Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Ngày Ấy (kỳ 3)

Bà và cháu “kẽo kẹt võng đưa” nghêu ngao hát:
“gió mùa thu bà ru cháu ngủ”…
Bỗng văng vẳng bên hàng xóm tiếng hát quen thuộc một đoạn bài Nhật ký đời tôi…. “Ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng….”

Ừ mà chạnh lòng thật! Tự dưng tôi lại nhớ về ngày ấy và bật ngồi dậy viết bài nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bên cạnh là cháu nội Nấm được một tuổi đang say ngủ. Cháu hơn hai tuổi là Hạt Dẻ. Hạt Dẻ đi học gọi cô, về nhà bà cũng gọi cô, ba cũng cô. May mà bé không gọi “chó” như em Nấm, em Nấm còn nhỏ nhưng cũng bi bi bô bô, cái gì cũng “chó”, con nít đồng ngôn vô kỵ, nói gì cũng thấy vui tai.

Nhắc lại Ngày ấy, ngoài những bạn thân trong lớp như Vân Ngô, Hoàng Tuyết, Tuyết Lê, Giang Tân, Tú Hiền, Định…còn có hai người tất thân đó là Hàn Minh Vũ (cũng có người gọi Vũ Hàn Minh) và Đỗ Lệ. Hai người học chung lớp và ngồi cạnh nhau suốt những năm đệ nhất cấp. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Giành chỗ ngồi…

Thường thì nhà Đỗ Lệ gần trường nên đôi bạn giao ước và hầu như Đỗ Lệ năm nào cũng đi sớm và xí chỗ cho bạn Hàn Minh. Chỉ cần Hàn Minh đến là hai nàng hí ha hí hửng đặt cặp xuống bàn đầu và yên chí mình sẽ có chỗ ngồi nhìn bảng rõ, nghe được thầy cô giảng bài kỹ hơn…
Nhưng coi vậy mà đây là chuyện “ghê gớm” lắm bởi “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên”. Khi thầy Nông (dạy Pháp Văn) hướng dẫn bước vào cửa lớp buổi đầu tiên, cả lớp đứng lên chào thầy:
– Nous nous levons.
– Asseyez-vuos!
 Như bình thường, thầy cho lớp ngồi xuống thì xuất hiện hai cái đầu lêu nghêu trồi lên ở bàn đầu đập vào mắt gây sự chú ý.
Thầy nói: – Ồ ! Hai em cao rứa? Xuống bàn cuối ngồi thôi.
Cả lớp cũng nói theo : – Cao quá, cao quá!
Mệnh lệnh thầy đã ban xuống, học trò dám nào không tuân, thế là Hàn Minh Vũ yên lặng cúi đầu vâng theo. Còn Đỗ Lệ, đúng là “lệ đổ”, nàng khóc hu hu nhưng ý thầy đã quyết, vẫn cứng rắn nói:
– Các em cao ngồi trên, sao bạn ở sau nhìn thấy được?
Vậy là nàng Đỗ Lệ miễn cưỡng ôm cặp xuống, tìm góc tốt chia ra hai đứa ngồi ở đầu bàn cuối xem như an ủi
Dưới góc lớp, một vài nhóm xôn xao, xầm xì to nhỏ “đáng đời”. Cũng chính vì sự kiện bị thầy “hạ bệ” lần đó mà sau này hai đứa biết thân biết phận đều tự giác chọn bàn chót ngồi cho yên.

Các tiết học…

Ổn định lớp xong, thầy Nông tiếp tục giới thiệu và nhường lại lớp cho các tiết học của những vị giáo sư khác.
Văn, sử, địa, toán, lý, hóa.,v.v….Nhưng nhớ mãi là giờ học sử, hôm ấy cô Nga dạy về nước Văn Lang, họ Hồng Bàng với 18 đời Vua Hùng.
Hùng Dương tức Lộc Tục. Lộc Tục sinh ra Sùng Lãm, tức Hùng Hiền (Lạc Long Quân)…Tình hình là kể hết 18 đời vua Hùng thì dài lắm nên xin phép dừng tại vị Lộc tục vì câu chuyện liên quan đến vị này. Số là cô giảng rõ ràng thế nhưng không hiểu sao hôm gọi bạn Lệ Tuyết lên trả bài. Bạn đọc rất tự nhiên rằng: Lục Tục sinh ra Sùng Lãm!
Cả lớp được trận cười ồ lên. Cô Nga tuy trên trán muốn nổi giận nhưng vẫn cho cơ hội đọc lại, không hiểu vì líu lưỡi hay run quá mà ba lần bạn vẫn đọc “Lục Tục”. Nhớ không lầm là cô Nga phết zêrô vào sổ….

Không biết gần bốn mươi năm trôi qua, bạn ấy còn nhớ không và đã đọc được Lộc Tục chưa chứ nghĩ lại tự dưng vì chuyện đó mà ăn zêrô thật oan ức đúng không?
Cũng một trường hợp gần giống vì phải bị zêrô oan uổng đó là lần Thầy Niên. Thầy Niên có biệt tài đến giờ Minh cũng không quên chính là thầy dùng ngòi viết lá tre khắc viên phấn thành thiếu nữ tuyệt đẹp với đủ ba vòng. Ngày ấy Minh cũng tranh thủ xin thầy một tượng làm kỷ niệm.

Lần đó, thầy dạy thay cho cô Cúc nghỉ hộ sản. Bấy giờ gọi là lớp Nhì (lớp 4 ngày nay). Chị Xuân Nương được bầu làm lớp trưởng vì chị cao lớn và học giỏi. Một ngày nào đó, có phụ huynh đến lớp gặp thầy trao đổi mà chị Nương quên hô: – Học sinh đứng ! (Để chào khách). Đây được xem là vấn đề đạo đức của học sinh. Ấy vậy mà thầy không nương tay cho chị Nương  những năm con zêrô làm chị tháng đó phải đội sổ mà thường thì tháng nào chị cũng được lên cột cờ lãnh bảng danh dự với tốp năm người.

Đó là nhắc sơ về kỷ niệm lớp tiểu học, giờ quay lại áo dài nữ sinh với tiết văn học.
Hôm nay, học về Cổ văn, thầy giáo giảng về câu đối. Minh nhớ thầy kể chuyện về vị vua mười lăm tuổi. Đó là vua Duy Tân, khi tiếp xúc với ông Tây, ông Tây này cũng rất giỏi về câu đối. Ông Tây liền ra vế đối cho vua:
“Rút ruột Vua tam phân thiên hạ.”
Nào, chúng ta hãy dừng lại nơi đây một lát giúp vua đối thử….Hồi hộp…hồi hộp…!
Sau đó, hết hai tiết văn, đến giờ ra chơi, Minh cùng Vân Ngô, Đỗ Lệ và một vài bạn nữa ngồi chung lớp chơi thi đọc thơ xem ai thuộc thơ nhiều ? Có lẽ là Vân Ngô, cô nàng này đọc một loạt bao nhiêu là bài thơ, thơ Nguyễn Bính, thơ Hàn Mạc Tử,…

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn.
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Giá đừng có dậu mồng tơi   
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng…
                        (Người hàng xóm – Nguyễn Bính)

….Có người trong giá rét mùa đông
Chăm chỉ đan cho trọn áo chồng
Còn bảo: “ đường len đi vụng quá!”
Lần đầu đan kiểu áo đàn ông.
Vâng, chính là cô chưa yêu ai,
Lần đầu đan áo kiểu con trai
Tôi về thu cả ba đông lại
Đốt hết cho cô khỏi thẹn lời.
            (Vâng – Nguyễn Bính)

Sao anh không về thăm Thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền….
                             (Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử)

Thậm chí Vân còn đọc cả bài “Lời vĩnh biệt” (L’Adieu) được dịch từ tiếng Pháp:
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng đựợc nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó …
 (J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends)

Minh cũng phụ một vài bài vui như :

Tình yêu hóa học:Khi tôi nói xin em đừng “phản ứng” Hãy ngồi nghe mà “khái niệm” cùng tôi.
Hoặc Tình toán học: Anh đau đớn nhìn em qua “quỹ tích ”
Tình em nào “cố định” một nơi nao?

Và những bài thơ tình ướt át:

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu thương…

                           (Hai sắc hoa TiGôn – T.T.Kh)

Ngày xưa tôi thường hay hái
Những cánh Tigôn nở trước thềm
Đem ép trong lòng trang giấy mới
Đợi bóng hoàng hôn gửi đến em…

                           (Cánh TiGôn cũ)

Trong số đó, Minh thích nhất bài thơ “Ba màu áo” của Nhất Tuấn, sẵn đây cũng muốn chia sẻ với các bạn:

Thuở bé lòng tôi trong trắng quá.
Tóc thề lã lướt xoã ngang vai.
Học đường vui sống cùng bè bạn.
Sách vở quanh năm cứ miệt mài.

Bốn mùa áo trắng không thay đổi.
Tôi thích màu trinh thuở thiếu niên.
Bạn chế: cô này sao lạ nhỉ?
Áo màu không mặc để làm duyên.

Lòng tôi vẫn thắm màu trinh bạch.
Nhưng một chiều kia bỗng vấn vương.
E thẹn chạm nhìn vào vẻ mặt.
Của chàng trai trẻ sáng như gương.

Luống cuống tôi rơi sách xuống đường.
Mỉm cười chàng lượm sách trao luôn.
Lòng tôi xao xuyến từ hôm ấy.
Áo trắng tôi thay chiếc áo hường.

Có những đêm trăng toả ánh vàng.
Chàng, tôi dạo bước dưới trời quang.
Nhìn nhau im lặng nhiều hơn nói.
Tà áo hường bay quấn áo chàng.

Ẽm đẹp, tình đầu êm đẹp quá.
Đôi bên Cha Mẹ hẹn cùng nhau.
Cậu, cô rán đậu khoa thi tới.
Đại, tiểu đăng khoa đãi họ hàng.

Bỗng dưng khói lửa tưng bừng dậy.
Hăng hái chàng đi biệt mịt mù.
Sáu tháng trôi qua mòn mõi đợi.
Tin về chàng chết giữa biên khu.

Phách lạc rừng hoang bãi chiến trường.
Tàn rồi mộng đẹp chớm lên hương.
Âm thầm tôi sống ngày xưa cũ.
Và áo đen thay chiếc áo hường.

Có những chiều thu nhạt nắng vàng.
Trên mồ vô chủ giữa đồng hoang.
Đất tàn cỏ loạn lùa nghiêng ngữa.
Tôi thắp nén hương tưởng niệm chàng.

Mười một mùa xuân đã trôi sang.
Lòng tôi nguội lạnh chuyện sang ngang.
Áo đen, khăn trắng màu tang tóc.
Tôi sống cô đơn với ảnh chàng.

Cuộc đời thiếu nữ ba màu áo.
Bao kẻ sầu thương cảnh ngộ tôi.
Suối lệ không tan niềm uất hận.
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”

……………………………………………………………………………………………………………….
Khi Minh đọc xong bài thơ, có bạn lấy tay gạt nước mắt, đang bùi ngùi xúc động chợt tiếng kẻng trường báo hiệu giờ chơi kết thúc vang lên làm mọi người nhanh chóng ổn định chỗ ngồi. Hội thơ cũng dừng tại đây.
Vào lớp quay lại vế đối khi nãy của ông Tây dành cho vua Duy Tân…Lúc này, cả lớp vẫn không có ai đối được, thầy giáo đọc luôn câu đối của vua :
“Rút ruột vua tam phân thiên hạ
  Chặt đầu Tây tứ hải phân minh”
Như vậy hoàn chỉnh.

Ông Tây bấy giờ hết sức ngạc nhiên, không nghĩ vua còn trẻ mà có thể đối chặt chẽ như thế, ông rất nể vua nước ta.
Giờ học cũng kết thúc, nắng đã lên cao, tuy nhiên gió biển thổi vào cũng rất mát. Ai có người đón thì về, ai không có người đón thì ra biển chơi, vọc cát, bắt còng, không thì ăn tí gì đó để buổi chiều học tiếp.

Chuyện học, chuyện bạn bè thời áo trắng còn nhiều nhưng xin hẹn lại dịp tới sẽ kể tiếp. Nhân đây cũng xin được nói vài lời mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, Minh không có gì hơn ngoài việc góp vui bằng vài dòng để nhớ xưa, nhớ Quý thầy cô, nhớ bạn nhớ bè, nhớ trường lớp, nhớ những buổi học nhiều ý nghĩa và kỷ niệm, thậm chí là nhớ hàng cây ghế đá, nhớ quán ăn vặt…Nếu trong bài viết có gì sơ sót hoặc không phù hợp mong quý thầy cô cùng các bạn gần xa thông cảm và góp ý. Minh chỉ muốn kể về những kỷ niệm rất thân thương không tránh khỏi sự thiếu sót. Minh xin dừng bút và kính chúc quý thầy cô sức khỏe thật tốt, an lạc trong cuộc sống.

Chúc các bạn cũng vui thật vui, có dịp mong sẽ gặp nhau ở đâu đó thì vui biết mấy…!

Diệu Minh Sang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả