Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănNgười Thầy Học Cũ

Người Thầy Học Cũ


Có lẽ khi bước vào độ tuổi ngũ tuần thì tâm tư con người luôn muốn vọng về quá khứ, muốn trầm mặc hồi tưởng lại ngày xưa. Chính vì cái tâm trạng ấy mà dù xa Qui Nhơn gần ba mươi năm nhưng mỗi lần bất chợt buồn bã, thẫn thờ thì cái cảm giác nhớ quê cứ đau đáu thôi thúc, nung nấu trong tôi như con ngựa hồ cất vó quay về cố quốc mà hý lộng đau thương. Mỗi lúc như vậy thì tôi cố dẹp bỏ những lo toan thường ngày, gác lại mọi việc để túi xách ôm đồm trở về quê cũ, nơi có biển xanh, cát trắng, có bạn bè xưa cũ yên bình, êm ả mà trong tâm tưởng tôi không bao giờ phai nhạt.

Trên chuyến tàu đêm mỗi lượt di về, hễ nghe lại tiếng nẫu, dạ lại nao nao, cứ như quê hương đã ở trong tầm tay. Tiếng tàu xình xịch lướt qua từng chặng đường miền trung nắng gió, tôi nhẩm đếm những thành phố đã qua: Phan Thiết, Phan Rang, Cam Ranh, Nha Trang…Lòng bồn chồn khó tả vì càng về lại gần quê thì kỷ niệm cũng theo đó ùa về…Đoạn đường này tôi đã cùng Ngọc Phụng tiến vào Sài Gòn sau khi thi đỗ đại học, những thơ dại ngu ngơ trước thành phố hoa lệ, hai cô học trò nhỏ nắm chặt tay nhau lần bước. Gìờ hướng ngược lại, tôi lần bước trở về…không là bước chân non dại mà là chân của một người đã mỏi tìm về chốn cũ, nơi miền đất hứa của tôi.
Đây rồi Diêu Trì vào 9 giờ sáng rời rất nắng, trong tôi như có cỏ hoa mở hội! Tuy Phước, nhà Phụng đã không còn hiệu ảnh nữa, “cảnh cũ người xưa còn đâu tá”. Con sông Trường Úc ngày xưa giờ cạn queo. Đi qua những cánh đồng thơm mùi lúa chín, cảm nhận sự êm ả của hoa đồng, cỏ nội. Tôi nhớ ngày xưa vẫn thường rong ruổi xe đạp từ Qui Nhơn đi Tuy Phước để thăm bạn, cô bạn năm xưa giờ đang ở xứ Mỹ mịt mù tăm, cô có biết chăng khi tôi trở lại thì người xưa cảnh cũ còn đâu nữa, chẳng còn viên cuội trắng nào dưới lòng sông, và cái thuở hồn nhiên ấy đã trôi qua, trôi qua theo năm tháng mất rồi.
Gặp lại Lê Trung Thuận, người bạn của thời trung đại học giờ làm hiệu phó trường làng, rất mẫu mực, từ tốn ngồi nghe cô bạn liếng thoắng kể chuyện huyên thuyên dầu đôi mái đầu đều đã bạc.
Khi đến nhà Tuyết Trinh thì tôi được biết thầy Tú từ Pháp về, hẹn gặp nhau ở nhà Hạnh ù..Mừng rỡ, tôi thấy lần trở về này có ý nghĩa hơn, tại quê cũ được gặp lại thầy xưa mà người thầy này đã dạy cho tôi nhiều bài học quí giá để khi bước chân vào đời, tôi vẫn muốn như cây thông đứng giữa trời mà reo. Người thầy đã ghi dấu ấn rất đậm trong tâm trí tôi. Những bài thơ của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến được thầy bắt học nhuyễn, đã đóng góp, tích luỹ trong tôi những vốn liếng, vững bước trên đường đời, một chút hào hùng khí tiết của Nguyễn Công Trứ, một chút cao ngạo yếm thế của Cao Bá Quát, thói thanh nhàn thoát tục của Nguyễn Khuyến…Cứ thế, những bài giảng năm xưa của thầy đã đưa tôi lần bước vào đời một cách ngon lành.
Tôi đã gây ngạc nhiên không ít trước sự xuất hiện đột ngột, Thầy Tú không nhớ ra Thuý Vân ngày xưa thầy đã đặt tên,dễ có hơn ba mươi năm tôi chưa gặp lại thầy, trông thầy gầy và già hẳn. Theo thời gian thầy đã hao mòn và nhìn như bé nhỏ lại. Sự nhiệt tình, năng động ngày xưa nhường chỗ cho sự trầm tĩnh, đằm thắm. Chuyện trò nổ lốp bốp như pháo rang, ai cũng dành được nói, tưởng như chưa từng được vui như thế!
Tôi đi chở cô Độ, cô trông gầy yếu nhưng tinh thần rất ư sáng suốt, dầu giọng nói có hơi khinh thế ngạo vật. Cô giáo mà ngày xưa chỉ cần đảo đôi mắt phượng một vòng là chúng tôi đủ thót tim, thì nay ngồi sau yên xe nhẹ tên. Tôi bỗng dưng thấy bồi hồi vì thời gian đã biến đổi con người nhiều như vậy. Những khuôn mặt thân thương của lớp bạn cũ đều in đậm nét hằn năm tháng!
Cô chủ quán cà phê Diệu Mành đã đãi thầy trò chúng tôi một chầu cà phê ra trò. Mỗi người nay mỗi cảnh, gặp lại nhau thăm hỏi tình hình gia đình, đời sống, chia sẻ những khốn khó của cuộc đời.
Trên đường về nhà Tuyết Trinh của chiều hôm ấy, văng vẳng trong đầu tôi là bài thơ Kẻ sĩ của Nguyển Công trứ vang vọng. Thưa thầy, vì những điều thầy dạy đã thấm nhuần trong em cái sĩ của con người, em đã không thể làm trái, không thể khom lưng cúi đầu dầu có bị búa rìu vây toả, và cuộc đời đưa đẩy cho đến hơn ba mươi năm sau, gặp lại thầy. Mừng là chúng ta vẫn còn sống, còn được hít thở và những bài học cũ của thầy như những bản anh hùng ca nuôi dạy em sống hào hùng và khí tiết.
Tự dưng thầy trò trở nên thông cảm nhau hơn tuy mỗi người mỗi cảnh, thầy ở tận trời Âu xa xôi nhưng lòng lúc nào cũng vọng cố hương.
Ở Sài Gòn khi thầy trở vào từ Huế, chúng tôi đã hẹn gặp nhau ở nhà Thảo, cô bạn yếu đuối mảnh mai của ngày xưa nay trông coi một cơ sở sản xuất mây tre lá xuất khẩu với một nghị lực phi thường, Thảo đã phải vượt qua chặng đường gian khó khi người bạn đời bị tai nạn qua đời. Thầy Sơn, người thầy hiền lành, ít nói ngay xưa đã từng bị học trò trêu đùa là “cỏ non”. Đến thắp nén hương cho bạn, thầy Tú bùi ngùi kể lại cho chúng tôi những thăng trầm của thầy từ sau ngày “đổi đời” . Những ngày tù tội, bị đánh gãy răng chỉ vì cái tội đã tham gia Hội Hồng Thập Tự, bị kết án làm tình báo, nhà cửa, gia sản mất, vợ con lêu bêu. Khi ra tù, thầy đã làm đủ nghề để mưu sinh, rồi vượt biên không thành, lại bị bắt… Trăm điều khốn khổ thời hậu chiến. Thật ngậm ngùi khi phải nhắc nhở về những ngày tháng đó. Giờ nhớ lại cả thầy lẫn trò đều xem như chuyện cổ tích; cũng như nỗi xúc động khi đọc lại những dòng lưu bút mà ngày xưa thầy đã viết cho chúng tôi, còn giữ được sau bao biến cố của cuộc đời. Trần Trinh đã giữ như một báu vật, chỉ chấp nhận photo cho thầy chứ chẳng dám chuyền tay cho ai.

Và con đường đi Biên Hoà thăm Hoàng Hoa, con đường mà ngày xưa thầy đã phải đạp xe lên tận Long Khánh để mua đậu xanh, đậu phụng, bắp…về bỏ mối Chợ Lớn. Con đường thân quen đầy kỷ niệm của một thời cơ cực ấy trở lại cũng là một cách hồi tưởng. Đoạn đường như ngắn lại, tôi kể cho thầy nghe những ngàỳ lê la chợ trời vì mất dạy, bị rượt đuổi, trốn chạy, cứ cuốn trôi, trôi mãi…
Tôi nhớ lại đề luận văn mà thầy ra cho chúng tôi vào kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt năm đệ tứ:
“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”
Có phải chăng chút nghĩa thầy trò cũ càng ấy không bao giờ phai nhạt trong lòng những học trò cũ đã từng được thầy dạy dỗ năm xưa. Thầy vẫn mãi là người thầy đáng kính của chúng tôi. Dầu thời gian có trôi qua, những học trò năm xưa đã thành nhân , thành tài, nhưng cái đạo thầy trò vẫn đứng vững theo tháng năm.

Saigon 2004
Lệ Thùy

Nguồn  Đặc san CĐ-NTH 2005

4 BÌNH LUẬN

  1. RE: Người Thầy Học Cũ
    Chị Lệ Thùy à, chị nói đúng ghê vậy đó, vào độ tuổi ngũ tuần thì tâm tư tình cảm con người vọng về quá khứ…Mình cũng nghĩ như thế nên những kỷ niệm với bạn bè thầy cô cứ như là một cuốn phim quay chậm ngược về quá khứ, vui có buồn có làm mình ray rức nhớ thuơng hoài thôi! Cảm ơn một bài viết nhắc nhớ kỷ niệm thật cảm động. KT

  2. RE: Người Thầy Học Cũ
    Chị Lệ Thùy ơi!
    Chúng ta cùng học dưới một mái trường và cùng được dạy dỗ bởi những người Thầy Cô mẫu mực nên cùng có những tố chất như nhau. Bởi vậy khi đọc bài của chị chúng em lại thấy những kỷ niệm xưa như kéo về trùng vây.
    Em nhớ Thầy và có nhiều nỗi ân hận vì đã để trôi đi nhiều dịp có thể gần Thầy hơn. Cứ mãi ray rứt: Giá như…Nếu như…
    Thầy về VN dịp cuối cùng, khi nằm trên giường bệnh Thầy cứ nhắc đi nhắc lại: “Tôi muốn gặp những người cũ… tôi muốn gặp lại những Đoàn viên Hồng Thập Tự của ngày xưa…”
    Có nhiều điều chúng em vẫn chưa làm được. Thầy đã vội ra đi…

  3. RE: Người Thầy Học Cũ
    Các Cô ơi, hình ảnh người thầy cũ của các cô sao đẹp quá! Và người thầy ấy sau khi làm cha rồi thì cũng hết lòng vì con, thương yêu chăm sóc, lo cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Ba ơi! Ba đang ở nơi nào vậy? Noel tới rồi đó. Ba có nghe các cô học trò và các con của ba đang nhớ về ba không? Cảm ơn các cô.

  4. RE: Người Thầy Học Cũ
    Đọc mấy dòng này của Phan Hoài Hiếu mình thật sự xúc động. Cám ơn Hiếu. Cho mình gởi lời hỏi thăm đến Phú ( mình là bạn học của Phú )! Chúc cả gia đình một năm mới bình an và hạnh phúc!
    Đông Oanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả