Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănMột Chuyến Về Bình Định (11-2009)- phần 1

Một Chuyến Về Bình Định (11-2009)- phần 1

Ngày 3 tháng 11 năm 2009

Một đêm trong tháng 10 năm 2009, tôi vào website của một người bạn và được biết có một đoàn thiện nguyện y tế từ Mỹ sẽ về Bình Định vào đầu tháng 11-2009. Tôi tiếp xúc với đoàn thiện nguyện và được chấp thuận tham gia công tác. Tôi tìm người làm thay phòng mạch trong khi tôi vắng nhà nhưng không tìm được ai vì thời gian quá gấp. Vợ tôi cũng là người Bình Định, khuyến khích tôi đóng cửa phòng mạch 2 tuần để tháp tùng đoàn thiện nguyện. Nàng muốn được dịp đi thăm các cháu ngoại ở Hoa Thịnh Đốn. Vậy là tôi gấp rút chuẩn bị cho chuyến đi thứ 7 của tôi. Sáu chuyến trước, từ năm 2001, tôi cũng đã được bệnh nhân và bạn bè cùng khóa y khoa của tôi hổ trợ tinh thần và vật chất để tôi về Bình Định giúp đỡ các cô nhi và học sinh nghèo.

Trong vòng 2 tuần, bạn bè và đoàn thiện nguyện đã giúp tôi lo đủ giấy tờ hợp lệ và vé máy bay đi VN. Không lâu trước khi khởi hành, chúng tôi được tin cơn bão số 11 vừa ập đến tàn phá miền Trung VN trong đó có Bình Định là nơi chúng tôi sắp đến khám bệnh phát thuốc. Đoàn thiện nguyện lại tổ chức quyên góp thêm tiền để cứu trợ bão lụt. Đoàn hăng hái chấp nhận thử thách và quyết định lên đường.

Riêng tôi, tôi được vợ tôi chích ngừa thêm nhiều thứ thuốc chủng vì nàng nghĩ bão lụt có thể gây nên bệnh dịch hay muỗi mòng. Hai cánh tay tôi sưng lên với những mũi chích ngừa như Cảm Cúm Theo Mùa, Cảm Cúm Heo mà nàng gọi đùa là Cảm Thương Nàng, Cảm Thương Em , Viêm Gan Siêu Vi A và B, Phong Đòn Gánh, Sưng Phổi. Nàng không mua được thuốc ngừa dịch tả nên hai cánh tay tôi đỡ bị sưng lâu. thuốc ngừa dịch tả có gần đã làmtay tôi sưng đến 2 tuần. Nàng bỏ vào va li tôi thuốc chống tiêu chảy, chống sốt rét, thuốc ngừa mũi mòng, thuốc kháng sinh… Nàng mua cho tôi cả mũ rộng vành, quần áo chống mưa, giày vải, kiếng đen, túi đựng tiền cho khỏi bị mất… Quà sinh nhật nàng tặng tôi mà tôi thích nhất là chiếc máy ảnh Nikon D90 mới tinh với đầy đủ phụ tùng.

Tôi ngồi nghĩ nhớ lại những ngày lao lý, gian nan trong rừng sâu sau năm 1975. Chúng tôi ăn măng tre để lấp đầy bao tử, uống nước bùn ở hố bom B52, nằm mùng rách tả tơi, mặc áo quần vá đùm vá chụp, không có lấy một viên thuốc ngừa sốt rét hay trị kiết lỵ mà chúng tôi vẫn còn sống sót trở về. Nay, một chuyến về quê mà được vợ trang bị tận răng làm tôi mỉm cười nhưng cũng cảm ơn người bạn đời biết lo cho chồng.

Trưa 4 tháng 11 năm 2009

Máy bay đang giảm độ cao khi đến gần San Francisco. California trời nắng đẹp. Bầu trời trong xanh. Nhiệt độ ở SF là 63 độ F. Bên nửa kia của trái đất, đồng bào miền Trung VN đang bị chìm ngập trong nước lũ. Một chiếc cầu trên đường từ Quy Nhơn đi Vân Canh đã bị sập. Một ống dẫn nước gốc ở Quy Nhơn cũng bị bể. Quy Nhơn mất điện, thiếu nước. Đó là những tin tức tôi nhận được trước khi lên đường.

Cái laptop của tôi làm reo thình lình nên giờ nầy tôi không thể liên lạc với bạn bè. Bạn bè hai trường Cường Để và Nữ Trung Học Quy Nhơn đang tổ chức văn nghệ ở Sài Gòn để quyên góp cứu trợ đồng bào bị bão lụt Bình Định. Tôi sẽ về đến Sài Gòn lúc 10 giờ đêm 5 tháng 11 nên không tham gia kịp đêm văn nghệ.

Đêm 5 tháng 11 năm 2009

Sài Gòn ô nhiễm, nóng nực. Đêm mà xe cộ vẫn đông như kiến. Má tôi thức khuya đón con trai từ xa về. Con mừng thấy má khỏe và vui tươi.

Ngày 6 tháng 11 năm 2009

Ngày sinh của tôi. Tuần trước các con tôi nghe tôi sắp đi VN, đã tổ chức mừng sinh nhật tôi trước một tuần ở tiệm ăn và tặng tôi áo quần du lịch mùa hè thật đẹp. Hôm chủ nhật rồi bà ngoại lại tổ chức sinh nhật cho ông ngoại. Có nhiều bạn bè đến chung vui. Một em gái tôi tặng tôi một cặp kiếng mắt mới ra nắng đậm màu xinh xắn, chắc chắn. Bà ngoại tặng ông ngoại một chiếc nhẫn mới bằng vàng trắng rất hợp với đồng hồ đeo tay các con tặng. Bạn bè đã chụp cho gia đình tôi những tấm hình sinh nhật ý nghĩa. Tôi cắt bánh sinh nhật lần thứ 2.

Trưa 6 tháng 11, chúng tôi, mấy người bạn Cường Để và Nữ Trung Học họp nhau ở quán Cháo Vịt Sài Gòn của bạn Văn Công Mỹ để hàn huyên. Thi sĩ Huỳnh Minh Lệ, dân Cường Để, từ Xuyên Mộc xa xôi cũng về Sài Gòn gặp bạn bè. Tôi được vợ chồng Văn Công Mỹ cho cắt bánh sinh nhật lần thứ ba.

Chiều 6 tháng 11, đoàn thiện nguyện họp nhau ở quán Đen Giòn ở Sài Gòn để giới thiệu nhau vì thành viên của đoàn đến từ nhiều tiểu bang khác nhau của nước Mỹ, nhiều người chưa hề biết mặt nhau. Đầu tiệc, tôi ngạc nhiên khi được gọi tên cùng với hai bạn nữa ra đứng gần một chiếc bàn nhỏ giữa phòng họp. Một bạn trẻ Mỹ nói đùa, “You are in trouble, Dr. Nguyen!” Một chiếc bánh sinh nhật lớn và đẹp được nhà hàng mang ra và mọi người cùng hát bản Mừng Sinh Nhật. Vậy là tôi được cắt bánh sinh nhật lần thứ tư. Tiệc xong, những bạn đi xe hơi về Quy Nhơn lên đường ngay trong đêm để đến Quy Nhơn kịp chiều hôm sau.

Ngày 7 tháng 11 năm 2009

Tôi dậy sớm từ nhà em tôi lúc 3 giờ sáng để ra phi trường Tân Sơn Nhất lúc 4 giờ đi Quy Nhơn. Chờ mãi không thấy đoàn thiện nguyện đâu, tôi tự check in vào lúc 5 giờ 30 xong đoàn mới đến. Máy bay cất cánh lúc 6 giờ 20 sáng và chuyến bay sẽ kéo dài khoảng 50 phút.

Khi lên máy bay, tôi để ý xem các cô tiếp viên hàng không của Air Việt Nam có cười không thì thoáng thấy có một cô vừa chào hành khách bước vào phi cơ vừa mỉm cười tuy không được tự nhiên lắm. Hai cô khác vẫn mặt lạnh như tiền. Vậy cũng đủ để nói là đã có chút thay đổi. Trước đó, nhiều bài báo được hành khách hàng không VN người ngoại quốc và cả người Việt bay đường bay quốc tế và nội địa, viết đăng trên mạng toàn cầu chê tiếp viên hàng không VN không biết cười và không phục vụ hành khách đúng mức.

Khi máy bay bay trên địa phận Bình Định tôi còn nhìn thấy nước lụt trắng đồng. Khi máy bay hạ cánh ở phi trường Phù Cát, ruộng chung quanh phi trường Phù Cát còn ngập nước. Xe bus đưa chúng tôi về Quy Nhơn. Trên đường từ Phù Cát về Quy Nhơn có hai thành viên giới thiệu với đoàn thiện nguyện sơ lược về Bình Định và đặc sản Bình Định. Tôi được yêu cầu nói một chút về địa lý, lịch sử và y tế của Bình Định.

Đoàn ngụ tại khách sạn Quy Nhơn. Mọi người chung tay sửa soạn thuốc và quà cho công tác tuần tới. Chiều, những thành viên đi xe hơi cũng vừa về đến.

Ngày 8 tháng 11 năm 2009

Sau bữa ăn sáng tại khách sạn, chúng lên lên xe đi thăm một cơ sở các em khuyết tật ở Quy Nhơn. Cơ sở có tên Cơ Sở Nguyễn Nga. Chị Nguyễn Nga, nói tiếng Anh lưu loát, và các em khuyết tật tiếp đón đoàn thiện nguyện niềm nỡ bằng thuyết trình, biểu diễn khẩu cầm, guitar, vũ điệu. Tôi và hai bạn nữa lại được mời đứng trước đám đông nghe mọi người hát bản Mừng Sinh Nhật. Chị Nguyễn Nga yêu cầu 3 chúng tôi đáp lễ. Tôi nghe bà bác sĩ người Mỹ tên X, một trong 3 chúng tôi nói, “Tôi không biết hát, biết làm sao đây?” Ngay lúc ấy người bạn nữ VN đáp lễ bằng điệu nhảy tuýt theo điệu nhạc của nhạc sĩ key board của cơ sở Nguyễn Nga. Bà bác sĩ X thừa cơ lắc lư theo luôn. Đến lượt tôi, tôi xin hát một bài hát ngắn Hướng Đạo. Khi tôi vừa bắt đầu bài hát quen thuộc thì mọi người vỗ tay hát theo thật vui. Bài hát được tôi đổi vài chữ

Nào về đây ta họp mặt cùng nhau. Cuộc đời y sĩ có lúc nào thảnh thơi. Anh với tôi ta cùng sống vui trọn ngày. Rồi mai nầy chúng ta lại gặp nhau…

Ba chúng tôi được các em tặng mỗi người một cuốn sổ tay để ghi chép những kỷ niệm của cuộc thăm viếng và công tác ở Bình Định. Khi chúng tôi rời cơ sở khuyết tật, các em đã tặng mỗi người chúng tôi một “sợi dây may mắn” đeo ở cổ tay. Đoàn đã tặng các em và cơ sở Nguyễn Nga nhiều gói quà và hiện kim.

Trên đường đi Tây Sơn, chúng tôi ghé thăm Tháp Bánh Ít gần cầu Bà Gi. Ba tháp nầy do người Chăm (trước năm 1975 thường được gọi là người Chàm) xây dựng từ nhiều trăm năm trước, khi mà Quy Nhơn còn là kinh đô Đồ Bàn của quốc gia Chăm. Tôi được nhìn lại những nơi quanh tháp mà liên đoàn hướng đạo Đống Đa thuôc đạo Bình Định từng nhiều lần cắm trại. Nơi đây 50 năm trước, có những chàng trai trẻ tuổi học sinh, trải bạt trên cỏ xanh, nằm ngửa ngắm trăng sao, thực tập tìm phương hướng qua sao trời, nghe các trưởng lớn tuổi nói chuyện đời.

Quốc lộ 19 từ Quy Nhơn đi Pleiku trước được người Pháp xây dựng, sau đình chiến người Mỹ nới rộng và tu bổ, nay đã hư hao nhiều. Đi xe đạp trên con đường nầy cũng phải mãi lộ. Từ Phú Phong, chúng tôi băng ngang cầu Kiên Mỹ bắt qua sông Côn để đến đền Quang Trung tọa lạc ở thôn Kiên Mỹ. Nước sông Côn sau cơn bão còn cao nhưng không ngập cầu.

Nơi đây, tôi nhìn dòng nước trôi xuôi, nhớ lại thời thơ ấu khi còn học tiểu học trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, cùng bạn bè từng tắm sông Côn sau giờ học. Được tắm sông và đùa giỡn trong nước mát trong vắt là niềm vui và hạnh phúc của đám trẻ quê chúng tôi. Có lần thầy giáo biết được đã phạt đánh chúng tôi bằng roi mây sưng cả mông. Thầy sợ chúng tôi chết chìm tuy chúng tôi đứa nào cũng bơi lội giỏi như rái cá. Ngày ấy tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng theo mẹ tôi đi chợ đêm Kiên Mỹ giúp bà buôn bán một gánh hàng xén. Nhờ gánh hàng xén nầy mà bà nuôi đủ đàn con trong khi cha tôi bị trưng dụng đi nhắm đường, vẽ bản đồ đường sá, cầu cống trên cao nguyên cả năm chưa được về. Nhờ mẹ tôi tần tảo mà mười mấy anh em chúng tôi không bị đói cơm, rách áo như những gia đình làm nông khác trong vùng.

Ngay trước đền Quang Trung có một con rạch chảy ngang chợ đêm Kiên Mỹ, nước rạch trong vắt. Mỗi phiên chợ, sau khi hoàn tất công tác buôn bán phụ giúp mẹ tôi, tôi được mẹ tôi cho phép tắm và bơi trong con lạch nầy trưóc khi mẹ con ra về lúc trời sắp sáng, khi sao mai xuất hiện cuối trời, để tránh bị oanh tạc bởi máy bay Pháp. Hôm đoàn thiện nguyện thăm đền Quang Trung thì nước lạch đục ngầu do mưa lũ. Tôi bấm đốt tay tính thời gian. Đã đúng 60 năm thằng bé quê đi chợ đêm, tắm lạch, trở về nhìn lại dòng nước xưa. Lòng tôi thoáng một chút bồi hồi khi hồi tưởng về tuổi ấu thơ nơi quê nhà Bình Định. Chạnh lòng nhớ bạn thời thơ ấu, một số đã bị bom Pháp sát hại khi tóc còn xanh, nhiều người nằm xuống trong cuộc chiến tương tàn, một số ra đi ở tuổi 50-60 vì bệnh tật. Những bạn bè còn sống giờ tóc đã bạc phơ.

Sau khi thăm viếng đền Quang Trung, đoàn thiện nguyện được xem biểu diễn võ thuật Bình Định, biểu diễn trống trận và vũ điệu dân tộc. Đoàn đáp lễ bằng tặng quà cho biểu diễn viên.

Rời đền Quang Trung chúng tôi ghé thăm Chùa Thập Tháp nằm không xa quốc lộ 19 về phía bắc. Chùa xây đã lâu đời, không được tu bổ nên rêu phong, tàn tạ. Trong khuôn viên chùa có 10 cái tháp nhỏ là nơi chôn giữ xác thân của các vị tu sĩ ngày xưa. Bản thân tôi, dù đã đi qua đây nhiều lần, đây lần đầu tiên ghé thăm một cổ tích. Một vị sư đang cư ngụ trong chùa tuổi đã 102 mà còn lanh lẹ. Vị sư biểu diễn cho chúng tôi xem mấy bài quyền võ Bình Định. Ông tiến lui xoay trở nhanh nhẹn như thanh niên làm mọi người ngạc nhiên.

Có một thành viên trẻ của đoàn đã thắp hương cầu nguyện trước bàn thờ đức Phật. Chúng tôi giữ yên lặng cho cô cầu nguyện. Bản thân tôi, trong những giờ phút nguy nan, tuyệt vọng trong cuộc sống lao lý giữa rừng sâu, giữa cái chết và sự sống, những giờ phút đối đầu với giông tố bão bùng ngoài biển khơi, những giây phút tranh đấu với tử thần để cứu mạng đồng đội trong chiến tranh, tôi cũng đã cầu nguyện và rất nhiều lần được toại nguyện.

Nguyễn Trác Hiếu

(Còn tiếp – phần 2 & 3 đã post trước)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả