Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Một Thời Hồng Nhan

Viết để tưởng nhớ H.

Hồng nhan bạc phận, má hồng truân chuyên

Khi nghe tin H vừa mới qua đời trong bệnh viện Ða khoa Sài Gòn, tôi bàng hoàng xúc động, Nàng còn quá trẻ để nhắm mắt buông xuôi một đời. Ðã nhiều năm, tôi chưa một lần trở lại Qui-nhơn, Tôi định hè này về lại Qui-nhơn để thăm nàng, tìm lại phố cũ bạn bè xưa một thời áo trắng rong chơi, nhưng nàng đã vội vã ra đi.

Khi nàng trở bệnh nặng, gia đình đã đưa nàng vào bệnh viện Sài Gòn nằm hơn một tháng, nhưng bạn bè không ai hay biết. Hình như gia đình nàng đã dấu không muốn cho ai biết. Tại sao? Khi bạn bè biết tin vào thăm thì nàng chỉ còn là một thân thể bất động nằm trên giường bệnh, đôi mắt héo hắt ngơ ngác như đang mơ về một cõi xa xăm nào đó mà nàng sắp đến.

Phải chăng trong nỗi cận kề sự chết, nàng đã không cảm thấy luyến tiếc hay sợ hãi, mà là một nỗi hân hoan vui mừng hạnh phúc khi biết mình rồi sẽ vĩnh biệt một thời khổ đau? Trong mơ màng, nàng đã tự nhủ: “Hỡi trần gian muôn màu kỳ diệu nhưng cũng lắm đọa đày nầy, ta đã thật sự chào vĩnh biệt mi rồi. Ta sắp rũ bỏ những gì mà hơn 50 năm ta đã phải gánh, phải làm và phải sống để trở thành một người bình thường trong cõi vô thường nầy. Chào mi, chào tất cả những hạnh phúc và khổ đau của trần gian mà tim ta đã vắt cạn kiệt để trả lại cho đời. Lòng ta giờ đây nhẹ như một cơn gió, một cụm mây, như đang bước vào một thế giới kỳ diệu khác, không còn thấy những nỗi tuyệt vọng đau đớn luôn luôn chụp phủ xuống đời mình như những ngày qua. Nhẹ nhàng bước ta đi trong vùng ánh sang mờ dịu với những lâu đài tỏa rực sáng và những vườn hoa muôn màu, muôn sắc. Lòng ta không còn nỗi oán hận nào, chỉ còn lại tha thứ, tha thứ cho tất cả.

Gia đình không nhỏ cho nàng lấy một giọt nước mắt. Có lẽ sự tồn tại của nàng đối với họ như một cái mụt nhọt không biết vâng lời, muốn cắt bỏ đi cho thật nhanh để bảo tồn cái gọi là danh giá, gia phong. Bạn bè lớn tiếng gọi tên nàng một cách xót thương, nhưng trong số họ có những kẻ đã từng lên án cuộc sống và số phận của nàng, giờ đây lại rũ một chút lòng xót thương. Nàng mỉm cười cho lòng người và số phận.

Tôi vẫn thường nghĩ và nhớ đến nàng, đến đôi mắt, chỉ một lần gặp là không thể nào quên. Đôi mắt đen tròn lay láy ấy đã làm khổ cuộc đời nàng. Bắt đầu là những ngày còn ngồi trên ghế trường trung học, tôi với nàng là một cặp rất thân. Chúng tôi có rất nhiều đồng cảm, rất thích thơ văn và những triết lý hiện sinh của một thời “Jean-Paul Sartre, Albert Camus”. Ðấy là thời gian mà chúng tôi mãi mê đắm chìm vào trong những triết lý đó để quên đi chiến tranh, máu lửa và trốn chạy cô đơn. Chưa bao giờ chúng tôi có bất đồng. Tôi rất tôn trọng và thương xót cho nàng vì linh cảm cuộc đời nàng rồi sẽ như con thuyền nhỏ trên sóng nước. Nàng vẫn thường đăm chiêu ít nói, trong ánh mắt của nàng ẩn chứa biết bao khao khát, nổi loạn, nhưng cũng rất chịu đựng.

Trong người nàng, biểu tượng bản năng của con người lồ lộ trên thân hình nhỏ nhắn của nàng một cách quá đáng và lúc nào cũng như thúc dục nàng phải đi làm nhiệm vụ bản năng. Đôi khi nàng cũng cảm thấy xấu hổ vì nó, nhưng làm sao có thể chọn cho mình được những gì mà Thượng Ðế đã sắp đặt. Người đã ban tặng cho nàng đôi mắt đen tròn long lanh, một giọng nói ấm áp, dịu dàng để biết bao chàng phải nối đuôi dài chạy theo nàng, chạy theo “cô Bắc kỳ nho nhỏ”. Thượng đế đã ban tặng cho nàng ngần ấy tốt đẹp, nhưng từ đó cũng phủ xuống đời nàng những bất hạnh triền miên. Có đôi lần nàng nói với tôi “Tôi ước mơ một cuộc sống bình thường trong thị trấn nhỏ bé này đến khi tôi nhắm mắt lìa trần, bạn ạ!”.

Tôi biết nàng muốn sống an phận, nhưng đã hoài công vì những bất hạnh cũng đã xảy ra với nàng ngay từ những ngày còn thơ ấu. Nàng sống trong thị trấn nhỏ Chợ Huyện. Gia đình nàng không thuộc gia đình khoa bảng, chỉ là trung lưu buôn bán nhỏ để sống qua ngày, nhưng cái thành trì truyền thống gia giáo của gia đình thì rất to lớn, khắc nghiệt và đôi khi còn được thể hiện rất cực đoan. Có nhiều người vẫn hỏi tại sao bao nhiêu năm rồi người Việt Nam vẫn không thoát ra khỏi “quĩ đạo tư tưởng của Trung Quốc”. Không phải người ta không thể thoát ra, mà người ta không muốn thoát chỉ vì muốn bảo vệ những quyền lợi ích kỷ của chính mình. Ðể che giấu cái hèn mọn bên trong, người ta càng phấn đấu nâng mình lên cao với cái vẻ bên ngoài. Cầu mong sự bình an bên ngoài chỉ hoài công trong khi không thể tìm thấy sự bình an cho chính trong tâm hồn của mình.

Những ngày còn rất nhỏ, nàng cũng đã có cảm giác những bất hạnh sẽ rơi xuống đời nàng. Cha mẹ và anh chị em của nàng lúc nào cũng rất khắc nghiệt, luôn luôn chờ cơ hội để chụp phủ lên đầu nàng những trận đòn roi, đòn miệng. Nàng không hiểu tại sao, hay nàng là con nuôi, hay số khắc kỵ cha mẹ, anh em. Nàng sợ cái vẻ bên ngoài của mái ấm. Ngày hai buổi đạp xe đi học từ Chợ Huyện xuống Qui nhơn, tuy đường có xa với chiếc xe đạp nhỏ của nàng, nhưng đó là những giờ phút tự do và hạnh phúc nhất để hít thở không khí trong lành; buổi trưa nàng có thể ở trọ lại nhà bạn bè hoặc người thân để chờ lớp học buổi chiều.

Tôi còn nhớ có một lần vào buổi chiều chập choạng tối, nàng từ Chợ Huyện đến nhà tôi, nàng rất buồn và gần như tuyệt vọng. Tôi hỏi nàng có chuyện gì xảy ra, nàng chỉ khóc và xin ở lại nhà tôi một đêm. Tôi đồng ý nhưng cũng rất sợ gia đình nàng biết sẽ gây rắc rối cho tôi. Từ đó, một lần rồi hai lần, mỗi lần nàng tận cùng đau khổ nàng hay tìm đến tôi, nàng nghĩ nơi đây sẽ làm dịu nỗi đau của nàng, Nhưng không, nàng đã sai lầm…..

Nàng đã gặp anh tôi vào những ngày mùa hè của năm đó, cứ mỗi mùa hè anh tôi lại từ Ðà Lạt trở về nhà sau khi trường đóng cữa.Thế là họ gặp nhau mùa hè đó và mối tình đầu đã chớm nở trong nàng. Những ngày mùa hè là những ngày hạnh phúc nhất trong nàng, quên tất cả mọi khổ đau, quên thời gian, không gian bằng những giây phút buông xả theo con tim và bản năng. Hai người đã hứa hẹn điều gì nào ai biết. Tôi không biết mối tình của nàng sẽ tồn tại được bao nhiêu năm tháng và sẽ đi về đâu, nhưng thấy nàng vui vẻ hạnh phúc tôi rất mừng, tôi cũng từng mong nàng trở thành chị dâu của tôi. Thế nhưng, tôi hiểu tính tình của anh tôi, nên có lần tôi đã phải cảnh báo với nàng… Tôi sợ nàng sẽ đau khổ vì tính lăng nhăng của anh tôi.. Và cũng trong thời gian đó có biết bao nhiêu chàng nối đuôi đeo đuổi nàng, ngay cả anh chàng “Thầy tu xuât” lớp trưởng của chúng tôi cũng đặc biệt rất thích nàng, nhưng tim của nàng lại thả trôi theo một bóng hình vô tình khác.

Sau khi chiến tranh kết thúc, mọi người sơ tán thất lạc, lòng người lo sợ, hoang mang, thất vọng; không biết tương lai sẽ đi về đâu? Tất cả đều dừng lại để chờ đợi. Anh tôi có trở về lại Qui nhơn một lần sau chiến tranh để gặp nàng, nhưng mối tình của họ, mối tình đầu của nàng tan vỡ, kết thúc theo chiến tranh .Sau đó nàng vào Sài gòn để tìm tôi. Tôi thương và rất hiểu nàng, tôi khuyên nàng nên học đại học ở đây và tìm cách ở lại Sài Gòn, dù sao nơi này cuộc sống cũng dễ dàng cởi mở hơn là chôn vùi đời mình ở thị trấn nhỏ bé kia. Tôi biết được “chú” Lớp trưởng của tôi cũng đang ở Sài gòn và đang học Ðại học Nha khoa, người mà ngày xưa cũng có những năm tháng đeo đuổi theo nàng. Nhưng “chú ” T ngày xưa không còn nữa, tương lai sẽ là một Nha sĩ của Sài gòn rưc sáng thì “tội gì phải vác một cái gánh nặng miền Trung đem vào?” Lời chối từ của “chú” như một vết dao nhọn đâm vào tim nàng Tôi buồn lắm, tôi cố gắng tìm đủ mọi cách để giúp nàng thoát ra khỏi cái thị trấn nhỏ bé và gia đình đó, nhưng vẩn là định mệnh khắc nghiệt. Vết thương cũ chưa kịp lành, lần nữa vết thương khác lại phủ xuống đời nàng. Qúa thất vọng nàng đã từng nghĩ đến cái chết, nhưng mỗi lần nàng định ra đi thì có một bàn tay vô hình nào đó vực nàng dậy và bảo nàng “Con chưa thể ra đi được vì con chưa trả hết nợ trần”.

Lại một lần đau nữa, nàng trở về Chợ Huyện, thị trấn nhỏ nơi mà nàng không bao giờ muốn trở lại, nơi mà những con mắt khắc nghiệt luôn luôn rình rập nàng. Nhưng nàng cũng rất nhớ “cõi riêng” của nàng, nơi đây đầy dẫy những kỉ niệm ấu thơ, nhớ những ngày đau buồn thường hay bỏ học trốn ra ngồi bên nhánh sông nhỏ khóc một mình. Cây cầu bé nhỏ thân thương nhất của nàng là cây dừa nước ngã rạp nằm trên mặt sông như một cây cầu cụt nhỏ. Ngồi thòng chân xuống mặt nước, té nước, đong đưa một mình, đó là những giây phút vui vẻ, bình an nhất trong “cõi riêng” của tuổi thơ của nàng. Nàng tự hỏi có khi nào cuộc đời nàng cũng giống như cây cầu cụt nầy không?. Không có lối thông, lối thoát sang bên kia và bế tắt. Nàng từ một nơi thất vọng này để trở về một nơi thất vọng khác. Nàng như chiếc lá xanh bé nhỏ trôi trên dòng đời giông bão, và những mâu thuẫn luôn trổi dậy trong nàng. Sự bận rộn ồn ào ngoài kia chỉ giúp cho nàng quên một phần khổ đau, nhưng trong tâm thức vô tình cứ luôn thúc dục nàng trở về với cây cầu, với “cõi riêng” của nàng.

Lần trở về nầy nàng sống âm thầm như cái bóng, trốn biệt mãi trong nhà chờ ngày ra Huế học Ðại học sư phạm. Không phải nàng sợ những “cái miệng đời” ác nghiệt kia nhưng nàng đã quá mệt mỏi để chống lại những “hũ tục”đã ăn sâu vào tim vào máu của con người quá lâu. Nàng phải chịu đựng, chấp nhận hay trốn chạy?

Những ngày học Ðại học sư phạm ở Huế là những ngày tâm hồn nàng tạm lắng dịu với những sóng gió vừa qua. Thành phố thơ mộng cổ kính đã xoa dịu những bức xúc và bấn loạn trong nàng. Nàng tự nhủ phải quên ngày hôm qua và bắt đầu cho ngày mai. Nhưng không phải muốn quên là quên được, muốn an bình là bình an được. Tâm nàng thì đã tĩnh nhưng những gì chung quanh nàng lại động, lại tác động và luôn quấy rầy nàng. Nàng càng trốn chạy, thì càng bị rượt đuổi. Cũng tại đôi mắt đen láy, cũng tại nhan sắc mỗi ngày một mặn mà hơn, hay tại sao “Hồng loan” chiếu mệnh làm cho đời nàng mãi khổ đau? Nơi đây, nàng đã từ chối tất cả những lời mời gọi và đeo đuổi của những chàng chung quanh. Nàng cố gắng dồn tất cả thời gian cho việc học và chờ ngày ra trường, nàng mơ về một huyện xa xăm nào đó với những học trò chất phát của miền quê.

Bốn năm Ðại học sư phạm Huế trôi qua cũng thật nhanh, nàng được phân về dạy ở huyện Phù Mỹ. Ngày tháng nơi đây trôi rất nhẹ nhàng và an bình. Người dân quê ở đây hiền lành, chất phát, họ rất quí trọng thầy cô giáo và học trò của nàng cũng rất ngoan ngoản dễ thương. Nàng nghĩ có lẽ nơi đây là nơi dừng chân cuối cùng cho phần đời còn lại của nàng, dù rằng trong tâm thức của nàng lúc nào cũng nhớ về Chợ Huyện, nhớ cây cầu cụt cõi riêng của nàng. Rồi những gì đến sẽ phải đến trong một ngày nào đó mà chúng ta không đoán được hoặc tránh được.

Thị trấn an bình nhưng cũng rất buồn. Mỗi ngày sau khi tan lớp, nàng trở về nhà trọ của nàng. Thời gian đầu, nàng thấy rất vui vẻ và hạnh phúc với những gì mới lạ chung quanh. Nhưng dần dần mỗi ngày mỗi đêm trở về nhà trọ, nàng lại cảm thấy cô đơn khủng khiếp,. Tim nàng dù đã mấy lần đau nhưng nó vẫn còn đập mạnh và thổn thức. Nàng sợ lòng người thay đổi chứ đâu sợ tình yêu, vì tình yêu là…

Tình yêu như pha lê trong suốt giúp tâm hồn người thăng hoa, nhưng khi tình đã tàn thì chỉ còn nước mắt và màu tang. Nàng cũng đã không làm chủ được con tim và lý trí của mình; một lần nữa nàng lại rơi vào tình yêu. Nàng đã yêu chàng N. dạy toán cùng trường với nàng, một người đàn ông mà ngay cái nhìn đầu tiên thì không một phụ nữ nào có thể từ chối: cao ráo, đẹp trai và nhất là một dáng rất nghệ sĩ. Sau những giờ dạy trở về nhà, nhà trọ của họ lại gần nhau. Mỗi đêm chàng thường ngồi trước hiên nhà đàn và hát những bản nhạc tình như mời gọi lòng người “Hãy yêu nhau đi, quên ngày quên tháng”. Nàng đang chạy trốn cô đơn hay đang yêu thật? Mỗi ngày con tim mỗi thúc dục. Ðây là thời gian mà tình yêu, lý trí và bản năng tranh đấu thật mãnh liệt trong nàng. Người ta vẫn thường nói ” Tình yêu không có lý trí, nếu có lý trí thì không còn tình yêu nữa”. Nhưng tình yêu không có lý trí thì sẽ dễ rơi vào bản năng, nhưng trong bản năng của con người đôi khi vẫn còn có một chút lý trí. Lý trí và bản năng như thủy triều lên xuống, nó vẫn phải lệ thuộc vào sự tác động của bên ngoài. Nàng rất mệt mỏi để phải tranh đấu cho giữa bản năng và lý trí, cái quí giá đó nàng cũng đã cố giữ bao nhiêu năm rồi, lâu lắm rồi rất mệt mỏi khi phải vác một cái gánh nặng quá lâu. Bây giờ nàng bỏ nó xuống, nàng tưởng sẽ thật sự nhẹ nhàng. Nhưng có ai thật sự hiểu và thông cảm cho nàng? Nàng không thể làm một cuộc cách mạng nội tâm một mình trong khi những định kiến xã hội đã ăn sâu vào lòng người quá lâu.

Sau tình yêu là kết tụ, trong nàng đã nở hoa hơn hai tháng. Nàng rất sợ trở về nhà thưa chuyện cùng cha mẹ. Sự hốt hoảng trong nàng mỗi ngày một tăng, nàng phải làm gì đây? Không thể nào đứng nhìn hoa kia mỗi ngày một nở lớn.
Và một cái đám cưới thật đơn giản đã được tổ chức tại trường. Những người khách tham dự gồm những đồng nghiệp, học trò của nàng và một vài phụ huynh học sinh. Nhưng trong ngày cưới, gia đình của nàng ra tận nơi để phá đám cưới. Tận cùng niềm đau! Tại sao nàng không thể sống và làm theo những gì lý trí và bản năng nàng mách bảo? Nàng đã làm sai điều gì kia chứ? Nàng được sinh ra để sống cho người khác chứ không phải sống cho chính mình ư? Sau đám cưới, nàng cùng chồng ở lại luôn trong trường. Nàng cũng không về Chợ Huyện để thăm gia đình vì họ đã “tuyên án từ bỏ nàng” chỉ vì nàng đã tự do luyến ái và không đồng ý lấy người chồng như gia đình định sẵn. Ðứa con gái đầu lòng được sinh ra, đó là kết quả của mối tình đẹp buổi ban đầu. Nàng đã được làm mẹ, nuôi dạy con và tự nhủ với lòng sẽ không để con phải khổ như nàng. Rồi đứa con gái thứ hai cũng ra đời. Bổn phận, trách nhiệm mỗi ngày một chồng chất, nhưng hạnh phúc thì mỗi ngày lại mỗi phai nhạt dần. để một ngày nàng phải khóc chia tay với chồng. Trong tình yêu của nàng, vừa có tình vừa có nghĩa, còn chàng chỉ có tình mà không có nghĩa nên con chim lãng tử kia đã chấp cánh bay xa và bỏ mẹ con nàng. Trời hỡi! Còn nỗi đau, nỗi bất hạnh nào nữa sao không đổ hết xuống đầu nàng?

Thời gian sau nầy, nghe bạn bè kể lại, chồng của nàng đã bỏ nàng để đi theo người đàn bà khác khi hai đứa con gái còn rất nhỏ. Nàng vừa phải đi dạy kiếm tiền, vừa phải chăm sóc nuôi con. Sau đó nàng nghỉ dạy trở về Chợ Huyện xây một căn nhà sống gần gia đình. Có lẽ thời gian là một liều thuốc quên lãng, xoa dịu và tha thứ.

Tôi không hiểu một người phụ nữ nhỏ nhắn như nàng làm sao có thể gánh từng ấy gánh nặng, thế mà hai đứa con nàng cũng đã được vào học đại học ở Sài Gòn. Và sau khi ra trường xin về Chợ Huyện để làm việc và sống gần bên mẹ.
Một đời người như thế cũng xong. Tất cả những gì tôi nghĩ về nàng là tất cả sự thán phục, can đảm và chịu đựng. Sự chịu đựng của một người phụ nữ Á Đông, của những hồng nhan một thời sao lắm truân chuyên.
Giờ thì nàng đã vĩnh viễn nằm trong lòng đất lạnh. Tất cả những khổ đau và hạnh phúc, những khen tặng hay chê bai của một đời người đã được khép lại. Nàng đã đi vào thế giới vĩnh cữu của thời gian, những giọt nước mắt xót thương kia chỉ nhỏ xuống khi tất cả đều kết thúc và đã vuột mất.

“Trời cuối thu rồi em ở đâu.
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi đánh thức hồn ma dậy,
Ta sẽ vào thăm nấm mộ sâu”.
Thơ Đinh Hùng

CAROLYN- DO
Philadelphia, Mùa đông 2011

6 BÌNH LUẬN

  1. RE: Một Thời Hồng Nhan
    Một bài viết cho bạn với nhiều cảm xúc. Đọc xong tự nhiên mình nghĩ: nếu nhân vật H này là một nguoi đàn ông, thì có lẽ H không bị lên án mà còn được xem là “hào hoa” và cái cảnh gà trống nuôi con lại khiến người ta mũi lòng, còn đàn bà bị chồng bỏ thì “cũng tại cổ đó, ai biểu…”
    vậy nên vai trò cha mẹ và gia đình là giúp đỡ cho lứa đôi, nhất là khi họ đã nên duyên chồng vợ, dù là trước đó mình đã chống đối tới cỡ nào.
    Nếu vẫn cứ khư khư ý của mình thì sẽ bỏ qua những cơ hội yêu thương và giúp đỡ con cháu. Và cuộc đời vốn không dài lắm để chúng ta kip làm những điều này đâu.

  2. RE: Một Thời Hồng Nhan
    Chị Carolyn mến,
    Tiến đã đọc lui đọc tới bài này nhiều lần, vậy mà không lần nào giống lần nào những cảm xúc mình có được. Mình tin vào tính cách làm nên số phận nhưng tính cách từ đâu mà có? Phải chăng từ khi mình tượng hình? Và môi trường cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách? Phải chăng ngay từ đầu chúng ta cũng đã không có quyền chọn lựa cha mẹ ta, nơi ta sinh ra và lớn lên?

    Từ suy nghĩ này, Tiến nhìn ra thân phận của H khi mang một thân hình và gương mặt đẹp như thế cũng như tính cách trời cho như thế đã không mang lại một đời sống yên bình.

    Nhưng điều làm Tiến băng khoăng và ray rức là tình yêu của cha mẹ, anh chị em và bạn bè đối với H. Trong nỗi đau tuyệt vọng như thế H cần một chở che, một bàn tay níu H đứng dậy biết dường nào!

    Như chị Hà xưa đã nói ở trên, cái nhìn và sự phán xét của chúng ta không công bằng đối với phụ nữ. Họ quên rằng phụ nữ cũng là con người, cũng có một trái tim, một khối óc và tính cách thì đa dạng trời ban.

    Một câu chuyện thật buồn và chị đã lột tả được những nguyên nhân và hệ quả. Nhưng câu chuyện này đã làm Tiến thật buồn khi cha mẹ và người thân đã đặt lòng kiêu hãnh trên tình yêu thương. Và Tiến thấy đau lòng. Tiến thì lại nghĩ hình như mình cần yêu thương nhiều hơn những đưá con không như ý! Chút chia sẻ với chị nghen và không quên mừng chị tham gia sinh hoạt trang nhà. KT

  3. RE: Một Thời Hồng Nhan
    Lời độc thọai từ đầu đến cuối hơi bị nhàm nhưng câu truyện thuyết phục người đọc. Khiền ta ngậm ngùi về thân phận kiếp người. Đọcdduwowjcc.

  4. RE: Một Thời Hồng Nhan
    C.Đ thân mến,
    Rất vui khi chúng ta lại được gặp nhau trên trang nhà. Đợi đọc thêm những bài viết khác của bạn đó. Chúc C.Đ luôn vui khỏe, an lành!

  5. Một thời hồng nhan
    Như một may mắn bất ngờ. Tối nay Lãnh muộn màng đọc được Một thời hồng nhan của C.Đ viết để tưởng niệm cho P.H. Xúc động đến bồi hồi. Linh tính mách bảo C.Đ là L.R của lớp mình xưa. Muốn biết thật nhiều tin tức về bạn. Mình như nghẹn lời lúc này không thể nói gì thêm.

  6. Trả lời: Một Thời Hồng Nhan
    Lãnh ơi! như vậy là bạn thật sự đã muộn, bài viết đã 5 năm rồi. Mới đây mà Hương ra đi đã 5 năm rồi. Đời người một thoáng chiêm bao. Mình đúng là LR của ngày xưa, nhưng bây giờ Lệ không còn Ròng nữa, vì mình đã hiểu được cõi tạm nầy là cõi khổ đau. Mình phải tự tìm cho mình một tâm an lạc, để sống những ngày còn lại. Lãnh bây giờ có khỏe không? Địa chỉ email của mình là: carolyndo1@yahoo.com Nếu khi nào thích Lãnh cứ viết thư cho mình nhé. Thân thương chào Lãnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả