Tiếng Việt dùng động từ “làm” thay vì “viết”, để chỉ công việc làm thơ.”Làm thơ” có vẻ nặng nề hơn “viết văn”, nhưng trong thực tế thì ngược lại.Để viết được một bài tạp bút hay truyện ngắn,người viết có thể mất khá nhiều thời gian, từ vài giờ tới vài ngày, chưa kể việc phải đầu tư, suy nghĩ trước đó.Còn thời gian để làm một bài thơ, có thể chỉ mất mười phút đến nửa giờ, nếu đó là một bài thơ ngắn.
Nhưng nếu đổi lại là “viết thơ” và “làm văn”, ta nghe như có sự tréo ngoe trong đó.Có phải là do thói quen chăng?
Thật sự, người xưa khi dùng từ “làm thơ” đã cân nhắc chính xác về công việc đặc biệt này.
Trước hết, viết văn có thể học được, còn làm thơ thì không.Hình như trên thế giới, kể cả Việt Nam, chỉ có trường dạy viết văn chứ không có trường dạy làm thơ.Ở Việt Nam, có trường viết văn Nguyễn Du, có điều lạ là lấy tên một nhà thơ chứ không phải là một nhà văn để đặt tên cho trường dạy viết văn.Nhưng đó không phải là việc đáng bàn ở đây.
Theo người xưa, muốn làm thơ được người ta phải có tài năng về thơ.Tài năng, gần như tinh hoa của
vũ trụ, được trời ban cho ai nấy hưởng.Không thể như quan niệm ấu trĩ của những người duy vật:”Cứ đưa cho anh một cây đàn và dạy anh nhạc lý,anh sẽ thành nhạc sĩ”.Có cố gắng học tập đến mấy, nếu anh không có tài năng âm nhạc, anh chỉ trở thành nhạc công chứ không thể là nhạc sĩ.(Các bậc cha mẹ cũng đừng ép con em mình học quá nhiều thứ, nếu chúng không có năng khiếu về các bộ môn nghệ thuật).
Làm thơ cũng vậy, nếu không có tài năng, dù có học và nắm vững luật lệ, kỹ thuật thơ đến đâu cũng chỉ trở thành thi công chứ không thể là thi sĩ được.
Có tài năng mà anh rủi bất hạnh gặp bọn đàn anh văn nghệ bá láp thổi phồng quá sớm là thần đồng, thiên tài, nguyên khí quốc gia…thì con đường thơ của anh sớm chiều gì cũng tuột dốc.Vì tài năng thơ tự nó tìm hướng phát triển, không thể o ép, gò bó, cải tạo được.Nhiều người thuở nhỏ làm thơ hay, được các bậc đàn anh xúm nhau thổi phồng, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc quá sớm, lớn lên chỉ làm rặt những bài thơ tẻ nhạt.Giống như những trái xanh bị giú ép, sẽ chín háp, không còn mùi vị.
Theo bát chánh đạo của Phật giáo, phải có chánh kiến mới đến chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tiến, chánh niệm, chánh định.
Làm thơ cũng vậy, phải thấy biết chân chính về thơ và thấy cuộc đời như bài thơ lớn thì anh mới làm thơ hay được.
Điều quan trọng là phải có tư duy thơ và có cái nhìn tinh tế để có thể nhận ra một bài thơ hay, một bài thơ dở; một bài thơ có cảm xúc chân thật và một bài thơ có cảm xúc gượng ép.Ví dụ thơ khóc bạn của Nguyễn Khuyến rất khác thơ khóc Staline của Tố Hữu.Nhưng đó là ở mức độ dễ nhận thấy, còn ở mức độ sâu xa, ẩn kín cũng phải nhận ra.Điều này cần cái Tâm của người đọc thơ.Khi tâm sáng, lòng thành thật, người đọc thơ sẽ dị ứng với loại thơ dối trá, giả hình…
Sự đổi mới trong thơ phải bắt đầu từ sự đổi mới nhận thức.Muốn đổi mới nhận thức phải học rộng,đọc nhiều, suy nhĩ nhiều.Không đọc sách, không sống nhiều, đi nhiều, suy nghĩ chín chắn thì khó có tác phẩm hay.
Rất còn nhiều điều về việc làm thơ.Nhưng rõ ràng không phải đây là một công việc ai làm cũng được.Xin mượn hai câu thơ để tạm kết bài viết tản mạn này:
” Làm thơ nhổ một mũi tên
Đi trong trời rộng, trào lên lệ buồn”
(Khổng Vĩnh Nguyên)
Lữ Vân
15.02.2012
RE: Những Giọt Xuân Hồng 2 – Làm Thơ
Có một điểm anh LV để cập rất đúng: “các bậc cha mẹ không nên ép con học quá nhiều thứ nếu chúng không có năng khiếu về các bộ môn nghệ thuật”
H đã thấy có nhiều cha mẹ bắt con vừa học đàn Piano, vừa học vẽ, hoc vũ bale..tất bật túi bụi để nhồi nhét mong con thành một “thần đồng” trong khi trẻ con rất cần một điều: chơi (H không tự ý nói đâu nhé, đây là một science đó)
RE: Những Giọt Xuân Hồng 2 – Làm Thơ
Có một điểm khác giữa văn và thơ: trong văn khi tác giả nói điều gì thì nguoi đọc nhận ra điều ấy, còn thơ thì thường…chịu. Đi lên sở nhà đất mấy tháng trời không ký được miếng giấy, về nhà tức quá làm thơ tả…cái bức tường ù lì! bởi vậy thời nay người ta làm thơ nhiều hơn văn, hài kịch nhiều hơn bi… chắc cúng là vì vậy. Chữ nghĩa trong thi ca vốn xúc tích, cái cười trong hài kịch vốn cũng rất xúc tích…
gửi Hà Xưa,
Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin có viết truyện ngắn Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi Thật, nên những bậc cha mẹ đều thấy con cái mình là ‘thần đồng’, nên cứ cho chúng học đủ môn để trở thành ‘thiên tài’.
Cảm ơn nhận xét của Hà Xưa.
RE: Những Giọt Xuân Hồng 2 – Làm Thơ
‘Chữ nghĩa trong thi ca vốn xúc tích,cái cười trong hài kịch vốn xúc tích’, đúng là một nhận xét thâm thúy.
Nhưng văn như Hoàng Tử Bé, Thằng Người Gỗ,Tâm Hồn Cao Thượng… cũng vốn xúc tích, phải không Hà Xưa ?
Chúc an lành.
RE: Hoa Thịnh Đốn Tháng 4, 2011
Washington Monument.