Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănNhững Giọt Xuân Hồng 3 - Đọc Sách

Những Giọt Xuân Hồng 3 – Đọc Sách

Thế giới thay đổi bắt nguồn từ những tư tưởng trong sách

Nhà văn Lỗ Tấn viết:” Một ngày không đọc sách, soi gương thấy mặt mình đã ố!”.Một người bạn tôi, làm thơ, khi nghe tôi nhắc lại câu này, cười lên ha há:” Tôi mười năm nay không đọc sách, sao soi gương thấy mặt mình vẫn tươi rói!”.Không lẽ anh dị ứng với các loại sách in ra trong thời buổi này sao?
Đọc sách là một nhu cầu cần thiết cho mọi người.Người đọc tìm đến sách vì sở thích, để giải trí hoặc cần tìm hiểu về một vấn đề nào đó.
Trong suốt cuộc đời mình, tôi sẽ vái lạy người nào không cầm đến cuốn sách mà có tâm giác ngộ như Thiền sư Huệ Năng.Có lẽ đây là một trường hợp ngoại lệ trong giới tu hành.Người đa văn, nhiều kiến thức về kinh điển như A Nan, Thần Tú mà tu lâu vẫn chưa giác ngộ; người không biết chữ như Huệ Năng mới vào chùa giã gạo mà đã giác ngộ.Câu chuyện muốn chứng minh một điều: Sự giác ngộ về tâm linh không bị lệ thuộc vào ngôn ngữ.

Còn trong đời sống bình thường, con người luôn luôn cần tới sách.
Nhớ những năm học Trung học ở Quy Nhơn, tôi có ba người bạn thân đều mê sách.Nhóm chúng tôi gồm bốn người, mỗi tháng, mỗi người cố gắng nhịn ăn quà để mua một cuốn sách.Ngày đầu tháng, chúng tôi thường rủ nhau đến nhà sách Khánh Hưng, Đại Chúng… để mua.Mỗi người chọn một quyển sách theo sở thích, được thầy cô, bạn bè giới thiệu, với điều kiện phải được đa số đồng ý và hai người không mua cùng một cuốn sách.Như vậy mỗi tháng mỗi người trong nhóm đọc được bốn cuốn sách mà chỉ bỏ tiền ra mua một cuốn.
Mô hình này, tôi nghĩ, các bạn trẻ bây giờ nếu thích đọc sách vẫn có thể áp dụng.Nhưng, những bạn đi học, với một chương trình học quá nặng nề, một núi kiến thức cần nhồi nhét vào đầu, các bạn sẽ không còn thời gian đọc sách.

Đọc sách cũng có nhiều cách đọc khác nhau, nhưng tựu trung là đọc nhanh và đọc chậm.
Tổng thống Mỹ J.F.Kennedy có cách đọc xéo trang sách rất nhanh.Đó là lối đọc theo hình chữ X, nhìn từ góc này chéo xuống góc khác và chỉ chú ý tới những từ, những câu quan trọng.Lối đọc này dành cho những người bận rộn, ít thời gian dành cho sách. Một cách “cưỡi ngựa xem hoa” chúng ta không nên áp dụng.

Nhà văn, nhà biên khảo, dịch giả Nguyễn Hiến Lê có lối đọc sách chậm với một cây bút chì và một tấm thẻ.Ông đánh dấu đoạn nào cần chú ý, những chỗ nghi ngờ vào lề sách.Đọc xong, ông tóm tắt nội dung cuốn sách bằng vài dòng vào tấm thẻ nhỏ, trong đó có ghi tên tác giả, tên sách, nhà xuất bản và năm xuất bản. Khi cần, ông tìm lại dễ dàng. Lối đọc này kỹ, có lợi và rèn luyện tính nhận xét, phê bình một cuốn sách. Nhưng lối đọc này dành cho những người có nhiều thời gian và chuyên về cầm bút.
Còn đa số chúng ta đều đọc sách theo kiểu nhẩn nha, giải trí, thư giãn.Sách nào hay thì nhớ, dở thì quên.
Khổng Tử viết:” Tin vào sách, thà đừng đọc sách còn hơn”, có lẽ ông muốn nhắc nhở mọi người đọc sách phải có nhận định riêng của mình, đừng tin vào những điều dối trá, hư ngụy trong sách, những điều không đúng sự thật về cuộc sống và con người.

Lữ Vân
24.02.2012

8 BÌNH LUẬN

  1. RE: Những Giọt Xuân Hồng 3 – Đọc Sách
    Đó là sáng kiến hay của các anh thời đó, tôi rất thích như vậy.
    Thời đại bây giờ chúng ta có thể đọc sách ebooks trên mạng và tôi nghĩ một cuốn sách hay không những chỉ ở nội dung của nó mà chúng ta nên làm thế nào để nó có thể tiếp cận dễ dàng với bạn đọc, đó mới là thiết yếu!!!
    Lệ Hiền

  2. về ‘đọc sách’
    Mạnh Tử nói: Cả tin sách, chẳng bằng không có sách.

    – 孟 子 曰 : 盡 信 書 則 不 如 無 書 Mạnh Tử viết: Tận tín thư tắc bất như vô thư.

    Hình như câu này của Mạnh Tử

  3. RE: Những Giọt Xuân Hồng 3 – Đọc Sách
    Hôm nay tình cờ đọc những dòng này, chợt nhớ câu chuyện:
    Một cậu bé nói với ông”con đọc sách hoài mà có nhớ, có thấy gì đâu hả ông” ông đưa cho cháu một cái giỏ đựng than bảo cháu chạy ra bờ suối lấy nước mang về. Cậu bé mang nước bằng cái giỏ chỉ một đoạn ngắn là nước chảy hết. Ông nói: “con ráng chạy nhanh xem sao” cậu bé lại múc nước và chạy thật nhanh vẫn không tài nào giữ nước lại. Cậu bé nói “ông ơi, con đã ráng hết sức mà chẳng còn gì trong giỏ cả” ông nói “Đọc sách cũng vậy con ạ, con sẽ chẳng giữ được gì nhiều, nhưng con xem này, cái đáy giỏ than bây giờ đã sạch sẽ, cũng như cái đầu óc của nguoi ta khi đọc sách vậy…”

  4. RE: Những Giọt Xuân Hồng 3 – Đọc Sách
    …và con sẽ thấy lá sẽ xanh tươi hai bên bờ và hoa sẽ nở rộ thơm ngát một góc trời”

    Chị Hà ơi, cho Tiến viết tiếp chút xíu nghen. KT

  5. RE: Những Giọt Xuân Hồng 3 – Đọc Sách
    Chị viết tiếp câu của Tiến nghen:

    vì những giọt nước từ cái giỏ đã chảy xuống, không hề uổng phí. Cũng như những kiến thức mà con đã đọc trong sách, nếu không giúp cho con thành một Kiến trúc Sư xây dựng ngôi nhà, thì sẽ giúp cho con biết cách giữ sự ấm êm trong ngôi nhà của mình. Nếu không học được cách giữ sự êm ấm, thì con ít ra con cũng sẽ biết quý nó…

  6. RE: Những Giọt Xuân Hồng 3 – Đọc Sách
    gửi Hà Xưa và Nguyễn Kim Tiến,
    Cảm ơn 2 bạn đã đóng góp thêm những mẩu chuyện rất hay và thâm thúy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả