Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Lá Rụng Về Cội

“Biển, đó là nơi đến cuối cùng. Sóng lặng yên lành hay bão tố. Trong chiến tranh kiếp sống cuả một con người đâu khác gì đám lục bình trôi bềnh bồng trên mặt nước.
Tôi nhẹ nhàng đi trên biển, gió từ ngoài khơi thổi vào mát rượi. Lần đầu tiên được đi chân trần sau mười ngày đôi giày không cởi, ngay cả trong giấc ngủ, tôi có cảm tưởng mình đang đi trên nhung. Cát biển mịn dưới chân về đêm âm ấm chui vào từng kẽ ngón. Biển khiến tôi chợt nhớ có lần hưá với Ðành khi nào về phép sẽ đưa nàng đi dạo biển Nha Trang về đêm.” ...

Apartment nơi chàng ở nằm trên tầng hai, phía sau phòng ăn là một balcony nhỏ, ở đây có một chiếc ghế nhựa, chàng thường ngồi lên đó, vừa hút thuốc vừa nhìn thiên hạ phía dưới. Hoặc mỗi khi có điều gì phiền não chàng cũng thường nhìn trời đất quạnh hiu thổi những ngụm khói cay xè đắng nghét vào không gian để trầm tư mặc tưởng. Phía dưới balcony là một khoảng sân rộng dùng làm parking. Mỗi chiều sau giờ tan sở những chiếc xe đủ loại, đủ màu sắc, cũ mới lẫn lộn từ các nơi về đậu san sát bên nhau. Ðể giải buồn chàng thường phân nhóm xe theo màu sắc và ví khu parking này như là nước Mỹ, còn tất cả màu sắc kia đại diện cho từng màu da của từng dân tộc qui tụ về đây để làm nên hợp chủng quốc. Chỉ một parking nhỏ thu hẹp này thôi, cũng đủ thấy giàu nghèo khó mà lẫn lộn.

Cái tật ghiền thuốc chàng không bỏ được, cho nên chiều nào chàng cũng phải ra balcony để giải quyết cơn ghiền, thét đâm thành thói quen. Và rồi không biết tự lúc nào, chàng phát giác ra chủ nhân của chiếc Toyota Cressida đời 89 màu bạc cứ mỗi ngày vào khoảng 4 giờ chiều về đậu phía dưới parking là một cô gái Việt Nam. Mặc dù chàng có thể quan sát từ phía sau lưng, nhưng chàng tự cả quyết như thế, bởi vóc dáng mảnh khảnh của cô gái rất dễ phân biệt trong đám Mỹ đủ màu, huống hồ cô gái lại có một suối tóc đen huyền thả ngang thắt lưng. Mái tóc đặc biệt này chỉ có ở những cô gái Việt Nam mà thôi. Mái tóc đó cộng với vóc dáng hài hòa đã gợi cho chàng nhớ lại vóc dáng của ai kia, mỗi chiều trong quá khứ đậm nét trong lòng. Chàng đâm ra tư lự muộn phiền. Ở đâu đó trên quê nhà dịu vợi trong đời, một hình bóng đã đi qua, bi thương và nhức nhối không thể phôi pha. Ðiếu thuốc trên môi chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi để cháy vừa đủ cho cô gái bước xuống xe, khóa cửa và bước vào khu Apartment trước mặt. Cô gái không bao giờ ngước nhìn lên để biết rằng mình đang được theo dõi, thành thử khuôn mặt đẹp xấu cỡ nào chàng rất mơ hồ không xác định. Cứ thế mỗi chiều chàng ra balcony đứng hút thuốc để đợi cô gái về vào giờ nhất định và đậu xe ngay nơi parking đó. Cho đến một hôm, cô gái chợt tình cờ nhìn lên bắt gặp chàng đăm đăm nhìn mình. Trong khi chàng còn đang bối rối vì bị bắt gặp quả tang nhìn lén, thì cô gái nhoẻn miệng cười gật đầu:

“Chào chú”

Chàng ấp úng:

“Chào cô bé. Cô bé đi làm về?”

“Dạ”

Lần hội ngộ chỉ có bấy nhiêu thôi. Nhưng không hiểu sao khi thấy được rõ ràng khuôn mặt cô gái chàng bỗng giật mình. Cảm giác cho chàng biết là khuôn mặt đó rất ư quen thuộc, chàng đã từng gặp ở đâu nhiều lần trong cuộc đời.

Khuôn mặt đó đã làm tôi choáng váng. Những lúc đêm về, ngước nhìn lên bầu trời hồn lang thang một mình trong không gian bao la giữa muôn ngàn vì sao lấp lánh, bỗng nhiên tôi quá cô đơn. Một quá khứ tuổi thơ ở nơi nào xa thẳm trong tận đáy tâm tư bỗng hiện về tê buốt hãi hùng đến quá đỗi chạnh lòng. Ðành cuả tôi giờ này đang làm gì ở thế giới miên viễn bên kia. Có thơ thẩn một mình nhìn lên bầu trời giống như tôi lúc này hay không? Bất giác tôi tự trả lời: nơi ấy nàng đơn độc quá không còn tôi bên cạnh để cùng tưởng nhớ về một chuỗi tháng năm qua không thể nào quên…

Ðành ngồi sau lưng tôi, chiếc xe Honda Dam chỉ cần 5 phút chạy ngoằn ngoèo là đã ra khỏi thị trấn, nàng hỏi:

“Bây giờ mình đi đâu đây Tấn?”

“Ði đến tận cùng trời cuối đất”

Cùng trời cuối đất cuả tôi là chạy lòng vòng trên những con đường đất nhỏ. Nàng rất thích những con đường này, bởi vì dưới những lũy tre im vắng mà những tàng lá trên cao hai bên giao nhau chỉ để rớt xuống mặt đường những giọt nắng màu hanh vàng. Xe chạy qua, những giọt nắng bám lên người và nàng thích thú đưa tay ra hứng. Những lúc đó khuôn mặt nàng đầy rạng rỡ thanh cao. Còn tôi trần tục thì thích những con đường làng bởi vì nó đầy ổ gà lởm chởm, có lý do để nàng ôm chặt lấy tôi để khỏi bị rớt xuống đường. Thỉnh thoảng, một luồng gió nhẹ cuốn theo mùi thơm cuả cỏ, thổi làn tóc dài quyện lấy vai tôi. Một vài sợi tóc nghịch ngợm vuốt ve vào mặt làm tôi ngây ngây ngất ngất. Nàng cũng biết rõ là tôi ma giáo cố ý không tránh ổ gà, nhưng người thanh cao lại đồng loã với tên phàm tục để cho kỷ niệm tràn đầy tuổi đầu đời cuả hai kẻ yêu nhau.

Lần về phép đầu tiên từ quân trường Ðồng Ðế, năm đó thị trấn Ninh Hoà bị ảnh hưởng cuả một cơn bão không biết từ đâu đưa tới. Nước từ thượng nguồn KrongBut Ban mê Thuột đổ về con sông Dinh nhỏ xíu nằm giữa thị trấn. Con sông lưu lượng không đủ chưá nên nước tràn ngập các lối đi. Nhà nàng nằm trên bờ sông không hiểu sao vẫn còn đứng vững trước cơn phong ba bão táp. Mưa đã tạnh, chỉ còn tiếng nước bì bõm theo đôi giày nhà binh nặng trĩu đối vơí anh chàng sinh viên sĩ quan non trẻ như tôi. Nhà vắng, không một bóng người, chỉ có nàng đang nằm ngủ trên chiếc giường tre ọp ẹp. Nàng nằm ngủ tỉnh bơ xem như chuyện gió mưa là chuyện cuả trời đất còn chuyện ngủ là chuyện cuả riêng nàng, hai chuyện đó không dính nhập vào nhau. Về phép không báo trước, tôi định dành cho nàng một bất ngờ. Ai dè ngược lại nàng dành cho tôi một bất ngờ lớn hơn. Nàng nằm đó, nét con gái với những đường cong chưa phát triển hết cuả tuổi dậy thì đã làm cho tim tôi bỗng nghẹn ngào thảng thốt. Trong giấc ngủ nàng như hơi mỉm cười hơi thở nhẹ làm cặp vú bằng cái núm cau nhỏ xíu quên mặc áo ngực nhấp nhô như mời gọi. Tôi chỉ biết quì bên cạnh giường nàng giữa dòng nước để ngắm nhìn im lặng. Trong tôi là một nỗi đam mê thánh thiện, tiềm thức đã in sâu khuôn mặt nàng và làn tóc rối. Hệ thống quay phim trong đầu tôi làm việc, tôi quay đi quay lại khuôn mặt thánh thiện đầy man dại kia trong giấc ngủ và lưu giữ nó vào từng sợi máu trong hệ thống thần kinh não tủy. Mỗi khi nhớ đến tôi chỉ cần nhắm mắt, khuôn mặt nàng như một khúc phim quay chậm lần lượt hiện ra cùng với niềm thương yêu theo tôi cho đến cuối đời.

Khuôn mặt đó rất thân quen, chàng làm sao quên được. Chàng cố moi óc để nhớ, để suy luận cô gái này mình đã từng gặp ở đâu, nhưng không thể nào nhớ nổi. Cô gái chỉ vào khoảng 20 trở lại, còn chàng thì đã ngoài 40, có một khoảng thời gian quá cách biệt không thể tạo ra trường hợp gặp nhau. Nhưng không hiểu sao từ lúc tình cờ thấy được khuôn mặt cô gái chàng đâm ra vương vấn mơ hồ. Trước đây mỗi lúc ghiền thuốc chàng phải ra balcony để hút vì sợ khói làm ngộp căn phòng. Giờ thì chàng cố tạo ra cơ hội, chiều nào cũng vậy vào giờ nhất định ra ngoài balcony để có lý do nhìn vớ vẩn xuống bãi đậu xe, chờ đợi được nhìn cô gái đi làm về. Còn cô gái từ lúc biết có người từ trên cao nhìn xuống, không còn tắt máy lẳng lặng vào nhà như mọi khi. Sau khi đóng cửa xe lại, thế nào cũng ngước lên cười với chàng một tí. Chàng chỉ cần có thế, chỉ cần có bấy nhiêu đó mà thôi, hồn mình bỗng nhiên dịu vợi. Hai người đã mặc nhiên quen biết nhau: người chờ và kẻ được chờ.

Cô gái nhỏ gọi chàng bằng chú, chàng gọi cô gái bằng cô bé để thay thế tên gọi. Cả ngày chàng chỉ cần hai tiếng chào chú êm dịu phát ra từ cái miệng hình trái tim nhỏ nhắn kia. Ðến nỗi đôi lúc chàng tự giật mình, không biết mình chờ đợi cô gái đến khát khao để nghe hai tiếng chào dịu dàng hay là để tìm lại một khuôn mặt, một bóng hình đã xa trong dĩ vãng? Chỉ biết hai ngày cuối tuần cô gái không đi đâu, vắng cô gái theo thói quen, chàng đâm ra buồn thơ thẩn. Chẳng lẽ nào cô gái lại chiếm lấy tâm hồn già nua đầy cằn cỗi cuả mình? Chẳng lẽ chàng đã yêu cô gái này như một cơ duyên tiền định? Một trái tim héo hắt muộn phiền đã ngủ quên một thời gian dài nay bỗng nhiên thức dậy?

Ngày ra trường tôi có mười ngày phép để chuẩn bị về đơn vị mới. Mười ngày đó tôi và Ðành chính thức yêu nhau. Mười ngày khoảng thời gian không đủ dài để tôi dành tất cả cho nàng. Nhưng biết sao hơn, chiến tranh đang tàn phá quê hương. Ngoài Ðành ra tôi còn có bổn phận cầm súng để góp phần bảo vệ nửa mảnh đất hình chữ S này đang bị Cộng Sản miền Bắc xâm lăng. Ngày tôi ra đơn vị, Ðành đứng bên cạnh trong lúc chờ đón xe xuôi về miền Trung, hai con mắt nàng đỏ hoe. Tôi cố mỉm cười:

“Anh không bao giờ dám nghĩ là sẽ có một ngày mình có một cuộc tiễn đưa mà anh thì không thể hưá ngày trở lại.”

“Em cũng thế. Chỉ sợ chuỗi thời gian sắp tới em không biết phải làm gì để khoả lấp được nỗi nhớ anh?”

Tôi đùa::

“Thì em “cứ đợi anh về ” như trong tuồng cải lương là xong có gì đâu.”

“Nhưng lỡ em không đợi được thì sao?”

“Em cứ việc lấy chồng là yên chuyện.”

“Em không đuà với anh nữa”

Rồi nàng tuyên bố:

“Em đợi không được em sẽ tìm đến nơi mà anh sẽ đến.”

Tưởng nàng nói cho suông miệng. Không ngờ tháng 1/75 đơn vị tôi đang trấn giữ đèo An Khê, Bình Ðịnh với nhiệm vụ ngăn chận sư đoàn 320 cuả Cộng Sản Bắc Việt từ mật khu An Trường cắt quốc lộ 19 nối liền PleiKu – Qui Nhơn. Giữa lúc hai bên đang ghìm nhau để thăm dò ý đồ chiến thuật cuả mỗi bên thì Ðành từ Ninh Hoà ra thăm tôi. Nhìn nàng bơ phờ hốc hác lặn lội đường xa, sự xúc động khiến tôi nghẹn ngào. Nàng ở với tôi một tuần và cho tôi tất cả, kể cả tuổi thanh xuân mà hai đưá tôi cùng giữ gìn. Biết sao hơn, cả hai chúng tôi cùng ích kỷ trong tình yêu mà chiến tranh thì khốc liệt sẳn sàng chia cắt bất cứ lúc nào. Những buổi sáng, sau một đêm biết mình còn sống, tôi và nàng ngồi trên đỉnh đèo nhìn xuống đường 19 sâu thẳm chạy ngoằn ngoèo như một con rắn nhỏ. Buổi sáng ở đó, sương mù bao phủ đầy cánh rừng phiá dưới giống như mây bay trong truyện cổ tích. Tôi và nàng như là đang ở trên mây. Nếu không có chiếc áo jacket nhà binh quấn chung quanh người nàng cho đỡ lạnh và trên người tôi không trĩu nặng hai cấp số đạn trong tư thế sẵn sàng tác chiến thì tôi cứ ngỡ tôi và nàng đang ở một thế giới khác, thật bình yên, không chết chóc, không có chiến tranh và thù hận. Khi mặt trời vưà ló dạng ở phiá đông, chim rừng đã thi nhau ca hát. Tôi choàng tay qua vai Ðành, nàng nép mình trong lòng tôi bé nhỏ. Tự lúc đó tôi biết rằng hồn tôi vĩnh viễn không thể thiếu nàng.

Áp lực chiến sự càng lúc càng nặng. Trước tình hình dầu sôi lửa bỏng, đơn vị tôi có thể di quân bất chợt. Tôi năn nỉ hết sức nàng mới chịu về. Chiếc xe Dodge cuả đại đội đưa nàng trở lại thị trấn Bình Khê. Khi chiếc xe nhà binh cũ kỹ lăn bánh, nàng nắm chặt lấy tay tôi, đôi mắt mở to ngơ ngác. Nàng cố thu hết hình ảnh cuả tôi lần cuối cùng trước khi bịn rịn thả tay tôi ra. Tôi ráng nhoẻn miệng cười méo xẹo để nàng yên tâm. Ðôi mắt đó đã làm tôi choáng váng, không khóc nhưng sao long lanh như ngấn lệ. Nhìn vào đôi mắt nàng tôi thấy mình sao quá đỗi hiu hắt cô đơn.

Chàng chạm mặt cô gái ở lối vào Apartment một cách cố ý:

“Chào cô bé”

Cô gái đang suy nghĩ điều gì, giật mình mở to đôi mắt hốt hoảng:

“Ồ my god, chào chú.”

Thoáng một cái, chàng thấy mình biến thành hai người đứng trong lòng đen đôi mắt cô gái. Trong khoảng thời gian một phần ngàn tích tắc, chàng chợt rùng mình. Chàng tình cờ bước vào đôi mắt đó, mà cả chính chàng và cô gái không hề hay biết. Cô gái hỏi chàng:

“Chú đi đâu thế?”

