Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàSáng Tác Của Bạn HữuHuỳnh Minh LệMiền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử /...

Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt

Miền Trung

Quê nghèo bão lũ tai ương,
Cơm chan nước mắt, chiếu giường lạnh căm.
Phận người cơ cực quanh năm,
Nắng khô nứt đất, mưa oằn lưng che.
Khăn tang trắng những triền đê,
Tiếng than ai oán tư bề. Miền trung.


Cuộc Đua Sinh Tử

Những ai có giấy hẹn hôm nay,
bao nhiêu người vắng mặt ?
Bao nhiêu người đuối sức,
phải bỏ cuộc giữa chừng,
trong cuộc đua sinh tử ?

Tôi nhớ có em nhỏ,
đôi mắt còn ngây thơ,
chắc là cha mẹ em,
mùa lúa này chưa gặt.

Tôi nhớ có cụ già,
dáng đi khòm xiêu vẹo,
không biết xoay vào đâu,
khi cháu con nghèo đói.

Cứ mỗi lần tái khám,
lại vắng bóng vài người,
ai đã bỏ cuộc hôm qua,
và ngày mai, ngày mốt.
ôi cuộc đua không dứt.

Phận Người Bèo Bọt

Sớm đi rẫy, mo cơm treo cán cuốc,
Chiều không về, xác trôi tuốt biển đông,
Trời mưa lũ, đâu bằng người xả lũ,
Những phận người bèo bọt quá phải không ?

Huỳnh Minh Lệ

28 BÌNH LUẬN

  1. RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
    Tôi đọc “Cuộc đua Sinh Tử” và chợt giật mình cho cái mong manh của một kiếp người! Cái “danh sách” trong cuộc đua đó chắc không bao giờ chấm dứt phải không Lệ? Thôi thì tự an ủi” Trời kêu ai nấy dạ” vậy. Chúc vui.

  2. RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
    Anh Lệ thân mến. Chúng ta, ai cũng đều đau lòng cho những người bỏ cuộc. Họ, những người bỏ cuộc đều có nhiều nguyên nhân, không phải vì họ thiếu can đảm hay nhẫn nại để đi đến đích cuối cùng, có khi vì họ thấy gia đình phải hy sinh cho mình nên thanh thản chấp nhận bỏ cuộc. DT cũng từng chứng kiến những người trong hoàn cảnh đó, khi biết đã không còn cách nào khác, họ đã sống những ngày còn lại với tất cả tình yêu thương với gia đình, bạn bè và cuộc đời. Và như thế, họ sẽ thanh thản khi ra đi.
    “Cuộc Đua Sinh Tử” không chỉ diễn ra ở phòng khám bệnh viện, mà nó có thể tìm thấy khắp nơi anh ạ. DT nhớ một câu ai đó đã nói đại ý như thế này: “Hãy quý những cuộc chia tay. Có thể bạn sẽ không bao giờ còn có cơ hội nhìn thấy người ấy nữa.” Trong cơn bão miền Trung vừa qua, có người chồng dặn vợ con ở nhà chờ anh chỉ một chốc thôi, anh cần phải qua giúp hàng xóm chống bão. Không may, trận bão lớn quá làm một bức tường sập đổ, và anh đã không bao giờ về nữa.
    Tất cả đều là vô thường, phải không anh Lệ?

  3. Gởi Diệu Tâm
    Cảm ơn đã đồng cảm với bài thơ.
    Mà DT nè, gần đây “vô thường” hình như là “thời thượng” ? Làm thơ, cũng như nói, tôi thường cố ý tránh từ này !
    Thân,
    HML

    • Vô thường
      “Vô thường”, DT học từ … anh Bạn Già Sài Gòn đó anh Lệ à! 🙂 Đặc biệt chỉ dùng trong lời “còm” thôi. Còn ai đó thích dùng trong thơ, DT không biết 😉
      Có lẽ phải nhờ anh Bạn Già Sài Gòn giảng thêm về 2 từ này thì mới đúng nghĩa trong đạo pháp?

  4. RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
    “VÔ THƯỜNG” ư, chữ này lão nạp cũng ít khi xài, chính vì ít xài nên mới gọi là ” vô thường” 🙂

    Lão nạp cũng có nghe nói: ” Vô thường [i]tức phi[/i] vô thường [i]thị danh[/i] vô thường” chẳng biết có…đúng không ?

    • RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
      Cảm ơn anh bạn Già SG! Không ngờ một cụm từ hay vậy mà anh không chịu xài! Anh không định nghĩa thì DT nhờ anh bạn tốt bụng Wikipedia đây nè, ai không hiểu Phật pháp đọc vô có lẽ … sẽ không dám dùng nữa:
      Vô thường (無常; sa. anitya; pi. anicca) nghĩa là “không chắc chắn”, “thay đổi”, “không trường tồn”. Vô thường là một trong ba tính chất (Tam pháp ấn, sa. trilakṣaṇa) của tất cả sự vật. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại không (sinh, trụ, dị, diệt). Có thể nói, Vô thường là phép quán chiếu, hay nói một cách khác, vô thường là một đối tượng trong tu tập quán chiếu. Từ đó, Vô Thường là một phép thực tập Định trên Vô Thường. Rất sâu sắc và lớn rộng về nghĩa và về tính diệu dụng của định vô thường.
      Khá dài, xin mời đọc tiếp:
      http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B4_th%C6%B0%E1%BB%9Dng
      Và đơn giản, trong câu DT viết cho Anh HML, “vô thường” chỉ có nghĩa là … không chắc chắn, không trường tồn mà thôi ( Nhưng dùng “vô thường” có vẻ hay và “sang” hơn 😉 ?

  5. RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
    Thời buổi internet thì chỉ cần một cái nhấp chuột là kiến thức của nhân loại từ xưa đến nay đều có. Mỗi thời có những từ “thời thượng”. Thời tiền chiến là “tương tư”, “lệ thu” “não nùng” …Trước 75 ở miền nam là “buồn nôn”, “phi lý”, “ghế đá công viên”, “cột đèn” …Bây giờ ( tôi nhớ cũng đã lâu ) thì “vô thường”, “sát na” …
    Nhà văn Bình Nguyên Lộc có những ” nó chạy mau [i]quá khứ[/i] “, ” tui nói vậy không phải tui muốn [i]đối phương [/i]với anh “… Còn nhà văn Võ Hồng thì có truyện ngắn “Những Bí Mật Của Anh Đỗ Cúc”, nói về chuyện “sính” chữ.

  6. RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
    Gửi Anh HM Lệ và bạn DT;

    Thật ra nếu đồng ý với tư tưởng Hoa Nghiêm ( [i]Sau này trong bài Kệ thị tịch của vua Trần Nhân Tôn cũng có nhắc lại[/i]) rằng tất cả pháp đều không sinh diệt hoặc “dể chịu” hơn là trong Tâm kinh (Heart Sutrà) với vài giòng nỗi tiếng như “[i]Chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt…[/i]” thì sẽ hiểu rất mau về hai chữ vô thường.

    Còn Wiki (nói riêng) và ngôn ngữ văn tự (nói chung) cùng lắm, may lắm chỉ…tiệm cận với Tri Kiến Phật mà thôi.

    Cho nên nói:[i]Vô thường tức phi vô thường thị danh vô thường[/i] là vậy. 🙂

    • Gởi BGSG
      Đồng ý với BGSG, nếu vào Wiki mà “tra” [i]vô thường[/i] thì cũng giống như một người Tây Phương vào “tra” tên của một trong những admin của nthqn.org, người đó sẽ giật mình và không dám lại gần vì sợ … đứt tay ! 🙂

    • RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
      [quote]Còn Wiki (nói riêng) và ngôn ngữ văn tự (nói chung) cùng lắm, may lắm chỉ…tiệm cận với Tri Kiến Phật mà thôi.[/quote]
      Anh bạn già Saigon thân mến ơi, “may lắm” là cũng hay lắm rồi nếu được “tiệm cận với Tri Kiến Phật”. Wiki không phải là tất cả. Sách vở nếu chỉ đọc 1 vài cuốn thậm chí có dày công nghiên cứu cũng không phải là tất cả! Nhưng từ đó có thể cho người ta hiểu một chút xíu ( có thể đúng và cũng có thể sai ) rồi tự mình tìm hiểu thêm nếu thích thú đề tài đó. DT có đọc đâu đó một câu đại khái là dù xấu hay tốt, dở hay hay, người đọc giỏi cần biết đọc cả hai loại để tìm ra cái đúng ( tất nhiên còn theo tiếp nhận và quan điểm mỗi người như thế nào ). Còn phản đối ngay từ đầu là nó dở, không đọc, không xem, thì ta sẽ giống như một người không hề ra khỏi cái giếng làng mà cứ bảo bên ngoài … chẳng có gì hay đẹp! Với DT, mỗi khi cần tra cứu một thông tin, Wiki chỉ là một trong nhiều thông tin mình đọc để tham khảo, sau đó nhận xét, cái nào nên sử dụng cái nào không. Với những thông tin mà Wiki tiếng Việt còn hạn chế, mình phải đọc thêm ở tiếng Anh hay Pháp, vì Wiki tiếng Việt có lúc dịch như máy, và thiếu sót cũng rất nhiều anh ạ. Dù sao, trong thời đại Internet này, các trang Wiki thật bổ ích cho chúng ta. Nó không chỉ có một mà nhiều lĩnh vực khác cũng có Wiki. Trong mỗi bài còn có nhiều đường link dẫn tới rất nhiều bài viết của nhiều tác giả khác mà ta có thể lựa chọn để đọc. Riêng với DT, rất cảm ơn Internet có … Wiki đó! Giữa vô vàn thông tin trật lất nhiều hơn chính xác, Wiki là một điểm tốt. Wiki còn cho phép mọi người tham gia bổ sung thông tin, kiến thức, tất cả cần dẫn nguồn và phải đảm bảo tính nghiêm túc trong lúc cung cấp những thông tin đó.

  7. RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
    Sẵn đây nói chuyện một chút về ngôn ngữ “nói”, “viết” thích dùng theo “đám đông” mà không có chủ kiến, đôi khi sai mà thấy nhiều người dùng mình cũng dùng theo, chẳng hạn, một người gốc Miền nam mà nói “đĩa hoa quả” thay vì nói “đĩa trái cây”, trong khi cái đĩa đó không có cái hoa nào, “bắt xe đi Sài Gòn” thay vì “đón xe”,đâu phải Công An mà “bắt xe” ?. Thay vì “thuế quan”, hay “quan thuế” Tân Sơn Nhất, nói “Hải quan” TSN, mà TSN tìm hoài chẳng thấy biển đâu !

    • RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
      Anh HML ơi, về 2 chữ “chủ kiến” trong thời nở trăm hoa này cũng có nhiều chuyện đáng bàn.

      Một là sử dụng từ ngữ. Nhiều vị khi viết, thích tạo ra từ mới theo suy nghĩ riêng nên khi đọc thấy…vừa vui vừa buồn (gom lại là…buồn cười). Có tác giả có bài đăng báo giấy hẳn hoi đã sử dụng từ “Nữ trộm” chắc để chỉ người đi ăn trộm không phải là…đàn ông. Trong khi các từ “nữ tặc” hoặc “nữ quái” đã khá phổ thông lại không chịu dùng. Hoặc có người thoải mái sáng tác ra từ mới như “ Nam nhân kế” (đúng ra là Nam tử kế) là kiểu tự do suy diễn từ “Mỹ nhân kế”mà ra.

      Hai là chuyện viết sai chính tả nhiều quá. Điều này vừa …đáng trách nếu như bạn đang ở trong nước vừa rất…có hại cho chính người viết vì độc giả sẽ đoán biết bạn là…ai.

      Từng có nhà thơ viết tên bài thơ của mình là Ô Trượt (!?) trong khi hầu như ai cũng biết chữ Trược (Ô Trược) do đọc trại từ chữ Trọc (Ô Trọc) và chữ “Trượt” luôn là động từ.

      Trong chính tả, dễ châm chước nhất là lỡ sai dấu hỏi ngã. Tuy nhiên, nếu bỏ dấu sai mà vô tình sáng tác ra một vài từ ngữ KHÔNG HỀ CÓ TRONG TIẾNG VIỆT thì không có gì…tệ bằng.

  8. Mến gởi Diệu Tâm
    Đồng ý với DT là Wiki rất hữu ích, mình đã nói ” Chỉ cần một cái nhấp chuột …” mà !
    Ít nhứt vào Wiki ta cũng tìm được “cái” cơ bản, mình cũng vào khi cần “tra”, nhưng theo mình nghĩ đừng “Tận tín thư”. Nói vui một chút, từ nhỏ đến giờ mình phải khổ sở đính chính khi ai cũng “chê” tên “Lệ” là yếu đuối,”nước mắt” …, :zzz Tối 26 vừa rồi cũng lại phải đính chính với NĐT ! Không ai nghĩ “lệ” là “đẹp” : 😛 , cũng như cô admin nhà mình phải khổ sở vì cái tên vốn dĩ rất đẹp ! 🙂

  9. RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
    Tôi nghĩ là HML muốn nói tới cái “mode” dùng vô thường trong “văn chương” hơn là cái nghĩa trong “văn học”! 😡 😡 ! Như thơ Bùi Giáng chẳng hạn, có những từ “tự chế” rất “độc”! Nó trở thành một thứ “đặc sản” riêng, Bùi tiên sinh “dùng” thì hay nhưng người khác mà “dùng” thì trở thành “ngây ngô” và đôi khi “vô nghĩa”! Như: miên trường, hột sương, mưa nguồn, lá hoa cồn v/v…
    Vô thường cũng vậy, đầu tiên là dùng nhiều trong Phật ngữ, sau phổ biến hơn và người ta “lạm dụng”…hơi bị nhiều! 😛 😛 Riết rồi tôi có cảm tưởng như đề cập tới chuyện gì đó mà…”bí” thì…vô thường mà! 😆 😆 😆

  10. Gởi anh Ngô Đình Hải
    Đúng, anh Hải !
    Có những câu thơ, tác giả dùng “mode”[i] vô thường[/i] mình đọc thấy “phi vô thường” hihi ! 😛

  11. RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
    Anh Lệ ơi,
    V biết chữ Lệ là đẹp mà. Như tên sông Lệ Giang mà hiểu là ” dòng sông nước mắt” thì…ghê quá! V thích ý này của anh: “Gần đây [i]vô thường[/i] hình như là thời thượng”. Cái thời mà người người…tu (có cả…làng tu nữa 😮 ), nên cũng thường nghe thêm: [i]ta bà, sắc sắc không không, buông bỏ[/i]… V chưa…tu được, lại thêm tính “thời thượng” như anh nói nên rất ngại để vào chữ nghĩa của mình 😛 .
    Rất vui khi đồng cảm và chia sẻ với anh Lệ.

    • Gởi Ngô Thanh Vân
      Mây Xanh từ hồi nào đến giờ cũng [i]Rất vui khi đồng cảm và chia sẻ với anh Lệ.[/i] mà ! 😛 Còn biết “Lệ” là đẹp nữa, anh vui quá ! Cảm ơn Vân.

  12. RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
    DT chỉ bỏ vô trong “còm” có 2 chữ “vô thường” thôi mà xem ra các bạn bàn tán nhiều ghê, anh Lệ phải cảm ơn DT mới đúng!
    Bây giờ có ai can đảm làm một bài thơ chủ đề “Vô Thường” không? 😀

    • Mến gởi Diệu Tâm
      Cảm ơn DT nhiều mà ! 🙂
      Nếu “vô thường” ở trong lời “còm” hoặc thơ, văn của người lạ thì mình đâu dám ! DT coi lại đi, [i]Mà DT nè [/i], thân thiết chưa ? Hiểu rồi chớ ! Hôm qua nay giận hả ? 🙂

      • Lại … Vô thường!
        Anh Lệ: Giận chứ sao không giận! 😡 Đang bận lắm, mà đọc thơ anh, gắng hết sức “vỡ thơ” để “còm”. Lỡ viết có 2 chữ gây “dị ứng” mà bao nhiêu chuyện “ngôn ngữ” theo đó mà tràn ra. Thú thật DT thấy nhiều chuyện đáng “cãi” nữa lắm nhưng thôi stop ở đây, đúng là … bút sa gà chết 🙁 Lần sau phải uốn bút … 9 lần 🙂

    • Gửi chị Diệu Tâm
      Tiến lỡ làm bài thơ với tựa đề “Vô Thường” rồi nên không biết có nên đổi tựa đề không? Chị đọc ở đây nghen.
      http://nthqn.org/index.php/tho/23-nguyen-kim-tien1/800-vo-thuong

      Tiến thì lại nghĩ vì sao dạo này chúng ta hay thấy nhiều đến những từ này trong thơ văn ngay cả trong đời sống, có lẽ chúng ta đang đi dần vào cuối đời và dĩ nhiên là thời đại internet đang rất dễ dàng cho chúng ta tiếp nhận một cách nhanh chóng hơn thời xưa, mấy ai có sách báo để đọc nhất là ở những vùng tỉnh lẻ.

      Và thêm nữa, để chấp nhận một từ bỏ vào quyển tự điển thì từ đó phải có một số đông dùng đến và theo Tiến nghĩ, thêm từ ngữ thì tiếng nói chữ viết sẽ phong phú hơn và thời gian là cách tốt nhất để gạn lọc. Từ ngữ cổ sẽ mất dần và thay vào đó những từ ngữ mới và đó cũng là sự biến chuyển không ngừng của đời sống như một giòng chảy vậy. Dù muốn dù không chúng ta không thể nào ngăn chận giòng tiến hoá này. Chúng ta đang có một trao đổi rất thú vị ở đây. Rất cảm ơn. KT

      • Vô Thường
        Trời ơi, chị nói chơi mà thành thiệt! Chị đã viết tiếp câu “Ai làm bài thơ Vô Thường sẽ được … admin thưởng” 😀 nhưng ngại admin bối rối … bất ngờ nên chị xóa đi! Bravo Tiến! Bài thơ này của Tiến chị đọc rồi và thấy buồn lắm khi thấy đúng là tất cả đều “vô thường”!
        “Hình như tôi đang nhắn tôi
        Nhắn tôi một cõi vô thường rong chơi”..

        Nói chung, nếu ai thấy cuộc đời này “vô thường” thì có nghĩa điều đó là .. bình thường, còn không nhìn thấy thì điều đó có nghĩa là … bất thường? 🙂
        Cảm ơn Tiến nhiều nhé!

  13. RE: Miền Trung / Cuộc Đua Sinh Tử / Phận Người Bèo Bọt
    Chào bạn HML
    Thật là xót xa khi đọc bài thơ của bạn. Bạn là một trong vài cây bút hiếm hoi ở trang web này, có khá nhiều bài viết tỏ ra băng khoăn, trăn trở về những vấn đề của “CHÚNG TA”, chứ không chỉ chăm chút đến “cái TÔI” . Tôi rất đồng cảm và hâm mộ bạn.
    Nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó: sự thống khổ của giống nòi mình không những bắt nguồn từ thiên tai, thiên tai thì thỉnh thoảng mới xảy ra và có khi mình đề phòng được (nếu không muốn nói là phòng chống…), còn một tai họa khác thì triền miên, dai dẳng và tai hại hơn thiên tai rất nhiều, đó là NHÂN TAI….
    Chúc bạn sức khỏe tốt để viết cũng khỏe.
    HSP

  14. Gởi Bạn Hoàng Sỹ Phu
    Cảm ơn bạn đã đọc và chia sẻ. Nhiều khi tôi có cảm giác bất nhẫn và tội lôĩ khi không nhìn chung quanh, cũng giống như mình đang ngồi ăn một buổi tiệc linh đình mà bên cạnh có người đang bị đói. Chúc bạn sức khỏe.
    Thân,
    HML

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả