoại tôi công việc nhà…
Sau đó ba mẹ tôi mua căn nhà ở đường Lê Lợi, gần bảo sanh viện Nguyễn Thị Hằng, rồi gia đình tôi dời về đây ở và tôi đã được sinh ra trong căn nhà này. Tôi nghe kể lại lúc đó chị Khánh làm cho nhà tôi. Chị Khánh là con gái lớn của cô Khánh mà người dân quê vẫn hay gọi tên bà mẹ bằng tên đứa con đầu. Cô Khánh cũng sinh được một người con gái đồng tuổi với tôi và sau đó cô đi làm cho cô Liên, một người quen của gia đình tôi. Rồi thì hai anh em tôi lớn lên, chị Khánh làm cho gia đình tôi được vài ba năm rồi chị cũng đi lấy chồng…
Cô Liên người Bắc, ăn nói dịu dàng có ông chồng người Phi Luật Tân ở đường Phan Bội Châu gần chợ. Cô Khánh ở đó với vợ chồng cô Liên và ba em Cường, Nhân và Hiền. Tôi còn nhớ lúc tôi học tiểu học, tôi vẫn thường đi bộ từ nhà tôi lên nhà cô Liên để chơi với mấy em, để thăm cô Khánh và cũng để ăn vài ba cái bánh, cây kẹo của Mỹ thời đó mà cô Liên vẫn thường phân phát cho lũ con nít chúng tôi…
Rồi bỗng một hôm tôi ghé nhà cô Liên chơi, bất ngờ tôi thấy cô Khánh nằm bất động trong cái quan tài đặt giữa phòng khách nhà cô Liên, tôi điếng người… Sau đó tôi nghe người lớn kể rằng cô Khánh chết vì bệnh thương hàn hay kiết lỵ gì đó mà không được chữa trị kịp thời, thêm vào đó cô đã lớn tuổi, sức đề kháng yếu cho nên đã không vượt qua nổi căn bệnh hiểm nghèo thời đó. Rồi tôi cũng quên đi cô, con nít mà. Thêm vào đó biến cố 30.04.75, hình ảnh cô mờ dần trong tôi…
Những năm 90 tôi được biết tin những người con của cô Khánh qua mẹ tôi. Chị Khánh lấy chồng ở Long Khánh sống nghề làm rẫy, anh Lợi đạp xích lô và Kiềm cùng lứa với tôi có chồng ở bên Khánh Hội, Q.4 gần cầu Tân Thuận… Mấy năm gần đây không thấy anh Lợi hay Kiềm ghé ngang Q.3 thăm gia đình tôi nữa. Còn gia đình cô Liên tôi không biết bây giờ cô ở đâu? Tôi luôn mong mọi chuyện tốt lành đến với gia đình cô, tôi nghe mẹ tôi kể là chồng cô hồi đó đi làm trong hãng Mỹ… Thôi thì cứ hy vọng rằng gia đình cô đã rời Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư 75 và đang ở đâu đó trên đất Mỹ cho tôi được nhẹ lòng…
3. Cậu Bốn dạy học thật ra là người quen của ông ngoại tôi lúc ông tôi đi làm việc ở Đề Gi. Những năm sau đình chiến đời sống cậu mợ gặp nhiều khó khăn ở quê nhà nhưng mãi đến những năm 60 vợ chồng cậu mới chịu thu xếp khăn gói vô Qui Nhơn sinh sống để tránh những rắc rối không cần thiết do sự thay đổi chính thể… Thời gian đầu ở Đề Gi vô Qui Nhơn cậu tá túc ở nhà tôi. Thời gian sau đâu đó ổn định mợ cũng vô và cậu mợ thuê một căn nhà ở một con hẻm nhỏ gần khách sạn Quang Đạt ngay ngả ba Lê Lợi – Ngô Tùng Châu trên đường đi ra biển.
Học trò học hè cậu Bốn thời đó rất đông, trai có gái có và ở nhiều lứa tuổi, tôi cũng là một trong những đứa học trò hồi đó của cậu. Anh tôi, mấy ông anh con bác, mấy đứa em con dì rồi đến đám bạn hàng xóm nhiều lứa tuổi, tất cả đều là học trò của cậu, đều ngồi học chung trong một lớp học, hồi đó chủ yếu là học toán. Tôi còn nhớ cậu hay có cây roi trong tay, thường hay nhịp xuống bàn mỗi khi khảo bài chúng tôi… Và tôi cũng còn nhớ ngày đó, tôi là một trong những học trò cưng của cậu, thỉnh thoảng tôi được một hai chị lớn hơn một lớp cưng kêu tôi lại giúi vài ba cây kẹo vào tay…
Rồi tôi lớn dần lên và giã từ lớp học của cậu. Tuy tôi không theo học với cậu nữa nhưng lâu lâu cậu vẫn thường hay ghé nhà tôi thăm bà ngoại hay ba mẹ tôi cho nên tôi vẫn cứ tưởng cậu là bà con thân thuộc ở bên ngoại… Tuổi mới lớn ham chơi, ham bạn bè rồi biến cố 75 và năm sau tôi rời Qui Nhơn vô học ở trong Sài Gòn, tôi đã dần quên bẳng đi cậu.
Mới đây trong câu chuyện với mẹ tôi, tôi có nhắc đến cậu… Thì ra sau 75 vài ba năm cậu mợ lại thu xếp về Đề Gi sống với gia đình cô con gái và rồi cậu đã mất sau đó vì bệnh tật.
4. Cô Thảo người Bắc, những năm 70 sống bằng nghề buôn bán ve chai. Hằng ngày cô với cái đòn gánh trên vai, gánh hai cái thúng đi khắp mọi nơi ở trong thành phố để mua đồ phế thải về bán lại cho vựa và nhà tôi là cái trạm dừng chân nghỉ trưa của cô. Tôi nghĩ có lẽ nhà tôi cũng là chặng nửa đường trong ngày của cô, thêm nữa nhà tôi rộng rãi và thoải mái… Cho nên sau vài lần lui tới cô kết bạn với chị người làm nhà tôi, lúc đó là chị hai Phù Cát và rồi cứ đến trưa là tôi thấy cô xuất hiện…
Cô Thảo vui vẻ, nhanh nhẹn và chịu khó. Đến giờ dọn cơm mà cô thấy chị hai Phù Cát bận rộn cô cũng nhảy vô bếp phụ, cô làm gì cũng gọn gàng nên bà ngoại tôi cứ khen cô hoài. Trưa đến cô mở lon Guigoz cơm cô bới đem theo từ nhà, ngồi ăn chung với chị hai người làm rồi nằm nghỉ trưa đến 2 giờ cô mới quang gánh đi tiếp.
Hồi đó tôi nhỏ nên không để ý nhiều đến chuyện người lớn, giờ nghĩ lại tôi cũng không biết nhà cô ở đâu nữa. Chỉ biết cô cũng có gia đình, chồng con như mọi người vậy thôi, rồi 75 và sau đó không tin tức gì nữa từ cô…
5. Bác Vơ người Bắc và hai anh Trường và Thọ những năm trước 75 thỉnh thoảng chủ nhật hay ra nhà tôi làm vườn. Khi thì bác với hai anh dọn cỏ, hốt lá khô trong vườn nhà hay lấy kéo leo thang lên cắt tỉa lá trên giàn cây bông giấy trong vườn hay giàn hoa hoàng anh trước cổng nhà, rồi lại cắt tỉa những cây trong chậu kiểng theo hình dáng những con nai, con lân… đã được uốn sẵn theo cái khung. Bác Vơ và hai anh siêng năng, chịu khó nên trong nhà nếu có cái gì khó mà mấy ông anh tôi hay chị người làm không làm được là bà ngoại tôi để dành đó chờ bác Vơ với hai anh ra để nhờ làm.
Sau 75 nghe đâu gia đình bác Vơ di dời vô Long Khánh làm rẫy. Sau đó bác mất do bệnh tật, còn một trong hai anh không biết anh Trường hay anh Thọ đi làm rẫy, xui gặp phải mìn nổ tung chết…
6. Chị An người Huế cao ráo duyên dáng trong mắt của tôi, con một người bạn ở Huế của ba tôi vô Qui Nhơn học Sư Phạm những năm 66,67. Chị ở nội trú trong trường nhưng mỗi cuối tuần thường thì mẹ tôi hay lấy xe Honda vô trường Sư Phạm chở chị về nhà tôi chơi.
Thời đó cuối tuần nhà tôi vui lắm. Gia đình tôi, chị An và các anh chị em họ tôi thường hay rủ nhau đi du ngoạn. Khi thì đi Ghềnh Ráng thăm mộ Hàn Mặc Tử rồi ghé thăm trại cùi Quy Hòa của mấy soeur hay đi Tu Viện Nguyên Thiều rồi ghé thăm tháp Bánh Ít hay xa nữa là đi An Nhơn thăm thành Hoàng Đế, lăng Võ Tánh với Ngô Tùng Châu ghé ngang tháp Cánh Tiên hay viếng chùa Thập Tháp gần đó, còn không nếu liên hệ được với mấy anh sĩ quan Hải quân thì cả đám được dịp đi thuyền sang bán đảo Phương Mai để tắm biển…
Sau hai năm học Sư Phạm chị An ra trường về dạy tại Huế và lập gia đình ở đó. Đời dâu bể, mãi đến năm 94 tôi nhân dịp về thăm nhà có ghé thăm gia đình chị, lúc đó gia đình chị chuẩn bị đi xuất cảnh sang Mỹ theo diện H.O., hai chị em ngồi nói chuyện nhắc lại những ngày tháng đẹp đã xa…
Hiện tại gia đình chị sống ở San Jose, California. Anh chị đã hưu trí, hai cô con gái đã lập gia đình và có việc làm ổn định. Thỉnh thoảng chị vẫn thường hay thăm hỏi mẹ tôi hay chị tôi qua điện thoại.
***
Đó là những khuôn mặt rất gần gũi với tuổi thơ tôi mà tôi viết ra đây như một chia sẻ với các bạn và những người thân trong gia đình. Tôi chỉ muốn nói, có thể với những bận rộn hằng ngày của cuộc sống, rất tiếc đã làm bạn hay tôi quên đi rất nhiều thứ… Để rồi một lúc nào đó khi mà chúng ta không còn ngược xuôi với những âu lo của cuộc đời này, có dịp tĩnh tâm nhớ lại những chuyện xa xưa cũ, để thấy như mình được ngụp lặn lại trong giòng suối tuổi thơ yên ả ngày nào…
Thanh Quí
RE: Hình Cũ Trong Lưu Bút của Đào Thanh Hòa
Bạn Ngô Thị Anh.
RE: Những Khuôn Mặt Của Tuổi Thơ Tôi
Chị Thanh Quí mến.
Rất hay là chị đã may mắn còn biết được đôi chút tin tức.
Em cũng đã ước gì được gặp lại những khuôn mặt đã từng thân thiết với mình nhưng hầu như đã muộn.
—
RE: Những Khuôn Mặt Của Tuổi Thơ Tôi
Chị Bồng Sơn mến,
Cảm ơn chị Bồng Sơn đã đọc NKMCTTT và có những chia sẻ. Đôi khi tôi cũng nghĩ, có lẽ mình đã có ít nhiều may mắn khi tôi vẫn còn nhận được chút tin tức của những người thân quen ngày đó dù rằng rất mong manh và mơ hồ… Và thật tình mà nói TQ rất là hạnh phúc mỗi khi nghĩ về nó!!!