Chàng thật thà:

“Chú đâu có đi đâu. Chú cố tình đụng đầu với cô bé để làm quen. Bởi vì hình như chú đã từng gặp cô bé ở một nơi nào mà chú không nhớ nỗi “

Sợ cô gái hiểu lầm với lối tán gái cũ rích, xưa như trái đất, chàng thêm:

“Chú nói thật đó”

Cô gái cười:

“Cháu đâu có nói chú dối đâu. Hay là mời chú ghé lại phòng cháu chơi.”

“Cô bé không ngại à?”

“Ngại gì. Cháu sống một mình, quen được chú, thêm một đồng hương nơi xa lạ này cũng là một điều hay.”

Phòng của cô gái ngăn nắp, sạch sẽ không giống như cái ổ chuột của chàng. Chàng hỏi:

“Cô bé ở một mình?”

“Không, với một người bạn gái nữa”

“Thế cô bạn đâu rồi?”

“Nó nghỉ vacation về Florida thăm gia đình rồi”

“Còn gia đình cô bé?”

“Ðây này…”

Cô gái chỉ chung quanh căn phòng

“Không, ý chú muốn hỏi về ba mẹ”

Mặt cô gái thoáng buồn:

“Cháu không có ba mẹ”

Sợ vô tình khơi lại một nỗi niềm thầm kín nào đó cuả cô gái, chàng lúng túng:

“Ồ… cho chú xin lỗi, chú không cố ý.”

” Không sao đâu, cháu quen rồi. Còn chú?”

Chàng đùa:

“Chú cũng vậy, chú không có ba mẹ. Chú ở một mình”

“Ý cháu muốn hỏi vợ con chú kìa”

“Chú mồ côi vợ từ lâu lắm rồi”

“Thế ai bảo lãnh chú qua đây?”

” Không ai bảo lãnh hết. Chú đi theo chương trình HO. Khi phỏng vấn chú ghi danh theo kiểu con bà phước. Chính phủ Mỹ đưa chú qua đây dưới sự bảo trợ cuả hội thiện nguyện địa phương.”

Chàng sợ cô gái không hiểu con bà phước là gì, chàng giải thích:

“Con bà phước nghĩa là tứ cố vô thân đó cô bé”

Cô gái nhìn chàng thương hại:

“Như vậy, đứng về một phương diện nào đó, hoàn cảnh của hai chú cháu mình giống nhau.”

Kết quả những ngày ở với tôi trên đỉnh đèo An Khê, Ðành mang thai. Ðầu tháng 3/75 Tiểu đoàn trưởng cấp cho tôi ba ngày phép đặc biệt để về Ninh Hoà cưới vợ. Thị trấn hiền lành này cuả những ngày tháng 3/75 sống trong tình trạng lo âu hốt hoảng. Ban Mê Thuột mất, phòng tuyến đơn vị Dù trấn giữ Khánh Dương tan vỡ. Cộng Sản Bắc Việt đang theo quốc lộ 21 tiến quân về Nha Trang. Tất cả dân Ninh Hoà gởi gấm niềm tin vào sự chiến đấu cuả các trung tâm huấn luyện Ðặc khu Dục Mỹ. Tôi cưới vợ trong cơn hấp hối cuả chính quê hương mình. Trước ngày trở lại đơn vị, tôi ngồi với nàng suốt đêm bên bờ sông Dinh để chờ trời sáng. Dòng nước đen xanh dưới những chòm sao lấp lánh, thấp thoáng một vài đám lục bình trôi dật dờ không biết giạt về đâu giữa cơn bão nổ hưá hẹn đổ ập xuống vùng đất hiền lành. Nàng hỏi tôi:

“Khi nào chiến tranh kết thúc hả Tấn?”

“Anh làm sao biết được. Anh chỉ là người lính chiến đấu theo lệnh. Nhưng anh nghĩ Ninh Hoà là ngã ba giao liên giữa hai quốc lộ 1 và 21. Ðó là hai quốc lộ chính huyết mạch để phòng thủ Nha Trang, bất cứ giá naò cũng phải giữ không thể mất. Mà thôi, em đừng thèm nói chuyện chiến tranh nữa, nói chuyện mình đi. Anh chỉ còn ở với em vài tiếng đồng hồ thôi.”

Giống như trăm ngàn đàn bà con gái trên cõi đời này, nàng ngả đầu trên vai tôi khi nói về tương lai:

“Anh thích con mình là con trai hay con gái?”

“Con gái giống hệt em”

“Em thích con trai. Con gái cứ phải hồi hộp đợi chờ cả đời, khổ lắm. Con trai bay nhẩy đây đó khỏi phải bận tâm. À này, con mình ra đời anh đặt tên nó là gì”

“Em chọn đi”

“Không, cho anh chọn trước”

Tôi đâu nghĩ một lúc nào đó mình sẽ có con, nên hơi mắc cỡ. Nhưng thấy nàng tha thiết đến nghiêm trang, tôi đề nghị:

“Hay là em chọn tên con trai, anh chọn tên con gái”

“Cũng được”

Như đã có chủ ý từ trước, nàng dứt khoát:

“Nếu là con trai em sẽ đặt tên cho nó là… Ðăng Quang. Ðến phiên anh”

“Anh à… Nếu con gái anh đặt tên cho nó…”

Bây giờ đang là cuối xuân, nhưng quê tôi đã là chớm hạ. Bởi cây sầu đông ven sông, những cánh hoa li ti bắt đầu rụng để kết nụ thành trái. Tôi nhìn những cánh hoa nhỏ xíu trắng loang loáng trên mặt nước, không khí thật yên lành như thể chiến tranh đã dừng chân ở một nơi nào xa lơ xa lắc.

“Anh sẽ đặt tên cho con là Uyên Hạ”

Tôi giải thích thêm:

“Uyên là đôi uyên ương giống hai đưá mình. Hạ là muà Hạ, cái muà con mình được tạo nên hình dáng. Em đồng ý không?”

“Nghe hơi caỉ lương, nhưng em đồng ý”

Tôi đưa ngón tay trỏ ra móc ngoéo với nàng. Ðành chỉ vào đám lục bình trên sông:

“Cuối cùng nó sẽ về đâu anh nhỉ?”

“Ra cưả biển. Tất cả đều ra cưả biển”

Nàng thì thầm:

“Biển, đó là nơi đến cuối cùng. Sóng lặng yên lành hay bão tố. Trong chiến tranh kiếp sống cuả một con người đâu khác gì đám lục bình trôi bềnh bồng trên mặt nước.”

Sáng hôm sau tôi trở lại đơn vị trên chiếc xe đò trống trơn. Bù lại, ngược chiều là những chiếc xe chật ních người. Dân chúng miền Trung bắt đầu di tản về các tỉnh phiá Nam. Trên báo chí hình ảnh cuộc tháo chạy khỏi Pleiku theo liên tỉnh lộ 7 cuả quân đội đã gây sự bất ổn cho mọi người. Pleiku bỏ trống, đèo An Khê trở thành tiền đồn chính để giữ vùng duyên hải trên quốc lộ 19. Việt Cộng pháo kích như mưa vào thị trấn Bình Khê trước khi ào ạt xua quân chiếm lấy. Ðơn vị tôi bị bao vây trở thành ốc đaỏ không ai ngó ngàng đến. Chúng tôi không còn cấp chỉ huy và hậu cứ, đành phải tan hàng. Chúng tôi chia nhau từng toán nhỏ xé rừng thoát thân số mạng giao cho hên xui may rủi. Khi về đến Qui Nhơn, không thể nào diễn tả nỗi tuyệt vọng cuả tôi khi thị xã không bóng người. Tiểu Khu Bình Ðịnh và Bộ chỉ huy Cảnh Sát đang còn ngùn ngụt cháy. Hai cơ quan quyền lực nhất tỉnh bị mất bởi những tên du kích điạ phương không đáng một đồng xu bát gạo. Những tên không đáng một đồng xu bát gạo đó khi nghe chúng tôi còn kẹt lại Quân y viện Qui Nhơn đang tìm cách thoát ra biển đã tặng chúng tôi khoảng 10 trái súng cối 82 ly trước khi bao vây bắt loa kêu gọi chúng tôi đầu hàng. Ngày 31/3/75 lợi dụng trời đang chạng vạng tối, tôi và một thằng nữa vưà bò vưà lết ra bờ biển. Chúng tôi bò lết trong trạng thái vô thức, vô tri giác, bò không biết về đâu, làm gì, trong khi tứ bề thọ địch. Ðang bò bỗng thằng bạn cắm đầu về phiá trước. Tôi chưa kịp đưa tay ra đở thì nghe tiếng hét lanh lảnh:

“Giơ tay lên. Ðứng dậy”

Tôi ngoan ngoãn đưa tay lên khỏi đầu thật hiền lành. Suốt mấy ngày gần như không ăn uống thêm sự lo âu không biết bị bắt lúc nào đã khiến thần kinh tôi căng thẳng muốn nổ tung. Giờ bị bắt tư ïnhiên tôi thở phào nhẹ nhõm. Biển rì rào bên cạnh. Tôi hít một hơi thật dài, khẻ nhắm mắt để lắng nghe một tiếng nổ thật bình thản. Tiếng hét lúc nãy lại vang lên:

“Một tay để trên đầu, một tay tháo giày ra mau.”

Khi tôi vừa buông đôi giày, hai thằng xông đến. Bằng tất cả sức vũ phu sẵn có, chúng kéo giật hai khuỷu tay tôi ra đằng sau, dùng dây dưà trói chặt, tàn bạo không tiếc ngọc thương hương chút nào. Ðầu mũi súng chọt mạnh vào ngực tôi đau điếng:

“Ði..”

Tôi nhẹ nhàng đi trên biển, gió từ ngoài khơi thổi vào mát rượi. Lần đầu tiên được đi chân trần sau mười ngày đôi giày không cởi, ngay cả trong giấc ngủ, tôi có cảm tưởng mình đang đi trên nhung. Cát biển mịn dưới chân về đêm âm ấm chui vào từng kẽ ngón. Biển khiến tôi chợt nhớ có lần hưá với Ðành khi nào về phép sẽ đưa nàng đi dạo biển Nha Trang về đêm. Chuỗi ngày sau đó dưới mũi súng cuả những tên Việt Cộng trẻ con đầu óc đã được nhồi sọ chất đầy căm thù, đám tàn quân chúng tôi áo quần tơi tả hằng ngày phải bươi móc, dọn dẹp từng đống gạch đổ nát ở Quân y viện Qui Nhơn, đem từ trong đó những xác người mà đầu, mình, tay chân không còn nguyên vẹn. Những xác người này mới đây thôi còn là chiến hữu chia xẻ âu lo về số phận cuả một con người giữa cơn bão lửa. Nay họ đã bình thản ra đi về cõi vĩnh hằng. Dù uất ức, nhưng ít ra không còn phải bận tâm lo nghĩ một điều gì. Giống như lăn bột những con tôm trước khi cho vào chảo dầu, xác người chết được tẩm đầy vôi trắng trước khi vứt xuống một cái hố đào sẵn. Hơn 30 đồng đội bất hạnh được chôn còn thua một con chó ghẻ. Những đôi mắt mở trừng trừng không chịu nhắm lại dù tôi cố lén đưa tay vuốt mắt từng người. Những đôi mắt ngửa thao láo nhìn lên bầu trời dường như vẫn còn hy vọng tận cuối phương trời phiá Nam những chiếc máy bay xuất hiện như một kỳ tích để phản kích lại đối phương như mọi lần trước đó. Bây giờ là đầu tháng Tư những chiếc loa hàng đêm trong trại giam ra rả hét ỏm tỏi vào tai về những chiến thắng bất ngờ dễ dàng ngoài dự trù mơ ước cuả chúng trên đường tiến quân về Sài Gòn. Những hy vọng mơ hồ cuả chúng tôi trở thành tuyệt vọng hoàn toàn.Nhưng tôi vẫn phải sống vì tôi không được chết. Nói cho đúng hơn, tôi thèm sống một cách tuyệt vọng lạ lùng.

Bọn chúng vẫn khai thác hàng ngày trên xác thân ốm yếu càng lúc càng tàn tạ này bằng mọi kiểu. Tôi là một người lính bại trận không còn gì để nói, cho nên bọn chúng xem tôi là một tên ngoan cố, cứng đầu. Ðể tránh đau đớn cuả mỗi lần tra tấn mà da thịt tôi dù thiếu ăn đói khát vẫn còn cảm nhận, đêm đêm trước mỗi ngày chúng dẫn tôi từ phòng biệt giam ra để hỏi cung, tôi tự diệt sức lực còn sót lai cuả mình bằng cách thủ dâm. Chỉ có cách đó mới đối phó với những ngọn đòn thù cuả bọn chúng. Tôi muốn mình không còn đủ sức để tỉnh khi ngọn đòn tra tấn đầu tiên phủ lấy lên người. Trước khi chìm vào cơn mê loạn, hình bóng cuả Ðành hiện về nhức nhói đến buốt da. Tôi liên tưởng đến nàng, vì nàng là cứu cánh trong tâm hồn và thể xác khô cằn này. Khi thể xác cuả tôi bất chợt rung lên những khoái cảm đớn đau đến nghẹt thở, tôi gọi tên nàng mà không khóc được, bởi cơ thể không còn năng lượng để tạo ra nước mắt.

Vì tôi cứng đầu nên bọn chúng đã biệt giam tôi suốt năm năm trời không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Sau này tôi mới biết rằng những năm này Ðành cố gắng tìm tôi nhưng tôi vẫn biệt tích, vì thế nàng đinh ninh rằng tôi đã chết. Nàng chọn ngày 31/3 là ngày Qui Nhơn bị mất để làm đám giỗ cho tôi, và xem ngôi mộ tập thể ở Gành Ráng là nơi tôi yên nghỉ. Mười năm biệt xứ từ trại tập trung cải tạo tôi được thả về. Tôi trở lại con xóm nhỏ ven sông thị trấn Ninh Hoà ngày xưa. Cảnh cũ đã không còn. Căn nhà tranh nơi nàng nằm trải tóc tuổi thơ, bão tố năm nào không làm sụp đổ, nay giặc về chỉ còn là mô đất trống với cỏ dại mọc bao quanh. Cây sầu đông nơi đêm cuối cùng ngồi bên nàng trước ngày trở lại đơn vị đã bị chặt ngang lưng. Cạnh đó là đầu cuả một con đập bằng tre chắn qua sông. Rác rưới phiá trên dòng không lối thoát vướng vào hàng cây chắn ngang cứ dật dờ, dật dờ làm cho màu nước thêm đục ngầu. Những điều tôi biết về nàng rất ít. Chỉ biết sau khi mất nước, nàng sinh con gái, và khi chắc chắn tôi đã chết không còn hy vọng sống sót trên cõi đời này, nàng đã ẵm con đi đâu không rõ. Sau có người nói là nàng đã vượt biên, toàn thể chiếc ghe đều chết chìm trên biển. Tôi đứng trên thành cầu nhìn xuống dòng sông. Con đập làm dòng nước lặng lờ không muốn chảy. Phải chi tôi còn nước mắt để nhỏ xuống con sông, những giọt nước mắt sẽ làm đầy con nước, để tất cả khổ đau cuốn phăng ra biển để gởi đến vợ con tôi. Con đập chắn ngang dòng sông nơi kỷ niệm giống như vết dao chặt ngang thân xác này mà không chảy máu. Mười năm,… tù tội đã biến bên ngoài hình dáng tôi thành một con người khác, nhưng bên trong những nỗi khổ đau không thể nào phai dù năm tháng có chất chồng dày dày lớp lớp. Vì nàng đã bất diệt trong tôi.

Chàng hỏi cô gái:

“Hoàn cảnh chú và cô bé giống nhau ở điểm nào?”

“Cháu từ đảo qua đây cũng theo diện con bà phước giống như chú.” Nhìn bên ngoài cô gái gần như là Mỹ hóa, chàng không tin cô gái nói thật. Tuy thế chàng vẫn tò mò:

“Cô bé có thể kể cho chú nghe tại sao cô bé không có ba mẹ hay không?”

Cô gái tỉnh bơ:

“Tại vì ba mẹ cháu đã chết”

“Ồ…cho chú xin lỗi”

“Không sao đâu chú.”

Cô gái buồn buồn. Hình như có một hấp lực nào đó xui khiến chàng buột miệng:

“Kể cho chú nghe về ba mẹ đi”

Cô gái khẽ gật đầu rồi ngồi yên. Chàng đưa mắt thử xem con nhỏ tiếp tục làm gì. Bỗng nhiên khuôn mặt Cô gái xa xăm nhìn ra cửa:

“… Mẹ nuôi tôi trong nỗi nhớ thương người chồng đã mất, chất chồng và áp bức chung quanh. Ðối với xã hội hiện tại, mẹ con tôi chỉ là những cọng rơm khô được hiện hữu bên lề. Tôi vô tư và cầu mong mình yên lành như vậy, miễn cạnh tôi lúc nào cũng có mẹ bao bọc chở che. Nhưng chính quyền lại không muốn như thế, họ muốn đốt cháy luôn cọng rơm bé nhỏ này, bởi không gian đất trời đã là tài sản mà suốt 30 năm họ cố chiếm cho bằng được bằng mưu đồ gian manh. Ba tôi khi còn sống là lính, một trong những lý do đã ngăn chận phần nào thời gian sớm hơn ý đồ cuả họ. Cho nên khi chiến thắng chuyện rửa hận họ ngồi tính sổ là chuyện đương nhiên. Căm thù trút lên đầu mẹ tôi, người đàn bà trở thành goá buạ ở tuổi hai mươi. Mẹ tôi 20 tuổi với bào thai 5 tháng còn nằm trong bụng. Mờ tinh sương đã thức dậy tảo tần đón những gánh rau cuả dân làng ven thị trấn, để sáng đem ra chợ ngồi bán. Kiếm sống theo nhu cầu sinh tồn lại thường xuyên bị kết tội là chây lười lao động, quen thói ngụy ăn bám hút máu nhân dân. Mẹ tôi là một trong những đối tượng bị kiểm điểm phê bình hằng đêm bởi những tội lỗi mà ngay bản thân mẹ không hiểu được. Nhan sắc cuả một goá phụ ở tuổi 20 giống như một bông hoa đang nở, thêm một lý do để đám cường quyền cấp hạ tầng cơ sở đóng vai anh hùng cứu mỹ nhân, gia ân bố thí để mong đòi hỏi một giây phút ngã lòng nào cuả người thiếu phụ cô đơn. Mẹ âm thầm chịu đựng, luồn lách tránh né, cầm cự qua ngày để mong sinh được tôi ra, dạy dỗ tôi nên người. Trong lòng mẹ, tôi là chứng tích kết hợp bởi máu và tim từ một mối tình bất tử. Mẹ vẫn âm thầm hy vọng trong một nhiệm mầu ba tôi vẫn còn sống trên thế gian này để mà trở lại. Nhưng thực sự ba tôi đã chết. Mẹ kể ở năm tôi lên 8 tuổi, cái tuổi chưa thấu hiểu nổi chuyện đời, nhưng có thể ghi nhận được những gì mà mình không thể nào quên. Mẹ kể vào một ngày cuối tháng 3, khi chiến tranh kể như chấm dứt tại thị xã Qui Nhơn thì ba tôi đã nằm xuống trong tư thế cuả một người chiến bại. Ðối với kẻ chiến thắng, đó là cái chết tất yếu cuả một tên làm tay sai Mỹ ngụy đầy nhục nhã. Nhưng đối với mẹ, ba là một anh hùng vì người đã nằm xuống trên mảnh đất mà người có nhiệm vụ cầm súng để bảo vệ. Ba tôi đã chiến đấu cho đến phút cuối cùng không hề bỏ chạy như một số người. Ba đã chiến đấu chống lại cái phi nhân, bất nghĩa mà hôm nay mọi người đã thấy. Ba tôi không thành công vì ngươi là lính chịu chung số phận nghiệt ngã theo một qui luật, nhưng ba đã thành nhân, ít nhất ra đối với mẹ và sau này là tôi. Tám tuổi, một đêm mưa buồn trong túp lều tranh xa xôi quê nhà, mẹ ôm tôi vào lòng kể lại chuyện tình giữa ba với mẹ. Mẹ kể có những buổi sáng mây mù bao quanh trên đỉnh đèo An Khê, mẹ dựa vào vai ba bềnh bồng trên mây. Ba vững như ngọn núi để mẹ là mây quanh năm bao phủ. Mẹ chỉ con đập chắn ngang dòng sông trước nhà, mẹ nói nơi đó trước đây có một cây sầu đông. Ðêm cuối cùng ba ngồi với mẹ nhìn những cánh hoa sầu đông nhỏ xíu lăn tăn gợn trên mặt nước để đặt tên tôi. Có một thoả ước giữa ba và mẹ, mẹ đặt tên con trai, ba đặt tên con gái. Khi ra đời vì tôi là con gái nên thừa hưởng cái tên do ba để lại như một di sản của người. Tôi còn nhớ có lần mẹ dẫn tôi đến biển, mẹ nói đây là Gành Ráng, mẹ chỉ mô đất, một lùm cây nhỏ đúng hơn, mẹ bảo đấy là ngôi mộ mà người ta đã vùi xác ba cùng tập thể hơn 30 đồng đội cuả người. Mẹ nói những người đã chết trong lúc bất ngờ không thể nào nhắm mắt. Mẹ còn nói đời mẹ giống như những đám lục bình bập bềnh trên dòng sông quê nhà. Tất cả cuối cùng đều ra biển để phó thác cho may rủi. Thế rồi mẹ quyết định ra đi.”

Cô gái xuất thần tiếp tục nói với khoảng không trước mặt, gần như chẳng hề biết có chàng đang ngồi bên cạnh. Cơ hồ như nếu không có chàng, cô gái vẫn có thể nói một mình, nói với chính mình nỗi đau chất chứa bao năm. Còn chàng, những giọt nước mắt tưởng đãkhô cạn bao năm trong quá khứ đắng cay, trong hiện tại phũ phàng, trong tương lai muôn trùng bỗng nhiên rơi đầy khuôn mặt.

“Ngày thứ 15 lênh đênh trên biển vì lạc hướng đi, mọi người trên thuyền chỉ còn biết mong chờ phép lạ. Trong cơn nguy nan tâm lý chung người ta thường cầu xin đấng thiêng liêng vô hình thương xót. Thượng đế, hoặc là không có thực, hoặc là những người trong chuyến đi nặng đầy nghiệp chướng, cho nên đáp những lời cầu xin bi thương đó biển đem lại cho họ một lũ người dã man hung dữ còn hơn loài cầm thú. Những tên ác nghiệt này giật mạnh tôi từ trong tay mẹ vứt vào góc thuyền. Mẹ hét lên trong phản xạ cuả một con cọp cái bị cướp mất đứa con, nhào tới cào cấu cố dành lại được tôi. Mẹ mạnh mẽ phi thường trong tim óc, nhưng thể xác mẹ yếu đuối mỏng manh. Một tên đập báng súng vào mặt mẹ, tôi nghe tiếng súng nổ và mẹ rơi xuống biển. Tôi chỉ biết thét lên hãi hùng. Sau đó tôi ngất lịm không còn biết gì nữa. Sau này tôi được biết tôi là một trong năm xác chết còn sống bị bỏ sót lại trên ghe mà người ta cứu được. Tôi đã mất thời gian bao năm tháng để lấy lại quân bình, và cứ thế tôi lớn lên đầy muộn phiền trong trại tị nạn Bidong Mã Lai cho đến khi được một gia đình từ tâm bên Mỹ nhận bảo trợ để qua đây… Hiện tôi đang sống bình thản như một người đã chết, còn những người đã chết thì đang sống muôn đời trong tận cùng nỗi đớn đau mà tôi ấp ủ.”

Cô gái ngừng nói. Tự nhiên cô nhoẻn miệng cười đưa chiếc khăn tay lên chậm chậm hai con mắt của mình. Ở đó là những giọt lệ long lanh:

“Cháu bỗng dưng bắt chú nghe chuyện của cháu, kỳ ghê. Nhưng cháu cũng không hiểu sao ở chú dường như có một cái gì khiến cháu cầm lòng không nổi. Một cái gì đó đã gây cho cháu vô cùng xúc cảm.”

Chàng không trả lời cô gái, chàng chỉ hỏi một điều gần như lạc đề:

“Cô bé có còn giữ tấm hình nào cuả mẹ hay không?”

“Dạ còn, chú muốn xem à?”

Chàng gật đầu. Cô gái đứng dậy lục trong xách tay, lấy đưa cho chàng một tấm hình đen trắng. Tấm hình đã muốn ố vàng vì thời gian năm tháng. Trong hình một người đàn bà khoảng 24, 25 tuổi đứng gần bên một đưá bé gái. Sau lưng là căn nhà tranh, một bên chái quỵ hẳn xuống được chống lên bằng cây nạng gỗ. Căn nhà trông giống như một phế binh lạc loài cô đơn.

“Ðây là mẹ cháu. Ðưá bé gái này là cháu lúc đó lên năm tuổi.”

Người đàn bà mái tóc cắt ngắn, không còn dài như xưa, nhưng khuôn mặt kia làm sao chàng quên được. Khuôn mặt đó đã tan thành máu nuôi cơ thể chàng suốt bao năm. Chàng hốt hoảng quay sang nhìn cô gái. Lúc này chàng mới phát giác ra rằng: mái tóc đó, khuôn mặt đó, đôi mắt đó, vóc dáng đó là của Ðành hai mươi năm về trước. Thảo nào khi gặp cô gái chàng đã có cảm giác thân quen như đâu từ muôn kiếp.

Thật giản dị, tại sao mãi đến giờ phút này chàng mới biết được? Chàng cũng chợt nhớ, từ lúc quen cô gái đến giờ chàng vẫn chưa có dịp hỏi tên. Giờ thì chàng hỏi mà giống như kiểm chứng, xác nhận một điều:

“Cô bé có phải tên là… Uyên Hạ?”

Cô gái ngạc nhiên gật đầu, chàng tiếp:

“Mẹ cô bé tên… Ðành?

Lần này thì cô gái thảng thốt:

“Tại sao?….Tại sao chú lại biết tên mẹ cháu?”

Giống như vừa kéo xong một bi thuốc lào vào buổi sáng bụng trống, chàng nói trong cơn say dật dờ choáng váng như là nói cho riêng mình đã trở thành một hồn ma hiện về báo mộng:

“Vì sao à?…Vì tấm hình này là hình của vợ con ta. Vì mái tranh nghèo đổ nát phía sau là chứng tích nơi ta đã từng đến đó, từng ở đó từ những năm tháng còn thơ. Trước mặt còn có một dòng sông, lần cuối ta ngồi bên ai vào một đêm tối trời để đặt tên cho con là Uyên Hạ. Và bởi vì ta là người lính thua trận mà hai mươi năm về trước, mẹ con tưởng rằng ta đã chết.

Quan Dương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả