Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Ly Rượu Mạnh

Tôi ăn xong bữa trưa ở cafeteria lúc 12 giờ 30. Tôi còn nửa giờ để nghỉ ngơi trước khi làm thêm 4 tiếng vào buổi chiều. Tôi trở lại phòng làm việc của tôi, mặc nguyên áo choàng trắng của bác sĩ, đẩy lưng chiếc ghế dựa thẳng ra, nằm gác chân lên bàn viết nghe nhạc.
Mùa thu đã trở lại, thời tiết êm ả. Cây lá vẫn xanh tươi như đang mùa xuân. Những bản nhạc cổ điển dìu dặt chẳng mấy chốc ru tôi vào giấc ngủ. Tôi vừa thiu thỉu thì chợt nghe có tiếng gõ cửa mạnh và gấp rút. Tôi tỉnh giấc. Một y tá thò đầu vào cửa phòng tôi báo cáo:
– Có cấp cứu bác sĩ!

Tôi bước ra khỏi phòng. Có tiếng ồn ào ngoài hành lang bệnh xá. Người y tá cho biết một tù nhân vừa bị một tù nhân khác rạch mặt. Tôi bước đến phòng nhận bệnh thì vừa lúc cánh cửa bệnh xá mở toang. Ánh sáng bên ngoài ùa vào chói mắt. Một tù nhân, như một bóng đen, hai tay ôm mặt, chệnh choạng bước vào, miệng rên rỉ. Vừa thoáng thấy tôi, tù nhân nầy buông hai tay khỏi mặt anh ta và kêu lớn:
– Bác sĩ ! Bác sĩ ! Cứu tôi với !
Người tù nói tiếng Mỹ lờ lợ, bước nhanh về phía tôi. Tôi thoáng thấy một vòi máu đang phun mạnh ra từ mặt anh hướng về phía tôi. Tôi lùi nhanh lại đàng sau nhưng không kịp, vòi máu đã xịt ướt một phần dưới của chiếc áo choàng trắng mà tôi đang mặc. Tôi nói lớn:
– Bụm mặt lại, nằm ngửa trên sàn nhà ngay!
Người tù trong cơn hoảng hốt, không hiểu lệnh của tôi, tiếp tục hướng về phía tôi, vòi máu vẫn tiếp tục phun qua phun lại như một vòi nước mỗi khi người tù quay mặt qua lại. Tôi lùi thêm mấy bước, hét to bằng tiếng Nam Mỹ:
– Bụm mặt lại, nằm xuống sàn ngay!
Lần nầy người tù hiểu lệnh, bụm mặt và lăn ngửa xuống sàn nhà. Tôi móc nhanh đôi găng tay trong túi đeo vào tay và lại gần người tù. Tôi luồn bàn tay tôi dưới bàn tay trái của người tù, cố đè mạnh vào cái động mạch mặt bị cắt đứt ngang để cầm máu cho anh ta. Y tá cũng vừa mang dụng cụ y khoa đến cho tôi kẹp mạch máu bị đứt. Áo quần người tù ướt đẫm máu. Một vết cắt khác dài suốt lưng anh cũng đang ứa nhiều máu.
Bốn sĩ quan an ninh lực lưỡng, hai nam y tá giúp đưa người tù vào phòng khám. Tôi khám nhanh người tù. Không có vết dao đâm nào, chỉ có hai vết cắt bằng vật bén, có lẽ là dao lam.

Trong tù, khí giới thông dụng mà tù nhân dễ tạo để sát hại nhau là lưỡi dao cạo râu kẹp giữa một bàn chải đánh răng được xẻ đôi làm cán dao.
Tù nhân ở đây được phép dùng lưỡi lam để cạo râu. Một cái đinh nhổ từ vách tường, một chiếc muỗng ăn kim loại cũng mau chóng trở thành khí giới giết người nguy hiếm. Có một lần một tù nhân mài nhọn một cán chổi bằng gỗ và đâm xuyên ngang bụng một sĩ quan an ninh khi anh nầy đưa thức ăn đến cho tù nhân.

Trong khi tôi khâu vết thương cho người tù thì viên thiếu úy an ninh hỏi anh ta chi tiết về hung thủ. Vết cắt trên má trái anh thật dài, gần nửa gang tay và sâu gần đến xương mặt. Vài tĩnh mạch và một động mạch bị cắt đứt tiện. Anh đau đớn run rẩy. Vết cắt trên lưng dài cả nửa thước nhưng cạn vì nhờ anh mặc hai lớp áo, chiếc lưỡi lam dù bén, không cắt sâu được. Anh hiểu được khá nhiều tiếng Mỹ nhưng vì bối rối không nói cho mọi người hiểu được. Anh thều thào bằng tiếng mẹ của anh:
– Tôi mất nhiều máu quá, có nguy hiểm đến tính mạng không bác sĩ.

Tôi dỗ dành:
– Bạn không mất nhiều máu quá đâu, chỉ nhiều hơn phụ nữ có kinh mỗi tháng một chút thôi. Nằm yên cho tôi khâu và đừng cục cựa hay nói nhiều, nhất là đừng nói tiếng mẹ của bạn trong phòng nầy nhé. Y tá Mỹ không hiểu bạn nói gì với tôi đâu.

Tôi đoán người tù không biết rõ mỗi tháng phụ nữ có kinh mất bao nhiêu phân khối máu nên mới so sánh như vậy để anh yên lòng. Người tù được chích thuốc giảm đau, nằm yên cho tôi khâu, chỉ thỉnh thoảng rên rỉ. Tôi khâu thật kỹ vết cắt trên mặt anh với hy vọng cái sẹo sẽ không quá xấu. Cũng may, má người tù bầu bĩnh nên khâu xong vết cắt trông không quá tệ. Chúng tôi, một bác sĩ và hai y tá, phải để hơn hai tiếng đồng hồ để khâu kín hai vết cắt trên mặt và lưng người tù.

Cuộc điều tra sơ khởi cho biết người bị rạch mặt nợ một người tù khác 4 đô la tiền mua một ly rượu lậu chế tạo trong tù mà chưa kịp trả. Hung thủ là một tù nhân da đen, rất hung dữ, muốn ra tay để răn đe những khách hàng khác đừng quịt nợ. Hung thủ nầy đóng vai sát thủ tương tự như đao phủ thủ của một trong những nhóm chuyên chế tạo và bán rượu lậu trong tù. Hễ cái bang ra lệnh chém ai thì sát thủ chém. Thật ra thì người tù bị rạch mặt bị một tù nhân nào đó đánh cắp mất chiếc bóp trong đó có một ít tiền. Trong khi chờ đợi người nhà gởi tiền vào cho anh trả nợ thì anh bị tên sát thủ ra tay.

Thực phẩm cung cấp cho tù tư bản thật bổ dưỡng và dư thừa, lắm khi phí phạm. Giữ nhiệm vụ Y sĩ Trưởng (Chief Health Officer) của nhà tù, mỗi tháng tôi đi thanh tra nhà bếp 1-2 lần. Lễ Tạ Ơn, hai tù nhân ăn một con gà tây. Nhìn những thùng lớn (có dung tích cỡ 200-400 lít) chứa đầy thực phẩm bổ dưỡng thừa mứa phải đem đi đổ mỗi ngày mà tôi nghĩ thuơng cho trẻ em nhiều nơi trên thế giới đang đói khát. Ngay cả ở Mỹ, trẻ em nghèo không mấy khi có đủ táo, cam để ăn mà tù nhân thì dùng táo, cam ném nhau chơi trong phòng ăn. Nhiều trái táo to và đẹp lăn lóc dưới sàn nhà bếp sau bữa ăn. Những nhóm chế rượu lậu (home-made wine) thường vào nhà bếp xin hay mua rẻ từ những tù nhân nấu bếp những đủ thứ trái cây thừa mứa. Luật nhà tù không cho phép nhưng tù tư bản coi luật ra gì. Nếu bị lộ, bị kết án thêm vài năm tù thì có sợ gì. Bị giam, họ được cung phụng còn sung sướng hơn ra ngoài xã hội. Miếng cơm, manh áo họ khỏi phải lo. Bệnh tật có bác sĩ, nha sĩ, y tá của nhà nước săn sóc. Họ chỉ thiếu người khác phái. Nhưng cần gì, không có người khác phái thì cùng phái cũng có sao đâu. Tôi sẽ đề cập đến vấn đề nầy sau. Họ vẫn lén lút chế rượu, bán thuốc phiện giấu giếm đem vào tù từ bên ngoài. Một khâu chế rượu có nhiều tù nhân tin tưởng lẫn nhau, được xếp (ông chủ, cũng là tù nhân) giao phó nhiệm vụ khác nhau như tiếp liệu, an ninh, duy trì, giao hàng, thu tiền, sát thủ… Có nhóm dùng thùng nhựa ăn cắp được ở trong kho nhu liệu của nhà tù, có nhóm dùng bao ny lông dày và lớn để chế rượu rồi đem chôn giấu.

Các sĩ quan an ninh được huấn luyện rất kỹ để khám phá ra những vật cấm ấy nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Có lần, mùa hè ít mưa, tù nhân bịt kín những ống máng thoát nước từ trên mái nhà xuống, để chứa rượu. Một buổi trưa, một viên sĩ quan an ninh đi kiểm tra trại đã ngửi thấy mùi rượu do sức nóng mặt trời làm bốc hơi và khám phá ra nhiều galon (1galon=4 lít) rượu đã sẵn sàng để bán. Rượu chế biến từ trái cây, khoai lang tây và nhiều vật liệu tạp nhạp khác có mùi vị khó uống nhưng nồng độ rượu khá cao và tác dụng mạnh. Có lần tôi phải cấp cứu một tù nhân to con sau khi anh ta nhậu một ly rượu lậu.

Người tù bị rạch mặt và hung thủ đều được giam riêng để điều tra và tránh thêm tai biến do phe nhóm hay cá nhân trả thù nhau. Nhà tù nào trên đất Mỹ cũng có những nhóm đối đầu nhau. Đáng kể nhất là nhóm da đen, nhóm Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha và nhóm Á Châu. Hai nhóm da đen và Nam Mỹ chống nhau kịch liệt, nhiều đụng độ lớn mà nhà tù phải huy động hàng trăm sĩ quan an ninh để dẹp loạn. Sau những cuộc đụng độ như vậy có nhiều tù nhân mất mạng hay bị thương.

Một đêm, người tù cái bang, từng ra lệnh rạch mặt anh tù Nam Mỹ, đang ngủ thì bị một sát thủ khác thuốc nhóm Nam Mỹ dùng một ống nước đập vào đầu anh để trả thù cho người tù Nam Mỹ bị rạch mặt. Y sĩ trực đêm đó đã gọi trực thăng chở ngay người tù bị đập vào đầu đi bệnh viện để cấp cứu nhưng không may cho anh, anh đã qua đời tại bệnh viện sau khi bị kinh giật dữ dội do bị bể sọ và chấn thương não quá nặng. Một mạng người đáng giá 4 đô la?

Tôi đến trại giam biệt lập thăm người tù bị rạch mặt. Hai vết cắt đang lành tốt. Một y tá đi theo tôi. Anh tù bị rạch mặt nay đã hoàn hồn, tự động quỳ gối, hai tay cầm một bàn tay tôi, nói trong nưóc mắt bằng tiếng mẹ Tây Ban Nha:
– Tôi cảm ơn bác sĩ và các y tá nhiều, đã tận tình săn sóc giúp tôi lành lặn hai vết cắt. Tôi còn hai năm nữa là mãn hạn tù, tôi sẽ quay lại Mễ Tây Cơ để lo chăm sóc mẹ tôi nay đã già yếu. Tôi không còn muốn sinh sống ở xứ sở nầy nữa. Tôi không muốn phạm tội và vào tù nữa.
– Bạn gắng đi! Thời gian sẽ qua mau, bạn sẽ ra khỏi đây, sẽ trở lại được quê hương bạn tuy nghèo đói nhưng an bình…

Chúng tôi an ủi anh và khuyên anh thật cẩn thận trong những ngày tháng còn lại trong tù. Anh vượt biên giới Mễ-Mỹ mấy năm trước để tìm việc làm nuôi mẹ và em nghèo khó bên Mễ Tây Cơ. Một tổ chức bán thuốc phiện dụ anh vào đường dây. Chẳng bao lâu anh bị cảnh sát Mỹ bắt và bị tù.

Trên đường trở lại phòng làm việc của tôi, người nam y tá hỏi tôi:
– Bác sĩ có khi nào so sánh chính sách tù Đông và Tây chưa?”
Ý anh nói tù phuơng Đông và phương Tây. Tôi đáp:
– Cả hai nơi đều có những sai lầm lớn, cần có những cải tổ lớn nhưng chưa biết bao giờ mới có người dám làm.

Người y tá hỏi tiếp:
– Chiều thứ sáu rồi. Cuối tuần bác sĩ thường làm gì?
Tôi nghĩ đến đám trẻ Việt Nam trong hai đoàn Hướng Đạo mà chúng tôi đã thành lập và duy trì, tôi đáp:
– Cuối tuần mới là thời gian chúng tôi thật sự vui sống, mới thật sự thấy đời đáng yêu.

Cuối tuần chúng tôi dùng nhiều xe van chở đám trẻ ra sông, ra biển để chúng có dịp bơi lội, học chèo ghe, học kéo lưới, câu cá, trượt nước, cắm trại, nấu ăn, ca hát và học tiếng Việt.

Một đàn vịt trời hình chữ V bay ngang qua nơi chúng tôi đang đi. Người y tá chỉ đàn vịt nói:
– Đấy mới là tự do phối hợp với kỷ luật thật sự phải không bác sĩ?
– Bạn nói đúng đấy!
Tôi đáp.

Nguyễn Trác Hiếu

5 BÌNH LUẬN

  1. ly rượu
    Bác sĩ kính mến! cuộc sống của anh thật phong phú và có ý nghĩa bên cạnh những căng thẳng, mệt nhọc là niềm vui khi được sống vì người khác. Chúc anh và gia đình giáng sinh yên bình và hai mùa xuân an khang – hạnh phúc

  2. RE: Ly Rượu Mạnh
    Cảm ơn Lệ Hoa đã đọc bài và chúc lành. Chúc Lệ Hoa và gia quyến một mùa Tết Lễ vui tươi, hạnh phúc.
    Rảnh thì vào nguyentrachieu1.wordpress.com mà đọc văn, thơ.

  3. RE: Ly Rượu Mạnh
    Anh Hiếu kính mến,
    Anh viết như kể chuyện, gần gũi và lôi cuốn. Kết thúc câu chuyên bằng hình ảnh đàn chim bay trong tự do phối hợp với kỷ luật độc đáo vô cùng, cứ làm mình muốn đọc lại tất cả một lần nữa và ngẫm nghĩ và ước mơ một thế giới như đàn chim kia. Mùa lễ lạc rãnh rỗi viết gì đó cho tụi em đọc thêm anh nhé.
    Qua câu chuyện anh kể cũng đã làm em nhớ tới những con số cay đắng tưởng như đến vô lý nhưng không thể tránh của xã hôi. Chính phủ hầu như tốn nhiều chi phí cho nhà tù hơn cho việc giáo dục. Tù nhân có người phục vụ riêng, có người bảo vệ riêng, có bác sĩ riêng và dĩ nhiên tất cả đều miễn phi 🙂 . Google thì thấy ngay những con số tiêu biểu:
    Tiểu bang New York trong một năm trung bình chính phủ tốn 56.000 dollars cho một tù nhân trong khi chỉ chi tiêu 16.000 dollars cho một học sinh.
    Ở Canada thì sự chệnh lệch giũa hai con số càng thê thảm hơn, chính phủ chi 87.000 dollars ( 2/3 của số tiền này dành cho việc an ninh và y tế ) để giữ một tù nhân trong khám trong một năm và chỉ chi trên dưới 10.000 dollars cho một học sinh tiểu học !!
    Cần thiết , nhân đạo, cân bằng … thì thôi để mấy nhà lãnh đạo suy nghĩ và tính toán.
    Kính chúc anh chị và gia đình một mùa Giáng Sinh anh lành và đầm ấm.
    Dao

  4. RE: Ly Rượu Mạnh
    Merry Christmas!
    Fr Santa

    [img]http://nthqn.org/images/joomgallery/details/album_ca_cac_ban_48/pham_ngoc_dao_85/hinh_chen_102/dr_hieu_20121222_1554348974.jpg[/img]

  5. RE: Ly Rượu Mạnh
    Cảm ơn Santa Claus về bức hình vẽ vui nhộn. Cây kim nhọn mà cong, làm sao chích, he he.

    Ngày mai, chủ nhật, 23 tháng 12, lại đi thăm cháu ngoại ở Hoa Thịnh Đốn và nghỉ lễ, có mang theo pc. Sẽ gắng viết nếu có thì giờ, chuyện tù tư bản và tù CS vẫn dài như chuyện Nhân Dân Tự Vệ.
    Chúc mọi người một Giáng Sinh Vui Tươi & Năm Mới Hạnh Phúc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả