Ông ta giàu có và theo lời đồn đãi của những người quen biết là cũng có lòng nhân đức.Ngôi nhà ba tầng được xây dựng trên một khu đất rộng là ngôi nhà bề thế nhất trong làng.Chung quanh chỉ có những mái nhà lợp tôn lụp xụp, xây cất theo lối tiền chế từ hồi chiến tranh còn sót lại.Dân làng sống bằng nghề làm rẫy theo hai mùa mưa nắng, trồng bắp, đậu, mì…nên thường thiếu đói vào những ngày giáp hạt.
Nhà rộng, nhiều phòng nên đâm ra hoang lạnh đối với hai vợ chồng.Các con cái ở xa, có đứa ở nước ngoài, thỉnh thoảng mới về thăm nhà.Vợ ông cũng đã lớn tuổi, một người đàn bà kỹ tính, sống chi li từng đồng bạc lẻ, lo việc bếp núc và quanh quẩn trong vườn, suốt ngày thường than đau lưng và nhức mỏi tay chân.Mỗi cuối tuần, bà thuê một người phụ nữ có sức khỏe để lau chùi dọn dẹp phòng ốc, mất một ngày làm việc cật lực mới xong.Bà không dám thuê những cô gái trẻ, vì biết ông vẫn còn dồi dào sinh lực, lỡ có chuyện gì xảy ra thì mang tai tiếng.Đã chừng này tuổi rồi, thỉnh thoảng ông vẫn mò vào phòng bà, gợi ý, rủ rê nhưng bà từ chối, vì rất sợ
chuyện ấy.Bà không thấy thích thú gì khi phải tiếp tục chịu đựng ông như một cái máy.
Cuộc sống của hai ông bà cứ lặng lẽ trôi qua, hết ngày này đến ngày khác, như thể được bỏ trong guồng máy vĩ đại quay chậm đều, chậm đều…không có lối thoát.
Ngôi biệt thự xa vắng như một ốc đảo, ở bên ngoài, dân làng đi qua lại vẫn nghĩ hai ông bà sống rất hạnh phúc, thứ hạnh phúc của những người giàu có.
– Ông à! Hôm nay tôi phải đi thăm đứa cháu ngoại mới sinh nằm dưới bệnh viện phụ sản, ông ở nhà một mình, tới bữa cứ lấy thức ăn để trong tủ lạnh hâm lại.Nếu bà Hai Xạch có đến dọn vệ sinh, ông nhắc nhở cho bà ấy làm.Các cửa phòng tôi đã mở sẵn.Chiều tôi mới về, đừng buồn, ông nhé!
– Không sao đâu! Bà nói tôi gởi lời thăm lũ nhỏ.
Một đứa cháu trai tới chở bà đi, ông cảm thấy mình hơi buồn một chút vì ngôi nhà đâm ra vắng lạnh, nhưng rồi bỗng như con chim sổ lồng, ông lại thấy mình được tự do, cái cảm giác lâu nay ông bị đánh mất trong con mắt kiểm soát của bà.
Ông ăn sáng, nhấm nháp từng miếng bánh mì mềm chấm sữa như nhấm nháp từng giây phút thoải mái bất ngờ ông hưởng được sáng nay.
Nhìn bức hình vợ chồng đứa con trai và hai đứa cháu nội đang cười toe toét được phóng lớn treo trên tường, ông bỗng nhớ tới những ngày ông và bà được đứa con trai bảo lãnh sang du lịch bên Mỹ.
Thời gian đầu hai ông bà còn được đứa con trai đưa đến chỗ này chỗ nọ, sau đó nó bận đi làm nên hai vợ chồng cứ ru rú ở trong phòng vì sợ lạnh.Hết mở ti-vi, đầu máy rồi chuyện trò riết cũng chán.Một bữa, ông đợi bà ngủ trưa, mở cửa đi dạo một mình cho đỡ cuồng chân.
Đường vắng, không thấy một bóng người đi bộ, thỉnh thoảng một vài chiếc xe chạy qua dưới bầu trời mù đục, lạnh lẽo.Ông nhớ tới bạn bè, nhớ những lần ngồi quán nhâm nhi từng ngụm cà phê tán gẫu hàng giờ.Còn ở bên này, tất cả như chui vào những chiếc hộp kín, nên ngoài giờ đi làm và tan sở, ít thấy ai ngoài đường.Hình như đây là một đất nước chỉ dành cho công việc.Không có thời gian tán gẫu, không có thời gian nhậu lai rai.
Ngẩn ngơ vì nhớ bạn bè, ông đâu biết có hai thằng nhóc con da màu đã theo sát sau lưng ông.
Khi đến gần, một thằng bất ngờ ôm ông, một thằng chụp tay vào túi sau quần jean định móc bóp.Một thằng la lên:” Money! Money!”.Ông cố vùng vẫy, miệng cũng la lớn:” No money! No money!”, vì thật hú vía, ông đã bỏ quên cái bóp ở nhà.
Sau khi lục soát khắp người mà không thấy tiền, chúng bảo ông lột chiếc đồng hồ đeo tay đưa cho chúng, quật ngã ông xuống đường, đá ông một cái vào mông rồi cười he he bỏ đi.
Ông nằm bên vệ đường đau điếng, chờ chúng đi khuất mới lồm cồm ngồi dậy, khập khễnh bước về nhà.
Sau vụ đó, hai ông bà nhất trí trở về nước trước thời hạn.
Có tiếng đập cổng và tiếng ai gọi ú ớ bên ngoài.
Nhà không bắt chuông điện, vì bà sợ trẻ nhỏ nghịch phá.Ông nghĩ, có lẽ bà giúp việc đến dọn dẹp vệ sinh phòng ốc nên đi ra mở cổng.
Khi cánh cổng nặng nề mở ra, ông bắt gặp một cô gái còn trẻ, mặc bộ đồ vải bông màu tím hoa cà hơi cũ, có gương mặt trái soan xinh đẹp nhưng đôi mắt hơi ngây dại.Ông biết cô gái này vì trước đây thỉnh thoảng có đến nhà xin tiền bà, bà chỉ cho chừng lon gạo rồi đuổi đi.Cô gái bị câm, đi lang thang ngoài đường, vì bị thất tình sao đó, tâm tính không bình thường.
Cô gái nở nụ cười thật đẹp chào ông, chìa ra bàn tay nhỏ có làn da chai sạn.
Ông định lắc đầu từ chối, nhưng ánh mắt và nụ cười của cô gái câm bừng lên một thứ ánh sáng mê hoặc, thu hút ông.
Bất ngờ, cô gái lách qua ông, chạy nhanh vào bên trong sân nhà.
Ông nhìn theo, thấy mái tóc dài của cô gái bay tung trong gió, dáng cô cân đối với đôi chân dài uyển chuyển, đang đuổi theo một con bướm trắng bay chấp chới trong nắng mai.
Quên cả đóng cổng, ông lật đật bước theo cô gái.Ông bắt gặp cô ta đang ngồi trên bậc thềm cầm một chiếc lá bàng khô ú ớ đọc điều gì đó.
Nhìn gương mặt trái soan xinh đẹp nhưng ngây ngô của cô gái câm, tâm trí ông bỗng nảy ra những ý nghĩ thật kỳ quặc.Ông cảm thấy sinh lực bị đè nén bắt đầu trổi dậy, như thể có chàng trai thanh xuân đang chiếm lấy cơ thể của một ông già.
Ông cúi xuống nắm lấy bàn tay chai sạn của cô gái dẫn vào phòng riêng.Trái tim ông đập thình thịch muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.Cô gái câm chậm rãi bước theo người đàn ông với những bước đi ngập ngừng, luống cuống.
¤
Xế chiều, bà vợ trở về khi bà giúp việc Hai Xạch lau chùi phòng ốc vẫn chưa xong, vì buổi sáng bà Hai Xạch đến trễ một chút.Ngang qua phòng ông chủ đóng kín, bà giúp việc nghe có tiếng ú ớ rên rỉ bên trong, nhưng nghĩ không liên can gì đến việc của mình nên bà đi lên lầu dọn dẹp như mọi lần.
Khi ra ngoài hành lang, bà giúp việc có trông thấy ông chủ nắm tay dắt cô gái câm tóc tai rũ rượi đi ra cổng.Không muốn ông chủ trông thấy nên bà rút lui vào phòng.Mùa này kiếm được đồng tiền rất khó nên bà không muốn ông bà chủ thuê người làm khác.
Khi xong việc thì trời đã tối, bà Hai Xạch xuống gặp bà chủ để nhận tiền công.Bất ngờ, từ phòng ăn vọng ra tiếng nói của người đàn ông:
– Sáng nay con câm có tới xin tiền.Tôi thấy tội nghiệp có cho nó mười ngàn.Không ngờ, tưởng nó đã về lại lén núp vào cánh cửa khép, đợi tôi đi ra nó lẻn vào phòng ăn cắp hết tiền trong cái bóp tôi để trên bàn, giấy tờ nó không lấy.
Tiếng bà chủ hốt hoảng:
– Trời ơi! Ông mất bao nhiêu ?
– Cũng may, tôi để trong đó có một trăm chín chục ngàn.Lần sau nó có đến, bà đuổi đi, đừng cho chác gì nữa!
– Nó ăn cắp, chắc không dám vác mặt tới đây nữa đâu!
Đợi hai người nói chuyện xong, bà Hai Xạch vào nói đã làm hoàn tất, nhận tiền rồi ra về.Lúc nhìn mặt người đàn ông, bà giúp việc thấy nước da ông tai tái.
Dọc đường, bà Hai Xạch bắt gặp cô gái câm đang ngồi khóc ú ớ, giọng tức tưởi bên một bụi cây.Người đàn bà giúp việc chép miệng:
” Tội nghiệp con nhỏ! Không biết rồi cuộc đời sẽ ra sao !”.
Lữ Vân
Chiều 23.4.2012
RE: Người Đàn Ông Và Cô Gái Câm
Kết thúc với tiếng khóc tức tưởi của cô gái câm làm nguoi đọc xốn xang, tiếng khóc của nguoi câm vốn tức tưởi vì không bao giờ nói được uất ức trong lòng
Nhận xét của chị Hai Xạch “Lúc nhìn mặt nguoi đàn ông, chị giúp việc thấy nước da ông tai tái” tai tái vì dối trá, vì bệnh hoạn
nhưng H vẫn mong một cái gì mạnh hơn nữa, một tiếng thét, một cái nhìn căm phẩn từ đôi măt của cô gái câm…
Hay là tại vì H là đàn bà…
RE: Người Đàn Ông Và Cô Gái Câm
Suy nghĩ của bà Hai Xạch: “Tội nghiệp con nhỏ! Không biết rồi cuộc đời sẽ ra sao!” là câu kết cho câu chuyện ngắn NĐOVCGC nhưng sẽ mở ra cho một câu chuyện dài khác về cuộc đời của cô gái câm cũng như những hành động tương tự còn có thể tiếp tục xảy ra của “người đàn ông giàu có và cũng có lòng nhân đức” ấy.
Trong đời thường, thỉnh thoảng mình cũng đã phải chép miệng như bà Hai Xạch khi bắt gặp những cô gái mất trí lang thang ngoài đường, bụng mang dạ chửa mà tác giả của cái thai hoang là một kẻ bất nhân nào đó.
Thôi thì cứ tin rằng ông trời có mắt.
Cảm ơn anh Lữ Vân về một câu chuyện mà DT nghĩ rằng nó có thật!
RE: Người Đàn Ông Và Cô Gái Câm
Đây chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong đời thường. Chung quanh ta biết bao điều hơn thế. Hà Xưa nóng nảy nhỉ. Cần gì đau Hà chỉ đánh thúc một tí là người đọc cảm nhận thôi mà. Lữ Vân thế là đạt rồi.
RE: Người Đàn Ông Và Cô Gái Câm
Đọc xong chuyện, thấy quá thương cho cô gái câm. Cô quá bất hạnh khi xuân sắc như vậy, lại không có được khả năng tự vệ cuối cùng là tiếng nói. Mà cuộc đời thì thiếu gì những con người như ông nhà giàu kia.
Ái ngại cho người vợ vì sự bế tắc của cuộc sống gia đình bà khi ông bà đã lệch pha như thế! Và bắt đầu bị chồng dối gạt từ đây.
Thương hại cho bà Hai Xạch, vì không muốn mất việc làm, đã dửng dưng, vô tâm trước khổ nạn của người khác.
Và thấy ghê sợ trước thú tính của con người! Có thể đây mới là sự khởi đầu khi tất cả rơi vào thinh lặng! Rồi sẽ có bao nhiêu cô gái câm rớt vào tay ông ta – người đàn ông vừa đánh mất lương tri, vừa bắt đầu thành kẻ dối trá- khi mà những bà Hai Xạch vì đồng tiền quá cần thiết cũng sẽ câm lặng trước những bi kịch sẽ tái diễn.
Câu chuyện buồn quá anh Lữ Vân à!
RE: Người Đàn Ông Và Cô Gái Câm
gửi Hà Xưa,
Cảm ơn Hà Xưa đã có nhận xét thẳng thắn và chân thành.
Trong cuộc sống, những người khuyết tật, những người nghèo…đôi khi không thể nói lên tiếng nói uất ức của họ.Người viết mong nêu được điều gì đó, để những người còn lòng nhân ái cảm thông và giúp đỡ họ.
Đây là vấn đề của lương tâm con người, không chỉ là giới tính, bình thường hay bất thường, chuyện nhỏ hay chuyện lớn…
Được một người đọc thích thể loại Truyện Ngắn như Hà Xưa đọc và góp lời bàn thật quý.
RE: Người Đàn Ông Và Cô Gái Câm
gửi Nguyễn Diệu Tâm,
Lợi dụng sự bất hạnh, tàn tật để làm hại họ là một tội ác.
Nhưng cuộc sống bây giờ sao nhiều người vô tâm quá!
Cảm ơn sự đồng cảm sâu xa của Diệu Tâm với những cô gái khuyết tật.
RE: Người Đàn Ông Và Cô Gái Câm
gửi Phạm Ngọc Dung,
Một lời bàn ngắn gọn nhưng đầy đủ tính cách của những nhân vật và bối cảnh của câu chuyện.
“Ông Trời có mắt”, người mình thường tin như vậy và mong là đời sống sẽ bớt đi những chuyện buồn bã tương tự.
Cảm ơn Ngọc Dung.
RE: Người Đàn Ông Và Cô Gái Câm
gửi anh Thiên Di Phạm Văn Tòng,
Cảm ơn anh đã góp lời bàn.