Ngày xửa ngày xưa của tôi không được như ngày xửa ngày xưa của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đâu. Chỉ giông giống chút này thôi “Đường qua nhà em nghiêng nghiêng sân nắng nghiêng mây hồng”. Không có “Đôi ta chung nón đôi ta chung đường”, mà cũng chẳng có “Lên sáu lên năm đôi ta cùng sách đôi ta cùng trường”, vì lên sáu lên năm như nhỏ “thị mẹt” gì đó… và tôi — nhớ rồi… nhỏ Múp Míp, cái tên nghe rất “tượng hình”, “tên sao ngừ dzậy”– và tôi chưa được cắp sách đến trường, bởi hồi đó đang có chiến tranh Việt Pháp.
Lũ con nít chúng tôi chỉ nghe chỉ thấy, chớ chưa nếm chưa biết mùi chiến tranh ra sao. Nghe là nghe người lớn nói chuyện với nhau. Nghe là nghe tiếng bom nổ do máy bay giặc Pháp thả xuống từ các xóm làng xa xôi. Thấy là thấy những cột khói đen ngòm đen nghịt từ những nơi đó. Thấy là thỉnh thoảng thấy tàu bay “bà già” của Pháp bay sát ngọn cây gòn, sát mấy lũy tre làng xa xa. Thấy là thấy cảnh các bác các chú tập trận đánh giặc giả trên cái gò có bãi tha ma giữa cánh đồng phía mặt trời mọc.
Tôi không nhớ là cứ bao lâu lại có phiên chợ đêm họp giữa đường gần xóm tôi, với mấy ngọn đèn hột vịt leo loét trong đêm tối; khi nghe tiếng kẻng báo động có tàu bay Pháp là phải thổi tắt đèn ngay. Rồi cũng đến lúc xóm tôi cũng phải đào hầm trốn tàu bay, đào hầm trên quốc lộ 1 — đào một nửa bên này một nửa bên kia — để giặc Pháp không thể chuyển quân bằng xe quân sự, tuy lúc đó chiến tranh chưa thiệt sự lan đến xóm tôi. Trong bối cảnh chiến tranh ấy lũ con nít chúng tôi chỉ biết vui chơi nô đùa rất hồn nhiên mà thôi.
Hồi đó, nhà ba má tôi với nhà ba má nhỏ Múp Míp ở cùng xóm trên quốc lộ 1, gọi là xóm Đường Cái. Hai nhà ngó mặt nhau xéo xéo trên con đường này. Cái xóm nhỏ xíu, không nhớ là có mấy cái nhà nằm rải rác lưa thưa trên một đoạn đường ngăn ngắn. Có lẽ cũng chỉ đủ để “Đi dăm phút trở về chốn cũ” mà thôi.
Trong xóm nhà nào nhà nấy đều thiếu hụt đủ thứ. Cả xóm dùng chung một cái giếng nước ở gần mép ruộng hơi thấp sau xóm. Giếng được đào được xây bằng đá ong từ hồi nảo hồi nao, lòng giếng đã phủ đầy rêu xanh. Tối đến nhà nào cũng thắp đèn hột vịt hay đèn tạ. Chỉ có nhà nhỏ Múp Míp là thắp đèn măng-sông sáng trưng vì ba nhỏ làm nghề thợ bạc, khá nhứt xóm.
Múp Míp có con búp bê bằng nhựa to bằng trái đu đủ biết nhắm mắt mở mắt, tóc hơi dợn sóng đen đen nâu nâu, thắt hai túm tóc chỉa lên trời giống như tóc của nhỏ ấy. Múp Míp thích búp bê lắm, bồng bế suốt ngày, nên cái áo đầm màu xám viền trắng của búp bê đã ngã màu lem luốc vì tay nhỏ ấy thường dơ hầy, lại nhớp nháp nước mũi nước dãi vì Múp Míp hay quẹt mũi. Có lần tôi ghẹo “Múp Míp thò lò mũi xanh”, nhỏ ấy giận, không cho tôi cỡi xe đạp của nhỏ màu đỏ có bắt thêm hai bánh nhỏ phụ phía sau. Tôi buồn mấy ngày.. Nhìn Múp Míp một tay ôm búp bê, một tay lái xe đạp, miệng kêu kính koong kính koong chạy vòng vòng trong cái sân tí tẹo sau nhà của nhỏ, tôi thèm muốn chết. Sau, như thấy tôi tội nghiệp, Múp Míp cho tôi cỡi lại. Mừng quá, tôi hỏi nhỏ “Shiệt hông?”, Múp Míp trả lời cũng nhỏ “Shiệt!”. Vậy là từ đó tôi không… dám chọc giận Múp Míp nữa.
Ba tôi với ba Múp Míp là bạn học hồi xưa — so với cái xưa của tôi thì phải nói “xưa thiệt là xưa” mới đúng — nên hai người thân nhau lắm. Ba tôi nhờ có chút ít chữ nghiã, có bằng Yếu Lược, nên làm thầy giáo thanh bần, dạy Bình Dân Học Vụ, lớp xóa nạn mù chữ ban đêm “a-tê-át, â-tê-ất, ba xe đất, bốn xe cát”. Anh em tôi đâu biết giàu nghèo là gì. Chỉ nhớ là mỗi khi xin món gì thì ba má tôi nói là để vài bữa nữa ba má mua cho. Còn ba Múp Míp thì nhờ ông nội nhỏ ấy khá sẵn nên cho đi học nghề thợ bạc. Nhờ hai ông ba thân nhau như thế nên hai đứa tôi mới được chạy qua chạy lại vui chơi với nhau. Còn anh tôi thì hơn tôi bốn năm tuổi, “lớn rồi”, phải ở nhà để ba má sai vặt. Được cái là ảnh hiền lắm, hiền khô, chẳng ganh tị gì nên tôi tha hồ mà chơi bời lêu lổng.
À quên, còn chuyện này nữa, hồi đó anh em tôi chưa có tên khai sinh vì chưa đi học nên ba má gọi tụi tôi là Cu Anh Cu Em. May quá, không phải là Cu Lớn Cu Nhỏ hay Cu Đen Cu Trắng gì hết. Hú hồn! Mà tôi lại “nhí con” hơn thằng nhóc cùng tuổi cạnh nhà nên bị “giáng xuống” thành Cu Mén. “Thằng Cu Mén”, nghe cũng dễ shương ra phết đó chớ. Cái hỗn danh Cu Mén này đeo theo tôi đến giờ.
Cu Mén tôi giỏi đào bắt trùn đất cho má nuôi gà. Nhớ má nói “Mén ráng bắt trùn kha khá. Cứ mười con má thưởng Mén một con… ăn chơi”. Tôi xụ mặt xuống, cái mặt chụ ụ một đống. Má chữa lại “Nói giỡn mờ… Má thưởng Mén một cái trứng gà ăn chơi, nghen”. Có lẽ nhờ vậy mà sau này đi học, thỉnh thoảng tôi “được” ông thầy bà cô cho tôi ăn hết “trứng gà, lại trứng vịt đến trứng ngỗng”… là thường… là “chiện nhỏ”. À… Tôi quên hỏi là hồi đó má có nuôi tôi bằng sữa bò không? Sữa bò với mấy cái trứng đó có bà con, có dây tơ rễ má gì với nhau không? Mà hai món này vẫn đeo theo tôi đến giờ. Thiệt… chán cái mớ đời!
Trở lại chuyện trùn đất, có lần tôi lỡ tay làm rớt con trùn lên áo đầm của búp bê, nhỏ Múp Míp ré lên một tiếng chói tai, cầm chặt búp bê; còn tôi thì chôn chưn tại chỗ, run khan. Má nhỏ từ nhà bếp vọt ra, tay còn cầm đôi đũa bếp hỏi “Chiện gì… Chiện gì… ?”. Mặt mày tôi tái mét, tay run run chỉ con trùn trên áo búp bê. Má nhỏ gạc nhẹ một cái, con trùn rơi xuống đất. Má nhỏ cười cười, nói “Có dzậy mờ ré quá”, rồi gụt sạch chỗ dính trùn đó nhỏ mới chịu nín khóc. May mà hồi đó Múp Míp quên… “cấm vận” tôi.
Tôi còn thích bắt dế đá chơi nữa. Mới đầu tôi ngu lắm, chẳng rành gì hết, lại chậm chân chậm tay hơn mấy đứa trong xóm, nên bắt phần nhiều là dế than dế mái không hà, đá đâu thua đó. Sau, nhờ Cu Anh bày mánh, tôi đổ nước vào hang dế, bắt được dế lửa dế cồ. Rồi xin Múp Míp mấy sợi tóc dài, cột vào chú dế, quay mòng mòng mấy vòng “dợt nóng” cho nó rồi thả xuống đá. Dế tôi gáy vang, ngầu lắm, bung cánh giương hàm đá thắng mấy trận. Tôi sướng mê tơi. Mấy ngày sau, Cu Anh bày tiếp, tôi ngắt đầu một chú dế cắm vào que tăm làm “đầu lâu” để khích tướng mấy chú dế chiến kia cho say đòn rồi thả xuống đá. Dế tôi lại thắng lia chia thắng giòn giã. Tôi lại thêm sướng mê tơi. Cu Anh hí hửng “Thấy chưa… Tau đã noái mờ… !”.
Đi theo tôi coi đá dế mấy lần nhỏ Múp Míp cũng đâm ra mê chơi đá dế luôn. Tôi cho nhỏ mấy con dế lửa loại chiến. Những lần chơi đá dế với nhỏ ấy, tôi chỉ “dợt nóng” cho dế của nhỏ sung lên rồi thả xuống đá. Dĩ nhiên là dế tôi thua đậm. Được thắng, Múp Míp hí hửng, cái mặt vênh lên, híp mắt cười hi hí… Thấy ghét! Mà Múp Míp đâu có biết là tôi chưa bao giờ… dám thắng nhỏ ấy.
Má tôi cũng thương Múp Míp lắm, chắc má muốn “lấy… lây” để sanh con gái cho “có nếp có tẻ”. Nên hễ tôi có món gì thì nhỏ cũng có món nấy. Từ con gà đất, khi thổi vào cái lỗ nhỏ ở bên cánh thì nó gáy “tè té te… te!”. Đến con ve đất có một đầu dây cột long lỏng vào cục nhựa thông ở đầu que đũa, khi quay tít mù thì nó kêu “ve… ve… !”. Đến cái trống rung nhỏ cỡ miệng chén, hai mặt phất bằng bong bóng heo, khi xe tới xe lui cái cán trống trong hai lòng bàn tay thì hai viên đất sét cỡ hột đậu đen đeo hai bên gõ lên mặt trống kêu “tum tum tum… tum tum tum… !” nghe thiệt giòn tai. Còn nhiều món nữa, kể ra thì lê thê lắm.
Một hôm Múp Míp rủ tôi chơi trò… “dzợ chồng”. Hai đứa chun xuống cái hầm lớn có ngách có nóc dùng để trốn tàu bay của nhà nó. Nó làm “dzợ” ở nhà ru “con” búp bê; còn tôi thì làm “chồng” đi chợ mua thức ăn. Nhỏ dặn vói theo “Nhớ mua cái mền để đắp nữa, nghen… ba… !”. Đi chợ một lát tôi tha về một ít gạo (cát), thịt (vỏ bưởi), cá (vỏ cam), rau (lá mì) và dĩ nhiên là… không dám quên cái mền (tàu lá chuối). Tôi hí hửng chìa mấy món này cho nhỏ coi, nhỏ khen “Ba giỏi quá… !”. Đó rồi Múp Míp lăng xăng lo “nấu cơm”; còn tôi thì “chơi với con”. “Cơm nước” xong hai đứa lăng đùng ra ngủ, “đứa con” nằm giữa nhắm mắt lại, cái mền đắp ngang bụng ba đứa tôi. Đến khi Cu Anh kéo mạnh chân thì tôi mới thức dậy. Thì ra hai đứa tôi đã thiếp đi, ngủ thiệt, ngủ ngon lành hồi nào không hay. Khi trồi lên miệng hầm thì thấy hai ông ba với hai bà má đứng ở đó rồi. Má Múp Míp giơ hai tay lên than “Trời… Ba má tìm muốn chết… !”; còn má tôi thì cười nắc nẻ “Mời… ông bà đi tắm rửa rồi ăn cơm”.
Vậy đó… Tuổi thơ nhà quê của tụi tôi được chìm đắm mê tơi trong những món đồ chơi đơn giản, được chìm đắm mê tơi trong những trò chơi mộc mạc quê mùa vậy đó, mà bây giờ dễ gì tìm lại được. Âu cũng là một thời để nhớ, phải không… ?!
Ba tôi kể lại, năm Năm – Tư, khi Việt Minh tập kết ra Bắc thì ba má tôi xuôi Nam về thị xã mua đất cất nhà. Còn ba má Múp Míp thì đi đâu không biết, nghe nói hình như là vô Sài Gòn hay miền Tây gì đó. Bây giờ chẳng biết có ở Mỹ hay không!
À… Để rồi tôi sẽ nhờ đài truyền hình và phát thanh nhắn tin tìm người quen “Chí Mén cần tìm bạn thân thuở ấu thơ là Múp Míp. Hồi năm Năm – Tư ở xóm Đường Cái, xã… , Huyện… , Tỉnh… Nay ở đâu xin gọi về điện thoại số “Một – Tám Tám Tám – Tìm Múp Míp”, hoặc email về chimen@mupmip.comĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. . Mong lắm thay… Mong lắm thay… !”.
Lê Huy
(Los Angeles, Mar. ’10)