Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Mưa và Mắm

Mùa mưa xa nhà buồn lắm. Và cái buồn này đã theo tôi suốt bốn niên khoá làm cô giáo ở Hoài Châu. Bốn năm, bốn mùa mưa: lê thê, rã rích, tầm tã…

Giờ nghĩ lại còn ngán. Ngán đến tận cùng nỗi ngán. Ngán, khi ôm vở đội mưa rời căn nhà trọ đến lớp học trên đồi. Ngán, khi đội mưa băng ruộng, đường làng về lại nhà trọ. Bụng đói meo và không có gì bỏ miệng cho hai hàm răng có việc để làm. Lui cui miết nấu chưa rồi soong cơm với lá tranh, củi mót ẩm nước. Nhóm lửa đã khó mà giữ lửa lại càng khó hơn. Củi lửa đâu thuận theo ý mình. Toàn ưa chuyện trật trìa. Tỷ như hồi cần to bùng để cơm mau sôi thì cứ xìu xìu, ểnh ểnh. Cơm bắt trương phình mà là cơm độn sắn khoai khô mới nghiệt chứ! Rồi hồi cần lửa liu riu để cơm có thể chín được mà không bị cháy thì lửa cứ thế. Ngùn ngụt và ngất ngưởng. Loay hoay, chật vật… rồi bữa cơm cũng xong. Nhưng ăn. Sao ngán dữ, trời!

Mắt hai đứa: tôi và Nhung cay sè. Nhung cùng học một lớp Sư phạm, cùng dạy một trường, cùng ở một nhà, cùng một giường nằm, cái chăn đắp và cùng soong cơm ăn. Nhà quê mà. Rau đầy rẫy trong vườn. Thứ gì cũng có: tập tàng, bầu, bí, mướp, rau muống, rau lang… nhưng ngại. Ngại lắm! Ngại lửa củi, mắt cay và ngại nhất là rau không chín vì thiếu lửa. Đã sống sít, cứng ngắt mà lại còn đỏ lòm. Vậy thôi chứ ức hiếp gì? Khỏi hái khỏi lặt khỏi rửa khỏi nấu. Và cứ vậy những bữa cơm giống hệt: hai chén, hai đũa, một muỗng và hai đĩa mắm mậu dịch. Mâm cơm sạch boong và vô cùng rộng rãi thoáng đãng. Sẽ có người thắc mắc. Vì sao phải hai đĩa mắm? Là vầy: tôi ăn ớt chỉ ở mức tạm được trong khi Nhung ăn ớt rất giỏi. Ngoài mấy trái dầm trong đĩa mắm, Nhung còn cắn ớt ăn thêm. Mà ớt đâu thiếu. Nội sát ảng nước cạnh hè sau nhà đã có mấy gốc ớt hiểm xanh. Giống ớt này mà được bón bằng phân gà thì thôi cay có mà xé lòng, xé dạ. Cay ứa nước mắt nước mũi.

Năm đó, mùa mưa dường như kéo dài hơn. Và thật dữ dội. Mưa, tình cảnh của chúng tôi thêm tồi tệ. Tôi phát sốt phát rét vì cơm độn bữa sống bữa cháy và mắm mậu dịch hết trưa lại tới chiều. Một bữa, Nhung lên thị trấn Bồng Sơn có việc. Khi về, chẳng mua gì ngoài mấy ký than vụn, cái lò đất, mấy bó củi ngo (thứ củi dùng để nhóm bếp) và một túm sắn nước. Kịp lúc đứa học trò gần nhà đem cho cả ký cua đồng. Cua mùa nước béo và nhiều gạch lắm. Gian bếp nhỏ tràn ngập không khí háo hức, rộn ràng. Tôi nhận việc nhóm lửa. Hay thật là thứ củi ngo. Tôi nói: tụi mình hoang lung một bữa đi. Nhung nhanh nhảu ừ và tôi lật đật xúc gạo. Làm như chỉ cần chẫm thẳng là bạn tôi đổi ý. Chẳng bao lâu soong cơm đã sôi đều. Tiếng lụp bụp, lụp bụp nghe vui tai hết sức. Nhung rất khéo! Là dân quê nên rất giỏi chuyện cua cáy, cá mú, sông đầm… Tay Nhung làm táy táy. Chỉ một lát cả rổ cua đã được tách, bóc mai, làm sạch và ngay tức thì gian nhà vang đều tiếng giã cua thình thịch, thình thịch trên cối đá. Soong mắm được bắc lên bếp ngay khi nồi cơm vừa chín tới và chẳng bao lâu đã nổi lên mặt những giề gạch vàng ươm. Nhung vội bỏ bớt than không quên nêm nếm và thả vô vài trái ớt đỏ, nắm lá gừng. Để làm nước chấm, cần nêm mặn hơn và phải múc riêng ra, trước khi bỏ sắn nước đã xắt cục. Cứ để lửa liu riu vậy cho thật thấm tháp.

Miệng tôi đã được ăn rất nhiều món ngon vật lạ trước đó và sau này vậy mà bữa cơm trưa đó ở Hoài Châu. Một bữa cơm không độn không củi mót, lá tranh ướt, mắm mậu dịch. Sao mà ngon? Ngon như chưa từng thấy. Trời ơi! Soong cơm trắng, đầy vun bắt cơi nắp đậy rồi cả rổ rau lang toàn ngọn non mởn. Và một trẹt mắm dẻo quẹo, đậm đà thêm tộ sắn um đặc sệch ngọt lừng. Mỗi đứa ăn liền mấy chén. Rau chấm, mắm chan, sắn gắp. Cứ vậy đôi đũa của mỗi đứa tha hồ quẹo lựa. Khi ở đĩa rau, hồi qua trẹt mắm lúc quay về tộ sắn. Được thưởng thức những cỗ bàn toàn sơn hào hải vị: bỏ không và quên ngay. Được có mặt trong những yến tiệc sang trọng: bỏ không và quên ngay. Nhưng được ăn đến thỏa thuê một bữa cơm như vậy: dại gì không nhớ và mắc mớ gì không ghi lại?

Đúng là một bữa ăn nhớ đời. Mà với tôi, giờ nghĩ lại bữa cơm nào muốn ký ức tiếp nhận và lưu giữ, y hình là phải có mắm. Mà kỳ! Đã có mắm thì chắc nụi là trời mưa. Mưa mới lo đi kho mắm và mưa để được ăn mắm. Làm như trời sụt sùi ẩm ướt mà ăn ba cái thứ canh rau, xào nấu, nướng chiên nó lạt lẽo cái miệng. Không đã. Phải kiếm cái món gì cho nó keo keo, dẻo dẻo, mằn mặn và còn món gì hơn mắm đã chứ! Mắm để chấm quẹt, chắp mút những hồi trời đổ mưa thôi chứ đúng bài. Thôi chứ khỏi trật. Mắm và mưa. Mưa và mắm. Hai từ rất riêng biệt mà nghe ra rất hiểu tính ý nhau. Rất trùng lập. Trùng, ngay từ một vần đầu là “m”. Làm như có dây mơ, dễ má có họ hàng bà con với nhau hay chí ít thì cũng là tình chòm xóm.

Nói chuyện mắm mới nghĩ tội hết sức cho ông bạn của chồng tôi. Ông này rất ghiền mắm mà khiến sao ưng bà vợ không biết ăn bất cứ một thứ mắm gì ngoài mắm trong. Mắm trong mà nói chi trời! Dân Tây còn biết ăn nữa nói chi dân Việt. Ông nói: Nghiệt cái tôi với bả chuyện gì cũng hợp. Từ những chuyện kinh doanh lớn lao cho tới chuyện sắp xếp sinh hoạt trong gia đình, chuyện vui chơi, nuôi dạy con cái… Chẳng lẽ có chút mắm mà không dàn xếp được, để mắm gây mâu thuẩn, mắm làm ảnh hưởng hạnh phúc lứa đôi. Mắm: Chuyện nhỏ nhưng chắc gì không lớn? Vì nó cứ khiến mình phải bực tức, bất mãn. Nghĩ làm cái thằng đàn ông đàng hoàng không ăn chơi nhậu nhẹt, bồ bịch trai gái… để được ăn những bữa cơm rau mắm với vợ con mà không được là sao! Muốn gì cho to tát cao sang. Muốn có chút bẻo vậy mà không rồi, làm thân đàn ông chi cho nó cực? Nói rồi chép miệng: Mà cái nòi mắm. Thiệt kỳ! Hồi trời nóng nực, nó quên. Hồi mưa ngặt nỗi nó nhớ hung chứ! Thèm chi mà thèm cắc cớ. Muốn chi mà muốn chưng hửng. Mà mưa chi cho tui thèm mắm hử ông trời!

Rồi tội cho ông bạn của chồng tôi thì cũng thương thêm cho bà chị ruột và mấy đứa cháu của tôi nữa chứ! Cả mẹ lẫn con thèm mắm sao mà thèm vậy mà mâm cơm có ông anh rể tôi là nước chấm chỉ xì dầu hoặc mắm trong. Bà chị tôi than: miếng thịt luộc mà không chấm mắm nêm, nó vô duyên hết biết. Mà cái con người vô duyên còn đỡ, đây… Y hình như để trả thù mỗi lần ông anh rể tôi không có nhà là mẹ con chị lôi mắm đục, mắm tôm, mắm ruột, mắm mực… về ăn cho lại gan. Tôi ngồi trong mâm ăn nhà chị mấy bữa đó, kịp nhận ra quá nhiều sự… có duyên, nào chỉ ở nước chấm? Như có quy luật: Nắng thèm ăn mắm ít. Mưa thèm ăn mắm nhiều. Cũng bà chị tôi: “Mưa không cần thức ăn. Chỉ cần cơm nóng quẹt chút mắm mực là rồi bữa mà lại rất ngon miệng. Ở với cái ông đây cứ tức miết cái chuyện mắm vầy. Chịu sao nổi?”. Có phải bởi vậy mà mỗi khi mưa, mẹ con chị lại trông cho người chủ hộ đi vắng?

Mưa. Xóm tôi sực nức mùi mắm. Phổ biến nhất là mắm cua. Thứ cua rạm, hồi trước, rẻ như cho giờ cũng gần chục ngàn một ký. Do nhà hàng đưa vô thực đơn rau lang chấm mắm cua đồng và canh rau đay ăn cà pháo thế là cua lên giá vùn vụt. Cua có quanh năm nhưng mưa đã nhiều lại ngon, thêm nữa giờ chợ nào cũng sẵn người làm cua và xay bằng máy nên cũng tiện. Về chỉ việc lọc và nấu, kho. Đơn giản, ít tiền và có ăn ngay thì chế biến theo kiểu tôi với Nhung hồi ở Hoài Châu mà cầu kỳ thì thiếu gì cách. Lọc cua lấy nước đững nấu ngay nghe! Hòa muối và bỏ vô “tỉn” lấy đôi ba bữa cho chua rồi đem kho mắm. Mùa mưa cá đồng nhiều. Kiếm ít con rô cỡ bàn tay phụ nữ, nướng lên. Mà nướng than và nhớ nướng hơi sem sém rồi có chừng lạng ba chỉ. Thêm mớ lá gừng mà không có lá thì dùng củ. Rồi ớt, gia vị… Một soong mắm cua thập cẩm như vậy, thiệt ra, cũng không ít tiền nhưng ngon thôi có mà… cong lưỡi. Mấy nhà quanh đây kho mắm cua “nghề” lắm. Dân “nẫu” mà lại là dân Nại, mùa mưa không cho nhà ăn mắm cua thôi chứ “nẫu” biết, “nẫu” cười cho sặc sừ.

Mỗi nhà một cách thưởng thức… mắm, khi mưa. Mỗi gia đình một kiểu ăn mắm, khi trời không chịu nắng. Tôi có một người quen ưa ăn vầy: Ớt tỏi đường giã nhuyễn trộn với mắm cá cơm còn cả con và khổ qua xắt dày. Mà phải lựa cho được mấy trái quéo quéo, nhỏ nhỏ. Thứ nhất khỏi lo xịt thuốc sâu. Thứ hai để cho nó thiệt giòn và thiệt đắng. Có vậy ăn nó mới đã hay sao! Tôi chịu. Không ăn được món này nhưng dòm “nẫu” ăn tôi thương khan và nước miếng cứ tứa khan, mới chết chứ! Rồi người bà con phía chồng của tôi lại mê nước ruốc. Là ruốc (tép) làm mắm nhưng chưa đủ thời gian. Cô đó dùng nước ruốc chan cơm hoặc bún, chấm rau sống. Ăn tới tới. Có một người tôi quen ghiền mắm sò Lăng Cô hết biết! Có dịp ra ngoài đó là kiếm cho được mấy hủ về cất kỹ. Phải là dịp nhà có công chuyện lớn lao gì mới chịu đem ra ăn. Còn không há! Cứ việc trông mưa. Mưa ông chồng thèm mắm quá chịu gì nổi, vậy là vợ con được cùng thưởng thức. Mà cái thứ mắm sò mới hết sức kỳ quặc chứ! Thà chưa biết thì thôi biết rồi cứ ưng có mưa để mà biết miết. Vậy là trong những cơn mưa ở Bình Định có một gia đình được chắp hà chút mắm tận… Thừa Thiên. Rồi có người lại ưng mắm tép muối xổi bỏ riềng, gừng thành mắm chua.

Nhà bên cạnh đây từ vợ chồng cho tới con cháu đều mê mắm mực kho keo (mắm mực khác với mực muối. Mực muối còn cả con và mùi của nó cũng nhẹ hơn. Mùi mắm mực kho nặng lắm. Người ăn được thấy thơm sực và hấp dẫn. Người không quen hửi không đã muốn lủi. Y hình như có hơi khẳm khẳm) Bữa nào mưa nhà bên đó cũng có món này với cả rổ cà xanh, dưa leo. Mấy bữa như vậy chị vợ đều phải xúc thêm bơ gạo. Mà không mắm mực cũng phải có cho được một tộ xoài bằm trộn mắm ruốc. Làm như mưa mà không có mắm ăn là mấy người bên đó chịu không được. Lục sao cho tới khi nào có mới thôi. Tôi có con bạn ở Mỹ, mỗi lần về quê là đòi kho mắm cái với dừa sò. Tôi nói mày ăn cái kiểu gì lạ? Nó nói nhà tao ăn vậy hồi giờ. Ăn riết ghiền. Bên Mỹ không có, thèm – nhớ quắt quay, giờ về ăn cho đã đời, rồi đi. Nhìn nó ăn sao mà thương! Tôi có cái tật đó. Dòm ai ăn mắm là thương. Thương khan!

Tôi người Bắc. Chồng tôi dân Trung. Cũng may, hai đứa hợp nhau nhiều chuyện và trong số đó không bỏ sót chuyện mưa mưa là ưa ăn mắm. Bởi đó, mưa, tôi chưng chén mắm thu. Mưa, tôi làm soong mắm ruốc kho sả. Mưa, tôi cho nhà ăn mắm mực kho thịt ba chỉ… Lâu lâu có người cho mới được ăn mắm lóc, mắm thái, mắm cá Mương sông Côn. Tôi nghĩ. Nóng miết bắt mệt và mưa hoài bắt ớn nên phải nắng phải mưa mới vui. Thời tiết mà! Như hôn nhân vậy đó! Phải đủ hết sắc màu nồng độ mới không mau chán. Mới bền.

Như… Trời nóng ăn mắm nhiệt, không nên. Trời mưa ăn mắm ấm, rất cần. Mà ai không cần những ấm áp, sâu sắc, nồng nàn, đậm đà… Vậy sao không lo kho mắm, khi mưa? Và mắc mớ gì mà mưa lại không được ăn mắm?

Nguyễn Mỹ Nữ

* Mỹ khê khi mưa. Trại sáng tác Đà Nẵng tháng 9/2006

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả